Những trò chơi thú vị dạy trẻ kỹ năng sống ở trường mầm non Mỹ

Thứ năm - 22/01/2015 09:11

Những trò chơi thú vị dạy trẻ kỹ năng sống ở trường mầm non Mỹ

Nhút nhát trong giao tiếp là điều vốn thường thấy ở trẻ em Việt Nam. Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ sợ đến chỗ đông người, sợ nói chuyện với người lạ, sợ không dám thể hiện ý kiến của mình... Hãy cùng học tập các trường mầm non ở Mỹ cách giúp trẻ tự tin và rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ qua các trò chơi nhé!

1. Trò chơi luyện kỹ năng xã hội

 
 
Các trẻ sẽ ngồi thành vòng tròn và chia sẻ những thông tin về sở thích cá nhân hay giới thiệu các thành viên trong gia đình... Trong trò chơi này, trẻ sẽ dùng đến một quả bóng len. Mỗi bé sau khi chia sẻ xong sẽ ném quả bóng len này về phía người khác nhưng vẫn giữ chặt đầu len ở chỗ mình. Dần dần, quả bóng này sẽ tạo thành một mạng lưới kết nối người này tới người khác.
 

2. Trò chơi luyện kỹ năng xử lý tình huống

 
Các bé sẽ ngồi thành vòng tròn và phải dùng mọi cách khiến người bên cạnh bật cười thì mới được chuyển sang người tiếp theo, như thể chiếc đèn giao thông bật màu xanh thì mới được đi qua. Đây chính là lý do trò chơi có tên gọi "Nụ cười giao thông".

Qua trò chơi này, trẻ sẽ được học tính kiên nhẫn và thay phiên nhau xử lý tình huống. Trẻ sẽ trải qua những cảm xúc khác nhau như vui vẻ, buồn bã, tức giận... Từ đó, các bé sẽ được khám phá những cảm xúc của con người và tự xây dựng cho mình vốn từ vựng về cảm xúc.

3. Trò chơi luyện kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ

 
 
Để chơi được trò chơi này, trẻ sẽ đứng xếp hàng từ cao tới thấp hoặc ngược lại và làm theo hướng dẫn mà không được phép nói ra bất cứ điều gì. Mục đích của trò chơi nhằm dạy trẻ cách giao tiếp sử dụng nét mặt và cử chỉ.
 

4. Trò chơi luyện kỹ năng lắng nghe

 
Đến với trò Squiggle - vẽ tiếp nét vẽ, các trẻ sẽ lần lượt thực hiện những nét vẽ cho đến khi hoàn tất một bức tranh. Mỗi trẻ khi vẽ xong một nét sẽ nói tên của mình và giới thiệu một vài thông tin cá nhân đơn giản như sở thích... Cứ lặp lại như vậy đến hết lượt thì trò chơi lại vòng lại trẻ đầu tiên nhưng lần này, thay vì nói về bản thân, trẻ sẽ nói tên và sở thích của bạn mình.
 
Trò chơi này giúp luyện cho trẻ kỹ năng lắng nghe đồng thời qua từng nét vẽ, trẻ sẽ bộc lộ một cách có hệ thống cảm xúc, mong muốn còn ẩn sâu bên trong.
 
 

Người Mỹ nuôi dưỡng tình yêu đọc sách của con như thế nào?

Khánh An

Người ta đưa trẻ đủ mọi lứa tuổi tới đọc sách, có bé mới vài tháng tuổi, thậm chí chỉ vài tuần tuổi cũng được tham gia đọc sách. Các thể loại sách ở đây rất phong phú, phù hợp cho mọi lứa tuổi của trẻ.

 

 
Tình cờ trong một lần tới thư viện, tôi thoáng nghe thấy một đứa trẻ Mỹ mới chưa tròn 2 tuổi đã đọc to, dõng dạc một dòng chữ trên tường cho mẹ nghe. Tôi ngạc nhiên lắm, hóa ra là con gái của Susan, một người đồng nghiệp mới của tôi.
 
Không giấu nổi vẻ ngạc nhiên, tôi quay ra hỏi Susan: "Ôi con chị biết đọc rồi sao?". "Vâng, cháu biết đọc một chút rồi ạ", cô ấy khiêm tốn trả lời. Nhưng thực tế là cô bé 2 tuổi kia đã đọc được hàng trăm từ rồi, điều này mãi về sau tôi mới được biết. Vậy là tôi và Susan bắt đầu nói chuyện về cách dạy học cho con. Chị ấy rất hào hứng chia sẻ cách dạy con của bản thân cũng như của các bà mẹ Mỹ khác. 
 
 
Ở Mỹ, tuy công nghệ rất phát triển nhưng trẻ em dưới 2 tuổi được khuyến cáo không nên tiếp xúc với tivi, iPad hay các thiết bị điện tử có màn hình khác. Thay vào đó, trẻ sẽ vận động ngoài trời và đọc sách trong thư viện cùng các thành viên trong gia đình.
 
Có lẽ khá lạ lẫm đối với tôi khi lần đầu bước chân vào thư viện ở đây. Người ta đưa trẻ đủ mọi lứa tuổi tới đọc sách, có bé mới vài tháng tuổi, thậm chí chỉ vài tuần tuổi cũng được tham gia đọc sách. Các thể loại sách ở đây rất phong phú, phù hợp cho mọi lứa tuổi của trẻ.
 
 
Chắc hẳn các bạn đang tự hỏi những đứa trẻ đó sẽ đọc sách thế nào? Rất đơn giản thôi, cha mẹ hoặc anh chị của chúng sẽ đọc to, rõ ràng, diễn cảm, đôi khi còn giả giọng các nhân vật cho trẻ nghe. Được biết, đối với trẻ dưới 5 tuổi, việc đọc to và giả giọng giúp trẻ tăng khả năng tập trung và ghi nhớ tốt hơn. Hàng tuần, thư viện còn có chương trình “Family Story Time” hay “Baby and Toddler Time” chuyên kể chuyện, đọc sách có ngữ điệu và hát những bài hát có vần cho trẻ.
 
Susan cũng kể rằng, ở Mỹ, các gia đình thường xuyên đưa trẻ nhỏ tới thư viện chơi. Bởi trong các thư viện đều có một khu vực dành riêng cho trẻ với thiết kế sáng tạo và có tính giáo dục cao. Đến thư viện, trẻ không chỉ được đọc sách phù hợp theo lứa tuổi mà có rất nhiều đồ chơi phong phú cho trẻ thỏa sức sáng tạo.
 
Không chỉ có vậy, các gia đình Mỹ đều dành cho con cái họ một không gian riêng để làm tủ sách nhỏ, hành trang tuổi thơ của con. Tuy sách mới ở Mỹ khá đắt, nhưng cũng có nhiều tổ chức cho sách miễn phí cho trẻ hoặc cha mẹ sẽ tìm mua lại những cuốn sách đã qua sử dụng giá rất rẻ mà chất lượng vẫn rất tốt.
 
 
Người Mỹ quan niệm rằng đọc sách cũng như tưới cây hàng ngày nên đọc vào sáng sớm khi bé thức dậy và buổi tối trước khi bé đi ngủ. Bởi sau một giấc ngủ đêm sâu và dài, đầu óc bé sẽ tỉnh táo và nhạy bén vào buổi sáng sớm, khi đó bé có thể ghi nhớ rất nhanh ngôn ngữ và những câu chuyện mới. Còn buổi tối trước khi đi ngủ, những câu chuyện nhẹ nhàng, em dịu sẽ giúp đưa bé vào giấc ngủ dễ dàng hơn. 
 
Trước khi tạm biệt ra về, Susan không quên nhắn nhủ tôi: "Hãy tập cho con tình yêu với sách, thói quen đọc sách ngay từ khi còn bé nhé!"
 
 

Dạy con về tiền: Cực đơn giản!

Linh Trang
Với trẻ nhỏ việc dạy con về tiền không nên quá phức tạp chỉ cần chúng hiểu được tiền ở đâu ra như vậy cũng là đủ rồi.

 

 

Với trẻ nhỏ việc dạy con về tiền không nên quá phức tạp chỉ cần chúng hiểu được tiền ở đâu ra như vậy cũng là đủ rồi (Ảnh minh họa).

Từ lúc biết đi trẻ đã có yêu cầu mua đồ chơi, đồ ăn… Khi được cha mẹ đáp ứng ngay lập tức chúng thực sự không biết giá trị của đồng tiền. Chúng chẳng biết tiền cần phải lao động vất vả mới kiếm được. Chúng chỉ biết tiền được lấy ra từ ví của cha mẹ và nó có thể đánh đổi được nhiều thứ.

Một lần đi du lịch cùng cơ quan, tôi tình cờ gặp một gia đình người Mỹ. Khi ấy, cậu con trai của họ đang xây lâu đài cát thì một em nhỏ bán hàng rong đến bên cậu bé đó giơ giơ chiếc móc chìa khóa ra mời chào. Thoạt đầu tôi nghĩ cô bé này sẽ chỉ mất công thôi vì cậu bé đó sẽ chẳng thèm để tâm đâu.

Nhưng thật bất ngờ, cậu bé đó đứng dậy nở nụ cười tươi gật gật đầu với em nhỏ bán rong kia và chạy ra chỗ người mẹ đang ngồi rất gần tôi. Tôi đã được nghe toàn bộ cuộc đối thoại giữa hai mẹ con.

- Con muốn mua cái móc chìa khóa kia mẹ ơi!

- Sao con lại muốn mua nó. Nó có gì đặc biệt không?

- Nó bình thường thôi nhưng con muốn giúp em bé kia. Mẹ nhìn kìa em ý trông thật tội nghiệp làm sao. Dép cũng chẳng có mà đi ấy.

- Con làm sao có thể giúp hết được nhiều người như vậy. Con nhìn xem đằng kia cũng có kìa!

- Mẹ cho con mua một lần này thôi được không?

- Vậy con trả lời cho mẹ biết tiền có được do đâu?

- Do làm việc ạ.

- Được mẹ sẽ cho con tiền mua thứ đó với điều kiện con phải làm việc. Mẹ sẽ trả số tiền đó cho công sức lao động của con.

- Con phải làm gì bây giờ?

- Con hãy nhặt rác trên bãi biển bỏ vào thùng rác.

- Con đồng ý!

Vậy là cuộc thương lượng đã xong cậu bé hồ hởi nhặt những mảnh túi nilong, những chai nước, những vỏ kẹo nhiều người đã “vô tình bỏ quên” trên bãi biển. Một lát sau cậu bé quay lại chỗ mẹ và đã được mẹ đưa cho số tiền đúng như giao ước ban đầu. 

 

Dường như cậu bé trân trọng đồ vật đó hơn vì nó được mua bằng chính công sức lao động của cậu (Ảnh minh họa).

“Đây là số tiền mẹ trả cho việc làm của con. Con có thể sử dụng nó theo ý mình”, người mẹ nói. Đứa trẻ vui sướng cầm số tiền chạy đến cô bé kia mua chiếc móc treo chìa khóa như đã hứa. Dường như cậu bé trân trọng đồ vật đó hơn vì nó được mua bằng chính công sức lao động của cậu.

Mục sở thị câu chuyện đấy là điều may mắn với tôi. Nó khiến tôi đầy bất ngờ và thật xúc động. Xúc động trước em bé Tây không ngại ngùng khi nhặt rác ở nơi đang đi du lịch. Họ có ý thức bảo vệ thiên nhiên trên bất kì mảnh đất nào, quốc gia nào. Xúc động cách dạy con về tiền bạc của người mẹ Mỹ ấy thật đáng học tập. Chỉ cần vậy thôi cũng khiến cho trẻ hiểu được giá trị đồng tiền và biết yêu lao động.

Tác giả bài viết: M.Chi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập73
  • Hôm nay12,546
  • Tháng hiện tại186,322
  • Tổng lượt truy cập32,652,847
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây