Ba lý do khiến Trung Quốc đảo ngược chính sách Biển Đông

Thứ bảy - 24/09/2016 09:52

Ba lý do khiến Trung Quốc đảo ngược chính sách Biển Đông

Đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận trong nước, tranh thủ tái cơ cấu quân đội và thử mức độ phản ứng của Mỹ có thể là ba nguyên nhân khiến Bắc Kinh từ bỏ lập trường ôn hòa từng duy trì tại Biển Đông.
ba-ly-do-khien-trung-quoc-dao-nguoc-chinh-sach-bien-dong

Hình ảnh được cho là oanh tạc cơ H-6K Trung Quốc bay qua bãi cạn Scarborough. Ảnh: Weibo

Trong quá khứ, quan điểm giải quyết các tranh chấp của Trung Quốc thường được định hướng theo đạo Khổng hiện đại và sự hài hòa để tìm ra giải pháp tốt nhất theo hướng tránh các hành động đa phương và cực đoan.

Đến đầu thập niên 1980, lập trường đối ngoại của giới lãnh đạo Bắc Kinh tiếp tục được xây dựng trên cơ sở chiến thuật nổi tiếng "ẩn mình chờ thời" của cố lãnh đạo nước này là Đặng Tiểu Bình, hình thành ba nguyên tắc cơ bản là tôn trọng quan điểm các nước, tìm kiếm lợi ích chung, hướng tới xây dựng thế giới hài hòa, theoDiplomat.

Điển hình là trong buổi thảo luận với các nhà lãnh đạo Nhật Bản vào ngày 31/5/1979 về tranh chấp Trung-Nhật tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, ông Đặng Tiểu Bình đã đề nghị hai nước cần "gác tranh chấp, cùng khai thác", để các thế hệ tương lai có sự chuẩn bị tốt hơn trong việc xử lý vấn đề.

Chuyên gia Patrik Meyer, giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Muhammadiyah, Indonesia, nhận định rằng có thể thấy cách tiếp cận ôn hòa này góp phần quan trọng vào chính sách đối ngoại thành công của Trung Quốc trong 30 năm sau khi nổi lên, bao gồm mối quan hệ thành công với Mỹ và Nga, kiểm soát các tranh chấp biên giới với hai nước láng giềng là Ấn Độ và Bhutan, việc thực hiện cơ chế "một nước, hai chế độ" để tái sáp nhập Hong Kong và Macau về Trung Quốc.

Cho đến gần đây, Bắc Kinh đã đi theo con đường ôn hòa này trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông bằng cách thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhằm tìm kiếm các thỏa thuận cùng có lợi và hợp tác phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên biển.

Tuy nhiên, trong 5 năm qua, Trung Quốc đã từ bỏ phương pháp này và thể hiện một lập trường hiếu chiến và quyết đoán để theo đuổi các yêu sách lãnh thổ rộng lớn ở Biển Đông.

Cách tiếp cận ngoại giao mới này đã thẳng thừng bác bỏ triết lý của Nho giáo và quan điểm "khiêm tốn" của ông Đặng Tiểu Bình trên trường quốc tế.

Sau phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7, Trung Quốc đã không chỉ dứt khoát từ chối tuân thủ các phán quyết, mà còn trở nên quyết đoán, hung hăng hơn trong tuyên bố và hành động của mình.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đều nhấn mạnh Trung Quốc muốn duy trì mối quan hệ thân thiện với các nước láng giềng và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nhưng các biểu hiện, hành động của Bắc Kinh lại trái ngược hoàn toàn.

Theo Patrik Meyer, một giả thuyết có thể đặt ra là Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn có một cuộc xung đột xảy ra bên ngoài để chuyển hướng sự chú ý của người dân nước này ra khỏi các vấn đề căng thẳng trong nước.

Đảng Cộng sản Trung Quốc biết rằng người dân nước này, bao gồm cả những người đang bất mãn với giới lãnh đạo, sẽ đoàn kết lại nếu Bắc Kinh tham gia vào một cuộc đối đầu quân sự về chủ quyền lãnh thổ.

Điều này phần nào được chứng minh bởi phần lớn người Trung Quốc đều được thuyết phục rằng Biển Đông là một phần lãnh thổ "không thể tranh cãi" của nước này.

Giả thuyết thứ hai là ông Tập Cận Bình cần sự leo thang căng thẳng ở Biển Đông để giúp mình trong cuộc chiến nhổ tận gốc nạn tham nhũng trong giới lãnh đạo đã kéo dài hàng thập kỷ qua.

Hơn nữa, ông Tập Cận Bình đang trong quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ quân đội, có thể khiến một số tướng lĩnh cấp cao phản đối do sợ mất đặc quyền. Tranh chấp ngày càng tăng ở Biển Đông có thể là cái cớ không thể tốt hơn để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu quân đội.

Giả thuyết thứ ba là Bắc Kinh chấp nhận một lập trường hiếu chiến ở Biển Đông để thử nghiệm mức độ sẵn sàng của Mỹ trong việc ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc.

Kết quả của thử nghiệm này sau đó sẽ cho phép Trung Quốc đối phó hiệu quả hơn với cuộc xung đột lớn khác, ví dụ tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản. Điều này cũng thách thức chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, nhưng lại phù hợp mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là thống trị khu vực này.

"Nếu Trung Quốc thực sự quan tâm đến một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông thì Bắc Kinh cần quay trở lại tôn trọng quan điểm và luận cứ của các bên để tìm kiếm lợi ích chung trong quá trình đàm phán. Cách tiếp cận này sẽ tạo môi trường thuận lợi để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông và xây dựng một thế giới hài hòa hơn", Patrik Meyer nhận định.

Xem thêm: Trung Quốc có thể đang chờ thời khuấy bão Biển Đông.

Tác giả bài viết: Tru Vu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập139
  • Hôm nay15,097
  • Tháng hiện tại445,430
  • Tổng lượt truy cập32,429,153
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây