Phê bình một số thái độ đối với Đức Mẹ

Thứ hai - 21/12/2015 21:24

Phê bình một số thái độ đối với Đức Mẹ

Cha Raniero Cantalamessa, tu sĩ dòng Capuchin Phanxicô, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng từ năm 1980, đã dành những bài giảng tĩnh tâm Mùa Vọng để trình bày về đề tài "Đức Maria trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội."


Mỗi ngày thứ Sáu trong Mùa Vọng và Mùa Chay, cha Raniero Cantalamessa giảng một bài giảng cho Đức Giáo Hoàng và các thành viên trong giáo triều Rôma. Chủ đề của các bài giảng trong Mùa Vọng năm 2015 của cha Cantalamessa là “Chúa Kitô là ánh sáng các dân nước: Hiến Chế Tín Lý Ánh Sáng Muôn Dân dưới cách đọc Kitô học”.

Trong bài giảng ngày thứ Sáu 18 tháng 12 tại nhà nguyện Redemptoris Mater của Dinh Tông Tòa, cha đã trình bày ba đề tài là “Thánh mẫu học trong Hiến Chế Tín Lý Ánh Sáng Muôn Dân”, “Một cái nhìn đại kết về Đức Maria là Mẹ của các tín hữu,” và “Maria, là Mẹ và là Nữ Tử của Lòng Thương Xót Thiên Chúa.”

Trong bài giảng, cha Cantalamessa nhận xét rằng:

Đặc biệt trong những thế kỷ gần đây, chúng ta những người Công Giáo, đã góp phần làm cho Đức Mẹ trở nên không thể chấp nhận được đối với người Tin Lành bằng cách vinh danh Mẹ bằng những cách thường là phóng đại quá đáng và thiếu khôn ngoan; và trên tất cả là không giữ cho lòng sùng kính Mẹ trong một khuôn khổ Kinh Thánh rõ rệt, trong đó, cho thấy vai trò của Mẹ ở một mức khiêm tốn hơn so với vai trò của Lời Chúa, của Chúa Thánh Thần, và của chính Chúa Giêsu. Thánh mẫu học trong những thế kỷ gần đây đã trở thành một nhà máy không ngừng tạo ra các danh xưng mới, các hình thức tôn sùng mới, thường là nhằm bút chiến với người Tin lành, đôi khi sử dụng Đức Maria - Mẹ chung của chúng ta - như một vũ khí chống lại họ. ..

Về phía người Tin Lành, tôi ghi nhận những ảnh hưởng tiêu cực không chỉ từ những cuộc bút chiến chống Công Giáo mà còn từ chủ nghĩa duy lý trong thái độ của họ đối với Đức Mẹ. Đức Maria không phải là một ý tưởng nhưng một con người cụ thể, một người phụ nữ, và như thế người ta không thể đơm đặt tùy tiện các giả thuyết về Mẹ hoặc giản lược Mẹ đến mức chỉ còn là một ý tưởng trừu tượng. Mẹ là biểu tượng sự đơn sơ của Thiên Chúa. Vì lý do này, trong một bầu không khí thống trị nặng nề bởi chủ nghĩa duy lý, người ta tìm cách loại bỏ Mẹ khỏi ngữ cảnh thần học.
 
 
----------------------
 
 
Đức Thánh Cha mở cửa thánh tại trung tâm dành cho người vô gia cư
Đặng Tự Do12/18/2015

Hôm thứ Sáu 18 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm một trung tâm vô gia cư mới tại nhà ga Termini của Rôma, còn được gọi là nhà ga xe lửa Gioan Phaolô II. Tại đây, Đức Thánh Cha đã mở một cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Đây là cửa Năm Thánh thứ Tư đã được mở tại Rôma, sau lễ mở cửa thánh trọng thể tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đền Thờ Thánh Gioan Laterano bởi Đức Thánh Cha Phanxicô. Cửa Thánh ở Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành đã được mở bởi Đức Hồng Y James Harvey, linh mục trưởng của Đền Thờ. 

Đền Thờ Giáo Hoàng thứ tư là Đền Thờ Đức Bà Cả, sẽ được Đức Thánh Cha mở cửa vào ngày 1 tháng Giêng Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Quyết định mở một cửa Thánh đặc biệt tại một trung tâm dành cho người vô gia cư là một nét độc đáo của Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót. Điều này nhấn mạnh vai trò trung tâm của các tổ chức bác ái trong đời sống của Giáo Hội.

Trong bài giảng ứng khẩu, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu đã không được sinh ra như một hoàng tử trong hoàng cung, nhưng Ngài đã đến trong sự khiêm tốn dân giã ở một vùng ngoại ô của Đế quốc La Mã. Thánh Giuse cũng đã hành động trong sự khiêm nhường. Ngài đã lấy Maria làm vợ, bất chấp những tin đồn và những vu khống xung quanh cái thai của bà.

Cũng thế, ngày hôm nay, chúng ta sẽ không tìm thấy Thiên Chúa ở giữa những người giàu có và quyền thế nhưng chúng ta tìm thấy Ngài ẩn dật giữa những người thiếu thốn cơ bần, những người bệnh, những người đói khát và những tù nhân.

Đức Thánh Cha cảnh báo rằng: “Anh chị em không thể trả tiền để được lên thiên đàng”. Ngài nói thêm rằng ngài đã mở trung tâm vô gia cư này để mở rộng trái tim của tất cả người dân Rôma. Con đường cứu rỗi, không được tìm thấy nơi những gì là sang trọng, phù phiếm, giàu có hay quyền lực, mà là thông qua vòng tay âu yếm và sự tha thứ của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha kết luận rằng:

Trong khi rất nhiều người, bị xã hội từ chối, đang được trợ giúp thông qua cánh cửa này, xin Chúa ban cho tất cả chúng ta ân sủng để cảm thấy bị từ chối và hiểu rằng chúng ta cũng đang cần lòng thương xót của Thiên Chúa.
 
 
-------------------
-
Sắp có một vị thánh chung của Việt Nam, Hoa Kỳ và Canada?
Trần Mạnh Trác(Vietcatholic19/12/2015)


Ba dân tộc Mỹ, Canada và Việt Nam đang hy vọng sẽ có một vị thánh mới biểu tượng cho lòng thương xót trong một thời gian rất gần. Vị thánh tương lai sinh ra tại Mỹ, gốc người Canada và chết trong khi hiến thân phục vụ các nạn nhân chiến tranh tại VN. Bước chân Ngài đã đi qua Bùi Chu và Biên Hoà. Xác cuả Ngài vẫn được chôn cất tại Biên Hoà Việt Nam.

Thầy William Gagnon, dòng tu sĩ Cứu Tế cuả Thánh Gioan Thiên Chuá (Hospitaller Order of St. John of God), vừa mới được DTC Phanxicô chấp thuận phong lên bậc Đáng Kính ngày 14 tháng 12 vừa qua.

Đây là bậc thứ hai trong bốn bậc được tôn kính trong thánh lễ. Bậc thứ nhất là "Tôi Tớ Chúa", bậc thứ hai là "Đáng Kính", bậc thứ ba là "Chân Phước" cần có một phép lạ được Toà Thánh chấp nhận, và bậc thứ tư là "Thánh" với một phép lạ thứ hai hoặc được ơn chuẩn đặc biệt cuả DGH.

Ngôi mộ của Thày trong khuôn viên cuả nhà dòng ở Biên Hoà vẫn có nhiều người tới kính viếng và nhiều ơn lạ đã xảy ra.

Sinh ngày 16 tháng 5 năm 1905 tại Dover, New Hampshire, Hoa Kỳ, Thầy William Gagnon có cha mẹ là người Pháp-Canada. Thầy là người con thứ ba trong một gia đình 12 anh chị em.

Thày gia nhập Dòng Hospitaller ở Montreal, tình Quebec cuả Canada và được khấn dòng vào tháng Mười, năm 1932.

Dòng Cứu Tế Thánh Gioan Thiên Chuá là một dòng được thành lập ở Grenada, Tây Ban Nha, chuyên chú việc giúp đỡ khách hành hương, đặc biệt là việc chăm sóc cho những người ốm đau và thiếu thốn.

Thày Gagnon đã phục vụ những năm đầu tiên trong cuộc đời tu hành cuả mình tại quê cha là Canada. Ngài xin đi phục vụ ở Đông Dương và đặt chân tới Bùi Chu ngày 18 tháng 1 năm 1952.



Tại Bùi Chu Thày đã nỗ lực phục vụ cho những thường dân tị nạn bị thương tích vì cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt. Sau khi đất nước bị chia cắt, Thày đi xuống miền Nam và thành lập một bệnh viện Cứu Tế tại Biên Hoà để tiếp tục phục vụ cho những nạn nhân chiến cuộc. 

Bệnh viện có tên chính thức là Bệnh Viện Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành, nhưng người bình dân thường gọi là Bệnh viện di cư Hố Nai, hoặc cũng quen gọi là Bệnh viện Thánh Tâm vì nằm trong khu vực cuả giáo xứ Thánh Tâm. 

Thày William Gagnon qua đời ngày 28 Tháng Hai năm 1972 tại Saigon vì một cơn đau tim, gây ra bởi vì sự làm việc quá sức.

Công trinh cuả Thày Gagnon là bệnh viện Thánh Tâm vẫn được các Tu sĩ Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa điều hành tạm thời một thời gian sau năm 1975 nhưng đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của phòng y tế huyện Thống Nhất. 



Ngày 1-3-1979, Bệnh viện được quốc lập hóa, bàn giao quyền quản lý cho Ty Y tế Đồng Nai và được đổi tên thành Bệnh viện Thống Nhất cho tới ngày nay.

Trong lúc sinh thời, Thày Gagnon nổi tiếng là một tu sĩ có lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria một cách đặc biệt, và đồng thời say mê đời sống cầu nguyện.

Thày Gagnon là một mẫu gương tông đồ đích thực cho những người bệnh hoạn và đau khổ, đã sống noi theo từng lời cuả vị sáng lập Dòng là Thánh Gioan Thiên Chúa, "Tất cả danh dự của thế gian chỉ là khói và lửa rơm đang cháy rụi. Chỉ còn lại là một số ít ỏi những việc tốt lành từ những việc chúng ta làm, do hậu quả cuả việc quản lý tốt các ân sủng cuả Thiên Chúa nhân lành ban cho chúng ta mỗi ngày trong cuộc sống.
 

Tác giả bài viết: Thanh Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập114
  • Hôm nay16,354
  • Tháng hiện tại446,687
  • Tổng lượt truy cập32,430,410
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây