Hoa Tình Thương

https://hoatinhthuong.net


Người Mỹ 'dụ' trẻ đọc sách thế nào?

Người Mỹ 'dụ' trẻ đọc sách thế nào?
Không ít phụ huynh ở Việt Nam phàn nàn con mình không thích đọc sách như mình ngày xưa, trong khi chính họ chưa tạo được thói quen đọc sách cho con cái. Vậy ở Hoa Kỳ người ta tạo môi trường đọc sách như thế nào?

Ở thành phố Lubbock (tiểu bang Texas), tôi từng tham dự lớp "Dạy làm cha mẹ" (Parenting class). Cứ tưởng là việc đi học sẽ chỉ giúp bản thân có thêm nhiều kiến thức trước khi chuẩn bị sinh con, nhưng không ngờ lại có thêm nhiều điều khiến tôi ngạc nhiên.


Khóa học hoàn toàn miễn phí, được ăn uống giữa giờ miễn phí, được tặng một thùng bỉm miễn phí nếu tham dự đủ các buổi học, đặc biệt nhất là quy trình dạy cha và mẹ đọc sách cho con từ khi chúng còn nằm trong bụng. Rồi sau đó là hướng dẫn phụ huynh kỹ năng duy trì thói quen cho anh chị lớn đọc truyện cho em bé nghe khi mới chỉ là trẻ sơ sinh.

Lớn lên cùng sách

Thư viện thành phố có chương trình miễn phí "Ngồi cùng bé nghe đọc sách" (Lap - sitter reading) vào thứ ba hằng tuần dành cho hai độ tuổi 3 và 4. Đến giờ vào phòng, các phụ huynh đặt bé vào lòng và nghe cô thủ thư đọc một cuốn sách tranh rồi hỏi vài câu đơn giản, sau đó vui chơi. Đây cũng là cơ hội các phụ huynh quen biết nhau để trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con cái.

Để thu hút việc tham gia thường xuyên của các bé, thư viện trang trí giống như khu vui chơi thu nhỏ với nhà gỗ, thú bông, ghế lắc hay các trò chơi bằng gỗ. Sách được trưng bày theo chủ đề phù hợp, sự kiện của tháng để các cháu lựa chọn dễ dàng hơn.

Ngoài ra ở đây luôn có các chương trình giải trí dành cho đủ lứa tuổi từ 3 đến tuổi già sức yếu, hệ thống tra cứu có sự tương tác cao để mọi người có thể dành nguyên ngày ở đây mà không thấy chán.

Ở khu giao trả sách có kệ sách "sale off" siêu rẻ với giá năm cuốn chỉ... 1 USD, tính ra chưa bằng một cây kem. Hội chợ sách cũ hằng năm thư viện thành phố tổ chức bán sách theo cân ký mà nhiều gia đình mang cả vali, xe đẩy đến mua không kém gì hội hoa xuân ngày tết!

Vì lý do giữa các thư viện cũng có sự cạnh tranh không hề nhẹ nên họ luôn cố gắng tạo thêm sự đa dạng bằng cách mời thêm các diễn giả viết sách đến nói chuyện với những độc giả của mình về một đề tài nào đó hoặc về cuốn sách mình viết. Cuối cùng là ký tặng và chụp hình lưu niệm với độc giả yêu quý.

Khi đọc sách trở thành thói quen

Tôi còn đăng ký giáo viên đến tận nhà mỗi tháng một lần để đào tạo miễn phí chương trình "Cha mẹ làm giáo viên" (Parents as teacher) để được hướng dẫn cách dạy học và dạy đọc dành cho các bé chuẩn bị đến trường mẫu giáo lớn - lớp đầu tiên của cấp 1 (hệ thống giáo dục ở Hoa Kỳ thì cấp I bao gồm cả lớp mẫu giáo lớn gọi là "Kindergarten").

Sau khi buổi học kết thúc, phụ huynh sẽ được tặng một cuốn truyện tranh để đọc cùng con cái.

Điều thú vị là khi nào con gái đi chơi xa cũng mang theo một con thú bông và một cuốn sách mà cháu yêu thích. Và việc tự đọc một đoạn sách là một thói quen được bé tạo thành từ khi còn nhỏ do thường được tôi đọc sách trước khi đi ngủ.

Có lúc thấy con gái đọc lui đọc tới một cuốn sách truyện gần cả chục lần, tôi thắc mắc hỏi lý do. Con gái lại hỏi ngược lại tôi: "Vậy tại sao ba chỉ đọc sách một lần mà thôi?".

Rồi cháu giải thích đọc sách nhiều lần sẽ trải nghiệm qua nhiều cung bậc khác nhau tùy thuộc trạng thái tình cảm của mình, cũng như việc lần đầu chỉ đọc lướt qua nhưng những lần sau cứ đọc lại thì các chi tiết nhỏ sẽ hiện ra hay có thêm nhiều điều để khám phá mà không chỉ đọc một hai lần là thấy được.

Tôi chỉ biết tròn xoe mắt và gật đầu ậm ừ đồng ý...

Nhờ tham gia chương trình "Cha mẹ làm giáo viên", tôi biết và áp dụng được cách dạy con học thuộc lòng ca dao tục ngữ Việt Nam bằng cách tự mình viết ra giấy và dán ở cửa... nhà vệ sinh để chúng có thể đọc hằng ngày. Đây là cách học thuộc lòng bằng vô thức, dễ ghi nhớ vì không bị ép buộc.

Theo Tuổi trẻ

10 cách thông minh khiến con yêu đọc sách

07:37 - 10/02/2019
Sử dụng audiobook, trang trí góc đọc sách theo chủ đề hay đọc sách đi kèm với xem phim sẽ giúp con yêu thích việc đọc hơn.
Ảnh: Keluarga Kokoh

Dưới đây là lời khuyên từ giáo viên và phụ huynh được đăng tải trên tạp chí Parents:

1. Có thể sử dụng sách nói (audiobook)

Sách nói (audiobook) là dạng sách âm thanh, tức là nội dung sách được truyền tải thông qua giọng đọc của con người. Đây cũng được tính là một hình thức đọc sách và có thể giúp ích cho trẻ.

"Nghe ai đó đọc cuốn sách một cách tự tin cũng là trải nghiệm tuyệt vời cho trẻ về khả năng đọc trôi chảy, chính xác và biểu cảm tốt", Elissa Mostransky, giáo viên dạy đọc đồng thời là bà mẹ của bốn đứa con, chia sẻ.

2. Trở thành tấm gương đọc sách

Khi lớn lên trong một môi trường mà xung quanh toàn đồ ăn vặt, bạn sẽ thích đồ ăn vặt. Khi lớn lên trong môi trường được bao quanh bởi những cuốn sách, bạn sẽ yêu thích những cuốn sách.

Ann Annette Uvena, phụ huynh có hai con, chia sẻ: "Tôi chắc chắn con thấy tôi đọc nhưng tôi vẫn nói chuyện với chúng về những cuốn sách. Tôi hào hứng chỉ ra một cái gì đó, tôi muốn họ thấy những cuốn sách mang lại cho tôi niềm vui và cũng sẽ mang lại cho họ niềm vui".

3. Trang trí góc đọc sách cho con theo chủ đề

Theo giáo viên Christina Droskoski, một góc yên tĩnh, ấm cúng và đầy sách là cần thiết. Tuy nhiên, nếu bạn biết trang trí góc đó theo chủ đề con yêu thích và biến nó thành khu vực mà bé muốn ở lại lâu thì thời gian đọc sách sẽ trở nên hấp dẫn và hiệu quả hơn. 

Ví dụ, con thích biển và thích đọc sách liên quan đến biển, bạn hãy tạo ra một bãi biển với khăn tắm trên sàn nhà, một chiếc ô tựa vào tường, một tấm áp phích hay bức tranh đại dương và xô cát để chứa sách.

4. Mang những gì trong sách ra cuộc sống

"Nếu đứa con ba tuổi của bạn yêu thích cuốn Ba chú heo con, hãy đưa chúng đi xem một số chú heo ngoài thực tế. Nếu con đọc về các vì sao, hãy đưa chúng đến cung thiên văn", TS Nancy Carlsson-Paige, giảng viên Đại hoc Lesley (Mỹ), nói và cho rằng phụ huynh nên tìm kiếm các hoạt động lấy cảm hứng từ sách để mở rộng trải nghiệm cho trẻ.

5. Đọc sách theo ngày kỷ niệm

Tháng này là kỷ niệm 120 năm ngày sinh của một nhà văn nổi tiếng, bạn có thể giới thiệu cho con những cuốn sách của nhà văn đó. Điều này có thể tạo hứng thú cho con bởi nó gắn liền với một sự kiện mà nhiều người và truyền thông đang nhắc tới. 

6. Đọc sách, sau đó xem phim

Bạn có thể chọn ra một số tác phẩm kinh điển đã được chuyển thể thành các bộ phim để đọc nó cùng con. Sau khi đọc cuốn sách, hãy tổ chức một buổi chiếu phim tại nhà để cả gia đình cùng ngồi quây quần và xem lại. Kinh nghiệm của giáo viên kiêm bà mẹ hai con Katie Vaccaro cho thấy việc này thực sự khiến trẻ yêu thích việc đọc sách hơn.

7. Đọc đi đọc lại một số cuốn sách cho trẻ nhỏ

Sách giúp phát triển ngôn ngữ sớm. Lúc đầu, trẻ chú ý đến những bức tranh, sau đó sẽ học được cách lật trang, rồi nhận ra câu chuyện giống nhau ở mỗi lần đọc. Đó là tất cả kỹ năng trẻ cần biết trước khi biết đọc. Những cuốn sách có vần điệu đặc biệt có lợi vì chúng giúp trẻ nhận thức về ngữ âm học, nhận ra sự lặp lại và âm thanh. 

8. Nhận nấu ăn

Khi các thành phần và hướng dẫn được đọc chậm nhiều lần, nó sẽ giúp trẻ cải thiện khả năng hiểu. 

Hãy tìm kiếm một cuốn sách nấu ăn đơn giản dành cho trẻ rồi để chúng chọn một món ăn để cùng làm với bạn. Yêu cầu con đọc thật to công thức trong khi bạn chuẩn bị nguyên liệu, sau đó chuyển đổi vị trí giữa hai người với nhau. 

Bạn cũng có thể cho con viết ra một menu. Việc viết cũng giúp cải thiện kỹ năng đọc hiểu.

9. Tạo một câu lạc bộ thảo luận về sách 

Bạn hãy đề nghị con hỏi những người bạn xung quanh xem có ai đã đọc cuốn sách nào đó chưa, sau đó chọn thời gian, địa điểm và chuẩn bị một vài câu hỏi để thảo luận về nội dung trong cuốn sách như phần nào hay nhất, nhân vật yêu thích, ý tưởng cho một kết thúc khác...

10. Tặng sách cho con vào thời điểm khó khăn

Khi con bắt đầu học ở một ngôi trường mới hay gặp rắc rối với những người bạn, hãy tặng cho chúng một cuốn sách và nói rằng cuốn sách đó có thể giúp con đỡ buồn và phấn khích hơn.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn văn Thành

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây