Hoa Tình Thương

https://hoatinhthuong.net


Nga có thể mất 'người bạn thân' Đức

Nga có thể mất 'người bạn thân' Đức
Sau đêm tranh luận về khủng hoảng Ukraine với Tổng thống Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, trước các học giả thế giới, phát biểu những lời cứng rắn chưa từng thấy, trong lúc thiện ý của công chúng Đức dành cho Nga cũng suy giảm.
Putin - Merkel họp kín 6 giờ liên tục  /  Thủ tướng Đức cảnh báo Nga có thể 'gây bất ổn châu Âu'
2014-10-17T082116Z-791630598-G-3575-8189

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một hội nghị hồi tháng 10. Ảnh: Reuters

Theo Time, Tổng thống Nga Vladimir Putin từ lâu đã có thiện cảm với nước Đức. Khi là một điệp viên Ủy ban An ninh Quốc gia Xô Viết vào cuối thập niên 1980, ông làm việc tại thành phố Dresden, Đông Đức. Từ đó ông dành tình yêu cho tiếng Đức và những vại bia khổng lồ ông thưởng thức trong một nhà hàng tại thị trấn Radeberg với bạn bè, theo hồi ký của ông.

Chính sách đối ngoại và kinh tế của Tổng thống Putin luôn coi Đức là một đồng minh, một đối tác quan trọng trong thương mại và một "người lắng nghe và thấu hiểu" lợi ích của Nga. Ông Putin dường như tin chắc rằng mối quan hệ Nga - Đức sẽ không có vấn đề gì, ngay cả trong căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Tuy nhiên, ông dường như đã nhầm.

Thủ tướng Angela Merkel tối hôm 15/11 tới khách sạn mà Tổng thống Nga Vladimir Putin ở tại thành phố Brisbane, Australia, nơi các nhà lãnh đạo thế giới tới dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20).

Trong một phòng họp nhỏ của khách sạn, bà Merkel đã có cuộc thảo luận đột xuất, một đối một với ông Putin trong vòng hai giờ. Sau đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tham dự cuộc họp kín, và cuộc thảo luận ba bên tiếp tục kéo dài thêm khoảng 4 giờ nữa. Cuộc họp kéo dài đến tận sáng hôm sau, được cho là tập trung vào tình hình Ukraine.

"Angela Merkel là người đối thoại không thể thiếu giữa phương Tây và Putin", BBC dẫn lời Judy Dempsey từ trung tâm nghiên cứu Carnegie Europe nhận xét. Bà Merkel thông thạo tiếng Nga trong khi ông Putin cũng nói tiếng Đức trôi chảy. 

Theo thông báo từ Moscow, ông Putin đã làm hết sức mình để "giải thích cụ thể  phương pháp tiếp cận của Nga trong vấn đề Ukraine". Nhưng những nỗ lực giành sự đồng tình từ bà Merkel, hoặc ít nhất là sự thấu hiểu, có vẻ như phản tác dụng. Ông Putin dường như quá mệt mỏi, quyết định rời hội nghị G20 sớm, với lý do ông cần có thời gian để ngủ trước khi bắt đầu tuần làm việc mới.

'Lời thách đấu'

Trong một bài phát biểu vào hôm 17/11 tại Australia, Thủ tướng Đức Angela Merkel dự đoán một cuộc đối đầu kéo dài với Moscow. Khác với phong cách chính trị vốn mềm mỏng của mình, bà thậm chí còn viện dẫn những năm tồi tệ nhất của thế kỷ 20 khi mô tả xung đột của phương Tây với Nga về Ukraine hiện nay. Bà cảnh báo nếu các nước không ngăn chặn chính sách của Nga ở Ukraine, Tổng thống Putin có thể gây bất ổn cho "trật tự hòa bình của toàn châu Âu".

"Tôi tin rằng  Putin sẽ không thành công". Cuối cùng, phương Tây sẽ giành chiến thắng trước các thách thức từ Nga, "ngay cả khi con đường dài đầy khó khăn", bà nói. 

Bài phát biểu của bà Merkel được trích dẫn trên khắp thế giới ngay trong ngày và nhiều ngày sau. Ngôn từ của bà được người Đức đánh giá là lời chỉ trích Putin công khai nhất đối với Tổng thống Putin cho đến nay. "Bà Merkel đã ra lời thách đấu", Bildtờ báo bán chạy nhất của Đức viết. Tờ này mô tả bài diễn thuyết của bà Merkel là "đanh thép", nhất là đối với một nhà lãnh đạo vốn nổi tiếng thận trọng khi phát biểu.

Điều này cho thấy cuộc họp kín giữa bà Merkel và ông Putin cho kết quả khá thất vọng, nhất là khi Tổng thống Putin gần đây nỗ lực tiếp cận công chúng Đức. Vài ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc, ông chấp nhận trả lời một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với kênh truyền hình quốc gia ARD của Đức. Phóng viên đưa ra những câu hỏi về hỗ trợ của Nga cho phe ly khai ở đông Ukraine. Ông Putin trả lời với tinh thần hòa giải "Tất nhiên chúng tôi hy vọng tình hình thay đổi theo hướng tốt hơn. Chúng tôi hy vọng khủng hoảng Ukraine kết thúc và mong muốn có quan hệ bình thường với các đối tác, bao gồm Mỹ và châu Âu".

Riêng đối với Đức, ông cho biết Berlin rất cần cùng Nga giải quyết vấn đề vì nền kinh tế hai bên gắn bó chặt chẽ với nhau. Ông Putin cho biết giao dịch thương mại với Nga tạo ra khoảng 300.000 việc làm cho người  Đức. Nếu Đức cũng tiến hành các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Nga, Berlin có nguy cơ làm tổn thương tăng trưởng kinh tế của chính mình. "Sớm hay muộn, các biện pháp trừng phạt sẽ gây ảnh hưởng với Đức nhiều như với chúng tôi", ông nói.

Lời cảnh báo này nhằm vào tầng lớp tinh hoa ở Đức do lợi ích kinh doanh của họ phải dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và thị trường tiêu thụ khổng lồ của Nga. Năm ngoái, thương mại hai nước vượt qua mức 100 tỷ USD, đây là con số rất lớn, khi so sánh với mức dưới 40 tỷ USD giữa Mỹ và Nga. Để vận hành các cơ sở công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng, Đức phải nhập khẩu một phần ba lượng dầu và khí đốt cần dùng từ Nga. Ở phía bên kia, 14% sản phẩm mà người Nga nhập khẩu được sản xuất tại Đức.

Người Đức nghĩ khác

Nhưng ông Putin có thể đã sai khi hy vọng rằng sự cô lập đối với Nga có thể ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Đức hoặc danh tiếng của bà Merkel. Ngay cả khi các lệnh trừng phạt bóp nghẹt thương mại giữa Nga và phương Tây, tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức hồi tháng 9 đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Đồng thời, danh tiếng của Nga trong lòng công chúng Đức tụt xuống mức thấp. Trong một cuộc khảo sát toàn quốc tiến hành hồi tháng 8, 70% người Đức kêu gọi chính quyền thực hiện những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với nền kinh tế Nga.

"Ông Putin rõ ràng đã tính toán nhầm", Joerg Forbrig, một chuyên gia về Đông Âu tại Quỹ Marshall Đức ở Berlin nói. "Điều đó là chắc chắn khi nói đến Đức".

Gây ảnh hưởng với Berlin là cơ hội tốt nhất và có lẽ là duy nhất để phá vỡ quyết tâm chống lại ông Putin của phương Tây. Vận động hành lang trong kinh doanh tại Đức mạnh mẽ hơn và ủng hộ Nga hơn bất kỳ nhà nước lớn nào tại châu Âu. Các cử tri Đức trước đó nhìn chung cũng nghiêng về hướng giữ lập trường trung lập trong chính sách đối ngoại.

Vài tuần sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3, gần một nửa số người Đức được hỏi nói rằng chính phủ không nên đứng về phía nào trong cuộc xung đột, trong khi 35% số người được hỏi thúc giục các nhà lãnh đạo Đức đối thoại để hiểu cách tiếp cận của Moscow. Tuy nhiên, sự ủng hộ của người Đức với Nga hiện đã tan biến. Putin mất đi đối tác phương Tây duy nhất có thể khiến quốc gia thoát khỏi thế cô lập.

Nhiều người Nga ngạc nhiên trước sự thay đổi đó của người Đức."Ngay cả trong Chiến tranh Lạnh, chúng tôi vẫn đặt đường ống dẫn dầu khí đến Đức", Leonid Kalashnikov, Phó Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga, nói. "Thời đó, dường như không ai phản đối".

Dưới thời Tổng thống Putin, hợp tác năng lượng Nga - Đức mở rộng mạnh mẽ. Năm 2011, Nga khởi động đường ống dẫn khí tự nhiên Nord Stream để bơm nhiên liệu từ Nga sang Đức dưới biển Baltic. Đây là dấu hiệu thể hiện ông Putin có mối quan hệ tốt đẹp với Berlin vào thời điểm đó. Người tiền nhiệm của bà Merkel, cựu thủ tướng Gerhard Schroeder thậm chí còn là chủ tịch của dự án đường ống này sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2005. Nhưng vào cuối tháng 9, bà Merkel cho biết Liên minh châu Âu (EU) về lâu dài có thể cần phải xóa bỏ cơn nghiện nhiên liệu của Nga, đặc biệt là nếu chính sách của Kremlin tiếp tục đi ngược lại với lợi ích của EU.

Liệu có còn một cây cầu?

Câu hỏi đặt ra là bài phát biểu sau cuộc họp kín Nga - Đức của bà Merkel liệu có đánh dấu bước ngoặc trong chính sách ngoại giao của Đức? Cho đến trước cuộc họp suốt đêm đó, Berlin lâu nay vẫn thiên về hướng hòa giải chứ không đối đầu. Đức từ chối ủng hộ quyết định tăng cường trừng phạt Nga, tập trung vào hướng giải quyết tình hình nhân đạo tại Ukraine và thúc đẩy thiết lập lệnh ngừng bắn bền vững. Ngoại trưởng Đức Frank-Wal-ter Steinmeier kiên định thực hiện phương pháp này, và nói việc ông Putin mong muốn bình đẳng với các cường quốc khác là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Tuy nhiên, theo BBC, khi ông Steinmeier đến Moscow trong chuyến thăm đầu tiên của ông kể từ khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng ba, ông tỏ thái độ khá cương quyết. "Không có lý do để lạc quan trong tình hình hiện nay", ông nói trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Tuy nhiên, nguy cơ đánh mất thị trường châu Âu, thứ có thể là thảm họa cho nền kinh tế Nga, cũng khó có khả năng khiến Kremlin nhượng bộ. "Có một điều phương Tây không hiểu", ông Kalashnikov nói. "Họ có thể sử dụng biện pháp trừng phạt để gây sức ép với một nước nhỏ, nhưng Nga không phải là nước như thế. Chúng tôi sẽ không khuất phục".

Những người ủng hộ ông Putin hiện tin tưởng hơn bao giờ hết về quan điểm cứng rắn của ông với phương Tây. Họ cho rằng ông sẽ thà chấp nhận bị cô lập ở nước ngoài còn hơn làm kẻ yếu ở nhà. "Chúng ta hẳn sẽ chẳng thể buộc ông ấy thay đổi quan điểm", Matthew Rojansky, một chuyên gia về Nga tại Trung tâm Wilson ở Washington, nói.

Theo ông Rojansky, có nhiều khả năng sự cô lập của phương Tây sẽ làm mất tất cả "cầu nối" có thể tác động đến ông Putin thông qua đối thoại. Nhưng ngược lại, nếu ông Putin đang tìm kiếm một cầu nối như vậy trong đêm tranh luận với bà Merkel, ông đã không tìm thấy. 

 

Tác giả bài viết: Phương Vũ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây