Hoa Tình Thương

https://hoatinhthuong.net


Đi biển nhìn thấy dấu hiệu này phải bỏ chạy thật xa trước khi quá muộn.

Đi biển nhìn thấy dấu hiệu này phải bỏ chạy thật xa trước khi quá muộn.
Nhiều người đi tắm biển thường chọn bơi vào những vùng nước phẳng lặng mà không ngờ rằng đây mới chính là những dòng chảy xa bờ, là những “cạm bẫy” dẫn đến nhiều vụ đuối nước thương tâm.


Trong những ngày hè nóng nực, không có gì vui thú bằng việc cả gia đình cùng kéo nhau nhảy ùm xuống biển, ngụp lặn theo từng con sóng vỗ bờ. Tuy nhiên, tắm biển cũng tiềm ẩn những mối nguy hiểm rất lớn. Nhiều người vì không biết nên thường chọn bơi vào những vùng nước phẳng lặng mà không ngờ rằng đây mới chính là những khu vực có dòng chảy xa bờ, là những “cạm bẫy” dẫn đến nhiều vụ đuối nước thương tâm.

Dòng chảy xa bờ là gì?

Dòng chảy xa bờ (rip current) luôn được xem là “tử thần giấu mặt” của biển cả. Mặt nước nơi có dòng chảy xa bờ thường phẳng lặng, ít sóng nên nhiều người tưởng rằng đó là nơi an toàn và di chuyển tới đó. Thế nhưng, khi chẳng may bơi vào dòng chảy xa bờ, chúng ta có thể ngay lập tức bị nước cuốn trôi ra xa. Dòng chảy xa bờ được xem là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp chết đuối khi tắm biển.

Một đoạn đứt gãy trong cơn sóng cũng là dấu hiệu nhận biết của dòng chảy xa bờ.

Có 3 loại dòng chảy xa bờ:

– Dòng ngược tức thì (Flash Rip Current): Dòng chảy hình thành, biến mất nhanh chóng do mực nước biển giảm và sóng tăng cao đột ngột.

– Dòng ngược cố định (Fixed Rip Current): Hình thành do nước biển bị chắn bởi 2 đường cát, có thể tồn tại trong khoảng thời gian từ vài ngày đến hàng tuần, thậm chí hàng tháng.

– Dòng ngược vĩnh cửu (Permanent Rip Current): Hình thành do địa hình vùng biển. Ở vùng biển có nhiều san hô, dòng chảy này có thể tồn tại vĩnh viễn.

Cơ chế hình thành dòng chảy xa bờ.

Vì sao dòng chảy xa bờ lại nguy hiểm?

Dòng chảy xa bờ được ví như một dòng sông nhỏ sẽ cuốn tất cả những gì rơi vào nó xa khỏi bờ và đưa thẳng ra biển. Vận tốc trung bình của dòng chảy xa bờ có thể thay đổi từ 0,5 m đến 1m/giây, khi đó không ai có khả năng bơi ngược nó để vào bờ. Có khi do những thay đổi đột ngột của sóng biển, vận tốc dòng chảy xa bờ có thể lên đến 2,5 m/giây, nhanh hơn cả vận tốc bơi của một vận động viên bơi lội Olympic! Tuy nhiên, do dòng chảy xa bờ thường hẹp, có chiều ngang khoảng 1 – 3m nên nhiều người bơi thành thạo có thể dễ dàng thoát ra bằng cách bơi vuông góc với dòng chảy và song song với bờ biển.

Dòng chảy xa bờ cực kì nguy hiểm vì nó có thể kéo người tắm biển ra xa bờ làm cho họ kiệt sức khi cố bơi ngược dòng chảy xa bờ, rồi chết đuối. Bên cạnh đó, sự hoảng loạn cũng khiến người bơi không còn khả năng phán đoán chính xác. Đối với người không biết bơi, dòng chảy xa bờ có thể kéo người đó ra chỗ sâu hơn dù người đó đang đứng ở mực nước ngang hông. Khi đó, người không biết bơi sẽ hoảng loạn và có thể chết đuối.

Dòng chảy xa bờ có thể gây nguy hiểm cho người tắm biển bất cứ lúc nào, không phải chỉ khi có sóng lớn. Khi sóng to thì vận tốc dòng chảy xa bờ cũng nhanh hơn và gây nguy hiểm hơn cho người bơi. Tuy nhiên, khi đó thường ít có người xuống biển tắm vì e ngại sóng to. Trái lại, vào những ngày sóng không lớn, người ta thường đuối nước nhiều hơn vì có nhiều người xuống biển tắm. Khi thấy sóng không quá to người tắm thường chủ quan và không quan tâm đến dòng chảy xa bờ. Mặt nước nơi có dòng chảy xa bờ thường lặng, ít sóng nên thường làm cho nhiều người hiểu lầm đó là nơi an toàn, và khi họ di chuyển sang nơi đó tắm sẽ ngay lập tức bị cuốn trôi ra biển.

Làm thế nào để nhận biết dòng chảy xa bờ?

Trước khi xuống biển, bạn nên dành khoảng 5 – 10 phút để nhận dạng dòng chảy xa bờ nhờ những đặc điểm sau đây:

– Dòng chảy xa bờ sẽ có màu sậm hơn vì nơi đó nước sâu hơn.

– Dòng chảy xa bờ có mặt nước lặng hơn, thường có sóng nhỏ hơn.

– Đôi khi bạn còn có thể thấy các mảnh vỡ hay bọt nước nổi trên mặt dòng chảy xa bờ và trôi ra biển.

Bí kíp thoát khỏi dòng chảy xa bờ

Dòng chảy xa bờ không kéo người tắm xuống nước mà chỉ kéo ra xa bờ và thường sẽ đưa họ vào vùng có sóng bạc đầu và rồi sóng sẽ đưa lại vào bờ. Thế nên, theo các chuyên gia, khi chẳng may bị rơi vào dòng chảy xa bờ, bạn cần chú ý:

– Hết sức bình tĩnh, không hoảng loạn.

– Tuyệt đối không được cố bơi ngược dòng chảy xa bờ để vào bờ.

– Đối với người bơi giỏi: Nếu bạn tự tin, hãy bơi song song với bờ biển, thường sẽ hướng đến chỗ có sóng bạc đầu và nhờ sóng đưa bạn vào bờ.

– Đối với người bơi yếu: Bất cứ khi nào bạn thấy không thể chạm chân vào bờ biển hoặc đuối sức, hãy giơ tay lên ra hiệu trợ giúp, bình tĩnh, thả nổi để giữ sức. Nếu đòng chảy xa bờ yếu đi, cố gắng bơi song song với bờ biển để đến chỗ có sóng bạc đầu để nhờ sóng đưa bạn vào bờ.

Cuối cùng, để an toàn cho chính mình và gia đình, bạn nên tắm biển ở những bờ biển có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp túc trực và bơi ở vùng nước thật an toàn. Ngoài ra, bạn cũng cần quan sát các chỉ báo an toàn và nếu cần thì nên trao đổi với nhân viên cứu hộ để biết đặc điểm bờ biển mà bạn sắp xuống tắm.


Tác giả bài viết: Simon Hòa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây