Chỉ 100.000 đồng mua gần 10 món tại phố hàng rong đầu tiên ở Sài Gòn

Thứ hai - 04/09/2017 05:56

Chỉ 100.000 đồng mua gần 10 món tại phố hàng rong đầu tiên ở Sài Gòn

Phố hàng rong trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm dài 40m, có 40 hộ kinh doanh, hoạt động trong hai khung giờ là 6-9 giờ và 11-14 giờ. Các hộ kinh doanh bán nhiều món như xôi, mì xào, cơm, nước giải khát với giá... không thể rẻ hơn.

 

 

Theo ghi nhận của Một Thế Giới, phố hàng rong đầu tiên tại TP.HCM nằm trên đường Nguyễn Văn Chiêm, phường Bến Nghé thu hút rất nhiều khách hàng. Mặc dù mới khai trương được vài ngày nhưng lượng khách rất tấp nập đến mua thức ăn và nước uống ngay từ lúc các hàng quán bắt đầu mở cửa khiến người bán không nghỉ tay.

Thậm chí, khách hàng phải xếp hàng chờ đến lượt mua, còn một số người bán chưa đến giờ nghỉ đã hết hàng. Hầu hết các quầy ăn, uống ở phố hàng rong này đều hết trước thời gian đóng cửa, tạm nghỉ.

 

Có rất nhiều món ăn ở đây phục vụ cho cả bữa chính lẫn ăn vặt theo kiểu Việt Nam như xôi, mì xào, cơm, bánh bao, trà sữa, trái cây gọt sẵn đủ loại... được mang ra trưng bày. Giá cả ở đây rất rẻ so với các địa điểm ăn uống xung quanh, dao động từ 10.000-25.000 đồng/phần. Đơn cử như bánh mì, các loại nước uống chỉ 10.000 đồng/phần; súp cua, há cảo, trà sữa, chè các loại là 15.000 đồng/phần; canh bún, thức ăn mặn, mì xào khoảng 20.000 đồng/phần. Trong khi đó, một phần cơm trưa với đầy đủ món mặn, rau, canh có giá cao nhất là 25.000 đồng/phần.

Tính ra chỉ với 100.000đồng, đến đây mỗi khách đã có thể mua được gần chục món ăn, thức uống và thưởng thức no nê.

Phố hàng rong nằm trên đường Nguyễn Văn Chiêm, kéo dài khoảng 30m - Ảnh: P.D
Ở đây có từ xôi, mì xào, cơm, bánh bao đến nước rau má đậu xanh, nước mía... Ảnh: P.D
Thiết nghĩ thay vì được thiết kế giống nhau với tông màu trắng, đánh số thứ tự rõ ràng nên cho các chủ gian hàng tự thiết kế quầy của mình tuỳ thích và phù hợp với món hàng để tăng tính sáng tạo, tạo nét riêng thu hút thêm khách hàng. Ảnh: P.D
Canh bún có giá 20.000 đồng/tô, cô chủ quán lại rất hài hước nên rất đông người mua, cô bảo mấy ngày nay được lên báo lên ti vi nhiều lắm! Ảnh: P.D
Thay vì ngồi ở phía trước quán như trước, khách sẽ được ngồi ở bên trong khu bán để đảm bảo an ninh trật tự, giữ mỹ quan đường phố. Ảnh: P.D
Mặc dù mới khai trương được vài ngày nhưng lượng khách đến phố hàng rong đầu tiên tại TP.HCM khá tấp nập, đa số là dân văn phòng, sinh viên và cả các gia đình đưa con đi học về cũng ghé vào. Ảnh: P.D
Anh Tuấn, người có quầy nước mía, rau má ở đây cho biết anh thích cách làm này vì không cần phải lo nhìn ngó ôm đồ chạy như trước, lại sạch sẽ. "Thành phố là phải như vầy!", anh nói với Một Thế Giới.
Lực lượng đô thị phường luôn túc trực, sẵn sàng hướng dẫn hộ kinh doanh và khách hàng tuân thủ quy định chung. Ảnh: P.D

Phố hàng rong trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm dài 40m, có 40 hộ kinh doanh, hoạt động trong hai khung giờ là 6-9 giờ và 11-14 giờ. Do hạn chế về không gian nên khách hàng mua đồ ăn tại phố hàng rong thường mang đi, chỉ có số ít ăn tại chỗ.

Đáng chú ý, để đảm bảo khu vực luôn hoạt động ổn định, không xảy ra lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, UBND phường Bến Nghé đã cử lực lượng đô thị phường túc trực tại đây để hướng dẫn khách đến phố hàng rong để xe trật tự và nhắc nhở các hộ kinh doanh không lấn ra khỏi vạch sơn quy định.

Những hộ được đưa vào kinh doanh ở đây chủ yếu có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách... Các gian hàng, bàn ghế, trang phục được chính quyền quận 1 làm theo mẫu thống nhất. Khi kinh doanh tại phố hàng rong, các hộ buôn bán phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sẽ không phải đóng bất kì loại phí nào. Thế nhưng, người bán phải khám sức khỏe định kỳ và cam kết không ảnh hưởng đến giao thông đô thị.

Theo UBND quận 1, việc hình thành phố hàng rong giúp người có hoàn cảnh khó khăn buôn bán mưu sinh, giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Phố hàng rong là phương án được các quận nghiên cứu, xem xét để giải quyết chỗ buôn bán cho những hộ dân khó khăn có hộ khẩu tại địa phương trong công tác chấn chỉnh, lập lại trật tự vỉa hè, lòng, lề đường. Nếu mô hình này hoạt động tốt, quận sẽ tiếp tục xem xét nhân rộng mô hình trên các địa bàn khác.

Chỉ qua mấy ngày hoạt động, khu phố hàng rong đang rất hút khách. Chính vì khách đông nên quận 1 sẽ lắng nghe các bên để có những điều chỉnh hợp lý nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân kinh doanh đạt hiệu quả. Chính quyền quận 1 sẽ lấy mô hình mẫu này để áp dụng cho các khu phố khác.

Dự kiến 28.9 tới đây, phố hàng rong tại khuôn viên công viên Bách Tùng Diệp sẽ tiếp tục được khai trương với 30 hộ buôn bán.

Bài và ảnh: Phan Diệu

 

Thuốc giả và sự tàn phá thật của lợi ích nhóm

Chỉ một vụ án kinh tế đơn thuần đã cho thấy sự bám rễ của các lợi ích nhóm ghê gớm thế nào. Nó không chỉ tận diệt niềm tin của người dân mà đáng bất bình hơn, nó chất chứa những “gốc tự do” tàn phá môi trường xã hội đang rất cần ổn định.

 

 

 
 

Vụ án khởi đầu có vẻ như chỉ là một vụ án hình sự về kinh tế đơn thuần, mặc dù nó khiến cho dư luận xã hội ghê sợ vì độ tàn nhẫn, bất nhân của những kẻ phạm tội. Thế nhưng, bất ngờ, vụ án ngày càng thu hút sự quan tâm, bất bình và nghi vấn ngày một tăng của dư luận xã hội bởi tính phức tạp chằng chịt của nó. Vụ án khiến cho ngành tư pháp rồi đây sẽ phải nhìn lại năng lực xét xử của mình. Cơ quan chức năng phải tiếp tục vào cuộc bởi những phát hiện của báo chí. Và hệ thống chính trị một lần nữa phải xem xét những “lẩn khuất” cần làm sáng tỏ xung quanh vụ việc này.

Từ buôn thuốc giả thành buôn lậu?

 

Đó là vụ án “Buôn lậu, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” đang được xét xử. Những bị cáo của vụ án này là Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma); Nguyễn Trí Nhật, Ngô Anh Quốc (nguyên Phó giám đốc VN Pharma); Phạm Anh Kiệt (Tổng giám đốc Công ty Dược Sapharco); Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) và 4 bị cáo khác nguyên là cán bộ của Công ty cổ phần VN Pharma.

Sự chấn động nhân tâm xã hội chính ở là chỗ, những kẻ kinh doanh có tí chức quyền này nhẫn tâm tổ chức, chỉ đạo và thực hiện việc làm giấy tờ giả để hợp pháp hóa 9.300 hộp thuốc Capicitabine 500mg không rõ nguồn gốc, kém chất lượng du nhập vào Việt Nam thông qua Công ty cổ phần VN Pharma, một công ty dược lớn nhất nước. Đáng chú ý, 9.300 hộp thuốc “dỏm” này dùng để chữa trị cho những người không may mắc bệnh… ung thư. 

Xưa nay, ung thư là loại bạo bệnh. Ai không may mắc phải coi như bị kết án tử hình. Sự phát triển kinh tế và mặt trái của nó là ô nhiễm môi trường khó kiểm soát, khiến cho tỷ lệ người mắc các loại bạo bệnh, trong đó có ung thư, ở Việt Nam tăng cao.

Mặt khác, sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc trong xã hội hiện nay cũng đồng thời cho thấy, một bộ phận nhà giàu, nếu không may mắc bệnh, sẵn sàng bằng mọi cách đi chữa trị ở nước ngoài. Số đông còn lại… đành lòng vậy, cầm lòng vậy chấp nhận chữa trị ở trong nước, thông thường là người nghèo, người không giàu.

Tính toán làm giấy tờ giả, hợp pháp hóa hồ sơ, nhập loại thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng để chữa căn bệnh ung thư với giá đắt, không cần biết đến “cuộc chia ly sinh tử” của đồng loại, những kẻ kinh doanh này quá táng tận lương tâm, đến mức dư luận xã hội gọi là tội ác cũng không ngoa. Xét cho cùng, những kẻ đó vẫn đi đúng con đường mà K. Marx đã từng tổng kết: Nếu tỷ suất lợi nhuận lên 300% thì tự treo cổ mình lên nhà tư bản cũng sẵn sàng làm.

Ở đây, chưa biết những kẻ đó đã là “nhà tư bản” chưa, nhưng chắc chắn họ là những “nhà tư bản”… vô lương.

Thế nhưng, ngay lập tức, cái “vụ án buôn lậu” đã bị dư luận xã hội phản bác, chỉ ra những bất cập và vô lý khi định tội danh này. Theo luật gia Huỳnh Bách (báo Người lao động ngày 26.8): Lô thuốc H-Capita 500mg không rõ nguồn gốc. Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bộ Công Thương cũng xác định mã vạch, mã số trên vỏ hộp thuốc H-Capita không được đăng ký bởi quốc gia nào. Ngoài hàng loạt những thứ giả khác như FSC (giấy chứng nhận bán hàng tự do để được lưu hành thuốc trên thế giới), GMP (giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc) do Bộ Y tế Canada cấp, con dấu lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada… Bộ Ngoại giao còn có công văn trả lời A83 (Cục An ninh Chính trị nội bộ - Bộ Công an) nêu rõ không có công ty nào tên Helix Pharmaceuticals Inc, tồn tại ở địa chỉ 392 Wilson Ave, Toronto Ontario Canada như hồ sơ VN Pharma cung cấp cho Cục Quản lý dược. Cơ quan điều tra khẳng định lô thuốc H-Capita 500mg caplet của VN Pharma là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Những yếu tố nêu trên cho phép khẳng định lô thuốc H-Capita 500mg caplet trong vụ án này là thuốc giả theo quy định tại khoản 24 điều 2 Luật Dược 2005 và khoản 33 điều 2 Luật Dược 2016. Nếu bị kết tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, khung hình phạt cao nhất là tử hình và điều đặc biệt là tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản!

Vì sao tội buôn hàng giả là thuốc chữa bệnh đã rất rõ ràng, nhưng cáo trạng của Viện kiểm sát lại định tội danh là … buôn lậu? Những câu hỏi này chỉ VKS mới có thể trả lời nổi!

Hàng trăm bệnh nhân ung thư đã uống phải thuốc giả, thực chất đã bị rút ngắn thêm lần nữa sự sống bởi những “nhà tư bản” vô lương này.

Sự tàn phá thật của lợi ích nhóm

Không chỉ có buôn thuốc giả, vụ án này bộc lộ hàng loạt đường dây “lợi ích nhóm” - loại tế bào ác tính khủng khiếp đang tàn phá cơ thể xã hội. Điều kinh khủng nhất, nó tàn nhẫn bám chặt vào cơ thể xã hội, ăn tiền trên số phận những người nghèo mắc bệnh vô phương cứu chữa đã đành, trong khi nhiều người nghèo còn vô tiền…. chữa bệnh.

1 - Nhóm lợi ích đầu tiên - đó là đường dây chỉ đạo, tổ chức, làm giả hồ sơ buôn thuốc giả, cầm đầu là Nguyễn Minh Hùng cấu kết chặt chẽ với Võ Minh Cường, cùng các bị cáo đang phải đứng trước vành móng ngựa. Những việc làm tàn nhẫn, có tổ chức khiến cả xã hội “sốc” nặng vì quá phi nhân tính.

2 - Nhưng ngoài nhóm lợi ích đang phải đứng trước vành móng ngựa thì còn có một nhóm lợi ích khác cũng tàn bạo không kém. Đó là sự cấu kết giữa VN Pharma, giữa những kẻ tay trong còng số 8 đứng trước tòa án, với những vị bác sĩ vẫn đang khoác áo “từ mẫu” với blouse trắng ở các bệnh viện, thông qua việc chi 7,5 tỉ đồng tiền hoa hồng để các bác sĩ này… hướng dẫn bệnh nhân mua thuốc.

Theo Vietnamnet, ngày 23.8, tại tòa, Lê Thị Vũ Phương (nguyên kế toán trưởng VN Pharma), Ngô Quốc Anh, Nguyễn Trí Nhật (đều là nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) khai nhận: “Muốn bán được thuốc (H-Capita 500mg Caplet) tại các bệnh viện phải chi hoa hồng cho bác sĩ. Tổng cộng gần 7,5 tỉ đồng. Thì trong thực tế, cũng theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, VN Pharma không chỉ chi hoa hồng cho các bác sĩ trong vụ án này mà trước đó, VN Pharma còn dùng hàng trăm tỉ đồng để chi hoa hồng cho các bác sĩ rồi qua các bác sĩ tuồn thuốc vào các bệnh viện (?).

Áo blouse trắng tự lúc nào đã… vấy bẩn đến vậy, giữa thời kim tiền này? 

3 - Ngoài hai nhóm lợi ích đã “đóng dấu” giữa thanh thiên bạch nhật, còn có nhóm lợi ích khác cần được đặt trong vòng nghi vấn. Mới chỉ là dạng nghi vấn nhưng những sự phát triển, thăng tiến và thành công đến bất ngờ của Công ty VN Pharma đã khiến xã hội đặt nhiều câu hỏi. Báo Tuổi Trẻ ngày 26.8 dưới đầu đề: "Vì sao VN Pharma phát triển thần tốc, đấu đâu thắng đó?" đã đưa ra những thông tin mà bất cứ công ty cổ phần nào cũng phải… thèm muốn. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, sức mạnh thần thông nào đã biến đổi công ty này thần kỳ đến vậy, giúp công ty nhanh chóng có “những chiếc vòi bạch tuộc”?

Xin hãy đọc trích ngang lý lịch của công ty này: Thành lập tháng 10.2011, Công ty cổ phần VN Pharma phát triển thần tốc, đẻ một loạt chi nhánh và "đấu đâu thắng đó” với các hợp đồng chục tỉ, trăm tỉ cung ứng thuốc cho bệnh viện.

- Tháng 8.2013, VN Pharma nâng vốn điều lệ lên 40 tỉ đồng. Chưa đầy một năm sau (ngày 5.7.2014), doanh thu bán hàng hợp nhất của công ty đạt 971 tỉ đồng và (lúc đó) dự kiến năm 2014 doanh thu bán hàng của VN Pharma đạt 1.077 tỉ đồng...

- Tuy chỉ là một công ty cổ phần ra đời mới hơn 2 năm, nhưng tháng 5.2014, VN Pharma đã làm nhiều người trong ngành dược ngạc nhiên vì trúng thầu 46 mặt hàng thuốc trị giá hơn 267 tỉ đồng.

- Cùng thời điểm này, Công ty TNHH MTV dược Nam Anh do ông Nguyễn Minh Hùng làm Phó tổng giám đốc cũng trúng thầu cung ứng 17 mặt hàng thuốc trị giá hơn 208 tỉ đồng. Đây là mặt hàng do liên danh Công ty dược Nam Anh và Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương 1 trúng thầu. Tổng cộng hai công ty nói trên (do ông Hùng làm Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc) đã trúng thầu cung ứng 63 mặt hàng thuốc với tổng trị giá hơn 476 tỉ đồng…

Đọc những con số chưa đầy đủ nhưng đã đủ chóng mặt.

Những con số đầy “quyền uy” đó cho thấy, hoặc là Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) khi công ty được thành lập, mới 33 tuổi, phải rất “tuổi trẻ tài cao”; hoặc công ty này có phép biến hóa của “Tề thiên đại thánh”.

Dù vậy, bạn đọc cũng mới chỉ lăn tăn vì không hiểu công ty này, đâu là tài thật, đâu tài… rởm, thì mới đây, báo Pháp luật TP.HCM ngày 24.8 đưa tin, trả lời qua điện thoại với phóng viên, bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phủ nhận dư luận trên các trang mạng xã hội đưa tin con trai bà, rồi em chồng bà Bộ trưởng có vị trí quan trọng ở Công ty VN Pharma, nên công ty mới “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” đến vậy. Bà Bộ trưởng cũng phủ nhận thông tin can thiệp vào đấu thầu thuốc để VN Pharma trúng thầu thuốc ung thư rởm… khi khẳng định: “Đó là các thông tin bịa đặt, vu khống, dựng chuyện”.

Khỏi phải nói, dư luận xã hội lại một phen xôn xao, bởi trong thế giới phẳng, một câu nói của quan chức phủ nhận “tin xấu đồn xa” của bản thân họ giờ đây vốn… nhẹ như lông hồng, khi mà hiện tượng lợi ích nhóm, hiện tượng quan chức cấp cao và doanh nghiệp là “sân sau” của nhau, hiện tượng cấu kết “tư bản thân hữu” là những cảnh báo nguy hiểm được gióng lên từ lâu. Trong khi, nếu muốn thật tâm rửa sạch tin đồn, bà Bộ trưởng hoàn toàn có thể xử lý vụ khủng hoảng truyền thông này bằng sự công khai minh bạch với chứng cứ cụ thể.

Chưa biết vụ án xét xử Nguyễn Minh Hùng và những kẻ đồng phạm cuối cùng sẽ cho kết quả thế nào. Nhưng chỉ một vụ án kinh tế đơn thuần đã cho thấy sự bám rễ của các lợi ích nhóm ghê gớm thế nào. Nó không chỉ tận diệt niềm tin của người dân mà đáng bất bình hơn, nó chất chứa những “gốc tự do” tàn phá môi trường xã hội đang rất cần ổn định.

Lời tuyên bố của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc phòng chống tham nhũng vẫn còn nguyên giá trị: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”.

Hãy cùng chờ xem, củi tươi vào cũng phải cháy.

Kỳ Duyên

 

Tăng thuế VAT: Đánh vào người nghèo thay vì đánh vào tham nhũng lãng phí

 
   Thực chất thuế GTGT của Việt Nam lại đang cao hơn 1 số nước phát triển như Đài Loan - Canada 5%, Nhật Bản - Thụy Sĩ 8%. Tăng thuế GTGT là đánh vào 90 triệu người tiêu dùng Việt Nam và hàng triệu người thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nặng.

 

 

 
 

Sau những gánh nặng giá xăng tăng, điện tăng, học phí tăng, người có thu nhập trung bình thấp trên cả nước lại vừa tiếp tục đón nhận một tin buồn: thuế giá trị gia tăng (GTGT) sẽ tăng. Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế GTGT từ 10% lên 12%, giải thích là vì thuế GTGT đang thấp hơn các nước và ngân sách đang chịu nhiều áp lực do giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình hội nhập, cho nên phải tăng thuế theo "thông lệ quốc tế" (?). 

Thực chất thuế GTGT của Việt Nam lại đang cao hơn 1 số nước phát triển như Đài Loan - Canada 5%, Nhật Bản - Thụy Sĩ 8%. Tăng thuế GTGT là đánh vào 90 triệu người tiêu dùng Việt Nam và hàng triệu người thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nặng.

 

Nếu đề xuất này được thông qua, từ nay, đến mớ rau, con tép, gói mì tôm, hạt nước lã mà người nghèo cố gắng tằn tiện chi tiêu trước đây cho qua bữa để nuôi nổi gia đình, thì nay cũng sẽ phải chịu mua đắt hơn vì bị thuế GTGT đánh trên các mặt hàng thiết yếu làm đội giá dây chuyền. Cho nên họ lo lắng, không biết với cơn bão giá sắp ập đến họ sẽ phải "giật gấu vá vai" ra làm sao đây để sống qua ngày?

Dù được lý giải rằng do gánh nặng ngân sách, tuy nhiên Bộ Tài chính nên xem lại gánh nặng này là do đâu khi nhìn lại các số liệu sau đây:

Chỉ số cảm nhận tham nhũng trong khu vực công (CPI) năm 2016 của Tổ chức minh bạch Quốc tế (TI) đã đánh giá Việt Nam được 33/100 điểm, đứng thứ 133/176 trên bảng xếp hạng toàn cầu (gần chạm đáy), được cho là nằm trong nhóm các nước có tham nhũng nghiêm trọng.

Ngày 12.7.2016, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, Tổng thanh tra chính phủ Phan Văn Sáu báo cáo, 10 năm qua phát hiện gần 60.000 tỉ đồng thất thoát do tham nhũng nhưng thu hồi chỉ được 5.000 tỉ đồng. Vậy là gần 55.000 tỉ đồng tiền thuế của dân đóng góp cho ngân sách đã bị tham nhũng lấy mất. Tất nhiên đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, còn nhiều vụ tham nhũng nữa chưa bị phát hiện, số tiền bị tham nhũng thực tế lớn hơn nhiều và các đối tượng tham nhũng đó đã "hạ cánh" xong.

Đồng thời, ra sức "đóng góp" với tham nhũng là nạn lãng phí. Các dự án thua lỗ nghìn tỉ đua nhau mọc lên như nấm sau mưa. Đình đám gần đây nhất là 12 dự án đã bị điểm danh trên truyền thông, mỗi dự án thua lỗ vài nghìn tỉ đồng. Chưa kể đến các dự án khác như Dự án bô xít - nhôm Lâm Đồng lỗ gần 3.700 tỉ, đường sắt Hà Nội đội vốn 10.000 tỉ đồng, metro TP.HCM cũng không chịu kém, đội vốn hàng chục nghìn tỉ đồng. Ngoài ra, còn có các công trình khác đầu tư không hiệu quả như Bảo tàng Hà Nội, Công viên Hòa Bình... đầu tư hàng nghìn tỉ đồng nhưng đến nay vẫn vắng khách, gây lãng phí lớn.

Như vậy gánh nặng ngân sách hiện nay chủ yếu bởi tham nhũng và lãng phí, đầu tư dàn trải không hiệu quả, gây thâm hụt trầm trọng, chứ đâu phải do kiến thiết đất nước thực chất hiệu quả mà thiếu vốn? Vậy chẳng lẽ, nay người dân, trong đó có rất nhiều người nghèo, lại phải có trách nhiệm è cổ gánh chịu hậu quả sai trái trên của những người khác làm? 

Đáng lưu ý, thuế GTGT mà tăng thì tuy ngân sách tăng lên thật, nhưng đồng thời cũng lại làm tăng thêm số người nghèo, và tham nhũng lãng phí cũng có thêm "đất màu mỡ" để mà bòn rút.

Vậy là việc tăng thuế GTGT này chưa biết có làm tăng được hiệu quả đầu tư công đến đâu vì còn vấp phải rào cản là quốc nạn tham nhũng lãng phí nữa, nhưng chắc sẽ làm cho người nghèo thêm nghèo đi khi đến mớ rau con tép cũng do thuế GTGT tăng mà làm đội giá lên. Sau những 12-16 giờ lao động cật lực đầu tắt mặt tối, bữa cơm của họ từ nay sẽ phải đạm bạc hơn. Vậy là thay vì nâng cao chất lượng đời sống của người dân để xóa đói giảm nghèo thì nay tăng thuế GTGT lại làm cho người dân chi tiêu sinh hoạt đắt đỏ hơn, phải nhịn ăn nhịn mặc để rồi nhiều người trở thành người nghèo hơn. Thành ra, tăng thuế GTGT như vậy lại đi ngược lại với chính sách xóa đói giảm nghèo của Đảng và nhà nước. 

Sinh thời, sau khi tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Nếu nước độc lập mà nhân dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì".

Việt Nam ngày nay đã củng cố nền độc lập được hơn 40 năm, và theo lời dạy đó của Bác thì người dân đáng lẽ phải ngày càng cảm thấy hạnh phúc hơn, chứ không phải vẫn còn đang vật lộn với cuộc mưu sinh mà đã bị "siết" thuế thêm như vậy.

Cho nên trước khi tăng thuế với người dân, thì người dân có quyền đòi hỏi tiền thuế tăng lên của mình sẽ không phải là để "nuôi" tham nhũng lãng phí. Chừng nào vẫn còn tham nhũng lãng phí, cướp đi hàng tỉ tỉ đồng của dân đóng góp cho ngân sách như vừa qua, thì chừng đó người dân vẫn chưa cảm thấy đủ thuyết phục để đóng thuế thêm. Những đối tượng làm thất thoát ấy mới phải bị truy thu, chứ không phải là đòi hỏi những người dân lao động phải "quýt làm cam chịu" gánh thay cho họ như vậy được.

Lợi bất cập hại nữa là, khi phải đối mặt với thuế GTGT tăng, thì người dân sẽ phản ứng bằng cách thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu, làm cho sức tiêu thụ hàng hóa giảm đi, đồng nghĩa với việc kìm hãm nền sản xuất kinh doanh. Và tất nhiên vì thế tổng tiền thuế GTGT thu được lại có nguy cơ "thất thu" so với kỳ vọng.

 


Tác giả bài viết: Phạm Mạnh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập66
  • Hôm nay24,836
  • Tháng hiện tại292,190
  • Tổng lượt truy cập32,758,715
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây