Hỏi đáp Y học: Chữa bệnh viêm gan B

Thứ hai - 20/06/2016 09:53

Hỏi đáp Y học: Chữa bệnh viêm gan B

Chia sẻ Thính giả Hoàng, ở California, hỏi: “Thưa Bác sĩ, Tôi muốn hỏi rằng trong thời gian tôi bị viêm gan B, tôi uống thuốc Viread do bác sĩ gia đình cho. Mỗi ngày uống một viên. Tôi uống khoảng 3 năm nay rồi.

18.06.2016


Bác sĩ Hồ Văn Hiền.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền.

 

 

Bây giờ đi khám lại, [kết quả] xét nghiệm nói rằng số vi trùng ở trong gan nằm yên, không tăng lên nữa.

[Tôi] có thêm những bệnh khác: mình ngủ đầy đủ, nhưng con mắt nhiều khi tự nhiên cứ sụp xuống, cứ thiếp đi bất cứ lúc nào, thí dụ ngồi trên xe buýt, trong giờ đi lễ, trong đám cưới… nó cứ thiếp đi bất ngờ; rồi lại bị nhiễm trùng đường tiểu, khi đi thử nước tiểu thì bị nhiễm trùng đường tiểu (tức là có một chút xíu máu ở trong đó); rồi móng tay có nhiều sọc.

Tôi có đi mua thuốc dược thảo. Tôi kể với bác sĩ thuốc dược thảo ở bên Texas, thì bác sĩ cho những cái thuốc về để sắc uống. Bác sĩ nói phải sắc 15 thang thuốc. Tôi lấy trước 7 thang, nhưng chưa sắc uống.

Xin hỏi Bác sĩ trong thời gian tôi uống thuốc trị bệnh viêm gan B như vậy, tôi có thể sắc thuốc bắc này uống để trị những cái bệnh vừa kể không?

Ngoài ra, khi trị bệnh viêm gan B như vậy, tôi có thể dùng những loại thuốc dược thảo khác được không? Thuốc dược thảo là những loại thuốc viên mà các đại lý, hay các cơ quan dược thảo bán, như fish oil, thuốc uống tốt về xương, calcium, những thuốc bổ mắt… Tôi có thể uống những loại thuốc dược thảo đó được không?

Xin cảm ơn Bác sĩ."

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

00:00 /24:27
 
Đường dẫn trực tiếp
 
 

Chữa bệnh viêm gan B, buồn ngủ ban ngày, và thuốc thảo mộc

(Hepatitis B treatment, daytime sleepiness and herbal medicines)

Cũng như mọi khi tôi xin nói rõ trước là những nhận xét sau đây chỉ có tính cách thông tin tổng quát, không áp dụng cho cá nhân và không có mục đích giúp thính giả tìm cách tự chữa bệnh.

1. Viêm gan B (hepatitis B) là một loại bệnh nhiễm do siêu vi làm tổn thương gan.

Ở Mỹ có chừng 1,2 triệu người mắc chứng viêm gan B mãn tính và trên một nữa số người này là gốc châu Á. Các khảo cứu ở Mỹ cho thấy người gốc châu Á, trong 100 người có chừng 13 người mang siêu vi gan B trong dòng máu mình (viêm gan B mãn tính/chronic hepatitis B). Virus viêm gan B (HBV) có thể lan truyền từ người này qua người khác qua bằng đường máu (kim chích, dụng cụ phẫu thuật không khử trùng đàng hoàng; dùng dao cạo râu chung; do đường tính dục (sexual transmission), và từ mẹ truyền qua con lúc sanh.

Thuốc Viread (tên thương mãi của tenofovir) được cơ quan quản trị thuốc của Hoa kỳ là FDA chấp thuận (2008) để chữa những trường hợp viêm gan. Thuốc được dùng để trị bệnh viêm gan B mãn tính cho người trên 12 tuổi, cũng như cho người nhiễm HIV (trẻ em từ 2 tuổi trở lên). Thuốc tác dụng bằng cách ngăn chặn một enzyme của siêu vi HBV hay HIV (reverse transcriptase inhibitor of HIV and HBV), không cho virus sinh sản. Các cảnh báo cho người dùng thuốc gồm có:

a. Khả năng bị nhiễm acid lactic (lactic acidosis). Mệt mỏi, nhức, đầu, buồn ngủ có thể là dấu hiệu của lactic acidosis,

b. Ảnh hưởng cơ năng của thận. Hiện diện của các tế bào máu trong nước tiểu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau: sạn thận, viêm thận, u bướu trong đường tiểu mà bác sĩ sẽ tìm hiểu để phân biệt. Nhiễm trùng đường tiểu chỉ là một trong những chuyện có thể xảy ra; và nhiễm trùng cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trách nhiệm của bác sĩ là đi vào nguồn gốc của tình trạng này, ví dụ đề kháng kém, đường chảy của nước tiểu bị nghẽn, sạn thận, vệ sinh vùng sinh dục, vân vân.

Bác sĩ theo dõi cơ năng thận, nếu cơ năng thận yếu, có thể, thay vì uống tenofovir mỗi ngày (người lớn), có thể uống 2-3-7 ngày một liều.

c. Bệnh gan có thể nặng thêm (exacerbation of hepatitis) sau khi ngưng thuốc.

Phản ứng phụ xảy ra thường nhất là buồn nôn, ói mửa (9%, theo nhà sản xuất). Không thấy nhắc đến tương tác với các thuốc bổ như vitamin, dầu cá (fish oil). Tuy nhiên nên cho bác sĩ của mình biết là mình đang uống thêm những thuốc gì, nhất là thuốc bắc vì những thuốc này có thể không được FDA kiểm tra, vì tenofovir, cũng giống như đối với nhiều thuốc khác, danh sách tương tác với các thuốc khác khá dài. Những thuốc dược thảo lấy từ cây cỏ có thể không được định tính và định lượng chính xác. Ví dụ, người bốc thuốc dược thảo có thể lầm lẫn cây này qua cây khác, liều lượng chất có hoạt tính trong thuốc cũng có thể không đo lường chính xác, tuỳ theo cách chế biến thường thô sơ hơn là câch đo đạt chính xác của thuốc tây.

2. Tiện đây cũng xin nói rõ, theo tôi hiểu, thuốc “dược thảo” khác với các chất “phụ dinh dưỡng” bán tự do ở các chợ hay "pharmacy" tại Mỹ. Dược thảo (medicinal plants) dùng để chỉ các cây cỏ được dùng trong mục đích trị bệnh. Cây cỏ dùng những chất này để tự vệ, chống tác dụng của sâu bọ, nấm hay các thú vật có thể ăn cây cỏ đó. Chúng ta lợi dụng những chất có dược tính này để gây tác dụng trên con người theo ý muốn của chúng ta. Những thuốc này gọi là "herbal medicine" (thảo dược), tác dụng tương tự như những chất bào chế nhân tạo, cho nên, trái với tin tưởng phổ biến trong giới tiêu thụ, thuốc từ thảo mộc hay "thảo dược" (herbal medicines) cũng có thể chữa bệnh nhưng cũng có thể gây ra phản ứng phụ, tác dụng độc như thường.

Ví dụ aspirin (ASA, acetylsalicylic acid) được chế biến từ salicylic acid. Salicylic acid gốc là một loại thuốc được biết chứa trong vỏ cây liễu (willow tree bark) từ thời Hippocrates (Greece) để chữa bệnh nhức đầu. cách đây trên 2000 năm nhưng mãi đến thế kỷ thứ 18, người ta mới trích ra được từ vỏ cây liễu và đến 1897 Felix Hoffman thuộc nhà thuốc Bayer mới tổng hợp chất này. Hiện nay thuốc này được dùng khắp thế giới để giảm đau, hạ nhiệt độ, giảm viêm, ngừa bệnh tim mạch và cả trong mục đích ngừa ung thư (nhất là ung thư ruột già/colorectal cancer). Cho nên nếu ta dùng vỏ cây liễu để chữa bệnh thì đấy là một thảo dược, trong lúc chúng ta uống aspirin thì chúng ta dùng "thuốc tây" nhưng cũng là qua tác dụng của salicylic acid, chỉ nguồn gốc khác thôi.

Theo tôi nghĩ các hãng, các công ty tự nhận là "dược thảo" không phải chỉ bán toàn thuốc có gốc từ cây cỏ. Đa số những sản phẩm mà quý vị thính giả kể ra như "fish oil, thuốc uống tốt về xương, calcium, những thuốc bổ mắt…" thuộc loại mà FDA xếp vào hàng ngũ "health supplements" (chất bổ túc dinh dưỡng; dietary supplements). Nhà sản xuất hoàn toàn chịu trách nhiệm về an toàn, bào chế (formulation) và phẩm chất của thuốc. FDA không công nhận các thuốc này là "drugs" vì nhà sản xuất không cần chứng minh là sản phẩm trị một bệnh nào đó hiệu quả. Một số chất trong các sản phảm này được trích từ cây cỏ, nhưng một số thì không phải, có thể gốc động vật (ví dụ như chất bổ xương chondroitin sulfate lấy từ sụn heo, bò), glucosamine lấy từ vỏ tôm; hay do tổng hợp (ví dụ vitamin C, B12). Một số sản phẩm bán phổ biến ở các pharmacy hay warehouse ở Mỹ (như Costco, BJ), tên nhà sản xuất ghi trên chai có từ "thiên nhiên" (ví dụ "Nature Made") nhưng không có nghĩa là lấy từ cây cỏ hay dược thảo. Ví dụ thuốc Estroven, được quảng cáo để giúp cho phụ nữ có triệu chứng thời kỳ bế kinh, có các chất isoflavones tác dụng tương tự như những hormone phái nữ estrogen nhưng lấy từ đậu nành, rễ cây "black cohosh" (Black cohosh là một cây thuốc của Mỹ thổ dân Da Đỏ dùng rễ cây trị các triệu chứng phong thấp và sau này dùng để trị các chứng thời kỳ tắt kinh phụ nữ. Các khảo cứu hiện nay chưa đủ để xác nhận hiệu quả cũng như an toàn của thảo dược này theo tài liệu của NIH)(1) và nhiều chất khác như calcium, vitamins. Hay một số thuốc được cho "giúp cho sức khoẻ" tuyến tiền liệt của đàn ông có chất trích từ trái cây lá tơi (saw palmetto berry extract, Serenoa repens) cọng với nhiều chất khác như vitamin,selenium, zinc, calcium...

3. Những người hay "ngủ gà ngủ gật" ban ngày (excessive daytime sleepiness) nên khám bác sĩ để xem tuyến nội tiết có làm việc bình thường không (ví dụ tuyến giáp, tuyến thượng thận). Nên để ý có ngáy ban đêm hay không, mập quá hay không vì một số người có những cơn ngưng thở (sleep apnea) nhiều lần trong giấc ngủ, cho nên sau một đêm ngủ họ không thấy tỉnh táo, mà mệt mỏi và muốn ngủ ngày. Cần khảo sát giấc ngủ của họ, đo mạch, nhịp thở, mức oxy trong máu suốt đêm (polysomnography). Một số thuốc an thần, thuốc hạ huyết áp, thuốc dị ứng (như Benadryl, zyrtec), thuốc ho, rượu có thể làm buồn ngủ. Ăn quá no cũng có thể làm buồn ngủ.

4. Móng tay dày, có sọc theo đường dọc phần lớn do tuổi già, có thể do bị đụng chạm nhiều (như làm vườn, chủi rửa bếp núc), hay do một vấn đề sức khỏe nào đó. Có thể đồng thời móng tay dễ gãy (onychorrhexis).

Tóm lại, bệnh nhân nên theo hướng dẫn của bác sĩ đang theo dõi thường xuyên cho mình. Mong những thông tin này có thể giúp ích cho thính giả ý thức nhiều hơn về những trị liệu của mình và cộng tác với bác sĩ của mình tốt hơn.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền.

-------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Qúy vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.

Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của qúy vị.

Tác giả bài viết: Trụ Vũ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập31
  • Hôm nay14,270
  • Tháng hiện tại255,166
  • Tổng lượt truy cập32,721,691
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây