Xem Lại Bài Diễn Thuyết Regensburg: Đức Tin, Lý Trí và Nhà Nước Hồi Giáo

Thứ bảy - 06/09/2014 00:59

Xem Lại Bài Diễn Thuyết Regensburg: Đức Tin, Lý Trí và Nhà Nước Hồi Giáo

Có phải Hồi giáo tự bản chất là bạo động? Có thể biện minh cho việc dùng bạo lực chống lại “những kẻ vô đạo” hay không? Hồi giáo có khuyến khích truyền bá niềm tin bằng gươm giáo không?
Việc thiết lập một “Nhà nước Hồi giáo” tại miền Bắc Iraq mùa hè năm nay
đã mang đến những câu hỏi hàng đầu như thế
khi đối diện với hành động giết người dã man mà Nhà nước
Hồi giáo đã tung ra nhằm chống lại những nhóm tôn giáo thiểu số,
bao gồm việc trục xuất và giết hại các Kitô hữu.

Có những khía cạnh chính trị và quân sự đối với những câu hỏi như thế,
nhưng chúng mang nền tảng thần học hơn hết.
Thiên Chúa có muốn sử dụng bạo lực để truyền bá mặc khải của Ngài?

Thần học đề cập đến thực tại ở mức độ sâu thẳm nhất, và do đó, những ý tưởng thần học có ý nghĩa quan trọng trong “thế giới thực,” cho dù phải mất nhiều thời gian để chúng trở nên hiển nhiên với quảng đại quần chúng. Những sự việc kinh hoàng của Nhà nước Hồi giáo – bao gồm những việc chặt đầu công khai và những cuộc đóng đanh – đã làm sáng tỏ những gì có thể xảy ra khi người ta chấp nhận hình thức bạo động sát nhân nhằm biện minh cho việc truyền bá niềm tin.

Những vấn nạn thần học đòi hỏi những câu trả lời mang tính chất thần học, trước tiên cần phải ghi nhận có một vấn nạn thần học và từ đó phải cung cấp một câu trả lời thoả đáng.

Tám năm trước, trong một bài diễn thuyết tại đại học Regensburg, Giáo Hoàng Biển Đức XVI cung cấp chính câu trả lời như thế. Những biến cố mùa hè năm nay làm cho việc trở về với luận điểm ở Regensburg trở nên cấp bách hơn .

Bài diễn thuyết ở Regensburg vẫn mãi là một bài nổi tiếng của một giáo hoàng bởi vì những cuộc bạo động chết người xảy ra ngay sau đó trong thế giới Hồi giáo. Một số người xem đó như là hớ hênh ban đầu dưới triều đại của Giáo Hoàng Biển Đức, trước khi ngài lĩnh hội được rằng làm giáo hoàng thì khác hẳn làm một giáo sư kích động (tranh luận). Tuy nhiên đôi khi một chủ chăn cần phải khiêu khích, đặc biệt khi những sự đe dọa trí mạng quanh quẩn đâu đây.

Vào ngày 12 tháng Chín, 2006, một ngày sau dịp tưởng niệm lần thứ năm cuộc tấn công 9/11, Giáo Hoàng Biển Đức trở về đại học mà ngài đã dạy lúc còn là một giáo sư trẻ để nói về đức tin và lý trí, tôn giáo và bạo lực. Giáo Hoàng Biển Đức cho rằng đức tin và lý trí cần lẫn nhau như là những nẻo đường đi đến chân lý. Hơn thế nữa, đây là một phần thiết yếu của đức tin Kitô giáo, bởi vì Thiên Chúa đã tỏ bày chính mình (đức tin) cũng đồng thời là tác giả của trật tự tự nhiên và khả năng con người để hiểu nó (lý trí). Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đoạn mở đầu của Tin Mừng của Thánh Gioan bắt đầu: “Ngay từ ban đầu đã có Ngôi Lời (Logos),” và từ “logos” trong ngôn ngữ Hy lạp có nghĩa là lý trí. Thiên Chúa là hợp lý, và như thế hành động ngược lại lý trí là hành động ngược lại Thiên Chúa.

Rồi Giáo Hoàng Biển Đức hỏi Hồi giáo có quan niệm về Thiên Chúa cũng một cách như vậy hay không. Hồi giáo có một đấng tương đương với Ngôi Lời linh thiêng như thế không? Quan điểm về Thiên Chúa của Hồi giáo hoàn toàn siêu việt, vượt qua các phạm trù nhân loại, có nghĩa là Thiên Chúa vượt xa chính lý trí?

Có ý kiến cho rằng Allah không phải là vô lý hoặc phi lý, nhưng đúng hơn Ngài không thể tiếp cận được bởi lý trí loài người.

Giáo Hoàng Biển Đức lập luận rằng đức tin không có lý trí tạo cơ hội cho việc phát sinh chủ nghĩa tôn giáo cực đoan (fundamentalism). Ngài dùng câu trích dẫn của Hoàng đế Byzatine Manuel II Paleolous ở cuối thế kỷ 14 - chính câu nói đó có vẻ đã tạo nên những cuộc bạo động trên thế giới Hồi giáo dễ bị khích động: “Hãy chỉ cho tôi điều gì mà Mohammed đã mang đến là mới mẻ, và kìa qúy vị sẽ tìm thấy những điều ác và vô nhân, như mệnh lệnh của ông là loan truyền niềm tin mà ông rao giảng bằng gươm giáo.”

Vào năm 2014, rõ ràng hơn bao giờ hết tại sao câu hỏi cần phải được đặt ra – con người bình thường khi xem tin tức đang hỏi nó. Giáo Hoàng Biển Đức cảnh báo rằng một trong những hậu quả của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan chủ trương duy đức tin là bạo lực. Bạo lực – bởi bản chất của nó không tìm cách thuyết phục – có thể phát xuất từ nhiệt tình để cải giáo mà không màng tới lý trí. Đây là một phần đằng sau sự trỗi dậy trong bạo lực Hồi giáo.

Chính những tín đồ Hồi giáo trước tiên là nạn nhân của nó, nhưng những Kitô hữu trong những quốc gia Hồi giáo thường xuyên phải đối diện với sự quấy nhiễu và bách hại.

Giáo Hoàng Biển Đức muốn làm sáng tỏ rằng cội rễ của bạo lực này nằm ở sự xuyên tạc về Hồi giáo, không ở tại nền thần học chính thống. Đó là một công việc mà chỉ có những tín đồ Hồi giáo mới có thể thực hiện được, nhưng Đức Thánh Cha đã có tòa giảng – và tài năng của một học giả - đủ để lôi cuốn sự chú ý tới vấn nạn này. Ngài mong muốn trao tặng kinh nghiệm của Truyền thống Kitô giáo trong việc đối đầu với những câu hỏi như thế.

Giáo Hoàng Biển Đức rất có thể đã chọn lựa mẫu trao đổi giữa Manuel II và người đối thoại Ba Tư bởi vì nó đối diện với câu hỏi này trong bối cảnh gợi ý mang tính cách lịch sử.

Manuel II là một trong những hoàng đế Byzatine (Kitô giáo) cuối cùng; vào khoảng 50 năm sau cuộc đối thoại này, thành Constantinople lọt vào tay những người Ottomans, và thánh đường Hagia Sophia trở thành đền thờ Hồi giáo. Manuel II là một hoàng đế bị bao vây bởi những đạo quân Hồi giáo – không những chỉ bởi các đạo quân Hồi giáo, có những lúc ông còn bị đe dọa bởi những Kitô hữu nữa. Tuy thế, ông đã có kinh nghiệm cụ thể về lưỡi gươm Hồi giáo.

“Hoàng đế tiếp tục giải thích chi tiết những lý do tại sao truyền bá niềm tin qua bạo lực là một điều không hợp lý,” Giáo Hoàng Biển Đức nói, trong đoạn văn chính theo sau là những lời lẽ được lưu ý một cách trọn vẹn. “Bạo lực không thể nào tương hợp với bản chất của Thiên Chúa và bản chất của con người.”

Rồi ngài trích Manuel II ở điểm chính: “Thiên Chúa không hài lòng với máu xương, và hành động không hợp lý thì nghịch lại vởi bản chất của Thiên Chúa. Đức tin sinh ra trong linh hồn, không trong thân xác. Bất cứ ai hướng dẫn người khác đến đức tin cần có khả năng trình bày rõ ràng và lý luận đúng đắn, mà không cần đến bạo lực và đe dọa… Để thuyết phục một người biết suy luận, người ta không cần đến cánh tay mạnh mẽ hoặc bất cứ vũ khí nào hay bất kỳ phương tiện nào để đe dọa một người với sự chết…”

Người ta cần đến lý trí – và người Kitô hữu hẳn nhấn mạnh đến ân sủng. Lý trí hoặc ân sủng không hoạt động bởi việc cưỡng ép bằng bạo lực.

Hệ quả lâu dài của diễn văn Regensburg mang tính chất hy vọng nhiều hơn là sự đổ máu ngay sau đó. Vào ngày 12 tháng Mười, 2006, hơn 100 học giả Hồi giáo danh tiếng trên thế giới đã ký một lá thư ngỏ, ghi nhận một cách kính trọng những vấn nạn mà Giáo Hoàng Biển Đức đặt ra tại Regensburg.

Đáng lưu ý hơn cả, chỉ một năm sau đó, vào tháng Mười Một, năm 2007, Hoàng đế Abdullah của vương quốc Saudi Arabia đến thăm Giáo Hoàng Biển Đức. Hoàng tộc Saudi vừa ve vãn những thành phần cực đoan Hồi giáo để ổn định quyền bính của mình đồng thời lại lo sợ xem chúng như mối đe dọa đến sự ổn định quyền lực của mình.

Hoàng đế nghe được những điều hy vọng ở Regensburg, và sau khi thăm viếng Roma, tiếp theo vào tháng Bảy, năm 2008 với một cử chỉ gây ngạc nhiên, ông mở một cuộc hội nghị liên tôn mời tín hữu Kitô giáo, Do thái giáo, Phật giáo, Ấn giáo và các tôn giáo khác để chống lại chủ trương tôn giáo cực đoan. Nhu cầu của một cuộc hội nghị như thế đã được chứng minh bằng sự việc là hội nghị đó không thể tổ chức ở chính Saudi Arabia, bởi vì những ai không theo Hồi giáo không thể thực hành đức tin của họ một cách công khai nơi đó. Vậy hội nghị được tổ chức tại cung điện gần Madrid, do Hoàng đế Tây Ban Nha đón tiếp Hoàng đế Abdullah và qúy khách của ông.

Abdullah nói, “Những khác biệt không mang đến xung đột và đối kháng; chúng ta phải nhấn mạnh rằng những thảm kịch đã từng xảy ra trong lịch sử không gây nên bởi tôn giáo, nhưng bởi khuynh hướng quá khích chấp nhận bởi một số tín đồ của mỗi một tôn giáo.” Phát biểu đó không đáng lưu ý bởi chính nó, nhưng đáng để ý vì Hoàng đế Saudi đã nói như vậy với tín đồ Kitô giáo, Do thái giáo và Hồi giáo.

Hoa trái của tất cả trở nên rõ ràng vào mùa hè năm nay, khi những học giả có thẩm quyền cao nhất trong Hồi giáo, có trụ sở tại Cairo, đã dứt khoát nhấn mạnh rằng “Nhà nước Hồi giáo” không được công nhận bởi Hồi giáo và không là đại diện đích thực của nó.

Tám năm trước, những Kitô hữu có khuynh hướng thân thiện với các tín đồ Hồi giáo đã chỉ trích bài diễn văn tuy bộc trực nhưng mang vẻ tôn kính của Giáo Hoàng Biển Đức. Và rồi, hôm nay, nó được hiểu đúng đắn nhất và được chào đón trong chính thế giới Hồi giáo, đang phải chịu đựng dịch thánh chiến (Jihad) đầy bạo lực.

Diễn văn Regensburg không chỉ là công trình của một giáo sư hay của một Giáo Hoàng. Đó là công trình của một bậc tiên tri.
 
........

1. Linh mục Raymond J. de Souza là chủ biên tạp chí Convivium
 
2. Trích Vietcatholic ngày 05-9-2014.

Tác giả bài viết: Lm Raymond J. de Souza

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập83
  • Hôm nay11,671
  • Tháng hiện tại427,714
  • Tổng lượt truy cập32,411,437
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây