SỐNG THƯƠNG YÊU 2

Thứ tư - 21/05/2014 23:43
SỐNG THƯƠNG YÊU 2
 cy2xf6htub6pb5gvlpjl.gif picture in Beautiful Inspirational Graphics II


 




• Sống biết nhẫn nhục. Đa số mọi người chịu nhẫn nhục nén lòng khi thấy mình yếu kém hơn, nhỏ con hơn, yếu thế hơn,… Nhưng nhẫn nhục như vậy là nén lòng, tuy nhẫn nhục nhưng trong lòng vẫn bực tức sân giận. Còn người biết sống thương yêu nhẫn nhục, họ nhẫn nhục vì thương yêu mình, thương yêu người. Họ nghĩ rằng khi ai đánh mình, chửi mình, nói xấu, chê bai, chỉ trích mình, hiếp đáp, đe dọa… thì mình im lặng, im lặng để không có sự cãi cọ đôi bên, gây thêm thù hận, cãi cọ sẽ làm cho đôi bên tức giận dẫn đến chửi nhau, đánh nhau, sẽ có người bị thương tích, rồi bị mời lên đồn công an, ra tòa, mất thời gian, rồi bực tức suốt đời, ăn không ngon, ngủ không yên,…Mình phản ứng lại sẽ làm cho người giận hơn, thù hơn,… Do hiểu rõ tác hại như vậy mà mình sống thương yêu nhẫn nhục. Đó là mình thương yêu giúp cho người kia cũng bớt đi lòng thù hận, bực tức. Đức này là đức thương yêu nhẫn nhục.

• Sống biết bỏ cái tôi đi, bỏ cái thói quen luôn cho mình đúng, luôn bảo vệ ý kiến của mình. Con người ai cũng bị kẹt vào cái tôi này mà đánh mất lòng thương yêu hằng ngày cả trăm ngàn cơ hội. Càng lớn tuổi thì cái tôi càng lớn, càng học nhiều, đọc nhiều, kinh nghiệm nhiều thì cái tôi càng lớn. Không muốn lắng nghe ai, không biết nhường nhịn ai, luôn thấy lỗi người khác, ai nói trái ý mình thì lên tiếng ngay bảo vệ ý mình cho bằng được. Chính vì vậy mà đánh mất lòng thương yêu. Nếu biết áp dụng đức tùy thuận thì chúng ta sẽ làm cho người khác vui. Đó là biết sống có thương yêu, bởi vì ai cũng muốn đúng, mình tùy thuận, nghe theo, làm theo ý của người đó là mình làm cho người vui, người vui thì mình vui chứ sao. Đức này là đức tùy thuận.

• Sống biết tùy thuận là sống làm theo ý kiến, lời nói, yêu cầu hay hành động của người khác. Ai cũng luôn cho mình đúng, cái của mình bao giờ cũng tốt, cũng ngon, cũng nhất. Cho nên ai nói, hay làm trái ý thì giận hoặc liền ngay đó nói lên ý của mình ngay và bảo vệ ý đó. Ngay chổ này con người đã đánh mất lòng thương yêu. Vì khi bị ai nói trái ý thì ai cũng giận, cũng tự ái cả, mình cũng vậy thì người khác cũng vậy. Do vậy chúng ta hãy bỏ cái tôi xuống mà tùy thuận theo ý của người khác là chúng ta sống biết thương yêu. Ví dụ: Khi đến nhà người khác ăn thì mở miệng chê là món này mặn, lạt, cay, chua, ngọt quá, đánh giá đủ thứ… Mỗi người do đặc tướng khác nhau cho nên cái lưỡi cũng khác nhau, tại sao mình cứ nghĩ rằng cái gì của mình cũng là đúng nhất. Người ta bỏ hàng giờ ra nấu ăn, trổ hết tài ra, sử dụng mọi thứ ngon nhất để nấu, nêm nếm ngon vừa miệng họ, đặt tình thương của họ vào trong món ăn. Vậy mà mình vì cái tính kiêu ngạo, quen miệng chê bai khi thấy trái ý một chút đã làm cho người khác buồn. Người hay chê bai như vậy lần sau chắc không được mời đến ăn nữa. Người như vậy ít bạn, thường sống cô đơn vì không ai muốn gần. Đức này là đức tùy thuận.

• Sống không so sánh đối chiếu mình với người khác, hơn kém thua hay bằng người khác. Không so sánh đồ vật của người với đồ của nhà mình hay của mình. Thường khi nghe ai nói điều gì thì thầm trong đầu thường hay đánh giá người này nói sai hay đúng, thiếu hiểu biết hay có hiểu biết. Lịch sự thì không nói ra, còn không lịch sự thì nói ý mình ra để sửa sai người kia. Còn hơn nữa thì ra ngoài hay về nhà nói ra, nghĩa là nói sau lưng. Đó là người có tâm ngã mạn, hay so sánh mình với người khác, người này với người kia rồi đánh giá nhận xét. Ngay khi ý nghĩ khởi ra đánh giá bất kỳ ai thì ta dùng phương phác tác ý đập cái tâm ác này xuống, nếu không thì chúng ta sẽ đánh mất lòng thương yêu. Ví dụ thấy ai đi chiếc xe mới mua thì so sánh chiếc xe đó với xe mình hay so sánh với chiếc xe khác mà mình biết, rồi khen chê. Bất kỳ vật gì cũng đều không qua được sự đánh giá so sánh trong đầu con người, bởi vì con người đã huân tập thành một thói quen xấu như vậy, cho nên nó tự nhiên khởi lên nhận xét, đánh giá, bình luận và khen chê,… Nếu không sử dụng pháp tác ý đập xuống thì không thể nào bỏ được thói quen xấu này. Và khi không bỏ được thì con người cho đó là tự nhiên ai cũng có như các tâm khác như sân giận, vui buồn, tham lam,… Phải kiên trì và quyết tâm tác ý đuổi thì sẽ nhận ra những niệm khởi này dần dần thưa ra và biến mất, tâm tự chủ luôn được kiểm soát. Đức này là đức ly mạn.

• Sống biết đủ. Khi biết đủ thì con người sống sẽ có thời gian nghĩ đến người khác; biết giúp đỡ và cho đi những gì mình có, mình dư; sống không keo kiệt, bủn xỉn; không tham lam tích trữ, để dành hay gom góp mọi thứ về riêng cho mình. Cách sống biết chia sẻ là cách diệt lòng ích kỷ, bủn xỉn hẹp hòi. Đức này là đức thiểu dục tri túc.

• Sống biết tỉnh giác. Làm việc gì biết việc đó, không để bị phân tâm vừa làm cái này vừa nghĩ việc khác hay vừa làm vừa đọc kinh. Người có thói quen phân tâm dễ bị lãng trí, mất trí nhớ, trường hợp nhẹ là có khi chân tay hoạt động rung, lắc mà không biết. Muốn không bị phân tâm khi làm việc, nên lâu lâu nhắc tâm. Ví dụ: Khi hái rau nên lâu lâu nhắc tâm: “Hái rau tôi biết tôi hái rau”. Đức này là đức tỉnh giác.

• Khi nhận quà, đừng đánh giá, nhận xét vào giá trị món quà, mà hãy biết quý trọng lòng thương yêu của người tặng đặt trong món quà. Đức này là đức chánh niệm tỉnh giác.

• Lái xe cẩn thận, tránh gây tai nạn hoặc để bị tai nạn. Luôn sẵn sàng nhường đường cho người khác chạy trước; nắm rõ luật lệ giao thông. Thiếu cẩn thận sẽ dẫn đến làm cho người thân lo lắng, tốn tiền, tốn thời gian đôi bên. Đức này là đức cẩn thận an toàn giao thông.

• Luôn có ý nghĩ rằng mọi người là người tốt, người thiện, người lành. Không ai xấu cả. Đừng nghi ngờ xấu ai cả. Khi nghĩ xấu về ai, nghi ngờ ai là mình đã đánh mất lòng thương yêu. Dù ai đó xấu, mình cũng không nên nghĩ xấu về người đó hoài được. Bởi vì khi ai sai, nhận ra được cái sai và sửa thì họ đã là người tốt rồi. Không có cái gì trên đời này là cố định cả, tất cả đều thay đổi. Do biết vậy mà mình luôn nghĩ tốt về mọi người, bây giờ họ xấu, ác, lừa đảo, lợi dụng mình, nhưng một giây sau họ có thể trở thành người tốt khi họ biết sửa sai, chỉ một giây nhận ra cái sai và quyết từ bỏ cái sai thì một giây sau người đó đã trở thành người tốt. Đức này là đức không nghi ngờ.

• Trong gia đình dù mất một cái gì cũng không nên nghi ngờ xấu cho ai. Lựa lời mà hỏi, biết ai cần thì vui vẻ cho ngay từ cây kim, đồng hồ, cái gối, hay tờ giấy, quyển tập. Đây là đức không nghi ngờ buông xả.

• Chỉ thấy lỗi mình, không thấy lỗi người. Chúa cũng có dạy: “Lỗi tại ta mọi đàng” là ý nghĩa này. Con người thường huân tập thói quen hễ chuyện gì xãy ra đều hay đổ lỗi cho người khác, đổ lỗi hoàn cảnh, chứ ít ai kiểm soát lại mình để thấy lỗi mình. Người thấy lỗi mình là người biết sống thương yêu. Ngay khi thấy lỗi người là đã đánh mất lòng thương yêu. Không có lửa, sao có khói; không có nhân sao có quả. Mọi việc xảy ra đều do nhân quả. Mình đã từng nói xấu người thì ngày nay mình bị người khác nói xấu, chửi mắng lại. Mọi người nghĩ rằng hôm nay mình cứ nói xấu ai cũng được, họ có nghe đâu mà sợ, nhưng không phải vậy đâu, trong thiên nhiên có một quy luật nhân quả rất công bằng, không ai trốn được những hành động xấu của mình. Phải có quy luật nhân quả công bằng như vậy thì con người mới sợ. Còn không biết có một quy luật công bằng như thế thì con người sẽ luôn bị cái tâm nham hiểm, mánh khóe lừa gạt, sẽ tìm cách mua chuộc tội lỗi hay hành động ác của mình bằng cách đi xưng tội, sám hối, mua chuộc Thần Thánh Trời Phật, cầu nguyện Thần Thánh Trời Phật tha tội. Nếu không có quy luật công bằng nhân quả này thì cả thế gian này sẽ loạn, vì con người rất tham lam ác độc, sẽ làm việc xấu ác rồi đi tới tôn giáo của mình xin tha tội. Do vậy khi hiểu rõ đó là nhân quả do mình đã từng nói xấu ai đó cho nên hôm nay bị người khác nói xấu lại dù đó là lời nói oan. Mình hiểu như vậy cho nên mình thấy lỗi mình, không thấy lỗi người. Do vậy mà không để lời qua tiếng lại. Mình nhẫn nhục im lặng. Đó là mình sống biết yêu thương. Đức này là đức thấy lỗi mình.

• Hãy nói những lời nói thiện, đừng nói lời nói thù hận hay bực tức ai, thù hận hay bực tức cái gì. Dù chuyện gì xấu xảy ra, luôn nghĩ thiện, nói thiện. Nhìn mọi vật xảy ra dưới con mắt thiện, tốt, không phải xấu, luôn thấy lòng tốt, lòng thương yêu của người khác. Đó là một nghệ thuật sống biết yêu thương nhau. Đức này là đức ái ngữ.

• Không nên nói xấu, chê bai chỉ trích, nói cái sai, cái lỗi của bất kỳ ai. Hãy luôn nói tốt về mọi người, nhưng phải đúng sự thật kể cả với lời nói khen ngợi. Đức này là đức ái ngữ.

• Không nên nói những lời nói mạ nhục, lăng mạ, chửi mắng, ác độc, hung dữ…Hãy luôn nói những lời nói ôn tồn, dễ nghe, hiền lành, dịu dàng, nhẹ nhàng… Đức này là đức ái ngữ.

• Không nên gọi người khác là mày, tao, nó, mẹ nó, con đó,…mà hãy xưng tên hoặc gọi người khác bằng anh, chị, chú, bác, em, cháu, con…Đức này là đức lễ ái ngữ.

• Khi gặp nhau thì chào nhau, bắt tay nhau hay xá chào nhau, ôm nhau,…Khi ôm nhau thì giống như chúng ta trau cho nhau lòng thương yêu. Đức này là đức lễ.

• Biết nói lời nói cám ơn khi ai giúp mình, cho mình vật gì và nói lời xin lỗi khi phạm sai lầm. Đức này là đức lễ cám ơn và đức hối hận.

• Không nên chửi thề, thề thốt. Đức này là đức ái ngữ.

• Không nói lời nói chia rẽ, mất đoàn kết, ly gián nhau. Hãy nói những lời nói đoàn kết. Đức này là đức ái ngữ.

• Không nên nói dối, kể cả nói dối để chơi, vui đùa. Khi biết ai thường hay nói dối thì mình có còn tin họ nữa không? Nếu chúng ta biết đặt câu hỏi này thì mình đừng nói dối với ai. Đến khi mình bị mất lòng tin thì đã quá trễ. Mình đau khổ như thế nào khi bị nói dối. Vậy hãy thương yêu mọi người và đừng nói dối lừa gạt ai. Đối với trẻ em cũng vậy chúng ta cũng phải cẩn thận khi nói chuyện với chúng, đừng nghĩ các em không biết gì. Thường cha mẹ hay nối dối để gạt con ăn cơm, uống thuốc, đi học rằng “Con ăn cơm, uống thuốc hay đi học đi, cha mẹ sẽ mua đồ chơi cho”, đến khi con ăn cơm, uống thuốc xong hay đi học về hỏi đồ chơi thì cha mẹ cứ lảng qua chuyện khác rồi quên luôn. Được vài lần như vậy con cái sẽ không còn tin cha mẹ nữa. Cha mẹ sống không làm gương cho con cái nói lời nói không thành thật thì con cái ngay từ nhỏ đã bắt đầu biết nói dối cha mẹ và tất cả mọi người. Đức Phật đã từng nói “Nếu ai không nói thành thật thì việc gì ác cũng không từ”. Do vậy xin hãy sống với đức thành thật.

• Không nên chuyện có nói không, chuyện không nói có. Có thì nói, không thì không nói. Có nghe thì nói có nghe, có thấy thì nói thấy. Đừng đánh giá sự việc hay người khác qua sự suy tưởng của mình, vì con người hay suy bụng mình ra bụng người. Đức này là đức thành thật.

• Không nói lời nói hai lời, lúc thế này lúc thế khác. Do vậy chớ có hứa bất kỳ điều gì. Hứa mà không thực hiện được là chúng ta đánh mất lòng thương yêu. Hôm nay sống ngày mai chết thì sao thực hiện được lời hứa. Hôm nay như vầy ngày mai nhiều chuyện khác xảy ra thay đổi mọi thứ thì làm sao giữ được lời hứa. Do vậy chớ nên hứa một điều gì. Còn đối với ai thấy người khác thất hứa thì cũng tha thứ bỏ qua cho, vì đã hiểu rằng cuộc sống này là vô thường, mọi chuyện đều thay đổi, cho nên vui vẻ chấp nhận. Chính sự vui vẻ này đem lại niềm vui cho mình và người thất hứa, thật là tuyệt vời làm sao khi biết sống thương yêu. Nhưng khi đã hứa thì cố gắng thực hiện cho được với lòng thương yêu, nhất là khi buôn bán chỉ nói một giá, đôi khi do lòng tham thấy người ta chịu mua đồ của mình thì lại cứ tưởng mình bán rẻ cho nên tăng giá, vì khi bán một món hàng có giá trị lớn như đất đai nhà cửa thì ai cũng sợ nói hớ giá rẻ, thấy người ta chịu mua ngay thì suy nghĩ lại rồi tăng giá. Ai cũng muốn mua giá rẻ, mình cũng vậy, cớ sao lại bán thách cho người khác. Người được mua đồ giá rẻ thì vui mừng. Mình thấy bán được đồ mà người mua vui thì mình cũng vui theo chứ sao. Đâu phải đợi khi có nhiều tiền rồi đem tiền đi giúp đỡ người nghèo mình mới vui. Khi ai sống với lòng thương yêu thì mỗi mỗi hành động thương yêu đều đem niềm vui đến cho mình, cho người và cho muôn loài vạn vật khác. Đức này là đức thành thật.

• Ma quỷ là những chuyện tưởng tượng của con người, không những trẻ em mà người lớn vẫn có tư tưởng sợ hãi, nhất là thời nay phim kinh dị quá nhiều cho nên không thể tránh được tư tưởng sợ này. Bộ óc con người là một bộ máy tinh vi và huyền bí, nó có khả năng làm được những điều kỳ diệu và màu nhiệm mà khoa học chưa chứng minh được như những chuyện thần thông của những người tu tập bên Tây Tạng, lên đồng nhập cốt, tìm thấy xác chết của những nhà ngoại cảm…những ai không hiểu thì cho là có thế giới siêu hình nhưng thực ra con người đã bị chính bộ não của mình đánh lừa. Bộ não của con người có thể biến những ham thích, những tư tưởng, niềm tin vào ai hay tôn giáo, khái niệm, quan niệm, sự sợ hãi,… mà con người đã từng thấy, nghe nói, ngửi, nếm, sờ, những suy tưởng thành hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, cảm giác hay hoạt động của thân bằng chính đôi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân của chính mình như thấy Ma, Chúa, đức mẹ, Phật, người thân, ánh sáng hay hào quang xung quanh người hay xung quanh đầu…, tiếng nói, tiếng đọc kinh, tiếng giảng pháp, tiếng sấm chớp, tiếng vang,…, mùi thơm…, vị ngọt cam đào thần tiên,…thân múa võ thiếu lâm như phim kiếm hiệp mặc dù chưa bao giờ học võ,... Để giải thích cho dễ hiểu, Đức Phật đã nói thân người gồm năm ngủ uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hảnh, Thức. Khi con người ngủ, ý thức ngừng, nhưng con người có thấy chiêm bao, đó là phần Tưởng uẩn làm việc. Phần Tưởng Uẩn này có khả năng vượt không gian và thời gian, biết chuyện quá khứ, tương lai, ngồi bên Mỹ mà có thể biết mọi chuyện xảy ra tại Việt Nam hoặc biết được chuyện quá khứ của mình,... Chính phần Tưởng Uẩn này hoạt động làm cho nhà ngoại cảm có thể thấy được hài cốt của liệt sĩ. Nguyên do là khi con người đang sống mỗi mỗi hành động, lời nói hay suy nghĩ đều được sao chép copy lại và được tích trữ trong không gian. Khi tưởng uẩn làm việc thì phần tưởng uẩn có thể tương ưng với những copy sao chép của người nào cần biết. Ví dụ Thân nhân muốn tìm hài cốt của anh em mình chết trong chiến tranh, chỉ cần mang hình ảnh của người chết đến cho nhà ngoại cảm thấy. Nhà ngoại cảm là người có Tưởng uẩn và Ý thức cùng đồng thời làm việc, khi cần thì họ có thể dùng tưởng uẩn tìm ngay ra hài cốt của người quá cố và chỉ cho người thân thấy nơi thất lạc. Tưởng uẩn có thể giao cảm với những copy của người quá cố và có thể nói chuyện như thật để biết mọi chuyện xảy ra, tại sao chết, ai giết,…Vậy làm sao biết không có thế giới siêu hình? Giả sử người quá cố chết lúc 20 tuổi, 50 năm sau người thân bắt đầu đi tìm. Như trên đã nói nhà ngoại cảm dùng tưởng uẩn giao cảm với những copy trong không gian của người quá cố, những copy đó là người trẻ 20 tuổi, chứ không phải người già 70 tuổi, vì khi chết lúc 20 tuổi thì trong không gian không còn có những copy sau đó nữa. Chính ở điểm này cho chúng ta biết được không có thế giới siêu hình, thế giới siêu hình là thế giới tưởng. Nếu có thế giới siêu hình thì những gì nhà ngoại cảm thấy phải là một người 70 tuổi mới đúng. Trong kinh Trung Bộ bài Pháp Môn Căn bản, Đức Phật đã từng nói: “Người ấy tưởng tri Phạm thiên là Phạm thiên, Người ấy tưởng tri Quang Âm Thiên là Quang Âm Thiên, …”. Chính ở chổ này loài người ngày nay không hiểu ý Phật là không ngờ chính do Tưởng Uẩn làm việc cho nên tưởng gì thì thấy đó, nghe đó, ngửi được mùi đó,…Chính tưởng Uẩn của con người lừa con người chứ không có thế giới nào cả. Thế giới siêu hình chỉ là một thế giới của tưởng tri chứ không phải liễu tri. Do vậy ai sợ ma thì thấy ma, ai không sợ thì không bao giờ thấy (vì Tưởng Uẩn không làm việc). Chính vì vậy mà có người thấy ma, có người không thấy ma, có người nói có ma, có người nói không có. Chính do Tưởng Uẩn của mỗi người khác nhau mà thôi. Do vậy hãy sống với đức chánh tín để không làm khổ mình và khổ người.

• Sống với tâm sáng suốt là không nên mê tín, vì mê tín thì tiền mất tật mang, sống luôn lo lắng và làm khổ mình khổ người. Người sống tin vào khả năng của chính bản thân, tin rằng chính hai bàn tay và khối óc này sẽ đem đến hạnh phúc cho mình, cho người và cho muôn loài vật khác thì đâu có mê tín. Nếu ai sống đúng đạo đức thì cuộc sống này không bao giờ đau khổ, dù người đó thuộc dân tộc nào hay tôn giáo nào. Sự giàu, nghèo không phụ thuộc vào dân tộc, quốc gia hay tôn giáo, mà phụ thuộc vào có sống đạo đức hay không. Chính đời sống đạo đức sẽ chuyển hóa cuộc sống của mọi người. Do vậy không có số mạng cố định hay định mệnh. Mà chính hành động của mỗi người trong hiện tại sẽ là nhân tố quyết định cho cuộc sống tương lai của mình. Sự giàu nghèo không thể đem hạnh phúc cho con người, mà chỉ có lòng thương yêu chân thật mới đem hạnh phúc thật sự đến cho con người. Vì mọi người quá coi trọng đồng tiền cho nên quên mất sống thương yêu. Nếu biết sống yêu thương thì chính con người làm chủ cuộc đời mình, làm chủ hạnh phúc của mình, không còn nương nhờ vào ai cả. Đức này là đức chánh tín.

• Sống cung kính lễ độ đối với tất cả mọi người, vợ kính chồng, chồng kính vợ, con cái cung kính cha mẹ, người lớn tuổi. Ví dụ: chuyển vật gì cho ai bằng hai tay, kể cả là cây tăm. Đức này là đức cung kính tôn trọng.

• Không nên quan hệ bất chánh với người đã có gia đình, phá vỡ và gây xáo trộn hạnh phúc gia đình của người khác. Người có vợ chồng rồi thì không nên la cạ với người khác phái khác. Đức này là đức hiếu sinh chung thủy.

• Sống yêu thương là mang niềm vui và hạnh phúc đến cho nhau, mà không hề đòi hỏi người khác một sự đáp trả nào. Người sống thương yêu lấy niềm vui và hạnh phúc của người khác làm niềm vui và hạnh phúc cho mình, như một người mẹ thương con chỉ tìm mọi cách làm cho con mình vui và hạnh phúc, chính khi thấy con mình hạnh phúc thì người mẹ vui và hạnh phúc, kể cả khi con cái đã có gia đình. Trước khi nam nữ đến với nhau, họ sống rất hay, họ chỉ tìm cách tạo niềm vui và hạnh phúc cho nhau, họ sẵn sàng tha thứ bỏ qua mọi lỗi lầm của nhau và không bao giờ nhắc đến lỗi lầm, họ biết sống nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng vui vẻ vào từng hành động, lời nói, yêu cầu của nhau. Họ quan tâm nhau như những người bạn tri kỷ. Do vậy mà tình yêu thương nam nữ trước khi cưới rất đẹp. Đến khi cưới nhau rồi thì tình thương yêu như biến mất, sự nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng cũng không còn, ai cũng giữ lập trường riêng của mình mà không sống tùy thuận nhau nữa, lòng thương yêu tha thứ cũng không có. Ngồi chờ xem người kia có làm đúng như những lời đã hứa thương yêu trước khi cưới hay không? Đánh giá, nhận xét rồi phán xét đúng sai phải trái, thật thà hay lừa dối. Chính vì vậy mà tình thương yêu bị đánh mất. Ý nghĩa của tình yêu là đem niềm vui và hạnh phúc đến cho nhau đã bị quên đi mà không biết. Sự ngồi chờ và mong đợi người khác đem hạnh phúc đến cho mình không thể là hạnh phúc thật sự được. Cho là nhận. Đó là một câu nói đơn giản, nhưng đầy ý nghĩa cao quí tuyệt vời. Người muốn có hạnh phúc thì hãy mang hạnh phúc đến cho người khác. Nếu tất cả những cặp vợ chồng trên thế gian này hiểu được điều này thì sẽ không còn có sự chia tay hay ly dị. Đức này là đức thương yêu nhẫn nhục tùy thuận bằng lòng.

• Không nên hút thuốc, uống rượu bia và các chất ma túy khác; không nên mang thuốc lá, rượu bia làm quà tặng cho người khác. Đức này là đức minh mẫn.

• Luôn biết sống thương yêu đất nước, tổ quốc của mình. Tham gia vào việc làm từ thiện có ích cho xã hội; hiến máu nhân đạo; góp công sức và tiền của giúp đỡ người nghèo bị thiên tai, xây dựng nhà tình nghĩa; đóng thuế đủ cho nhà nước để đất nước có tiền xây dựng cầu cống, đường xá, công viên, trung tâm văn hóa, trường học, bệnh viện…; làm việc cho nhà nước thì không nên lợi dụng chức quyền mua chuộc và ăn hối lộ, tham nhũng tài sản của nhà nước; tuân thủ đúng luật lệ của đất nước ban ra, không nên tìm cách luồn lách những sơ hở của pháp luật để trục lợi cho bản thân như trốn thuế, khai gian thuế; giữ gìn và bảo vệ tài sản quốc gia, rừng, thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản và môi trường; giữ gìn vệ sinh nơi công cộng để giúp cho đất nước ngày thêm đẹp; xử lý các chất thải độc hại trước khi được thải ra môi trường; đối xử tôn trọng và lịch sự với nước ngoài; sẵn sàng nhập ngũ khi đến tuổi nghĩa vụ hay khi đất nước cần; góp tài và chất xám xây dựng đất nước; không tham gia vào những băng nhóm tội phạm hay buôn bán các chất ma túy độc hại; luôn bảo vệ, không đánh cắp hay phá hoại hoặc làm hư hỏng tài sản nơi công cộng; khi đất nước khó khăn thì sẵn sàng cùng nhau góp sức xây dựng mà không cần trả công; sống có văn hóa biết giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của tổ tiên để lại; luôn ghi nhớ công ơn tổ tiên và những anh hùng liệt sĩ, v.v … Đó là mình đang sống yêu thương và góp phần xây dựng đất nước. Đức này là đức thương yêu tổ quốc.

• Sống biết vui mừng với những sự thành công của người khác, dù là một việc nhỏ như em bé được một viên kẹo. Biết sống vui mừng với sự thành công của người khác là mình diệt được lòng ganh tỵ. Nhất là khi ai tham gia vào các cuộc thi tuyển chọn hay các trò chơi thắng thua hay đoạt giải. Khi thua hãy biết vui mừng với sự thành công của người khác. Mình cũng muốn là người đứng nhất thì người khác cũng vậy. Hãy nhìn lỗi mình thấy mình chưa đủ tài hay mình còn khiếm khuyết ở điểm nào đó chưa hiểu ra, hãy về suy ngẫm lại mà sửa, có ngày sẽ thành công như họ. Nghĩ như vậy thì mới diệt được lòng thù hận, nỗi buồn, ganh tỵ….mà vui vẻ được. Đức này là đức hoan hỷ.

• Sống luôn biết ơn mọi người suốt đời dù chỉ một lần được người giúp đỡ. Đừng nghĩ rằng trả ơn rồi là xong. Nghĩ như vậy sẽ đánh mất lòng thương yêu. Nếu không có một lần giúp đỡ đó thì làm sao cuộc sống của mình được như ngày nay. Tất cả mọi vật, mọi chuyện xảy ra, mọi người xung quanh đều đang dạy chúng ta những bài học hay nào đó. Người có con mắt thiện sẽ thấy mọi chuyện xảy ra hằng ngày không có cái gì xấu, không có gì xui, không có gì rủi mà ngày nào cũng là ngày tốt, ngày may mắn, ngày lành. Do vậy mà họ luôn sống có đức biết ơn.

• Đừng để tâm suy tưởng lung tung, khi tâm có tham thì sẽ tưởng ra đủ thứ, chúng sai con người hết làm việc này đến làm việc khác để kiếm tiền, có tiền rồi thì chúng sai chúng ta mua cái này cái nọ để thỏa mãn lòng dục của nó, chạy theo hết món ăn này đến món ăn khác, hết nhà hàng tây đến nhà hàng đông, hết đầu tư vào lảnh vực này đến đầu tư vào lảnh vực khác, đi du lịch hết nước này đến nước khác… Đi đâu nó cũng khởi niệm tham muốn cái này cái nọ, mặc dù quá khả năng cho phép nó cũng tưởng và lôi con người chạy theo nó đến xem cho bằng được mới. Người sáng suốt nhận ra hạnh phúc chân thật đến từ bên trong tâm hồn chứ không phải từ bên ngoài. Những vật chất, vui thú bên ngoài chỉ là tạm bợ làm cho con người bị dính mắc và lo lắng thêm chứ không giúp tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự. Khi bị tâm tham lôi thì chắc mình sẽ đánh mất lòng thương yêu. Ví dụ: Có thể dùng tiền đi du lịch, mua sắm, đầu tư cho người nghèo hay bất hạnh trong xã hội. Ai cũng biết sống nên chia sẻ, giúp đỡ những gì mình có cho người nghèo là một điều tốt và có ích. Nhưng khi có tiền rồi thì ít ai có thời gian biết nghĩ đến người khác, họ bị tâm tham chi phối và sai xử như một tên nô lệ. Có câu châm ngôn “Sự giàu có không phải được đo bằng những gì có, mà chính bằng sự cho đi”. Đức này là đức thực tế.

• Sống thương yêu đừng để tâm đau buồn, sợ hãi hay lo lắng. Có nhiều cách để giữ tâm bất động.

1. Sống biết đủ, không sở hữu một vật gì, xả bỏ tất cả, chỉ để lại vài bộ đồ và những thứ cần thiết trong một túi ba lô. Sống với tài sản là lòng thương yêu trải rộng đều khắp mọi người không phân biệt thân sơ, xem mọi người như cha mẹ anh chị em hay con của mình. Đức này là đức xả bỏ.
2. Tác ý giữ tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự. Mọi pháp xảy ra đều là nhân quả. Tất cả những gì xảy ra đều là thước phim quay lại cho chúng ta thấy những hành động xấu tốt của mình trong quá khứ. Đó là những bài học nhắc nhở chúng ta từ bỏ ác pháp và tiếp tục tăng trưởng thiện pháp. Đức này là đức nhân quả.
3. Tác ý giữ tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự. Mọi pháp xảy ra đều là vô thường, không thường hằng bất biến mà thay đổi, nay như thế này ngày mai sẽ khác, có sanh chắc có tử, có hợp chắc có tan, tan rồi hợp, có thành thì sẽ có bại. Mọi chuyện luân chuyển theo quy luật thành trụ hoại tan. Đức này là đức tất cả các pháp là vô thường.
4. Tác ý giữ tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự. Biết chấp nhận mọi việc xảy ra dù là chuyện gì. Luôn sẵn sàng tha thứ và bỏ qua tất cả. Đức này là đức thương yêu tha thứ.
5. Tác ý giữ tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự. Luôn thấy cái tốt, cái thiện trong mỗi người. Tất cả mọi người đều là người tốt, người thiện, là người đang giúp mình, đang thương yêu mình. Đức này là đức Từ Bi Hỷ Xả
6. Tác ý giữ tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự. Không phán xét, đánh giá đúng sai phải trái về người khác. Mọi việc làm của người khác đều đang đem hạnh phúc đến cho họ, đó là sự lựa chọn tốt nhất, hợp nhất với họ. Họ hạnh phúc thì mình vui mừng cho họ, họ hạnh phúc thì mình cũng hạnh phúc an vui, có gì đâu mà lo. Đó là ý nghĩa của cuộc sống mà. Đâu cần họ phải làm theo ý của mình thì họ mới hạnh phúc. Hảy từ bỏ mọi ý nghĩ phán xét, đánh giá việc làm của người khác, thuận theo ý của mình là đúng, khác ý của mình là sai. Hãy nhìn con đường và sự lựa chọn của người khác là cách tốt nhất, mang hạnh phúc và an vui nhất đến cho người. Có như vậy thì đâu còn lo lắng, suy nghĩ, bận tâm nữa. Đức này là đức bất động tâm.
7. Tác ý giữ tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự. Tâm không nên suy tưởng lung tung, suy đoán không căn cứ, tưởng là không có thật phải tác ý đuổi đi. Đức này là đức thực tế.
8. Tác ý giữ tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự. Quán xét mọi chuyện với lòng thương yêu rộng lớn để không còn sợ hãi chuyện gì hay sợ ai cả. Đức này là đức hiếu sinh.
9. Tác ý giữ tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự. Nhìn thấy lỗi mình không thấy lỗi người. Chính vì quán xét nhân quả cho nên chỉ thấy lỗi mình. Đức này là đức thấy lỗi mình.
10. Tác ý giữ tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự. Mọi chuyện xảy ra đều là điều tốt, là một nhân tố tốt đem lại những điều tốt trong tương lai. Chỉ cần chúng ta biết cách nhìn và sử dụng khía cạnh tốt của chúng thì mọi việc sẽ êm đẹp và thành công. Nếu ai có đọc chuyện kể về ông Walt Disney thì biết rằng trước khi giàu có nổi tiếng ông là một họa sĩ sống trong một chiếc xe tải nhỏ. Hằng ngày ông vẽ hết bức tranh này rồi đến bức khác, nhưng tất cả đều bị xé bỏ sau đó. Cùng sống với ông trong chiếc xe có một chú chuột nhắt. Một lần tình cờ ông nhìn chú chuột chạy qua lại trong xe rồi nảy ra ý tưởng vẻ tranh về chú chuột. Từ đó tranh ông bán đắt giá và ông bắt đầu thành công. Do vậy mọi chuyện xảy ra xung quanh đều là một cơ hội tốt giúp chúng ta điều gì đó. Chỉ cần chúng ta để ý quan sát và nhìn chúng với con mắt thương yêu bình đẳng, con mắt thiện và tốt thì tâm hồn chúng ta sẻ cởi mở, trong sáng và sáng suốt. Đức này là đức chánh niệm tỉnh giác.
11. Tác ý giữ tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự. Sống biết tôn trọng mọi quyết định của mọi người. Chuyện mình mình biết, chuyện của người người lo. Không nên nhiều chuyện. Đức này là đức tôn trọng.
12. Tác ý giữ tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự. Không nên dính mắc và chuyện đúng sai phải trái của người mà hãy nhìn mọi việc với đôi mắt nhân quả. Nhân quả của ai người đó lo. Mình khuyên họ, liệu họ có nghe theo không. Không nghe theo thì mình lại thêm buồn khổ, lo lắng nữa. Rồi nếu họ sai thì họ tự sửa, đó là cách tốt nhất để họ học hỏi bằng kinh nghiệm của chính họ. Đức này là đức nhân quả.
13. V.v…

• V.v…


Nếu kể ra thì có hằng trăm ngàn cách sống thương yêu mà hằng ngày chúng ta để trôi qua và đánh mất. Sự trình bài ở trên chỉ là một phần nhỏ khái quát chung tạm đủ để sống yêu thương bằng chính khả năng và điều kiện của mỗi người, ai cũng làm được và đã làm được. Mọi người đang sống yêu thương nhau và mang hạnh phúc đến cho nhau. Chính mọi người là tấm gương sáng cho nhau trong cuộc sống.

Tất cả cách sống thương yêu đều hổ trợ cho nhau, có cái này thì cái kia sẽ có và dễ dàng, mình càng biết cách sống thương yêu nhiều thì mình sẽ thấy dễ dàng hơn trong những trường hợp khác. Lúc đầu khi chỉ biết vài cách sống thương yêu thì chúng ta hãy thường xuyên nhắc tâm những cách sống nào mà mình chưa quen, ít nhất một lần một ngày. Khi đã sống quen rồi thì không cần nhắc tâm nữa. Phương pháp nhắc tâm là một phương pháp không thể thiếu được để trau dồi lòng thương yêu. Thiếu phương pháp nhắc tâm thì lòng thương yêu không thể có được hoặc yếu. Phương pháp nhắc tâm giúp diệt trừ tâm ác đã có và chưa sanh ra. Khi thấy tâm ác vửa khởi ra muốn giận, bực tức thì phải tác ý ngay, nếu không thì miệng sẽ nói ra lời nói chửi mắng người khác không kịp kiểm soát do thói quen huân tập lâu nay. Ví dụ: “Tâm không được sân giận, sân giận là đánh mất lòng thương yêu, hãy yêu thương mọi người”

Tất cả tình thương đều do từ ý nghĩ mà ra, nếu nghĩ tốt, nghĩ thiện là biết sống có thương yêu. Nếu nghĩ xấu, nghĩ ác là đánh mất lòng thương yêu. Biết rõ tâm thiện hay ác là do sự huân tập lâu ngày thì mình hãy bắt tay ngay vào huấn luyện tâm mình bằng phương pháp tác ý. Chỉ cần thay đổi cách nhìn, thay đổi cách nghĩ thì từ một con người bình thường sẽ dễ dàng trở thành thánh nhân. Thánh nhân cũng từ con người mà ra. Thánh nhân chỉ là cái danh do con người đặt ra, thật ra khi ai đã sống biết thương yêu thì họ đâu cần cái danh đó, cuộc sống của họ cũng bình thường giản dị như mọi người nhưng họ có thể làm những việc phi thường, luôn thương yêu và tha thứ bỏ qua mọi lỗi lầm của người khác, chỉ nhìn thấy lỗi mình không thấy lỗi người. Chính vậy mà tâm họ luôn bất động thanh thản, an lạc và vô sự.

Hôm nay các chúng ta đã nhận ra được lòng thương yêu ở ngay xung quanh chúng ta, sao chúng đơn giản, gần gủi giản dị quá vậy. Vậy thì còn chờ gì nữa hãy bắt tay vào và để ý mọi việc, mọi người xung quanh. Chúng ta sẽ thấy mọi người xung quanh đang sống yêu thương nhau, tất cả đều là người tốt, họ đang sống thương yêu chúng ta. Tất cả mọi người đang dạy chúng ta sống tốt, sống thương yêu đó.

Quá trình trau dồi lòng thương yêu đòi hỏi sự kiên trì, biết sử dụng phương pháp tác ý và lòng quyết tâm. Nên chọn một nơi yên lặng ngồi thẳng lưng (trên ghế, hay ngồi kiết già) tự nhiên không gò bó, quan sát cái tâm khởi nghĩ điều gì rồi quán xét phân tích niệm nghĩ đó xem nó hoặc có làm đau khổ mình, hoặc khổ người, hoặc khổ các loài vật không? Nếu có thì quyết từ bỏ bằng câu tác ý nhắc tâm: “Tâm bất động thanh thản, an lạc vô sự”. Người mới tu tập sẽ nhận ra thời gian đầu các niệm khởi lên liên tục, với quyết tâm rèn luyện lòng thương yêu thì dần dần các niệm sẽ vơi đi và hết. Chỉ cần quán xét từng niệm một, không cần để ý đến các niệm khác. Chính do sự thông hiểu và quyết từ bỏ thì các niệm sẽ vơi đi và hết. Lúc đó người tu tập sẽ chứng nghiệm được tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự. Ít nhất 30’ mỗi ngày là cũng đủ, ngồi 30’ rồi đứng dậy đi lại xả nghỉ thư giản nhắc tâm luôn thanh thản an lạc và vô sự.

Trạng thái tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự là trạng thái tâm thanh tịnh tự nhiên, không nghĩ ngợi gì cả, tự nhiên yên bặt, chứ không phải cố tình ức chế tâm không niệm. Ức chế tâm không niệm là tu sai, sẽ không có kết quả gì cả. Tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự là do sự xả tâm biết sống ly dục và ác pháp. Những dục gồm có như tham ăn, ngủ, sắc dục, danh và lợi. Ăn ngủ phải đúng giờ, không ăn uống lặt vặt và phi thời; không khởi tâm tham muốn sắc dục của người khác phái; không để tâm chạy theo danh và lợi, sống biết đủ, xem thường mọi khen chê ở đời.

Không nhiều thì ít nếu ai hiểu được cách sống thương yêu thì cũng đã đem hạnh phúc đến cho mình, cho người và các loài vật khác sau khi đọc bài viết này. Thiệt ra chúng rất đơn giản, dễ dàng và gần gủi, nhưng vì con người đã huân tập lâu ngày những thói quen xấu từ suy nghĩ, lời nói cho đến hạnh động. Do vậy cần phải có thời gian huân tập lại những đức hạnh thiện để thành một thói quen tốt. Với quyết tâm và lòng kiên trì thì mọi chuyện sẽ thành công. Người thành công không phải luôn là người chiến thắng, mà là người khi vấp ngã, không bỏ cuộc biết đứng dậy tiếp tục đi tiếp.

Khi quen dần và thông hiểu với các niệm dục và ác, một thời gian sau không cần quán xét nữa, chỉ cần chúng khởi lên thì tác ý ngay: “tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự”. Người chết mà giữ tâm được bất động thanh thản an lạc và vô sự thì đó là một trạng thái toàn thiện. Do vậy đừng quên câu tác ý trên, mỗi khi hữu sự. Pháp tác ý chính là phao giúp vượt biển, không có phương pháp tác ý chúng ta sẽ bị cuốn trôi như hiện nay con người đang bị ác pháp cuốn trôi mà không hay biết, chỉ còn biết nương nhờ vào Thần Thánh Trời Phật phù hộ hay gia hộ, mất đi khả năng tự lực của chính mình.

Tham, sân, si, mạn, nghi là năm bức màn che làm cho con người không thấy được những hành động hay lời nói của mình làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh. Trong đó tâm si là tâm mê mờ, hiện tướng của tâm si là ngồi bị ngủ gật. Khi tâm si xuất hiện thì đứng dậy đi, đừng ngồi nữa, có khi tâm si quá mạnh đang đi té xuống ngủ mà không biết.

Khi tâm tham sân si mạn nghi giảm dần và mụi lược, tâm càng thanh tịnh và sáng suốt, người tu hành sẽ nhận ra được có hàng trăm ngàn hành động đạo đức xung quanh cuộc sống của con người. Mỗi mỗi một hành động nhỏ là một đức hạnh mang đến niềm vui và hạnh phúc cho nhau.

Tóm lại, sống thương yêu không chỉ nằm trong ý nghĩ mà nó phải được thể hiện bằng hành động và bằng lời nói. Khi biết sống có yêu thương thì lời nói sẽ tự nhiên ôn tồn, nhẹ nhàng và dịu dàng. Đạo đức là một cẩm nang sống cho mọi người ở mọi thời đại mà không bao giờ bị lỗi thời hay lạc hậu. Thế giới này sẽ đẹp hơn khi có thêm một người biết sống thương yêu, biết đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mình, cho người và muôn loài có sự sống khác.



 
Radio Vatican

Tác giả bài viết: Van-Thien Dinh

 Tags: thương yêu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập98
  • Hôm nay15,951
  • Tháng hiện tại283,189
  • Tổng lượt truy cập32,749,714
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây