Hoa Tình Thương

https://hoatinhthuong.net


Những người không nên ăn cá

Những người không nên ăn cá
Cá là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và nhiều tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên nó không phù hợp với tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm đối tượng dưới đây. Bởi nếu ăn cá quá nhiều khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng.

 

1. Người đang sử dụng thuốc ho

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, người bị ho lâu ngày và phải dùng thuốc để điều trị không nên ăn cá, đặc biệt là cá biển để tránh bị dị ứng với biểu hiện nổi mẩn đỏ trên da, sung huyết giác mạc, chóng mặt, tim đập nhanh…

Trong cá biển có chứa nhiều histamine. Khi lượng chất này được nạp vào cơ thể quá nhiều nó sẽ xâm nhập vào quá trình tuần hoàn máu, gây ra hiện tượng dị ứng với histamine. Người bình thường ăn cá biển sẽ không có tình trạng trên bởi trong đường ruột và gan có chứa chất monoamine có tác dụng ức chế histamine đi vào tuần hoàn máu.

Tuy nhiên, trong thuốc ho chứa chất ức chế monoamine, sẽ kiểm soát quá trình gan và đường ruột tiết ra chất này nên người uống thuốc ho mà ăn nhiều cá biển sẽ khiến bệnh thêm nghiêm trọng và còn gây hại khác cho cơ thể.

Ngoài thuốc ho, một số thuốc kháng sinh, thuốc hạ huyết áp, thuốc trị bệnh parkinson, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống viêm…cũng chứa chất ức chế monoamine. Nếu đang trong quá trình dùng các loại thuốc này để điều trị bệnh, bạn nên tránh ăn cá để mau chóng lành bệnh.

2. Bệnh nhân xơ gan

Khi mắc bệnh xơ gan, cơ thể bệnh nhân khó sản xuất yếu tố đông máu, cộng thêm với lượng tiểu cầu thấp nên dễ bị xuất huyết trong, vô cùng nguy hiểm tới tính mạng.

Lúc này, nếu ăn quá nhiều các loại cá biển sâu như: trích, cá ngừ, cá mòi….sẽ khiến tình trạng bệnh xấu đi và có chiều hướng trầm trọng hơn.

3. Người mắc bệnh rối loạn chức năng máu

Những người mắc các bệnh rối loạn chức năng máu và có tính chất xuất huyết như: như suy giảm tiểu cầu, thường xuyên bị chảy máu mũi, xuất huyết trong do thiếu vitamin K…nên ăn ít hoặc không nên ăn cá.

Bởi trong cá chứa axit eicosapentaenoic (EPA) ức chế quá trình kết tập của tiểu cầu, từ đó làm tăng hiện tượng chảy máu ở người bệnh.

4. Bệnh nhân lao

Người mắc bệnh lao nếu ăn nhiều cá cùng lúc dễ bị dị ứng, nhẹ thì buồn nôn, đau đầu, da nổi mẩn, xung huyết, nặng thì tim đập nhanh, sưng môi và mặt, phát ban, tiêu chảy, đau bụng, khó thở, huyết áp tăng đột ngột, thậm chí là xuất huyết não.

5. Bệnh nhân gout

Trong cá chứa purine, khi vào cơ thể nó sẽ chuyển hóa thành axit uric. Trong khi đó, axit uric quá cao trong huyết tương là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh gout. Do vậy, người đã mắc bệnh này nên ăn ít hoặc không ăn cá để tránh làm tình trạng bệnh bị ác hóa, nguy hại cho sức khỏe.

Phạm Hằng
Theo Sina
 

Men vi sinh có thể giúp hạ huyết áp

 

Một nghiên cứu mới cho thấy rằng những người bổ sung lợi khuẩn từ các thực phẩm như sữa chua, hoặc uống bổ sung men vi sinh (chế phẩm sinh học)- có thể giảm nhẹ huyết áp.

  Men vi sinh có thể giúp hạ huyết áp


Một phân tích của các nhà nghiên cứu ở Úc phát hiện ra rằng những người tham gia từ những nghiên cứu đối chứng  ngẫu nhiên, thường xuyên ăn thực phẩm có chứa một lượng lớn các vi sinh sống hoặc dùng chế phẩm bổ sung men vi sinh giảm huyết áp trong thời gian nghiên cứu nhiều hơn so với nhóm đối chứng.
 
Những người dùng chế phẩm sinh học giảm huyết áp tâm thu trung bình là 3,56 milimét thuỷ ngân, và huyết áp tâm trương trung bình giảm 2,38 milimét thuỷ ngân, nhiều hơn những người tham gia nghiên cứu nhưng không dùng chế phẩm sinh học.
 
Để đưa ra đánh giá trên, nghiên cứu dựa trên dữ liệu thu thập từ 9 nghiên cứu chất lượng cao đã được công bố trước đây, những nghiên cứu này đã kiểm tra tác động của chế phẩm sinh học đối với tổng số 543 người trưởng thành có huyết áp bình thường hoặc cao. Hầu hết các thử nghiệm đều nhỏ và liên quan tới những người bổ sung lợi khuẩn thực phẩm như sữa chua hoặc pho mát. Một nghiên cứu liên quan đến những người đã bổ sung men vi sinh ở dạng viên nang.
 
Các phân tích đã không đánh giá liệu việc bổ sung men vi sinh từ thức ăn có giúp giảm huyết áp tốt hơn so với bổ sung lợi khuẩn từ chế phẩm bổ sung hay không. Tuy nhiên, các dữ liệu đã cho thấy rằng mọi người cần bổ sung men vi sinh ít nhất 8 tuần để thấy huyết áp được cải thiện.
 
Cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để xác định chủng vi sinh nào là tốt nhất cho việc giảm huyết áp. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy rằng những người sử dụng một viên bổ sung men vi sinh có chứa tầm 109 và 1012 đơn vị khuẩn lạc (CFU) mỗi ngày có thể có được kết quả tốt.
 
Chỉ có 2 trong số 9 thử nghiệm báo cáo rằng một số người bị tác dụng phụ nhẹ do sử dụng  chế phẩm sinh học, thường là khí hoặc đầy hơi.
 
Hiện vẫn chưa rõ cách các vi khuẩn có thể làm giảm huyết áp, Một khả năng là chế phẩm sinh học có thể giúp cải thiện toàn phần và nồng độ LDL cholesterol. Một giả thuyết khác là một hệ vi khuẩn đường ruột lành mạnh có thể giúp điều hòa các hoóc-môn có liên quan trong việc kiểm soát huyết áp và cân bằng chất lỏng trong cơ thể.
 
Tác giả nghiên cứu Jing Sun, một giảng viên cao cấp ngành thống kê sinh học tại Đại học Y khoa Griffith ở Queensland, Úc cho biết: "Các nghiên cứu chúng tôi đã gợi ý rằng việc thường xuyên dùng các chế phẩm sinh học có thể là một phần của lối sống lành mạnh giúp giảm huyết áp cao. Chúng cũng có thể giúp duy trì mức huyết áp khỏe mạnh”.
 
Các nhà nghiên cứu cho biết việc cắt giảm nhẹ huyết áp nhờ sử dụng  chế phẩm sinh học trong phân tích này tương đương với kết quả thấy trong các nghiên cứu đánh giá những người giảm lượng muối ăn xuốn còn dưới 2  mg muối/ ngày, và những người bắt đầu chương trình luyện tập thể lực thường xuyên,.
 
Cần có thêm nhiều nghiên cứu bao gồm nhiều người tham gia và thực hiện trong một thời gian dài hơn để xác định cách chế phẩm sinh học mang lại lợi ích cho người người sử dụng chúng, giúp ngăn ngừa hoặc kiểm soát bệnh cao huyết áp.
 
Lưu ý rằng chế phẩm sinh học có thể được sử dụng để bố sung - không thay - cho thuốc huyết áp được bác sỹ chỉ định.
 
Kết quả nghiên cứu được công bố trực tuyến tháng 7/2014  trên tạp chí Cao huyết áp (Hypertension).
 
 
Khánh Chi
Theo Livescience

 

Lá mơ lông - Dược thảo trị viêm đại tràng mạn tính

 

Trong y học cổ truyền, lá mơ lông thường được sử dụng để tăng cường sức khỏe tiêu hóa, điều trị các bệnh liên quan tới tiêu hóa, đặc biệt là bệnh viêm đại tràng mạn tính.


Lá mơ lông - Dược thảo trị viêm đại tràng mạn tính


Viêm đại tràng mạn tính là một bệnh khá phổ biến ở Việt Nam. Bệnh thường làm xuất hiện những tổn thương sâu và rộng trên biểu mô niêm mạc đại tràng với các biểu hiện rối loại tiêu hóa kéo dài, đi ngoài phân lúc táo, lúc lỏng, đau âm ỉ vùng bụng dưới hoặc dọc khung đại tràng, đau tăng sau khi ăn hoặc trước khi đi đại tiện.

Tính đến thời điểm này, viêm đại tràng mới chỉ được điều trị ổn định chứ chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Do đó, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh thường để lại những biến chứng nguy hiểm như giãn đại tràng cấp tính, thủng đại tràng, chảy máu nặng và ung thư trực tràng.

Để hạn chế thực trạng này, từ xa xưa, y dược học cổ truyền đã biết sử dụng lá mơ lông có vị hơi đắng, hơi mặn, mùi hôi, tính mát nhằm đặc trị các bệnh liên quan đến đường tiêu hoá, đặc biệt là tiêu chảy, kiết lỵ, thực tích (đầy bụng, chậm tiêu) và thoát giang (sa trực tràng)…

Y học hiện đại cũng chứng minh lá mơ lông với thành phần hóa học gồm protein, caroten, vitamin C và tinh dầu... nên nó có tác dụng rất lớn trong việc ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn, chống co thắt hồi tràng.

Lá mơ lông còn có tên khác như mơ tam thể, ngưu bì đống, mẫu cẩu đằng… Đây là một loại cây leo mọc hoang hoặc được trồng nhiều nơi ở Việt Nam làm rau gia vị.

Ngoài ra, các sách thuốc cổ như Cương mục thập di, Lý thị thảo bí, Bản thảo cầu nguyên…còn đề cập đến những phương thuốc hay và hiệu quả, trong đó lá mơ lông được dùng làm thành phần chính để điều trị các bệnh liên quan tới tiêu hóa.

Ví dụ, bài thuốc dùng lá mơ lông thái nhỏ, trộn với trứng gà rồi bọc lá chuối đem nướng hoặc đặt vào chảo rán (không cho dầu mỡ), ăn 1 ngày 2 lần trong vòng 7 ngày sẽ giúp chữa được bệnh kiết lỵ.

Hoặc dùng lá mơ lông vắt lấy nước cốt uống hàng ngày để trị chứng đau dạ dày.

Còn với chứng tiêu chảy do nhiệt với các biểu hiện bụng đau quặn, đầy hơi, đại tiện mùi khẳm, nước tiểu vàng sẽ có bài thuốc dùng lá mơ lông kết hợp với nụ sim rồi sắc lấy nước uống hàng ngày…

Hoặc có thể từ kinh nghiệm dân gian kết hợp Lá Mơ lông, Mộc hoa trắng, Lá khôi tía, Sa nhân...Trong đó, các vị thuốc có tác dụng như một kháng sinh thực vật, kích thích tiêu hóa và tác dụng giảm tiêu chảy, nhuận tràng.


Tuy nhiên, để các thành phần này hiệu quả với bệnh viêm đại tràng cấp và mạn tính, viêm đại tràng co thắt và hội chứng lỵ, liều lượng giữa các thành phần phải chuẩn do đó cần được kê bởi các bác sĩ đông y và phải sử dụng kiên trì hàng ngày theo liệu trình.

Bên cạnh đó, người bị bệnh đại tràng mạn tính cần tránh những đồ ăn dễ gây kích ứng như đồ sống, thực phẩm chua, cay, bia rượu, cà phê để bệnh nhanh ổn định và hạn chế tái phát.

Tác giả bài viết: Thanh Thanh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây