Hoa Tình Thương

https://hoatinhthuong.net


có kẻ làm việc ác...cho vui

Em bé 23 tháng tuổi này là nạn nhân của một vụ ném đá xe khách.

Em bé 23 tháng tuổi này là nạn nhân của một vụ ném đá xe khách.

Một đám người nhậu say rủ nhau đi ném đá xe khách, một nhóm thanh thiếu niên rủ nhau ném đá người đi đường. Tất cả chỉ để cho vui?
 

 

 

Tệ nạn ném đá xe khách đang lan rộng, các nhà xe đau đầu, hành khách, tài xế bị thương, có em bé bị hỏng cả một bên mắt, công an một số tỉnh trọng điểm đã phải tổ chức tuần tra đêm và mật phục để bắt những kẻ này.

Lác đác những nhóm thanh niên bị bắt, và khi bị thẩm tra, chúng hồn nhiên trả lời: ném đá cho vui, nhậu say không biết làm gì nên rủ nhau lượm đá ném vào xe khách.

Đó là tin tức đang khiến người đọc phẫn nộ suốt nhiều ngày nay. Phẫn nộ và cả buồn rầu nữa, vì không hiểu sao, đã đến thế kỷ thứ 21 này rồi, mà vẫn còn những người Việt sống với trò vui dã man, mông muội.

Nếu nhìn rộng ra, thì rõ ràng chúng ta đã thất bại trong việc xây dựng một cộng đồng văn minh với những công dân văn minh. Dân trí thấp, đời sống tinh thần nghèo nàn, không định hướng... đó là những lý do để sinh ra một tầng lớp những thanh niên “tiến hóa lùi” như vậy.

Đương nhiên lỗi này không thuộc về ai cả hoặc lỗi chung chung của toàn xã hội, vậy thôi.

Bởi thế nên liệu có ai cảm thấy đau lòng khi ngày càng có nhiều những hành vi độc ác?

Một nhóm trẻ xúm vào đánh bạn học. Những thanh niên lớn hơn thì ném đá gây thương tích người khác cho vui. Những đám người lớn nhậu say rồi gây án mạng chẳng vì lý do gì.

Đó là đời thực, còn mạng ảo, cái sự bầy đàn ấy cũng chẳng khác gì. Người ta xúm vào ném đá một vị giáo sư với những lời phát biểu hoàn toàn không phải của ông. Xúm vào ném đá đầy ác ý một bác sĩ dẫm chân lên giường bệnh, một cô hoa hậu hớ hênh. Ném đá cũng để cho vui thôi, bất cần biết hậu quả.

Tôi tự hỏi, tại sao người Việt mình lại rảnh rang thế? Rảnh tới nỗi họ sinh ra phiền phức, tới nỗi “hết khôn dồn dại”, rảnh đến nỗi làm việc ác...cho vui?

Tôi dám chắc rằng, những kẻ ném đá cho vui kia, có lẽ từ bé đến lớn chúng chẳng bao giờ cầm tới một quyển sách dạy những điều về luân lý, về tình người. 

Nói một cách thành thực, chúng ta không thể đổ lỗi cho ai ngoài chính mình. Hãy tự hỏi, chúng ta đã làm được gì để khuyến khích, cổ vũ, động viên những điều tốt đẹp, những hành xử đẹp, những tấm gương đạo đức trong cộng đồng mình? Để cái ác và những điều ngu tối lấn lướt, lỗi là ở chính chúng ta.

Đến đây, tôi lại muốn kể cho bạn đọc nghe câu chuyện của người kỹ sư Nguyễn Quang Thạch, người vừa hoàn thành cuộc đi bộ xuyên Việt ròng rã suốt 4 tháng trời, chỉ mong để cộng đồng ý thức hơn về công cuộc “Sách hóa nông thôn” do anh khởi xướng.

Anh Thạch đã rời bỏ tất cả, công việc thu nhập ổn định, gia đình yên ấm, suốt nhiều năm nay, chỉ chuyên tâm với một mục đích duy nhất, đẩy mạnh phong trào đọc sách trong cộng đồng, mang sách đến với trẻ em nông thôn.

Anh Thạch là một hiệp sĩ, là một tấm gương đẹp đẽ nhất của từ này, nhất là khi đôi mắt anh gần như đang mất dần thị lực vì bệnh bong võng mạc. Chẳng mấy nữa thôi, ánh sáng sẽ rời bỏ đối mắt của anh.

Nhưng tiếc thay, anh Thạch hãy còn đơn độc lắm. Cộng đồng chúng ta còn quá ít những người như anh. Chúng ta còn mải lo cho mình, cho gia đình mình, những người dám hy sinh cho cộng đồng như anh Thạch, mới chỉ tính trên đầu ngón tay.

Đã đến lúc phải thay đổi suy nghĩ. Trước những việc ác, việc xấu, nếu chúng ta chỉ kêu than cảm thán chung chung mà chưa thấy trách nhiệm của mình, chưa quyết tâm làm một điều gì đó để thay đổi nó, thì tương lai rồi đây chúng ta có lẽ sẽ chìm nghỉm với nó.

Mong rằng tất cả mọi người, nếu chưa làm được như anh Nguyễn Quang Thạch thì hãy cố gắng đóng góp một phần nhỏ của mình vào công cuộc nâng cao dân trí cho cộng đồng xung quanh mình.

Hãy nghĩ đến chuyện dành ra một phần tiền nhỏ bé, để đưa những cuốn sách tốt về với trẻ em ở nông thôn.

Đó là chúng ta đang giúp cho tương lai của cháu con mình.

 

 

Tác giả bài viết: Mi An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây