CHÚA CHA (CN 7 PS.A).

Thứ tư - 28/05/2014 22:06

CHÚA CHA (CN 7 PS.A).

Trong đoạn phúc âm hôm nay, chữ ‘Cha’ được lập đi lập lại 28 lần. Một trong ba mầu nhiệm quan trọng nhất trong Đạo, đó là một nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng cha biết về Cha.
 
(Tđcv 1, 12-14; 1Petr 4, 13-16; Ga 17, 1-11a).
 Chúa Cha của Chúa Giêsu và là Cha của tất cả chúng ta. Trong các bản dịch Kinh Thánh, các tác giả đã dùng nhiều từ khác nhau để nói về Chúa Cha: Đấng Tạo Hóa, Thượng Đế, Đấng Tự Hữu, Đức Chúa, Đức Chúa Trời, Thiên Chúa, Thiên Chúa Cha, Chúa Trời…Trong sách Giáo Lý đã dạy rằng: Đức Chúa Trời là Đấng tự hữu, thiêng liêng và hằng có đời đời. Thiên Chúa đã mạc khải chính mình cho ông Moisen: Ta là Đấng tự hữu. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta trong Kinh Lạy Cha: Lạy Cha chúng con ở trên trời… Đôi khi Chúa Giêsu dùng từ thân thương này để cầu nguyện với Chúa Cha: Abba, lạy Cha.
Thiên Chúa là ai? Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng không ai thấy được. Người ở khắp mọi nơi và thông biết mọi sự. Là Đấng cầm quyền sinh tử và sáng tạo mọi loài từ không ra có. Thiên Chúa sáng tạo thế giới để biểu lộ và thông ban vinh quang của Người. Các thụ tạo được chia sẻ Chân, Thiện, Mỹ của Người: đó chính là vinh quang mà Thiên Chúa muốn sáng tạo muôn loài (Glcg. 319). Thiên Chúa quan phòng sắp đặt mọi sự cách khôn ngoan và đầy yêu thương để đưa thụ tạo tới mục đích cuối cùng của chúng (Glcg. 321). Tác giả của thơ gởi Do-thái đã viết: Thuở xưa, nhiều lần và nhiều cách, Thiên Chúa phán dậy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật nuôm loài (Dt 1,1).
Chúa Giêsu đã dẫn chúng ta đến với Chúa Cha. Khi Philip hỏi Chúa Giêsu: Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện. Đức Chúa Giêsu trả lời: Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy… (Ga 14,8.11). Một mầu nhiệm rất cao siêu nhưng lại rất gần gũi. Chúng ta không thể tưởng tượng và không hề thấy, vì vượt quá sự hiểu biết của con người. Chúng ta là con người sống giới hạn trong không gian và thời gian. Tâm trí của chúng ta rơi vào biển cả mênh mông không bến bờ. Mọi giác quan cũng bị giới hạn bởi không gian. Mắt không thể nhìn thấu mọi sự. Tai không thể nghe mọi âm thanh. Mũi không thể ngửi mọi mùi vị. Con người tự giới hạn trong một nơi và sống một thời. Khi đối diện với những mầu nhiệm cao siêu, chúng ta hãy khiêm tốn suy nghĩ và học hiểu. Chúng ta không thể phủ nhận những điều mà chúng ta chưa từng nghe, chưa từng học hỏi và tìm hiểu.
Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa đã hạ thân làm người cư ngụ giữa chúng ta. Một Thiên Chúa thiêng liêng quyền phép vô cùng nhập thể trong thân phận một con người. Chúa Giêsu luôn kết hợp với Chúa Cha trong tâm trí và lời cầu nguyện: Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và nói: Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy làm vinh hiển Con Cha, để Con Cha làm vinh hiển Cha (Ga 17, 1). Sự chúc tụng tôn vinh của con người không làm Thiên Chúa được vinh hiển hơn, nhưng lời chúc tụng sinh ích lợi cho chính con người. Thiên Chúa sáng tạo và quan phòng vũ trụ muôn loài nhưng đặc biệt với con người, Thiên Chúa đã ưu ái ban chính Con Một Mình xuống trần để cứu độ. Chúng ta không thể thấu hiểu được tình yêu cao vời và vô điều kiện mà Thiên Chúa đã ban cho loài người. Con người là chi, mà Chúa để mắt trông nom. Thật tuyệt vời khi chúng ta gẫm suy về tình yêu trong mầu nhiệm ơn cứu độ Chúa đã dành cho chúng ta.
Trước khi có thế gian, Thiên Chúa vẫn hiện hữu. Tâm trí của chúng ta dừng tại đây, vì chúng ta không thể vượt ra ngoài thời gian. Chúa Giêsu hiện hữu từ đời đời trong sự vinh hiển: Giờ đây, lạy Cha, xin hãy làm cho Con được vinh hiển nơi Cha, với sự vinh hiển mà Con đã có nơi Cha, trước khi có thế gian (Ga 17, 5). Sự vinh hiển của Chúa Con là hoàn tất sứ mệnh Chúa Cha đã trao. Ngài đã chiến thắng sự chết và tội lỗi. Chúa Kitô đã giải thoát con người khỏi mọi ràng buộc của ma quỷ và dẫn dắt con người vào hưởng niềm hoan lạc trường sinh trong Nước Chúa. Tin vào mầu nhiệm sự sống và ơn cứu độ là cùng đích của cuộc đời. Qua ân sủng của Bí tích Rửa Tội, nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúng ta được mời gọi tham dự vào sự sống của Ba Ngôi diễm phúc, ở đời này trong bóng đêm đức tin và sau khi chết trong ánh sáng muôn thuở (Glcg. 265).
Đặt niềm tin tưởng vào Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết, niềm hy vọng của chúng ta phải được thôi thúc bằng việc cầu nguyện và các việc lành phúc đức. Ngay từ buổi sơ khai của Giáo Hội, các tín hữu đã quây quần cầu nguyện: Mọi người đều đồng tâm nhất trí cầu nguyện, cùng với mấy người phụ nữ, và bà Maria, mẹ Chúa Giêsu, với các anh em Người (Tđcv 1, 14). Cầu nguyện là hướng lòng lên với Chúa, kết hợp với nhau và cùng chia sẻ tình yêu thương bác ái. Chúng ta không thể cầu nguyện sốt sáng khi tâm hồn còn nặng trĩu sự tranh đua, đố kỵ hay thù hành ghen ghét. Chúng ta đến với Chúa với lòng thanh thản nhẹ nhàng và tin yêu phó thác. Chúa từng khuyên dạy chúng ta rằng nếu con còn mối bất hòa với anh em, hãy để của lễ đó, về giao hòa với anh em trước rồi đến dâng của lễ. Khi đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta xin Chúa tha nợ của chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Cầu nguyện và thực hành, tâm hồn chúng ta sẽ được bình an.
Thánh Phêrô đã khuyến khích các tín hữu hãy kiên trì trong niềm tin vào Đức Kitô, dù có bị thiệt thòi, đau khổ và bị hãm hại. Vì danh Chúa Kitô, anh chị em hãy vui mừng. Đó là thái độ tích cực của các tín hữu. Chúng ta lắng nghe tin mừng, rao giảng tin mừng, cho nên chúng ta cần phải mừng vui. Sống vui mừng chính là nhân chứng cho niềm hy vọng vào Chúa Kitô phục sinh. Thánh Phêro viết: Được thông phần vào các sự thống khổ của Chúa Kitô, anh em hãy vui mừng, để khi vinh quang của Người được tỏ hiện, anh em sẽ được vui mừng hoan hỉ (1Petr 4, 13). Chúng ta vui mừng vì Chúa Kitô là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Chúa Kitô sẽ đưa dẫn chúng ta đến tới Chúa Cha là nguồn mọi ân sủng.
Chúng ta vui mừng chấp nhận thánh giá và chấp nhận đau khổ vì danh Chúa Kitô. Nhưng những đau khổ tù đầy do sự yếu đuối của chúng ta bởi các việc làm xấu, tội lỗi và gian tà thì không xứng đáng. Chúng ta cố gắng giữ mình tránh xa những dịp tội và làm gương xấu. Thánh Phêrô khuyên dạy: Ước rằng không ai trong anh em phải khổ vì sát nhân, trộm cướp, gian phi hay là tham lam của kẻ khác (1Petr 4, 15). Người đời thường nói: Ác giả ác báo. Đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Gieo gió gặt bão. Nếu làm tội, chúng ta phải chịu hình phạt. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa nhân từ và công bằng vô cùng, nhưng Ngài sẽ thưởng phạt công minh. Trong cuộc lữ hành trần thế, chúng ta còn có nhiều cơ hội để ăn năn sám hối trở về cùng Chúa và nhận ơn tha thứ. Xin đừng trì hoãn vì Nước Trời đã gần đến.
Lạy Chúa Giêsu, nếu không có ơn Chúa, chúng con không thể làm gì được. Chúa có lời ban sự sống đời đời. Chúa Kitô đã mạc khải cho chúng ta biết về Chúa Cha. Một Chúa Cha yêu thương, gần gũi và đầy lòng thương xót. Xin Chúa thương xót thân phận yếu đuối mỏng dòn và tội lỗi của chúng con. Lạy Chúa, xin thương tha thứ.
 
 
Bronx, New York

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập136
  • Hôm nay26,072
  • Tháng hiện tại456,405
  • Tổng lượt truy cập32,440,128
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây