Hoa Tình Thương

https://hoatinhthuong.net


Tiếp xúc nhiều với vi khuẩn càng ít bị dị ứng và hen suyễn

Tiếp xúc nhiều với vi khuẩn càng ít bị dị ứng và hen suyễn
Các nhà nghiên cứu nhận thấy trẻ em nông thôn thường ít bị dị ứng và hen suyễn hơn trẻ em thành phố nhờ tiếp xúc với đất cát. Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ của các loại vi khuẩn “thân thiện’’ còn tuỳ thuộc vào cấu trúc di truyền ở từng người.

Người ta cho rằng ít tiếp xúc với đất cát và vi khuẩn chính là lý do gây gia tăng bệnh dị ứng và hen suyễn ở trẻ em và gọi đó là giả thuyết vệ sinh (hygiene hypothesis). Có bằng chứng cho thấy rằng một loại protein từ vi khuẩn được gọi là nội độc tố (endotoxin) đóng vai trò rất quan trọng trong việc kìm hãm hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức.

Nội độc tố được tìm thấy trên bề mặt của nhiều loài vi khuẩn thông thường như vi khuẩn Escherichia coli. Những vi khuẩn này thậm chí còn xuất hiện nhiều hơn ở vùng nông thôn, đặc biệt là các trang trại chăn nuôi bò sữa. Tuy nhiên, các thí nghiệm trên chuột cho thấy một loại enzyme có tên là A20 cũng là một yếu tố cần thiết để ngăn ngừa bệnh dị ứng. Những người thiếu enzyme A20 sẽ không nhận được lợi ích sức khoẻ nào khi tiếp xúc với nội độc tố.

Tiếp xúc nhiều với vi khuẩn càng ít bị dị ứng và hen suyễn - 1

Khi thực hiện khảo sát ở 2.000 người lớn lên tại nông thôn, các nhà nghiên cứu nhận thấy đa số họ không bị mắc bệnh hen suyễn hay dị ứng.Nguồn: Christopher Furlong/Getty Images

Enzyme A20 có vai trò kiểm soát tình trạng viêm nhiễm và được kích hoạt ở trẻ sơ sinh sau khi chúng tiếp xúc với các vi khuẩn lành tính ở đường sinh dục của mẹ, bước khởi đầu quan trọng cho hoạt động của hệ miễn dịch. Nhiều bằng chứng cho thấy enzyme này dạy cho hệ thống miễn dịch của bé không phản ứng quá mức với các vi khuẩn vô hại.

Trẻ em bị đột biến gen gây rối loạn chức năng của A20 có nhiều khả năng bị bệnh hen suyễn và dị ứng. Vì vậy, đội nghiên cứu của Bart Lambrecht tại Đại học Ghent muốn biết liệu A20 có hỗ trợ nội độc tố cải thiện hệ miễn dịch của chúng ta hay không.

Tiếp xúc nhiều với vi khuẩn càng ít bị dị ứng và hen suyễn - 2

Càng nhiều nông trại, càng ít tiệm thuốc. (HÌNH ĐẠI DIỆN)Nguồn: Julia Christe/plainpicture

Họ quyết định nghiên cứu các tác động của nội độc tố ở chuột bình thường và chuột bị biến đổi gen khiến chúng không có enzyme A20. Sau khi cho cả hai loại chuột tiếp xúc với nội độc tố trong hai tuần, các nhà nghiên cứu thử nghiệm độ nhạy cảm của chúng với những mạt bụi nhà, nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh dị ứng ở cả chuột và người.

Họ nhận thấy những con chuột bình thường không hề có dấu hiệu dị ứng với mạt bụi nhà nhưng một số con không được tiếp xúc với nội độc tố lại có. Việc tiếp xúc với nội độc tố cũng không giúp những con chuột bị thiếu enzyme A20 không bị dị ứng với mạt nhà. Điều này cho thấy cần phải có cả nội độc tố và enzyme A20 mới có thể đảm bảo hệ thống miễn dịch không phản ứng quá mức.

Khi thực hiện khảo sát ở 2.000 người lớn lên tại nông thôn, các nhà nghiên cứu nhận thấy đa số họ không bị mắc bệnh hen suyễn hay dị ứng. Thí nghiệm trên các tế bào phổi cho thấy những người mắc bệnh hen suyễn và dị ứng bị thiếu hụt enzyme A20 trong cơ thể. “Những người bị dị ứng và hen suyễn có một biến thể di truyền gene A20 ức chế hoạt động của enzyme này”, ông Lambrecht cho biết.

Bà Erika von Mutius, nhà nghiên cứu tại Đại học Ludwig Maximilian Munich và cũng là người ủng hộ thuyết vệ sinh hết mình nhận xét: “Phát hiện này rất quan trọng vì nó cho thấy nội độc tố không thể tự hoạt động mà không có A20”. Nghiên cứu trước đây của bà cho thấy việc dung nạp nội độc tố ở trẻ em nông thôn chính là lý do bảo vệ chúng khỏi các loại bệnh, và nghiên cứu mới này một lần nữa chứng minh vai trò của nội độc tố trong ngăn ngừa bệnh dị ứng.

Trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu sẽ tìm kiếm những chất trong đất cát có khả năng bảo vệ hệ miễn dịch của con người và sử dụng chúng để tạo ra một loại thuốc có khả năng phòng ngừa bệnh hen suyễn.

Giáo sư Hamida Hammad làm việc tại Đại học Ghent cho biết: “Việc khám phá ra bụi đất ở các trang trại nông thôn có thể bảo vệ trẻ em khỏi bệnh dị ứng đã cho thấy một hướng đi mới trong việc tạo ra vắc xin cho bệnh hen suyễn và phát triển các liệu pháp chữa trị dị ứng. Tuy nhiên, cần phải mất nhiều năm nghiên cứu nữa thì những loại thuốc này mới được phép sử dụng trên cơ thể bệnh nhân”.

 

Tác giả bài viết: Hoàng Mai (Newscientist, Guardian)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây