Hoa Tình Thương

https://hoatinhthuong.net


THÁNH VỊNH ĐÃ ĐƯA TÔI TRỞ LẠI VỚI GIÁO HỘI

tải xuống (5)

William Blake, Agony in the Garden (1799) (photo: Screenshot / Public Domain)

Thánh Vịnh 88 là tiếng kêu cầu tuyệt vọng, kéo những người đau khổ đến gần Chúa Kitô hơn.

Khi tôi là sinh viên năm thứ nhất đại học, tôi đã gia nhập “giáo phái” đông nhất ở Mỹ: người Công giáo nguội lạnh [1]. Đó là một phong trào phổ biến, chỉ yêu cầu một thái độ khinh miệt đối với đức tin “lạc hậu” thời tuổi trẻ. Được ngủ nướng vào ngày Chúa Nhật và bắt đầu những ý kiến đáng ngờ về đức tin và luân lý bằng câu nói chặn họng: “Tôi được nuôi dưỡng như một người Công giáo.”

Rời bỏ đức tin thật dễ dàng đối với một người được nuôi dưỡng bằng thứ “sữa loãng” của Công giáo Mỹ vào thập niên 1970, một cỗ máy được thiết kế để vắt kiệt mọi vẻ đẹp huy hoàng và huyền nhiệm khỏi một trong những tôn giáo rực rỡ, cao cả và đẹp đẽ nhất trong lịch sử nhân loại. Đến khi tôi được tiếp xúc với triết học Hy Lạp vào cuối tuổi thiếu niên, tôi đã sẵn sàng bước ra khỏi cửa của giáo phái đó!. Đòn kết liễu là Kinh Thánh, ít ỏi những gì tôi đã hàm thụ được. Trong sự ngu dốt của mình, tôi thấy nó là một quyển sách nhàm chán và vô dụng, đầy những câu chuyện ngớ ngẩn và mâu thuẫn. Tại sao cuộc đời tôi phải bị trói buộc vào gánh nặng trì trệ này, được viết từ hàng ngàn năm về trước, đang khi một thế giới hiện tại hoàn toàn mới, đầy những chân lý mới và nhiều tốt đẹp hơn, đang bùng nổ xung quanh tôi?

Qua tất cả những điều đó, tôi đã chứng minh rằng không ai có thể đáng ghét hơn một thiếu niên hơi thông minh. Ở một giai đoạn nhất định, việc đọc nhiều sách thực sự có thể khiến mọi thứ tệ hơn. Tôi đã tiếp xúc đủ với những ý tưởng mới để thoáng thấy một thế giới niềm tin rộng lớn hơn, nhưng chưa đủ để cân nhắc và đánh giá chúng một cách thông minh. Phải mất mười lăm năm lang thang trong đường thiêng liêng đến tận cùng thế giới, tôi mới được kéo trở lại bởi một cú giật trên sợi dây đức tin.

Chỉ Có Bóng Tối Là Bạn Đồng Hành

Vào đầu những năm 30 tuổi, tôi rơi vào tình trạng tồi tệ. Tôi đau đớn vì một căn bệnh chưa được chẩn đoán (viêm khớp vảy nến). Tôi đã chiến đấu với chứng trầm cảm lâm sàng từ thời thiếu niên, và đó vẫn là cuộc chiến hằng ngày. Vai trò làm cha khó khăn hơn tôi tưởng, đặc biệt trong tình trạng thể chất suy giảm. Cuối cùng, người bạn thân nhất của tôi phải nhập viện và sống nhờ máy trợ sinh.

Đau khổ, như C.S. Lewis nhận xét, là chiếc loa của Thiên Chúa [2]. Chỉ trong sâu thẳm của đau khổ, tôi mới có thể nghe thấy Ngài. Qua Thập giá, những người đau khổ đến gần Thiên Chúa, và đôi khi liều thuốc mạnh của đau khổ là cách duy nhất hiệu quả. Không phải Thiên Chúa gửi đau khổ đến, xin lưu ý: Ngài chỉ sử dụng nó!

Hai sự kiện xảy ra gần nhau đã đặt tôi trên con đường trở lại với đức tin. Đầu tiên là một cảm nhận rõ ràng và không thể nhầm lẫn về sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa. Tôi chỉ có thể nói bấy nhiêu, vì lời nói làm giảm đi ý nghĩa của nó. Nhưng vào khoảnh khắc đó, tôi biết, và không bao giờ ngừng biết, rằng Thiên Chúa là thật và Thiên Chúa là tình yêu. Không có chút nghi ngờ nào.

Nhưng câu hỏi tiếp theo là: Thiên Chúa của ai? Thế giới tạo ra những thần tượng mới để thờ phượng mỗi ngày. Tôi đã nghiên cứu các tôn giáo so sánh khá sâu, và tôi biết các tuyên bố chân lý và bản văn của tất cả các tôn giáo lớn. Liệu tôi có cần xem lại tất cả để tìm xem cái nào phù hợp với trải nghiệm của mình? Công giáo thậm chí không có trong danh sách. Đã thử rồi, đã làm rồi, và không muốn quay lại nữa.

Thiên Chúa đã tiết kiệm thời gian cho tôi bằng sự kiện thứ hai. Vào nửa đêm, trong phòng chờ chăm sóc đặc biệt, tôi nhận thấy quyển sách duy nhất có sẵn: Kinh Thánh nơi sách Thánh Vinh 88 (87) Lời cầu xin trong lúc ngặt nghèo. Đây là Thánh ca Thánh vịnh của con cái ông Côrắc. Lúc bệnh hoạn. Lúc sầu muộn. Thi khúc. Của ông Hêman, người Étra.. Tôi nghĩ: “Được thôi, lạy Chúa: nếu Ngài có điều gì muốn nói, hãy nói ngay bây giờ,” mở sách ra, và đọc lời Thánh Vịnh:

“Lạy CHÚA là Thiên Chúa cứu độ con,
trước Thánh Nhan, đêm ngày con kêu cứu.
Nguyện cho lời kinh vọng tới Ngài,
xin lắng nghe tiếng lòng thổn thức.
Vì hồn con ngập tràn đau khổ,
mạng sống con âm phủ gần kề,
thân kể như đã vào phần mộ,
ví tựa người kiệt sức còn chi!
Con nằm đây giữa bao người chết,
như các tử thi vùi trong mồ mả
đã bị Chúa quên đi, và không được tay Ngài săn sóc.
Chúa hạ con xuống tận đáy huyệt sâu,
giữa chốn tối tăm, giữa lòng vực thẳm.
Cơn giận Chúa đè nặng thân con
như sóng cồn xô đẩy dập vùi.
Chúa làm cho bạn bè xa lánh
và coi con như đồ ghê tởm.
Con bị giam cầm không thể thoát ra,
mắt mờ đi vì quá nhiều đau khổ.
Lạy CHÚA, suốt cả ngày con kêu lên Chúa
và giơ tay hướng thẳng về Ngài.
Chúa đâu làm phép lạ cho người đã mạng vong,
âm hồn đâu trỗi dậy ca tụng Chúa bao giờ?
Trong mồ mả, ai nói về tình thương của Chúa?
Cõi âm ty, ai kể lại lòng thành tín của Ngài?
Những kỳ công Chúa, nơi tối tăm ai rõ?
Đức công chính Ngài, chốn quên lãng ai hay?
Phần con đây, con kêu lên Ngài, lạy CHÚA,
mới tinh sương đã chờ chực nguyện xin.
Lạy CHÚA, thân con đây, Chúa nỡ nào ruồng rẫy,
ẩn mặt đi mà chẳng đoái hoài.
Từ thuở bé, con khổ đã nhiều và luôn ngắc ngoải,
Chúa làm con kinh hãi, con hoá ra thẫn thờ.
Bao cơn thịnh nộ, Ngài đổ ngập thân con,
bấy nỗi kinh hoàng khiến con rời rã.
Bủa vây con suốt ngày ngần ấy thứ,
dồn dập tư bề như nước bao la.
Cận thân Chúa khiến lìa xa,
chung quanh bầu bạn chỉ là bóng đêm.” [3]

Vâng.

Thánh Vịnh 88 ngay lập tức khiến tôi phải sững sờ vì nhiều lý do.

Thánh Vịnh nói trực tiếp đến hoàn cảnh của tôi. Đó là tiếng kêu đau khổ từ sâu thẳm của bóng tối và tuyệt vọng. Tôi không né tránh. Tất cả những lời từng được viết về những trải nghiệm và cảm giác thực sự của đau khổ của tôi nhạt nhòa so với Thánh Vịnh 88. Trong 18 dòng ngắn, Thánh Vịnh đã tóm tắt hoàn hảo của kinh nghiệm con người về nỗi buồn và sự bị bỏ rơi.

Và Thánh Vịnh hướng đến Thiên Chúa! Không thể nhầm lẫn: tác giả Thánh Vịnh đang trách cứ Thiên Chúa, không chút e dè hay bảo đảm rằng sự cứu rỗi sẽ đến. Tác giả Thánh Vịnh hỏi: “Ngài đâu rồi? Tại sao Ngài làm điều này với con? Tại sao lại là con?” Đây là kiểu lời nói có thể khiến bị trừng phạt.

Hay là không? Chính hình thức của Thánh Vịnh là một hành động đức tin. Khi con người đang chìm nghỉm, nhưng biết bám chặt vào Thiên Chúa trong tuyệt vọng. Mặc dù sợ cái chết, vì cái chết chỉ là một hố sâu, và nó sẽ chia cắt khỏi Thiên Chúa mà tác giả Thánh Vịnh yêu mến. Dù gọi Thiên Chúa là Đấng cứu độ ngay từ dòng đầu, không có hy vọng cứu rỗi nào vượt qua hố sâu đó. Trong Thánh Vịnh 88, cái chết đã phá vỡ mối quan hệ giữa con người và Thiên Chúa.

Làm Sao Thánh Vịnh 88 Lại Có Trong Kinh Thánh?

Khi tôi ngồi trong phòng chờ, đọc đi đọc lại những lời này, những tầng ý nghĩa mới hiện ra, cùng với những câu hỏi mới, cấp bách nhất là: “Làm sao nó Thánh Vịnh 88 có trong Kinh Thánh?” Đây là một lời trách cứ mọi điều chúng ta học ở trường Chúa Nhật về đức tin vào một Thiên Chúa yêu thương. Đó là vì Thánh Vịnh này tự nó chưa hoàn chỉnh. Vòng tròn ý nghĩa vẫn còn mở, như một câu hỏi, giống những câu hỏi của tác giả Thánh Vịnh và nhiều tác giả Cựu Ước khác. Chỉ khi trong sự viên mãn của thời gian, ý nghĩa mới rõ ràng. Thánh Vịnh được hoàn tất trên đồi Canvê. Hố sâu của bóng tối không phải và không thể là kết thúc, vì Chúa Kitô đã trỗi dậy từ trong cõi chết.

Trong các tác phẩm của Thánh Augustinô và các Giáo phụ khác, các Thánh Vịnh được diễn giải như chính tiếng nói của Chúa Giêsu Kitô, bao gồm cả Thánh Vịnh 88. Và nếu Con Thiên Chúa có thể thốt lên tiếng gào thét giận dữ và tuyệt vọng này với Cha Ngài, cùng với những thánh ca ngợi khen, nghi ngờ, tạ ơn và than vãn khác, thì toàn bộ kinh nghiệm của nhân loại — những kỳ diệu và kinh hoàng, niềm vui và nỗi buồn — đều được ghi khắc trong thân xác Chúa Kitô. Khi viết cả thế giới vào trong thân xác, Thiên Chúa đã ban cho tất cả một ý nghĩa mới, một sự sống mới.

Đó là món quà Thiên Chúa ban cho tôi qua Thánh Vịnh 88, vào thời điểm đó, trong khoảnh khắc đó, và mãi mãi sau này mỗi khi tôi trở lại với Thánh Vịnh đó, cho đến ngày tôi đứng bên bờ hố sâu đó lần cuối cùng. Trước đây tôi không thể thấy điều đó. Tôi đã quá gần gũi với nó, tôi quá kiêu ngạo, quá non nớt, hoặc chỉ chưa sẵn sàng. Phải rời xa đức tin thời còn niên thiếu, tôi mới có thể thấy nó trọn vẹn. Đó là lý do tại sao lời của T.S. Eliot trong Bốn Khúc Tứ Tấu là câu tôi yêu thích nhất trong văn học:

Chúng ta sẽ không ngừng khám phá,
Và đích đến của mọi cuộc khám phá
Là trở lại nơi chúng ta bắt đầu
Và lần đầu tiên nhận ra nơi ấy. [4]

Tôi chưa bao giờ thực sự biết Kinh Thánh. Cho đến lúc đó. Cho đến khi tôi thấy nó như nó vốn là, và hiểu rằng tất cả đều tìm thấy sự viên mãn trong cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Tác giả Thánh Vịnh đã cho tôi điều đó. Đến nay, khi tôi đã thấy nhiều điều hơn về sự sống và cái chết, đã cảm nhận nhiều hơn về niềm hạnh phúc và nỗi đau, nó mang lại cho tôi một sự an ủi kỳ lạ. Nó nói lên sự thật về nỗi đau của chúng ta từ những nơi tăm tối, bảo đảm với chúng ta rằng ngay cả ở đó, Thiên Chúa không bao giờ vắng mặt, vì Chúa Kitô ở cùng chúng ta.

Thomas L. McDonald – Ncregister.com
con sóng nhỏ chuyển ngữ

Thầy Phó tế Thomas L. McDonald đang phục vụ trong Giáo phận Trenton, qua các phận vụ dạy Giáo lý giáo lý và an ủi. Thầy viết các bài chia sẻ tại An Owl Among the Ruins và Weird Catholic.

------------------------

[1]: Người Công giáo nguội lạnh: Những người được nuôi dưỡng trong đức tin Công giáo nhưng không còn thực hành hoặc tham gia các hoạt động tôn giáo.
[2]: Theo C.S. Lewis, đau khổ là cách Thiên Chúa thu hút sự chú ý của con người, dẫn họ đến gần Ngài hơn.

[3]: Tv 88,1-18 Nhóm Phiên dịch CGKPV.

[4]: Trích từ Four Quartets của T.S. Eliot, diễn tả hành trình trở lại với điểm xuất phát sau khi khám phá và hiểu sâu sắc hơn.

Nguồn tin: Thomas L. McDonald – Ncregister.com con sóng nhỏ chuyển ngữ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây