Vì sao người Việt có thói tùy tiện?

Chủ nhật - 13/07/2014 23:43

Vì sao người Việt có thói tùy tiện?

Thiếu tính kỷ luật, đi muộn về sớm, không đúng giờ hẹn, nói to chỗ đông người... là những biểu hiện của thói tùy tiện mà người ta có thể dễ dàng nhận thấy ở người Việt.

Tùy tiện vì đâu?
Một trong những thói xấu mang tính điển hình trong tính cách người Việt được các nhà nghiên cứu chỉ ra là thói tùy tiện. Theo ông Nguyễn Hùng Vỹ (Đại học KH-XH&NV Hà Nội), thói tùy tiện của người Việt bắt nguồn từ chính điều kiện sống của họ. Theo đó, đời sống người Việt phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp mà sự đói no không hoàn toàn do ý nghĩ chủ quan và bàn tay lao động quyết định. Cho nên, thay vì tích lũy trí tuệ, người ta chỉ cần biết cách ứng xử khôn khéo với thực tiễn đó.
Chẳng hạn, người ta có thể bắt con cào cào để ăn nếu thiếu thóc gạo do bão gió, lũ lụt làm mùa màng thất bát. Đi làm đồng nhưng con khóc nên người phụ nữ nán lại ở nhà cho bú cũng không ảnh hưởng gì... Dần dần, nó tạo thành thói quen trong nếp nghĩ, nếp làm. Sau này, khi bước vào sản xuất công nghiệp, người ta vẫn mang theo thói quen đó, sinh ra thói tùy tiện: Tùy tiện nghỉ việc, không tuân thủ đúng kỷ luật về công việc, về thời gian...
Cùng chung quan điểm, PGS.TS Lê Quý Đức, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho rằng, chính nền sản xuất tiểu nông cùng với xã hội nông dân – nông thôn – nông nghiệp khiến cho thói tùy tiện mang tính truyền thống, truyền từ đời này qua đời khác mà đến bây giờ vẫn còn ảnh hưởng khá nặng nề.
Biểu hiện của thói tùy tiện rất đa dạng. Song theo các nhà nghiên cứu thì “sợ nhất là tùy tiện trong tư duy”. Ông Nguyễn Hùng Vỹ lấy dẫn chứng: Thời gian qua có nhiều quy định, chính sách cả khi đang là dự thảo lẫn được ban hành bị dư luận phản đối vì không sát thực tế, mang tư duy máy lạnh, ngồi trong phòng ra văn bản. Đó là biểu hiện của thói tùy tiện trong tư duy.
Như vậy, thói tùy tiện bên cạnh yếu tố truyền thống thì cũng còn do “cơ chế pháp luật chưa nghiêm minh, chế tài xử phạt những người vi phạm vì thói tùy tiện chưa chặt chẽ nên nó vẫn tiếp tục tồn tại”, ông Vỹ nêu ý kiến.
Tranh minh họa. 
Không hiểu nên mới chê bai
Dù thừa nhận thói tùy tiện là sản phẩm có yếu tố lịch sử, gây ra rất nhiều phiền toái, tuy nhiên PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng, cần có một cái nhìn công tâm hơn về thói này.
Ông dẫn giải: Ông Trần Ngọc Thêm nói trong “Cơ sở văn hóa Việt Nam” rằng, tư duy của người Việt Nam biện chứng liên quan giữa các hiện tượng với nhau cho nên không thể giải thích cái nào là nguyên nhân, cái nào là kết quả. Vì vậy, nhận thức của người ta tương đối linh ứng, linh hoạt, tạo ra nét tư duy. Nó không phải là tư duy duy lý. Có khi chỉ cần giải quyết cái gì trước mắt, cho nên nó đẻ ra sự tùy tiện.
Như vậy, thói tùy tiện ban đầu là một nết, một thói quen để thích ứng với thực tiễn (người nông dân có thể đi làm đồng từ lúc sớm tinh mơ đến tối muộn mới về, cũng có khi mới non trưa mà họ đã nghỉ vì nắng gắt; hay việc người ta sống ở ven biển, đi biển nên phải ăn sóng nói gió, nói to mới nghe được, thậm chí còn là cơ sở của hát tuồng khi người ta phải gân cổ lên hát), sau nó lại trở thành nguyên nhân gây ra những việc làm thiếu khoa học, bị phê phán (thiếu tính kỷ luật, nói lớn nơi công cộng...).
“Cái gì cũng có hai mặt và cần phải nhìn nhận thấu đáo chứ không thể chỉ nhìn phiến diện rồi đánh giá. Cứ bảo người Việt Nam tùy tiện khi nói lớn ở nơi công cộng chứ tôi có những bạn người Đức, Nga cũng bô bô chốn đông người đấy. Người ta không hiểu nên mới chê văn hóa Việt Nam. Dĩ nhiên, cũng phải “nhập gia tùy tục” chứ không thể cứ bộc lộ mình ở mọi nơi, mọi chỗ rồi đổ cho rằng văn hóa của chúng tôi nó thế được”, ông Đức nói.
Có sửa được những tính cách “dị biệt”?
Theo các nhà nghiên cứu, không một dân tộc nào chỉ toàn tính tốt và ngược lại. Cũng chưa ai làm thống kê xem mỗi dân tộc trên thế giới có những tính xấu, tính tốt nào. Song, một điều không thể phủ nhận, “chúng ta có thể bắt gặp tính xấu của người Việt ở bất cứ đâu, như ăn cắp vặt, tùy tiện vứt rác ra đường, sĩ diện, háo danh, ngồi lê đôi mách...”, theo ông Đức.
Phải chăng, người Việt xấu xí đến thế? Và có cách nào để giảm bớt, xóa bỏ những thói quen, tính xấu đó?
Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc cho rằng, sẽ thật không công bằng khi chưa có một công trình nghiên cứu nào mà đã vội kết luận người Việt xấu xí với toàn những thói quen, tính cách đáng phê phán. “Người Việt cũng nhiều tính tốt lắm chứ: Cần cù, chịu thương chịu khó, yêu chuộng hòa bình, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau... Tuy nhiên, chỉ ra những cái xấu thì thường dễ hơn vì nó là những điểm dị biệt”, ông thừa nhận.
Theo ThS Thạch Mai Hoàng, Bộ môn Nhân học, Đại học KH-XH&NV Hà Nội, tính cách có một phần yếu tố di truyền, song một phần lớn khác là do ảnh hưởng của sự giáo dục (trong gia đình, nhà trường) và môi trường xã hội tác động đến. Do đó, tính cách ấy không thể bất biến được. Ví dụ: Một đứa trẻ có thói tùy tiện vì trong gia đình, cha mẹ, anh chị cũng tùy tiện vứt rác, tùy tiện dùng đồ của người khác mà không hỏi ý kiến... Đến khi đứa trẻ đó lớn lên, đi làm trong một môi trường mà không cho phép có thói tùy tiện thì dần dần, người này cũng bỏ được cái thói tùy tiện ấy đi.
Điều đó cũng lý giải cho việc vì sao có những giai đoạn như nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc từng chỉ ra, người Việt sống chan hòa, không hề có chuyện ăn cắp vặt, chửi bới nhau như trong những năm 1946 – 1953, nhưng đến khi bước vào cơ chế thị trường thì ăn cắp vặt nổi lên nhan nhản. Đó là do lối sống thực dụng, tôn sùng giá trị vật chất đã khiến cho người ta mờ mắt trước lợi ích, trước đồng tiền. Hay người Việt được biết đến là giàu tình cảm, trọng chữ hiếu, thế mà bây giờ bao gia đình tan nát vì tranh giành tiền đền bù đất đai... Nó là những vết nhơ làm lung lay những giá trị gia đình, đạo đức xã hội.
“Rõ ràng, tính cách có thể thay đổi, bởi nó liên quan đến môi trường xã hội, sự giáo dục chứ không phải chỉ dựa vào yếu tố di truyền mà trên thực tế thì yếu tố này rất ít”, PGS.TS Lê Quý Đức nói.
Theo ông Đức, muốn thay đổi tính cách, con người cần phải đặt trong môi trường nhất định. “Nếu như cộng đồng ấy, xã hội ấy được thắt chặt kỷ cương, đạo đức xã hội, pháp luật nghiêm minh, người thực thi pháp luật không nể nang bất cứ ai, tạo ra xã hội thực sự dân chủ, minh bạch thông tin... thì những thói như ăn cắp vặt (tham nhũng cũng là ăn cắp vặt), háo danh, sĩ diện, không biết tranh luận, tùy tiện... sẽ khó có đất mà tồn tại”, ông Đức nêu quan điểm.
Còn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ, suy cho cùng vẫn cần yếu tố làm gương của người lớn, người làm công tác lãnh đạo, quản lý xã hội. “Khi mà chính những người này vẫn còn chưa tốt thì không thể mơ xã hội bớt đi những thói quen, tính xấu được”, ông nhấn mạnh.
 
“Chúng ta đi vào xã hội bắt đầu hiện đại, thế nhưng thực tế chỉ máy móc hiện đại chứ cái đầu chưa hiện đại được cả về tính cách, tập quán. Thậm chí, thế hệ sau còn có một bộ phận tồi tệ hơn, âm mưu, thủ đoạn hơn thế hệ trước, muốn “cổ truyền hóa” mình đi. Muốn khắc phục, không còn cách gì khác là phải thay đổi môi trường xã hội, ở đó tất cả mọi người phải cùng có ý thức thay đổi, bên cạnh vai trò của tuyên truyền - giáo dục”.
 
PGS.TS Lê Quý Đức
An Nhiên

Người Việt hay chửi, thích chửi tục: vì sao?

 
Dưới góc nhìn của các nhà khoa học, những nét tính cách "khác thường" của người Việt như khoe của, ngồi lê đôi mách đều có cội nguồn văn hóa.
Vì sao người Việt hay chửi?
Bị mất cắp: chửi. Bị người khác va quệt xe: chửi. Bị ngã do đụng ổ gà: chửi. Nhân viên bán hàng tính nhầm tiền: chửi. Ra đường, thấy người ta ăn mặc lố lăng: chửi. Gà nhà hàng xóm sang phá vườn rau nhà mình: chửi. Thậm chí, gọt hoa quả bị đứt tay: cũng chửi nốt... Phải chăng, người Việt thích... chửi đến thế?
Chửi xuất hiện từ khi nào?
Thừa nhận chửi là một hiện tượng khá phổ biến trong xã hội, không phân biệt giới tính, trình độ, tuổi tác; thậm chí có những người coi đó là thói quen khi câu cửa miệng luôn kèm theo một lời chửi, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, bản chất của sự chửi xuất hiện rất sớm. Theo đó, ngay từ thời nguyên thủy, con người ứng xử với tự nhiên theo hai hướng: Tự nhiên có lợi (mưa thuận gió hòa) và tự nhiên có hại (mưa bão, ngập lụt, hạn hán). Tuy nhiên, khi đó, trí tuệ con người chưa phát triển nên họ nghĩ các hiện tượng tự nhiên trừu tượng thành thánh, thành thần. Họ cũng chưa thể nghĩ ra cách khắc chế những hiện tượng tự nhiên có hại.
Cùng với cách nghĩ ấy thì con người nguyên thủy coi cái gì nói ra cũng thành hiện thực, vì thế có cầu khấn và nguyền rủa (để những hiện tượng gây hại sẽ bị mất đi, tiêu hao đi; cũng chính nguyền rủa đã tạo ra phù chú). Do đó, có thể khẳng định, chửi ra đời từ rất sớm và "tất cả các dân tộc đều có nguyền rủa và chửi".
Vì sao người ta lại chửi?
Theo ông Vỹ, ban đầu, chửi nhằm mục đích khắc chế những hiện tượng tự nhiên tiêu cực. Sau này, chửi còn để giải tỏa những bức xúc trong các mối quan hệ xã hội. Cũng có khi, người ta dùng chửi như một yếu tố nghệ thuật ngôn từ để thay thế pháp luật.
Ví như lúc bị mất con gà, người ta chửi rằng: "Tau chửi cho tan nát tông môn họ hàng cái quân khốn kiếp, cái quân vô hậu kế đợi đã ăn hết của tau bảy con gà xám, tám con gà vàng. Bay ăn chi mà ăn ác nhơn ác nghiệp, ăn một lần một chục rưỡi con gà. Bay ăn cho chồng bay sợ, cho con bay kinh, bay ăn cho ngả miếu sập đình, cho mồ cha bay chết hết để một mình bay ngồi đó mà ăn. Đồ cái quân ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột. Cái quân không sợ trời đánh thánh đâm...".
Cũng theo ông Vỹ, thuở xưa, người ta chửi có vần điệu. Điều này làm tăng thêm giá trị của nó, khiến người ta dễ đọc, dễ nghe, dễ nhớ hơn.
Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc thì cho rằng, sở dĩ của việc chửi là do con người tin có ma quỷ. Do đó, người ta dùng chửi như một cách để trấn áp ma quỷ gây hại cho con người. Chẳng hạn như mùng một Tết Nguyên đán, có một người xấu tính hoặc nhà có tang đến xông đất gia chủ, quan niệm dân gian coi đó là một điềm xui xẻo. Vậy nên, gia chủ dùng cách chửi bới để mong xua đuổi những cái xấu đó đi. Hay việc vừa mở hàng, nhà buôn đã bị mặc cả, "cò kè bớt một thêm hai", thậm chí khách không mua hàng nữa thì nhà buôn sợ bị "sái" nên cũng dùng cách chửi để xua đuổi.
 Sau va quệt xe trên đường thường xuất hiện những câu chửi.
Chửi tục vì ảnh hưởng văn hóa phương Tây
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ, trong cách chửi của người Việt xưa thường có ba xu hướng.
Xu hướng thứ nhất là dùng những con vật bị khinh rẻ hoặc những thứ xấu xa, hôi thối để chửi như "tao cóc thèm", "đồ con khỉ". Bởi quan niệm con cóc, con khỉ là những con vật xấu xí.
Xu hướng thứ hai là dùng điều kiêng kị để chửi bằng cách lôi tên kín của ông bà, cha mẹ ra mà chửi. Nguyên do bởi người xưa quan niệm, khi tên của người nào đó được nói ra khiến Nam Tào, Bắc Đẩu biết sẽ bị "bắt đi", nghĩa là người đó sẽ chết. Do đó, người xưa thường giấu kín tên của ông bà, cha mẹ. Và khi lôi tên kín đó ra chửi nghĩa là nguyền rủa cho người ta chết đi.
Xu hướng thứ ba cũng liên quan đến chết chóc nhưng bằng các hoạt động của tôn giáo. Ví như trong truyện "Bước đường cùng" của Nguyễn Công Hoan có đoạn chửi như này: "Ớ cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia! Mày mà giết gà nhà bà, thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba, mày xuống âm phủ mày bị quỷ sứ thần linh rút ruột ra, ớ cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia ạ!". Hay dùng thành ngữ "Ăn cháo lá đa" để chửi nhằm rủa người ta tuyệt tự vì theo tục lệ, rằm tháng bảy cúng cô hồn bằng cháo đặt trên lá đa.
Theo ông Vỹ, câu chửi sớm nhất của người Việt được ghi thành văn bản (chép trong Đại Việt sử ký toàn thưlà: "Phải gọi là điện tiền Vũ Cứt thì đúng hơn chứ không phải Vũ Đái". Đây là câu chửi của một người hỏa đầu vào đời Lý Anh Tông khi bị chính Điện tiền đô chỉ huy sứ Vũ Đái phản bội.
Sau này, người Việt đã gắn thêm yếu tố tính giao khi đem các bộ phận sinh dục trên cơ thể con người vào câu chửi, thành chửi tục. Theo ông Vỹ, nguyên nhân bắt nguồn từ văn hóa phương Tây tràn vào ta khoảng thế kỷ XVII khi có những người phương Tây sang. Yếu tố tính giao không chỉ "ăn" vào trong câu nói mà kể cả trong các tác phẩm văn học.
Có phải người Việt hay chửi?
Dù thừa nhận "có thể bắt gặp người ta chửi ở bất cứ đâu" song nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc tỏ ra cẩn trọng khi nêu quan điểm: "Nhiều người bảo người Việt hay chửi, đặc biệt là chửi tục. Thế nhưng, nói là hay chửi tục thì phải biết giai cấp nào, giới tính nào, so với các dân tộc khác xem sao. Chừng nào chưa có thống kê, chưa có điều tra xã hội học thì không thể khẳng định được, nếu không nó sẽ chỉ mang tính chủ quan quy chụp mà thôi".
Ông Hữu Ngọc cũng cho rằng, bản chất của người Việt Nam qua các thời đại không có sự thống nhất. Bằng chứng là thời Pháp mới vào chiếm Việt Nam (nửa sau thế kỷ XIX), chỉ có mấy chục quân Pháp vào chiếm đồn mà đã khiến mấy nghìn người Việt ở đó chạy tán loạn. Người Pháp cho rằng đó là vì người Việt Nam hèn yếu. Thế nhưng chừng 70 năm sau, cũng những người hèn yếu đó lại cầm chân được binh hùng tướng mạnh, giành được độc lập.
Từ đó, ông nhấn mạnh: "Để đưa ra nhận định "người Việt hay chửi" thì cần hết sức thận trọng, không thể chỉ nhìn thấy hiện tượng mà đã vội khẳng định, quy kết thành bản chất được vì cũng tùy từng giai đoạn. Chẳng hạn, thời 9 năm kháng chiến chống Pháp, tôi có thấy chuyện cãi cọ, chửi bới nhau bao giờ".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ lập luận: "Nói người Việt hay chửi cũng có cơ sở ít nhiều khi thấy việc chửi khá phổ biến, kể cả những đứa trẻ con cũng có thể buột miệng chửi. Thế nhưng, có phải chửi tục nhất không thì tôi e là không thuyết phục. Bởi người Anh cũng chửi tục không kém đâu".
 
"Chửi cũng là một phản ứng tức thời của con người với hiện tượng đối diện. Vì thế mà xã hội nào càng tạo ra nhiều bức xúc nhất thì xã hội đó sẽ gánh chửi nhiều nhất. Nơi nào con người sống bất trắc nhất thì sẽ chửi nhiều nhất. Do đó, sẽ không ngoa khi cho rằng, người ta biết sự minh bạch, tiến bộ của một xã hội dựa vào việc xã hội đó phải nghe chửi nhiều hay ít".
 
 

Tác giả bài viết: Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập114
  • Hôm nay16,595
  • Tháng hiện tại207,154
  • Tổng lượt truy cập32,673,679
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây