Hoa Tình Thương

https://hoatinhthuong.net


: Học sinh là thí điểm?

: Học sinh là thí điểm?
Cách đánh vần lạ, bao giờ hàng trăm ngàn học sinh mới thoát kiếp thí điểm?
 
07:02 29/08/18

(GDVN) - Có bao nhiêu cha mẹ học sinh của hơn 800 ngàn em này biết rằng con mình đang bị / được "thí điểm" Công nghệ giáo dục và họ đã đồng ý?

 

Ngày 25/8, Trường Tiểu học Dương Đông 1, huyện Phú Quốc tỉnh Kiên Giang tổ chức họp phụ huynh. Cô giáo Đỗ Thị Phương Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/3 đã hướng dẫn cha mẹ học sinh cách đánh vần theo sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục.

Một vị cha mẹ học sinh đặt câu hỏi: "Đây có phải chương trình mới phải không cô? Có phải của ông Bùi Hiền phải không cô?"

Cô giáo Đỗ Thị Phương Trang trả lời, đây không phải cách đánh vần của Phó giáo sư Bùi Hiền, mà là cách đánh vần theo Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Theo báo cáo của Trường Tiểu học Dương Đông 1, cô giáo Đỗ Thị Phương Trang hướng dẫn không có gì sai theo tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục. [1]

Đài truyền hình Việt Nam cũng đã nhiều lần ghi nhận sự băn khoăn, bối rối của cha mẹ học sinh khi hướng dẫn con em học ở nhà, con họ bị thí điểm Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục mà gia đình không hay biết. Ảnh chụp màn hình phóng sự của VTV.
 

Tuy nhiên, việc cha mẹ học sinh tải clip này lên mạng internet đã tạo nên một làn sóng tranh luận và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. 

Trước đó, ngày 31/7 Báo Ấp Bắc đưa tin, cũng tại Phú Quốc, Kiên Giang xảy ra tình trạng khan hiếm "sách giáo khoa" Công nghệ giáo dục lớp 1. 

Đến ngày 16/8, một số tờ báo tiếp tục phản ánh hiện tượng này, dư luận mới biết đến cơn sốt sách giáo khoa.

Lúc này, không chỉ Phú Quốc, mà ngay cả thành phố Hồ Chí Minh lẫn Hà Nội và một số địa phương khác, rất nhiều phụ huynh than phiền không thể mua được "sách giáo khoa" cho con.

Ngày 23/8, chúng tôi có bài viết Cơn sốt nhân tạo thiếu sách đầu năm học và kế bán lạc kèm bia, trong đó có nêu sẽ phân tích cơn sốt thiếu "sách giáo khoa Công nghệ giáo dục" ở một số địa phương trong 1 bài viết khác.

Cuộc "thí điểm" trường kỳ 40 năm 

Về tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại thì đã có rất nhiều bài báo viết về nó. Tài liệu này được "thí điểm" từ năm 1978 đến nay.

Tuy nhiên theo thiển ý của chúng tôi, dư luận cha mẹ học sinh chỉ biết đến nó một cách rộng rãi đi kèm với những bàn tán và chia sẻ mạnh mẽ trong cộng đồng, có lẽ là từ 2 sự kiện.

Một là bài viết Cho con trẻ học sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, tương lai của chúng ta sẽ ra sao? của chị Trần Hương Giang, một người mẹ có con phải học sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục ở Hải Phòng, đăng ngày 28/9/2015 trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Đến nay, bài báo này đã thu hút 191 nghìn lượt chia sẻ với gần 655 bình luận. 

Thày Hiển, thày Đại "xây" hệ thống bán sách giáo khoa độc quyền cả nước ra sao?

Sự kiện thứ 2 là đoạn video cô giáo Đỗ Thị Phương Trang hướng dẫn cha mẹ học sinh cách đánh vần theo Công nghệ giáo dục nói trên.

Còn một sự kiện đáng chú ý khác, là việc cha mẹ học sinh đạp đổ cổng Trường thực nghiệm ở Hà Nội ngày 12/5/2012 để chen chân nộp hồ sơ cho con vào lớp 1;

Tuy nhiên, việc này chưa chắc đã phải vì "phụ huynh chọn trường này chưa chắc vì tốt nhất, mà chọn vì cho rằng nó đỡ tồi tệ hơn những cái khác" như lý giải của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. [2]

Phóng viên Báo VnExpress có mặt tại hiện trường đã ghi nhận ý kiến một số phụ huynh cho hay, do người nhà có con từng học trường này cho biết, trường học rất tốt nhưng học phí lại "bình dân", nhiều nhà khoa học tên tuổi từng học ở đây, trong đó có Giáo sư Ngô Bảo Châu nên họ muốn con mình vào học tại đây.

Nói cách khác, người dân Thủ đô khi đó đang săn lùng 1 suất học công lập "chất lượng cao, giá bình dân" nhiều hơn là vì Công nghệ giáo dục. Việc này cũng không khác mấy về bản chất vụ lùm xùm tuyển sinh "như chơi chứng khoán" ở Hà Nội mùa hè năm nay.

Nếu vì Công nghệ giáo dục thì họ đã tìm hiểu kỹ càng, Trường Thực nghiệm thời điểm 2012 "không còn là nó" như thời Giáo sư Hồ Ngọc Đại lãnh đạo cơ sở này như chia sẻ của chính ông.

Trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chúng tôi cũng đã có hàng loạt bài phân tích về cơ sở pháp lý của việc triển khai đại trà tài liệu này với hàng loạt câu hỏi đặt ra cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam;

Nhưng cho đến nay, chúng tôi chưa từng nhận được bất kỳ câu trả lời nào từ phía Bộ, Viện cho câu hỏi: Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục có phải sách giáo khoa hay không?

Công nghệ giáo dục một mình một chợ

Trước sự chất vấn sát sao của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy đoàn Đà Nẵng, năm 2017 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mới thành lập hội đồng thẩm định quốc gia xem xét tài liệu này;

Cho đến bây giờ, Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục vẫn là "tài liệu thí điểm", vì là thí điểm nên năm nào cũng chỉnh sửa, in lại. Ảnh chụp màn hình.
 

Nhưng ngay từ đầu hội đồng đã loại bỏ việc xem xét cơ sở pháp lý triển khai đại trà tài liệu này như sách giáo khoa. Nói cách khác, hội đồng thẩm định này không làm nhiệm vụ quy định tại Điều 29 Luật Giáo dục hiện hành.

Đến ngày 28/8, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - (nguyên? [3]) Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mới khẳng định một cách rõ ràng, chắc chắn trên truyền thông:

Tiếng Việt Công nghệ giáo dục không phải sách giáo khoa. Đó chỉ là tài liệu thực nghiệm khoa học, được phép dạy trong một số trường tiểu học;

Do được chỉ đạo (từ Bộ Giáo dục và Đào tạo) ghép với mô hình trường học mới (VNEN), nhiều tỉnh thành áp dụng VNEN đã tiếp nhận sách này đưa vào trường tiểu học ở địa phương mình.

Tuy nhiên, đây không phải sách giáo khoa nằm trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành (Chương trình 2000), càng không phải sách viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới, theo Báo điện tử Zing.vn. [4]

Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục nói riêng, các tài liệu khác đang thí điểm của Công nghệ giáo dục trường phái Hồ Ngọc Đại nói chung không phải sách giáo khoa, không liên quan gì đến Chương trình 2000 và những người làm ra Chương trình 2000, đã được chính Giáo sư Hồ Ngọc Đại nhiều lần xác nhận, ví dụ:

"Nhưng cả một hệ thống từ xưa đến nay… Chuyện này, chuyện khác là hậu quả của "Chương trình năm 2000".

Nên nếu nền giáo dục hiện này có vấn đề gì, cần truy cứu thì phải truy cứu bộ máy làm chương trình năm 2000, tốn hàng ngàn tỉ nhưng không ra gì." [3]

Sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, đến dấu phẩy cũng không vô giá trị

"Nghe danh hiệu thì ghê gớm lắm, nhưng mà không biết gì đâu. Giáo sư gì, Phó giáo sư gì, Tiến sĩ, Phó tiến sĩ. Tư duy cũ lắm. 

Với cái lớp ấy mà nó hạn chế thì đất nước này nguy hiểm lắm." [5]

Đấy là những gì ông nhận xét về đội ngũ viết Chương trình sách giáo khoa 2000, nhiều người trong số đó tham gia biên soạn chương trình mới, bao gồm Tổng chủ biên. 

Mặc dù Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có nói, Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục càng không phải sách viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chuẩn bị 1 bộ sách công nghệ giáo dục tiểu học (hết lớp 5) để tham gia chương trình mới.

Như vậy chưa biết chừng, bộ tài liệu công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại có thể trở thành 1 bộ sách giáo khoa mới (cấp tiểu học), chỉ cần hội đồng thẩm định thông qua theo thủ tục.

Lâu nay, Luật Giáo dục hiện hành lẫn Nghị quyết số 40/2000/NQ-QH10 quy định cả nước sử dụng 1 chương trình 1 bộ sách giáo khoa, Công nghệ giáo dục vẫn ung dung vào trường học dưới dạng "thí điểm", "đề tài khoa học" đó thôi.

Tài liệu Hướng dẫn học VNEN vẫn được bán cho học sinh hàng năm với giá đắt gấp đôi, gấp 3 sách giáo khoa "chính thống" của Bộ cũng nhờ có "thí điểm".

Con trẻ bao giờ mới thoát "kiếp chuột bạch"?

Chúng tôi không dám lạm bàn đến chuyện chuyên môn mình không hiểu kỹ. 

Chỉ xin gửi gắm câu hỏi của một nhà giáo về hưu, thầy Phạm Quý Tư, đã gửi email đến Tòa soạn về mặt chuyên môn, xin nhờ các cao nhân chỉ giáo:

Nếu coi ba phụ âm C, K, Q là như nhau và cùng đọc là "cờ" thì có chỗ không phải như vậy. 

Cụ thể là: 1/ "qua" đọc khác với "cua" hoặc "kua"; "qua" phải đọc giống như "coa" hoặc "koa"; 2/ "quy" đọc khác với "cui" hoặc "kui"; 3/ "quát" phải đọc giống với "coat" hoặc "koát".

Những từ ngữ cha mẹ học sinh thấy lạ trong sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, ảnh chụp màn hình.
 

Có thể chúng tôi chưa hiểu hết cái hay, cái ưu việt của Công nghệ giáo dục. Vậy hãy để người sử dụng nó công tâm đánh giá và không có bàn tay can thiệp nào từ ngành quản lý giáo dục như cách làm hiện nay, biết đâu nước nhà không bỏ lỡ một giải pháp tốt.

Nói cách khác, hãy để người ăn phở nhận xét phở có ngon hay không, có tiếp tục lựa chọn quán phở ấy hay không, chứ đừng để chủ tịch phường quyết định thay. 

Ngành giáo dục cũng vậy, phải xây dựng cơ chế để người sử dụng dịch vụ đánh giá chất lượng dịch vụ, qua đó trả công xứng đáng cho người cung cấp dịch vụ. 

Đừng ép những đứa trẻ non nớt phải giống các giáo sư, tiến sĩ.

Quay trở lại chuyện "thí điểm", có vị giáo sư đầu ngành về sinh học từng chia sẻ với người viết, làm thí nghiệm chuột bạch người ta cũng chỉ dùng đến 50 con là cùng;

Ây thế mà các loại mô hình, "tài liệu tương đương sách giáo khoa" được đem đi thí điểm cho hàng trăm ngàn học sinh, suốt từ năm này qua năm khác mà không ai ý kiến gì, ông chưa thấy quốc gia nào trên thế giới này lại "thí điểm" học sinh vô tội vạ như thế!

Sự kiện "cách đánh vần lạ" có lẽ buộc chúng ta phải nhìn lại cách ngành giáo dục đang ứng xử với học sinh và cha mẹ các em;

Đồng thời chính mỗi cha mẹ học sinh cũng phải tự ý thức và tìm hiểu các quy định / khoảng trống pháp lý về "thí điểm" để bảo vệ quyền trẻ em;

Trong khi chờ sửa Luật Giáo dục, chính cha mẹ học sinh phải tự nâng cao trách nhiệm, để con em mình không bị biến thành "đối tượng thụ hưởng" các ý tưởng cải cách mà cha mẹ không hề hay biết.

Chúng tôi sẽ phân tích vấn đề này dưới góc độ pháp lý, cơ chế chính sách trong một bài viết khác.

Điều chúng tôi muốn nói ở đây, thứ nhất là với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương ban hành quy chế để bất kỳ chương trình, tài liệu, phương pháp nào mới cần "thí điểm" trên học sinh, phải được thông báo đến cha mẹ học sinh và được chấp nhận.

Học mẫu giáo đã phải đăng ký mua sách Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại

Chỉ khi nào đạt được sự đồng thuận 3 bên giữa cha mẹ học sinh - nhà trường / thầy cô - tác giả sách thí điểm, mới được phép thí điểm.

Nói cách khác, "tự nguyện" cần phải được thể chế hóa thành văn bản, quy trình minh bạch để người dân được thực hiện quyền của mình mà không thế lực nào có thể ngăn cản. 

Có như vậy mới hạn chế được các nhà dự án làm liều.

Ngày 27/8, Giáo sư Hồ Ngọc Đại chia sẻ với Báo Trí thức trẻ (Soha): 

"Từ năm 1985, chương trình này đã triển khai mở rộng ra 20 tỉnh, đến năm 2000 có 43 tỉnh, thành. Đến năm nay có 49 tỉnh với hơn 800.000 học sinh học theo chương trình này". [6]

Vấn đề đặt ra là, có bao nhiêu cha mẹ học sinh của hơn 800 ngàn em này biết rằng con mình đang bị / được "thí điểm" Công nghệ giáo dục và họ đã đồng ý?

Có bao nhiêu học sinh "thí điểm" VNEN mà cha mẹ được hỏi ý kiến và đồng ý?

Qua vụ việc này, các bậc cha mẹ học sinh có lẽ cũng phải dành thời gian tìm hiểu kỹ hơn những gì con em mình đang được dạy ở trường, có nằm trong chương trình "thí điểm" nào không và có được trao đổi, bàn bạc và thực hiện quyền "tự nguyện" không.

Thực tế ở Nghệ An, Hà Tĩnh, cha mẹ học sinh các lớp VNEN đã phải rất vất vả đấu tranh trường kỳ với ngành giáo dục và đào tạo để lôi con em mình ra khỏi chương trình "thí điểm" này, khi Giám đốc Sở và lãnh đạo ngành giáo dục vẫn khẳng định mô hình này "ưu việt".


Tác giả bài viết: HỒNG THỦY

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây