Tự tập chữa đau lưng

Chủ nhật - 16/11/2014 04:04

Tự tập chữa đau lưng

Đau lưng là một bệnh thường gặp ở phần lớn lứa tuổi trung niên và cao niên. Đặc biệt, có những động tác sai như cúi xuống bê một vật nặng không đúng tư thế...
Khi bị tác động mạnh  vào cột sống có thể giãn dây chằng cột sống, sang chấn nặng thì chệch đĩa đệm, viêm cột sống dính khớp, đau cột sống lâu có thể dẫn đến thoái hóa cột sống, làm cho các đĩa đệm mòn, dẫn đến các đốt sống hẹp lại chèn vào rễ dây thần kinh, đặc biệt dây thần kinh hông lớn, gây đau dây thần kinh hông... 
Triệu chứng nhẹ thì đau âm ỉ, mỏi lưng, nặng hơn thì đau không vận động được, ngồi lên, nằm xuống khó khăn, trong những trường hợp cấp tính như trên cần chụp cột sống để xác định xem có bị chệch đĩa đệm hay không. Nếu chệch, lồi đĩa đệm nặng cần điều trị cấp cứu. Nếu nhẹ có thể dùng một số phương pháp sau đây.
Phương pháp chườm
* Chườm bằng ngải cứu: Bệnh nhân dùng ngải cứu thái nhỏ trộn với giấm ăn, không cho muối, xào nóng nhẹ rồi cho vào miếng vải bọc đắp lên chỗ đau. Sau đó bạn dùng tay hoặc túi chườm nóng bằng điện, hay chiếc bàn là đã được làm nóng (rút điện ra) đặt lên bọc ngải cứu đó day nhiều lần sẽ giảm đau nhanh. 
* Chườm bằng muối rang: Rang khoảng 2kg muối cho vào túi vải, cho vào gối, để trên giường, bệnh nhân nằm ngửa lên, để giữ nhiệt độ ấm lâu.
* Chườm bằng đèn: Người bệnh có thể chườm nóng bằng các túi chườm nóng hoặc nếu có đèn hồng ngoại thì hằng ngày chiếu đèn, khoảng cách từ đèn tới lưng 50cm, thời gian 20 - 30 phút/lần, ngày làm 1 - 2 lần. 
 Ảnh minh họa.
Luyện tập hằng ngày
Bài 1 - Đứng: 2 tay chống vào bả hông, lắc nhẹ sang 2 bên, cúi trước, cúi sau, xoay tròn nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ và ngược. Làm như vậy mỗi tư thế khoảng 10 lần.
Bài 2 - Nằm trên giường: Người bệnh nằm sấp, 2 chân duỗi thẳng, 2 tay chống xuống giường hoặc xuống đất, dùng lực để chống đẩy 20 - 30 cái.
Bài 3 - Đứng sát vào tường: Người bệnh đứng thẳng chân, 2 tay đặt vào tường cao ngang mặt, rồi đẩy như chống đẩy, sao cho người sát vào tường.
 
Nếu khi người bệnh bị sang chấn mà chèn vào dây thần kinh hông thì cần ngâm chân vào nước nóng, xoa bóp vuốt ngược từ mắt cá chân trở lên, chườm nóng bằng các phương pháp trên. Sau đó tập thêm bài "đạp xe trên không" như sau: Người nằm ngửa trên giường, 2 tay thả lỏng, 2 chân giơ lên ngang người đạp như đạp xe khoảng 30 lần.
Ngoài áp dụng những biện pháp trên, người bệnh cần đi bộ chậm và nhẹ nhàng, khoảng 20 - 30 phút tùy vào sức khoẻ của mình. Tất cả trường hợp đau lưng cấp tính thì phải bất động, chườm lạnh, không chườm nóng. Nếu chệch đĩa đệm nặng cần đeo đai theo hướng dẫn của thầy thuốc, tránh ho, tăng áp lực cho đĩa đệm. Trong thời gian điều trị cần tránh ăn măng, cà pháo, các chất gây ho và táo bón.
TS Nguyễn Văn Chương (nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Bộ Năng lượng)
 
 

Thực đơn của bệnh nhân vảy nến

Các chuyên gia khuyến cáo 5 nhóm thực phẩm nên có trong chế độ ăn của bệnh nhân vảy nến.
 
Hiện tại chưa có một chế độ ăn chuyên biệt nào dành riêng cho bệnh nhân vảy nến vì hầu hết các nghiên cứu vẫn chưa xác định được mối liên hệ giữa chế độ ăn và bệnh vảy nến. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo 5 nhóm thực phẩm nên có trong chế độ ăn của bệnh nhân vảy nến.
5 nhóm cần có
Chất chống oxy hóa: Có trong các loại trái cây như nho và bưởi, các loại đậu, quả hạch, mơ, nho khô, mận, ngũ cốc, cây đinh hương, cây quế. Các chất này cần thiết để ngăn cản sự hình thành leukotriene, đây là thủ phạm làm vảy nến nặng hơn.
Beta carotene: Có trong cà rốt, rau lá xanh, quả mơ, xoài. Beta carotene giúp chuyển hóa vitamin A trong cơ thể, điều này cần thiết cho một làn da khoẻ mạnh. 
Folate: Có trong ngũ cốc, đậu lăng, lúa mỳ, đậu Hà Lan, cây bông cải xanh, cải bắp, giá và nước cam. Folate giúp phân chia tế bào da cho một làn da khoẻ mạnh. 
Kẽm: Có trong sò và các thực phẩm có ngũ cốc. 
Axit béo Omega-3: Có trong các loại cá như cá mòi, cá thu và cá hồi; hạt lanh, hạt hướng dương và hạt mè. Axit béo Omega-3 giúp giảm nhu cầu sử dụng thuốc bôi chứa steroid mà không làm tình trạng bệnh vảy nến xấu hơn.
Ảnh minh họa. 
Thực phẩm nên tránh
Bệnh nhân vảy nến nên tránh một số loại thực phẩm như họ cam, quýt (cả trái cây lẫn nước ép), đường (cả đường tinh luyện lẫn tự nhiên), thực phẩm rán/xào và chế biến sẵn, thức ăn nhiều gia vị, hạt tiêu, chocolate, trứng. Rượu, bia có thể gây những đợt bùng phát vảy nến vì kích thích sự phóng thích histamine làm nặng thương tổn da nên bệnh nhân tránh sử dụng.
 
Chế độ ăn không có gluten (một loại protein có trong lúa mỳ và một số ngũ cốc) có thể tốt cho bệnh nhân dị ứng hay nhạy cảm với gluten. Nên thay thế thịt đỏ bằng cá hồi, cá thu, cá mòi, và sò ít nhất 3 lần/tuần. Ngoài ra, một số loại thức ăn có thể làm tăng hay giảm tác dụng của một số thuốc điều trị vảy nến. Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ về loại thức ăn nào nên tránh khi đang sử dụng thuốc để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Người bệnh vảy nến cần thực hiện chế độ ăn hợp lý, kết hợp với tập thể dục thường xuyên để duy trì cân nặng vừa phải nhằm giảm mức độ nặng của vảy nến và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý có liên quan.

Tác giả bài viết: BS Nguyễn Trọng Hào (Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập37
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay12,953
  • Tháng hiện tại262,870
  • Tổng lượt truy cập32,729,395
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây