Tội ác của con người khiến “biển cạn, núi mòn”

Thứ năm - 02/10/2014 21:41

Tội ác của con người khiến “biển cạn, núi mòn”

Biển Aral cạn sạch nước, Everest thành ngọn núi bẩn nhất, núi băng mòn từng phút… là những bằng chứng lên án con người đã và đang làm hại môi trường.

 

Dư luận toàn cầu đang vô cùng quan ngại khi một trong những thảm họa môi trường đáng sợ xảy ra: Biển Aral - hồ nước lớn thứ tư thế giới đã chính thức cạn sạch nước. 
 
Sự kiện này làm dấy lên những hoang mang, lo lắng của không ít người với suy nghĩ: phải chăng đây chính là điềm báo cho sự diệt vong đang tới gần của cả nhân loại? Vậy đâu là nguyên nhân cho thảm họa kể trên? 
 
Trước khi đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc trên, hãy cùng theo dõi video time-lapse dưới đây để cùng hiểu rõ hơn về sự việc này:
 
 
 
Từ những hiện tượng "biển cạn, núi mòn"...
 
 

 
Biển Aral hình thành cách ngày nay 5,5 triệu năm tại khu vực Trung Á, nằm giữa Kazakhstan và Uzbekistan. Với diện tích khoảng 68.000 km2, biển Aral được coi là biển kín lớn thứ tư thế giới và là nguồn cung cấp 50.000 tấn thủy hải sản cho người dân địa phương trong suốt thế kỷ XX.

 
 

Ảnh động mô tả quá trình chết của biển Aral.
 
Sở hữu diện tích rộng lớn và tiềm năng phong phú như vậy, ít ai nghĩ rằng biển Aral một ngày nào đó có thể cạn nước. Song đó lại là sự thật. 
 
Kể từ thập niên 1960 tới nay, nước ở đây bốc hơi nhanh chóng và theo những ảnh chụp mới nhất của NASA, biển Aral đã chính thức “chết”.

 
 
Hai dòng sông Amu Darya và Syr Darya từng mang tới nguồn nước vô tận cho biển Aral
Cái chết của biển kín này bắt đầu từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Chính quyền ở đây khi đó đã tiến hành một chương trình nông nghiệp với tham vọng biến vùng sa mạc Trung Á thành những cánh đồng sản xuất bông (vải). 
 
Họ đã cho xây đập chắn, kênh đào trên hai sông Amu Darya và Syr Darya - nguồn cung nước cho biển Aral để tưới tiêu cho các cánh đồng bông. 

 
 
So sánh mực nước ở biển Aral năm 1989 (trái) và giai đoạn đầu năm 2014.
 
 
Hình ảnh ngư dân đánh hàng trăm tấn cá trên biển Aral giờ chỉ còn là dĩ vãng.
 
Hệ quả tất yếu là biển Aral không ngừng sụt giảm lượng nước do bốc hơi. Trong vòng 40 năm, biển Aral mất đi 80% lượng nước, làm độ mặn tăng lên 50gr/lít và kéo theo cái chết của khoảng 140 loài sinh vật khác nhau. 

 
 
So sánh hình ảnh băng bị bào mòn đi nhiều ở dãy Himalaya từ năm 1921 tới năm 2007.
 
Tuy nhiên, không chỉ biển Aral mà những núi băng khổng lồ ở hai cực cũng như trên thế giới đang chết dần, chết mòn vì biến đổi khí hậu. Điển hình là lớp băng trên dãy Himalaya - nguồn cung nước ngọt cho 500 triệu người mỗi năm "mòn" đi tới 37 mm. 

 
 

 
Điều tương tự cũng xảy ra ở khu vực Bắc Băng Dương. Theo ước tính từ năm 1979 tới năm 2012 cho thấy, thể tích băng tại khu vực này đã giảm tới 80%, từ mức 16.855 km3 xuống chỉ còn 3.261 km3. 
 
Theo chuyên gia Mark Serreze, băng càng "mòn" thì càng tan nhanh, mực nước biển dâng càng cao. Hiện tượng này có tên gọi "cái chết xoắn ốc" - sẽ đẩy con người tới nguy cơ bước vào một kỷ băng hà mới. 

 
 

... Đằng sau những chuyến đi như thế này...
 
 

... là hình ảnh gây sốc về lượng rác thải có mặt trên sườn núi Everest.
 
Một ví dụ khác đó là trường hợp của đỉnh núi cao nhất thế giới - Everest. Mặc dù không hề bị bào mòn theo thời gian nhưng ngọn núi này đang đứng trước nguy cơ "chết" vì rác thải. 
 
Theo những thống kê gần đây, sườn núi Everest chứa khoảng 50 tấn rác thải khác nhau, trong đó chủ yếu là bình oxy, dụng cụ cắm trại, đồ ăn, nước uống... bị bỏ lại bởi những người tới đây để chinh phục "nóc nhà thế giới".
 
 
... tới tội ác phá hủy môi trường của loài người...
 
 

Dòng chảy dẫn nước từ sông Amu Darya và Syr Darya vào biển Aral ngày nay.

Có thể khẳng định, nguyên nhân của tất cả những hiện tượng trên là do hoạt động khai thác và sản xuất quá mức của con người. Như trong trường hợp biển Aral cạn, lý do chính là tham vọng biến cả sa mạc Trung Á thành cánh đồng bông của người dân địa phương. 
 
Khi đó, bông đem lại lợi ích kinh tế rất lớn (giá 1kg bông gấp hàng chục lần 1kg ngũ cốc). Vì vậy, nguồn cung nước cho biển Aral bị chuyển sang để tưới tiêu, khiến nước ở đây nhanh chóng bốc hơi không còn lấy một giọt.
 
Tai hại hơn, ngay trong quá trình chuyển nước đi tưới tiêu, con người lại xây dựng những đường ống hở, khiến hơn 50% nước lấy đi bốc hơi hết. Sự lãng phí này khiến ngay cả những cánh đồng bông cũng dần dần biến mất và gây nên hậu quả kép như hiện nay.

 
 

Theo WHO, nguy cơ mắc bệnh viêm khớp của người dân ở gần biển Aral tăng tới 6.000%.
 
Chưa hết, sự thiếu quan tâm của các nhà chức trách đã khiến chính người dân địa phương phải hứng chịu nhiều hệ lụy khác. Nước biển bốc hơi, biến nơi đây thành một bãi rác thải lớn ô nhiễm bởi nồng độ muối và thuốc trừ sâu cao. 
 
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gió và cát đem theo chất độc hại từ biển Aral cạn phát tán khắp nơi, gây nên các bệnh phong, viêm phổi, suy thận, viêm khớp, lao… cho người dân địa phương. 

 
 

 
Bên cạnh việc can thiệp vào tự nhiên quá mức, các hoạt động kinh tế gây ô nhiễm cũng góp phần to lớn trong vấn đề nóng lên của Trái đất. 
 
Theo báo cáo của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) năm 2013, hoạt động của con người chiếm 95% nguyên nhân gây nên những thảm họa môi trường như hiện nay.

 
 

 
Cụ thể, sự phát triển chóng mặt của nhà máy sản xuất công nghiệp thải ra môi trường lượng carbonic quá lớn. Trong vòng hơn 34 năm (1970 - 2004), lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thải ra môi trường đã tăng tới 70%. 
 
Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến nhiệt độ Trái đất ngày một nóng dần lên, kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan. 

 
 

 
Gần gũi hơn, ngay trong chính đời sống hàng ngày, không ít người trong xã hội vẫn hồn nhiên xả rác ra ngoài môi trường. Một trong số những loại rác được vứt bừa bãi nhiều nhất, đó chính là túi nilon. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 5 tỷ tỷ túi nilon được sản xuất trên toàn cầu, nhưng trong đó chưa tới 1% được tái chế đúng cách.
 
 

 
Túi nilon thải ra môi trường bên ngoài không thể phân hủy, ngược lại còn phôi nhiễm các hóa chất độc hại như lưu huỳnh, chì, cadimi ra đất và không khí, gây nên ô nhiễm đất hay các trận mưa axit khủng khiếp.
 
(Nguồn: Time, Discovery, Sakal Times, RT, Wikipedia)
 

 

Tác giả bài viết: Thanh Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập141
  • Hôm nay16,595
  • Tháng hiện tại205,364
  • Tổng lượt truy cập32,671,889
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây