Hoa Tình Thương

https://hoatinhthuong.net


1001 cách Trung Quốc truy lùng người đào thoát ra nước ngoài

tải xuống

Trung Quốc triển khai một chiến dịch rộng lớn săn lùng tội phạm tham nhũng chạy trốn ra nước ngoài trên khắp thế giới. Ảnh Minh họa: một nghi phạm kinh tế được đưa từ Mỹ về Bắc Kinh hồi 16/04/ 2004. AP - Yuan Man

Tổ chức phi chính phủ Safeguard Defender công bố một bản báo cáo hồi giữa tháng 1 này đưa ra chi tiết về các phương pháp « bất thường » được Bắc Kinh sử dụng, kể cả bắt cóc người, để cưỡng bức hồi hương hơn 10 nghìn kiều dân Trung Quốc đang ở nước ngoài. Những cách làm của Trung Quốc nhân danh đấu tranh chống tham nhũng nhiều khi bất chấp chủ quyền của các nước khác.

Từ 2014 đến nay, hơn 10 nghìn người Trung quốc đang sống ở 120 quốc gia đã phải chịu những sức ép từ Bắc Kinh nhằm cưỡng bức họ trở về nước. Đó là ghi nhận của tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders trong bản báo cáo công bố hôm 18/01/2022. Tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế này tố cáo chính quyền Trung Quốc triển khai một chương trình rộng lớn « hồi hương tình nguyện » để truy lùng những người mà họ coi là «  tội phạm kinh tế » hay «  tham nhũng ».

Safeguard Defenders đã tìm hiểu 1001 cách thức mà chính quyền Trung Quốc dùng để sách nhiễu truy bức những kiều dân của họ đã bỏ chạy ra nước ngoài để đưa họ trở về  với « gia đình ». Đó có thể là những nhà hoạt động vì quyền của người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài, những tín đồ của giáo phái Pháp Luân Công, những nhà ly khai chính trị hoặc những thương gia bị thất sủng… đã bỏ trốn khỏi Trung Quốc.

Trong nước giám sát gia đình, bên ngoài truy bức. Thường thì chính quyền Trung Quốc hay bắt đầu bằng cách gây sức ép với gia đình và người thân còn ở lại trong nước của đối tượng. Peng Xufeng, một chủ công ty hàng đầu trong nước đã chạy khỏi Trung Quốc năm 2020 sau khi bị cáo buộc tham nhũng, đã kể lại với Safeguard Defenders rằng, công an Trung Quốc ban đầu dùng cách cho theo dõi lộ liễu bố mẹ ông ở khắp nơi. Họ cho đặt camera giám sát quanh nhà nhằm tạo sức ép khiến bố mẹ ông phải yêu cầu con trở về nước.

Chính quyền cũng lấy con trai ông ra để gây sức ép, đe dọa đưa vào trại mồ côi nếu ông không trở về Trung Quốc. Bắc Kinh cũng không ngần ngại gây áp lực trong công việc hay kinh tế cả với bạn bè của người bỏ chạy, bằng cách làm cho họ mất việc hay phong tỏa tài khoản ngân hàng, bản báo nói trên cho biết.

Nếu như những áp lực trên chưa đủ, Chính quyền Trung Quốc có thể cử «các nhân viên đóng giả là các khách du lịch » đến tận nước đối tượng đang trú ẩn để gây áp lực trực tiếp. « Ngay khi chúng tôi nắm được thông tin đối tược tình nghi đang ở nước này hay nước khác, chúng tôi đến tại chỗ truy lùng », Liu Dong, một cựu quan chức của chương trình truy bắt những « tội phạm » ở nước ngoài, đã khẳng định như vậy hồi năm 2015. Có điều là Trung Quốc bất chấp có hay không thỏa thuận họp tác hỗ trợ tư pháp với nước liên quan.

Để cưỡng chế kiều dân trở về nước, Bắc Kinh còn sử dụng cả cây gậy cũng như củ cà rốt. Một trong những nạn nhân trốn tại Hoa Kỳ, « kể với luật sư của mình rằng, ông đã nói với công an Trung Quốc là công ty của ông sẽ bị đóng cửa nếu ông trở về. Chính quyền hứa bồi thường thiệt hại cho ông 1 triệu đô la », các tác giả bản báo cáo cho biết.

Nhưng chính quyền Trung Quốc không phải lúc nào cũng hào phóng như thế. Một trong những sở đoản của họ là  gây sức ép các chủ cho thuê nhà để cho đến khi đối tượng bị đuổi khỏi nhà, theo Safeguard Defenders.

Hơn 20 vụ bắt cóc ở nước ngoài

Nhiều khi, Bắc Kinh lại thích chọn những phương pháp có thể vi phạm chủ quyền của các nước khác hơn là thông qua con đường ngoại giao. Năm 2017, Pháp, tuy đã ký thỏa thuận dẫn độ với Trung Quốc, bất ngờ được biết qua truyền thông Trung Quốc là các nhân viên an ninh của khu tự trị Ninh Hạ đã đến Pháp và « thuyết phục » thành công một kiều dân Trung Quốc trở về nhà  cùng với họ. Paris khi đó đã gọi cách làm như vậy của Trung Quốc là « không thể chập nhận được » đồng thời yêu cầu có giải thích, nhưng Bắc Kinh không hề hồi âm.

Nước cuối cùng, Bắc Kinh có thể quyết định bắt cóc một nghi phạm đang ở nước ngoài. Saferguard Defenders thống kê từ 2014 đã có 20 vụ như vậy diễn ra tại các nước châu Á và Châu Đại Dương. Tại Thái Lan, mật vụ Trung Quốc hoạt động rất tích cực với 10 ý đồ bắt cóc, trong đó có 7 vụ thành công.

Việc sử dụng phương pháp này thậm chí còn được chính thức thừa nhận. « Chúng tôi biết họ làm việc đó vì chúng tôi có các nhân chứng, nhưng chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện rằng việc bắt cóc người đó đã được biện minh một cách hợp pháp trên giấy trắng mực đen. Tôi tin là không có một nước nào khác trên thế giới cho phép làm như vậy », bà Laura Harth, một lãnh đạo của Safeguard Defenders nhấn mạnh.

Thực tế, Trung Quốc đã dần dần đưa ra một khung pháp lý cho các chương trình truy bắt người trên khắp thế giới. Được lập ra vào năm 2014, chương trình được giao cho một nhóm gồm 20 người thực thi trong khuôn khổ  chiến dịch được đặt tên là «  Săn cáo- Fox Hunt ». Một năm sau, các «  thợ săn » này được nhập vào chương trình «  Sky Net », một kiểu cơ quan quản lý chung chỉ đạo từ những chiến dịch nhỏ săn cáo cho đến làm tiền giả, bà Laura Harth cho biết.

Cơ quan này do một ủy ban giam sát quốc gia đầy quyền lực chính trị chỉ đạo và chịu trách nhiệm thực thi chiến dịch chống tham nhũng được ông Tập Cận Bình phát động từ năm 2012. Chính ủy ban này hồi năm 2018 đã đưa ra khung pháp lý cho « những phương pháp bất nguyên tắc » để truy lùng các nghi phạm trên quy mô toàn cầu.

Công cụ tuyên truyền

Bắc Kinh không che giấu việc đã dùng đến các phương pháp trên mà phần lớn các nước không biết đến và Trung Quốc tự hào về điều đó.

Năm 2019, Trung Quốc đã làm một phim tài liệu dài 5 tập để nói về chiến dịch truy lùng các « tội phạm tài chính », theo như giới thiệu của nhật báo Anh ngữ của Trung Quốc China Daily. Trên thực tế, « việc này nằm trong tuyên truyền chính thức của Tập Cận Bình. Ông đã nhấn mạnh các «  tội phạm », theo cái nhìn của Bắc Kinh không thể an toàn được ở bất kỳ nơi nào. Chính điều này khiến cho kiều dân Trung Quốc lo sợ họ có thể bị chính quyền Trung Quốc coi là mối đe dọa bất cứ lúc nào.

Nhưng Bắc Kinh vẫn coi toàn thế giới là lãnh địa đi săn của họ. Chính quyền Bắc Kinh không ưa gì một tổ chức phi chính phủ điều tra về cách hành xử của họ. Hoàn Cầu Thời báo, một tờ báo nổi tiếng với giọng điệu dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc, hôm 20/01 vừa qua đã có bài viết tấn công dữ dội Safeguard Defenders, gọi tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền này là « giáo phái chống nhân loại », « nói dối như cuội » và rằng « tổ chức này sử dụng những cách cũ xưa để hạ thấp uy tín của Trung Quốc bằng cách coi các tội phạm tham nhũng như là những nhà ly khai chính trị ».

« Trước tiên cần phải hiểu là theo tinh thần của đảng Cộng sản Trung Quốc, tham nhũng không chỉ là đánh cắp tiền bạc rồi bỏ trốn, mà còn có tham nhũng tư tưởng. Nhưng ngay cả đối với những người bị tình nghi phạm tội kinh tế, cũng không nên dùng đến những phương pháp rõ ràng là bất hợp pháp theo mọi chuẩn mực quốc tế », bà Laura Harth nhấn mạnh.

Theo bà,  lên án cách hành xử đang có chiều hướng gia tăng này của chính quyền Trung Quốc càng trở nên quan trọng nhất là khi từ đầu đại dịch đến giờ đã có hơn 2000 trường hợp bị cưỡng bức hồi hương. « Đây là một con số lớn trong khi các biện pháp hạn chế tự do đi lại để phòng chống Covid-19 đang được triển khai. Điều gì sẽ diễn ra nữa khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ hoàn toàn », lãnh đạo của Safeguard Defenders lo ngại.  

 

Nguồn tin: Anh Vũ (Theo France 24 và Le Monde)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây