Hoa Tình Thương

https://hoatinhthuong.net


ĐỀN THỜ

ĐỀN THỜ
(9 tháng 11) (Ez 47, 1-2.8-9.12; 1Cor 3, 9c-11.16-17; Ga 2, 13-22) Hôm nay, Giáo Hội mừng kỷ niệm Lễ Cung Hiến Đền Thờ Latêranô. Đại Thánh Đường thánh Gioan Latêranô là nhà thờ Chính Tòa của Giáo Phận Rôma và của Đức Giáo Hoàng, với tư cách là giám mục Rôma. Đền thờ Latêranô là đền thờ cổ kính và quan trọng nhất của Giáo Hội Tây Phương.
 Đền thờ này là đền thờ Mẹ của Giáo Hội Công Giáo. Đền thờ tọa lạc bên ngoài ranh giới của thành phố Vatican, nhưng ở bên trong thành phố Rôma. Vào đầu thế kỷ thứ tư, sau khi ra chiếu chỉ tha đạo, Hoàng đế Constantine Cả đã cho xây đền thờ đầu tiên tại Rôma vào năm 320. Hoàng Đế xây Đền thờ để tôn vinh danh Chúa Cứu Thế và giúp đoàn dân Chúa có nơi chính thức để cầu nguyện và cử hành các nghỉ lễ thờ phượng. Đến thời Đức Giáo Hoàng Gregorio I (590-604) đền thờ được dâng kính cả hai thánh Gioan Tẩy Giả và Gioan Tông Đồ, nên được gọi là Đền Thờ thánh Gioan Latêranô.
 
Đền thờ Latêranô đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm và thử thách khó khăn cả trong đạo lẫn đời. Đền thờ cũng đã nhiều lần bị tàn phá bởi thiên tai động đất và hỏa hoạn phá đổ hoang tàn, nhưng qua thời gian, đã được các vị giáo hoàng tiếp tục xây dựng lại, trùng tu và sửa chữa trên nền xưa cũ. Từ thế kỷ thứ 4, đền thờ này là trung tâm của Giáo Hội Rôma. Đền thờ được trang hoàng lộng lẫy và trưng bày các kỳ công nghệ thuật qua sự cống hiến tài năng của các nghệ nhân. Ngày nay, đền thờ Latêrano vẫn đứng sừng sững tại Rôma. Hằng năm, Đức Thánh Cha vẫn tới cử hành lễ trọng với các vị Hồng Y, Giám mục và các linh mục Rôma. Đền thờ là nơi Chúa hiện diện với đoàn dân Chúa.
 
Chúng ta tìm hiểu một chút về các danh xưng những nơi thờ tự: Vương Cung Thánh Đường (Basilica), Nhà thờ Chính Tòa (Cathedral) và Đền Thờ (Shrine), Nhà Thờ hay Thánh Đường (Church) và Nhà Nguyện (Chapel). Tuy nhiên Vương Cung Thánh Đường có thể là một Đền Thờ như Đền Thờ Latêranô.  Nhà thờ Chính Tòa cũng có thể là Vương Cung Thánh Đường. Có 7 Đại Vương Cung Thánh Đường (4 Đvctđ chính thức: Thánh Phêrô, thánh Gioan Latêranô, Đức Bà Cả, thánh Phaolô Ngoại Thành và (3 Đvctđ phụ: Thánh Lôrensô, thánh Sebastinô và Thánh Giá) và có rất nhiều Tiểu Vương Cung Thánh Đường là những ngôi giáo đường quan trọng ở Rôma hoặc khắp nơi trên thế giới nhận được danh xưng ‘Vương Cung Thánh Đường” do Đức Thánh Cha đặt để.
 
Nhà thờ Chính Tòa có thể là Vương Cung Thánh Đường. Nhà thờ Chánh Tòa hay Nhà Thờ Lớn là nhà thờ chính của một Giáo phận, vị giám mục địa phận chính là cha xứ của Nhà thờ Chánh Tòa và có thể bổ nhiệm một cha sở để chăm sóc mục vụ. Đền hay Đền Thờ là một nhà thờ, một thánh đường hay một nhà nguyện có thánh tích. Một Đền Thờ có thể được chỉ định để cổ võ lòng sùng kính riêng tư nào đó. Thí dụ: Vương Cung Thánh Đường của Đền Thờ Đức Mẹ Vô Nhiềm Quốc Gia tại Washington, D.C., các Đền Thờ được vị giám mục địa phương qui định. Mỗi giáo xứ có Nhà thờ, còn gọi là giáo đường hay thánh đường (Church), có linh mục quản xứ đảm nhiệm. Nhà thờ nhỏ, Nhà nguyện và Phòng cầu nguyện (Chapel) được hiểu là nơi được đấng bản quyền ban phép dùng vào việc phụng thờ Thiên Chúa, vì lợi ích của cộng đoàn hay một nhóm giáo dân có thể tụ họp cầu nguyện.
 
Sau khi xuất Ai-cập, dân Do-thái đã lữ hành trong hoang địa khoảng 40 năm và sau cùng, họ đã tiến chiếm miền Đất Hứa và định cư lập nghiệp tại đó. Để tổ chức như một dân nước, họ đã nài xin Chúa ban cho các vị Vua, để cai trị như những dân tộc chung quanh. Saulê được chọn làm vua đầu tiên, rồi đến vua David và Sôlômon (1020-939 BC), trong thời gian trị vì, vua Salômon đã xây Đền thờ Giêrusalem để kính thờ Thiên Chúa. Tiên tri Ezekiel (592-571 BC) khi đi rao giảng, trong thị kiến đã nhắc tới một Đền Thờ, nguồn mạch của mọi ân sủng: Người ấy dẫn tôi trở lại phía cửa Đền Thờ và này: có nước vọt ra từ dưới ngưỡng cửa Đền Thờ và chảy về phía đông, vì mặt tiền Đền Thờ quay về phía đông. Nước từ phía dưới bên phải Đền Thờ chảy xuống phía nam bàn thờ (Ez 47, 1). Hình ảnh Đền Thờ Giêrusalem vĩnh cửu là nơi qui tụ mọi dân mọi nước.
 
Hằng năm, Chúa Giêsu cùng cha mẹ lên Đền Thờ Giêrusalem để thi hành việc thờ phượng và dâng lễ tạ ơn theo Lề Luật. Khi đi ra rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng thường lui tới khu vực Đền Thờ, nơi tụ họp đông người đến từ tứ xứ. Thấy cảnh mua bán súc vật, trao đổi tiền bạc và tranh dành, Chúa Giêsu đã không hài lòng với cảnh bát nháo tục hóa này. Vì lòng nhiệt tâm cho Nhà Chúa: Chúa Giêsu nói những kẻ bán bồ câu: Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán (Ga 2, 16). Chúa Giêsu gọi nơi Đền Thờ là nhà Cha Tôi. Vì Đền Thờ là nơi thánh, dành để thờ phượng và thực hành các việc đạo đức thuộc tôn giáo. Qua sự kiện này, Chúa Giêsu đã loan báo về Đền Thờ sống động là thân thể Người: Đức Chúa Giêsu đáp: Các ông cứ phá đền thờ này đi; nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại (Ga 2, 19). Các Đền thờ đã xây dựng bằng vật chất được thánh hiến để dùng vào việc thánh. Khi các đền thờ bị phá hủy, hư hại, bị tục hóa và bỏ trống, thì không còn giá trị trong việc phụng thờ. Nhưng Đền Thờ Đức Giêsu, chính là thân thể Người, đã bị giết và đã sống lại, được xây dựng trong niềm tin và hiệp nhất của mọi thành viên trong Giáo Hội.
 
Thánh Phaolô nói đến nền móng căn bản của tất cả các đền thờ: Vì không có ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô (1Cor 3, 11). Đức Kitô là trở thành trung tâm điểm của mọi nơi thờ phượng. Trong tất cả các đại thánh đường, nhà thờ chính tòa và nhà thờ… được gọi là nhà thánh dành riêng cho việc thờ phượng. Trên gian cực thánh, tại chính điện, có đặt Tượng Chúa Giêsu chịu nạn trên thánh giá. Gian cung thánh, có đặt Nhà Tạm, nơi Chúa Giêsu ngự trong bí Tích Thánh Thể và bộ sách Kinh Thánh. Tùy theo sự trang trí sắp đặt nơi mỗi nhà thờ, chung quanh gian cung thánh có thể đặt tượng ảnh Đức Maria, thánh Giuse và các vị thánh. Ở trung tâm gian cung thánh có bàn thờ để cử hành hy lễ Thánh Thể. Mọi cử hành phụng vụ đều qui về Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chịu chết và sống lại vinh quang.
 
Nhà thờ là nơi các tín hữu tụ họp để dâng thánh lễ và cùng nhau dâng lời ca tiếng hát thờ phượng, chúc tụng, tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa. Nhà thờ là nơi được thánh hiến để mọi người đến cầu nguyện và gặp gỡ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta cần giữ thái độ trang nghiêm và cung kính. Điều quan trọng hơn là mỗi cá nhân là đền thờ sống động của Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết: Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? (1Cor 3, 16). Chúa Giêsu hiện diện với chúng ta dưới nhiều cách thế. Chúa hiện diện trong mỗi người, vì chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh của Chúa. Chúa còn hiện diện trong nhà thờ, nơi cộng đoàn tụ họp, nơi Bí tích Thánh Thể và trong Lời Chúa. Chúa Giêsu phán: Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ (Mt 18, 20).
 
Lạy Chúa, vì yêu thương, Chúa đã muốn cư ngụ giữa chúng con. Chúa đã dùng những nơi thánh, vật thánh và người thánh để giúp chúng con bước đến gần Chúa hơn. Xin cho chúng con biết quí trọng những nơi thánh và năng viếng thăm Nhà Chúa.

Bronx, New York

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây