Lặng lẽ làm điều thiện

Thứ bảy - 02/04/2016 05:48

Lặng lẽ làm điều thiện

Ông Ambaram chỉ muốn làm việc thiện một cách lặng lẽ, “không sự kiện, không truyền thông”, khác với cách nói và làm lâu nay của chúng ta.

Có một người đàn ông Ấn Độ, là chuyên gia cao cấp trong ngành lọc hóa dầu muốn gặp tôi. Tôi ngạc nhiên khi chưa biết nguyên do của cuộc gặp gỡ này, nhưng rất vui vẻ nhận lời. 

Ông Ambaram Khimaji Sanghani là người đã từng làm việc ở 30 nhà máy lọc dầu trên thế giới, bây giờ ông tới Quảng Ngãi làm việc theo hợp đồng với Tập đoàn Quad (Hoa Kỳ) trên tư cách là một chuyên gia cao cấp. Điều ngạc nhiên đầu tiên của tôi là khi nghe ông Ambaram nói mình… ăn chay thường xuyên (ăn chay trường, theo cách nói của người Việt). Nhưng ông nói, có thể uống với tôi hai chai bia, chỉ hai chai, không hơn, vì về đêm ông còn phải xuống nhà máy làm việc. Chúng tôi hào hứng nâng ly, chúc cho tình hữu nghị Ấn Độ-Việt Nam, và chúc cho cuộc gặp gỡ này. Hóa ra, ông Ambaram không tình cờ gặp tôi. Khi về làm việc ở Quảng Ngãi, ông đã được nghe về quỹ mổ tim “Vì những trái tim bé bỏng” dành cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh. Ông đã lên mạng, tìm những thông tin ít ỏi bằng tiếng Anh về quỹ mổ tim này, và ông muốn được đóng góp một chút gọi là tình cảm của mình cho quỹ. 

Tôi rất mừng, cảm ơn ông và nói, nếu ông chờ cho ít bữa nữa chúng tôi tổ chức lễ tổng kết hàng năm của quỹ mổ tim, sẽ mời ông dự, và ở đó, ông sẽ trao món quà của mình cho quỹ. Nhưng ông Ambaram lắc đầu. Ông chỉ muốn làm điều này một cách lặng lẽ, “không sự kiện, không truyền thông”, khác với cách nói và làm lâu nay của chúng ta. 

Số tiền ông Ambaram đóng góp cho quỹ mổ tim không nhiều, chỉ 400 USD - đó là tiền một ngày lương của ông, như ông cho biết. Số tiền được bọc cẩn thận trong phong bao, và ông trao cho tôi kèm theo tấm ảnh chụp gia đình ông ở Ấn Độ. Ông Ambaram thổ lộ, ở quê nhà ông vẫn thường lặng lẽ giúp đỡ cho các em nhỏ nhà nghèo đang đi học để các em vươn lên trong học tập và sau này vươn lên thoát nghèo. Đó cũng là một mục đích và mong muốn của tôi. Vì thế, chúng tôi rất tâm đắc với nhau. 

Qua người phiên dịch, tôi cũng giới thiệu tóm tắt về hoạt động của quỹ mổ tim “Vì những trái tim bé bỏng”. Tôi cảm phục ông Ambaram vì lòng nhân ái và tư cách trí thức của ông. Một chuyên gia được Mỹ trả lương 12 nghìn đô la/tháng, chắc chắn phải là người tài giỏi. Nhưng cách ứng xử của người đàn ông Ấn Độ này thật khiêm nhường. Một ngày lương ông ủng hộ quĩ mổ tim là không lớn. Nhưng lòng nhân ái của ông thì vô cùng đáng kính trọng. 

Tôi chợt nhớ, ở xứ mình vẫn thường tổ chức những sự kiện quyên góp từ thiện, và ở đó, nhiều cá nhân hay doanh nghiệp được mời lên sân khấu để trao những tấm bảng tượng trưng ghi số tiền ủng hộ. Dĩ nhiên, bên dưới họ là ống kính và camera của các báo, đài dõi lên. Đã có những người rất nhanh nhẹn khi được mời trao bảng tiền tượng trưng, nhưng thật chậm chạp khi phải đưa tiền, số tiền mà họ hứa đã đóng góp. Có người, tôi nhớ, còn trao cho Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Quảng Ngãi tấm bảng ghi 10 tỉ VNĐ - số tiền “khủng” ủng hộ bà con nghèo Quảng Ngãi -  khiến ai cũng ngạc nhiên. Nhưng rồi sau đó, người ta mới vỡ lẽ, do ông chủ doanh nghiệp này muốn xin Quảng Ngãi một dự án thủy điện nên mới có tấm bảng 10 tỉ đồng trên. Rồi khi không xin được dự án, thì một đồng xu cho người nghèo Quảng Ngãi cũng không có, đừng nói 10 tỉ. 

Tôi càng cảm phục nhân cách và cảm động vì số tiền 400 đô la “lặng lẽ” của chuyên gia lọc hóa dầu Ambaram, khi nhớ tới những “tấm bảng…ảo” mà mình đã chứng kiến trên các sân khấu.

 

Tác giả bài viết: Thanh Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập67
  • Hôm nay7,186
  • Tháng hiện tại190,154
  • Tổng lượt truy cập32,656,679
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây