CHÚA KITÔ TRÚT BỎ MỌI VINH QUANG BẰNG LÒNG CHỊU CHẾT VÌ YÊU THƯƠNG

Thứ năm - 28/03/2024 05:04
tải xuống
tải xuống

Chúng ta bước vào Tuần Thánh. Các bài đọc nhắc nhở chúng ta về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Cứu Thế. Chúng ta suy ngẫm về cuộc thương khó của Chúa, về cái giá Ngài đã trả để cứu chuộc chúng ta, không chỉ hôm nay hay suốt Tuần Thánh này mà cả cuộc đời mình. Được dìm sâu vào Cuộc Khổ Nạn lớn lao của Chúa Giêsu là đặc ân dành cho chúng ta.

Căn tính của Chúa Giêsu: Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng.

Trong trình thuật Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu theo Thánh Máccô, thần tính của Chúa Giêsu xuất hiện một cách hết sức rõ ràng. Chúa Giêsu dường như không quan tâm trả lời những cáo buộc chống lại Ngài, ngay cả những lời buộc tội sai trái rằng Ngài sẽ phá hủy Đền Thờ: “Chúng tôi có nghe ông ấy nói: Tôi sẽ phá Đền Thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền Thờ khác, không phải do tay người phàm!...Vị thượng tế đứng lên giữa hội đồng hỏi Chúa Giêsu: Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó? Nhưng Chúa Giêsu vẫn làm thinh, không đáp một tiếng” (Mc 14: 58-61). Nhưng có một điều Ngài quan tâm trả lời: câu hỏi về căn tính của Ngài. Chúng ta đọc thấy rằng khi bị đưa ra trước Tòa Công Luận, người ta hỏi Chúa Giêsu: “Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?” (Mc 14:61). Chúa Giêsu bình tĩnh trả lời: “Phải, chính thế” (Mc 14:62).

Trong Tin Mừng theo Thánh Máccô, Chúa Giêsu không bao giờ tự xưng là Đấng Kitô. Thỉnh thoảng, nếu có ai đó biết Ngài là Đấng Kitô thì Ngài cũng cấm không cho nói ra. Nay lần đầu tiên Ngài nói rõ mình là Đấng Kitô và còn giải thích đó là một Đấng Kitô có thiên tính. Ngài tự nhận mình là nhân vật “Con Người” từ trời cao mà đến: “Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mc 14: 62). Khi nói như vậy Chúa Giêsu muốn cho Tòa Công Luận biết rằng Ngài là Con Người mà sách Đaniel đã báo trước: “Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện” (Đn 7:13-14). Tuyên bố này của Chúa Giêsu ngay lập tức đã khiến vị thượng tế xé áo choàng của mình, vốn là điều bị cấm theo lề luật: “Tư tế lớn nhất trong hàng anh em nó, người đã được đổ dầu tấn phong lên đầu và được trao quyền khi mặc phẩm phục, thì không được xoã tóc và xé áo” (Lv 21:10). Nhưng đó là cử chỉ vị thượng tế đã làm. Ông muốn bày tỏ sự phản bác và khinh thị, vì làm sao một tên tội phạm bị trói tay như thế lại có thể là Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng được!

Rồi khi bị dẫn ra trình diện trước Philatô, Chúa Giêsu cũng không đáp lại bất cứ điều gì chống lại Ngài: “Các thượng tế tố cáo Ngài nhiều tội, nên ông Philatô lại hỏi Ngài: Ông không trả lời gì sao? Nghe kìa, họ tố cáo ông biết bao nhiêu tội! Nhưng Chúa Giêsu không trả lời gì nữa, khiến ông Philatô phải ngạc nhiên” (Mc 15: 3-5). Nhưng khi Philatô hỏi về chức vụ của Ngài: “Ông là vua dân Do thái sao?” thì ở đây một lần nữa, Chúa Giêsu sẵn sàng trả lời về căn tính của Ngài. Câu trả lời khẳng định nhẹ nhàng: “Đúng như ngài nói đó” (Mc 15: 2). Ở đây Ngài thừa nhận có vai trò đó, dù trong một hoàn cảnh vô cùng mỉa mai. Chính vì thế mà binh lính chế nhạo Ngài: “Chúng khoác cho Ngài một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Ngài. Rồi chúng bái chào Ngài: Vạn tuế đức vua dân Do thái! Chúng lấy cây sậy đập lên đầu Ngài, khạc nhổ vào Ngài, và quỳ gối bái lạy” (Mc 15:17-19). 

Thánh Máccô không bỏ lỡ điều trớ trêu đó. Thánh sử muốn nói dù đúng là Vua dân Do Thái và Con vua Đavít, Chúa Giêsu cũng được hiểu là Vua của những người lính đó, của muôn dân nước, như tiên tri Samuel kể rằng Thiên Chúa phán với vua Đavít: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền” (2Sm 7:12). Khi xưa Vua Đavít đã thống nhất các chi tộc Israel thì nay Người bị coi là tội phạm, bị treo cao trên thập tự giá, và khi trút hơi thở, lại đuợc viên quan bách quân người Rôma khẳng định trong ngỡ ngàng: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15:39).

Như vậy, chính viên quan Rôma này đã trả lời cho câu hỏi được đưa ra trước Tòa Công Luận: “Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?” (Mc 14:61). Đây là lần đầu tiên trong các sách Tin Mừng có một người dân ngoại nhận ra căn tính của Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Con Người ấy là Con Thiên Chúa, sẽ tập họp muôn dân nước  trong quyền năng và vinh quang của Ngài vào ngày sau hết. Chúa Giêsu đã báo trước cho các môn đệ của Ngài về điều này:“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, Ngài sẽ sai các thiên sứ đi, và Ngài sẽ tập họp những kẻ được Ngài tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời” (Mc 13:26-27). Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến để cứu chuộc tất cả chúng ta, qua khổ hình thập giá. Đó là một trong những chân lý mầu nhiệm nhất của Kitô giáo.

Chúa Giêsu hoàn toàn bằng lòng chịu chết trên cây thập tự.

Ngài im lặng trước những cáo buộc chống lại mình. Ngài không quan tâm đến việc bảo vệ mình trước những cáo buộc sai trái, nào là phá đền thờ, nào là không nên nộp thuế cho Xêda. Ngài không quan tâm đến việc thuyết phục chính quyền về sự vô tội của mình. Sự im lặng của Ngài đã được báo trước khi tiên tri Isaia nói về Người Tôi Tớ Đau Khổ: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Isaia 53:7). Ngài lên Giêrusalem là để chết. Ngài đang thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa Cha: chết để cứu độ nhân loại. Cái chết của Ngài là do Ngài hoàn toàn tự nguyện chấp nhận, trọn vẹn vâng theo Thánh Ý của Chúa Cha. Chúa Giêsu cho thấy lời tiên tri Isaia đã ứng nghiệm nơi Ngài: “Thiên Chúa đã muốn ngài phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu ngài hiến thân làm lễ vật đền tội…ý muốn của Thiên Chúa sẽ thành tựu…Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ…Bởi vì ngài đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra, ngài đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53:10-12).

Tin Mừng theo Thánh Máccô nói chi tiết về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Những chi tiết này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn tình yêu bao la của Chúa Giêsu dành cho chúng ta khiến Ngài sẵn lòng chịu đau khổ và chịu chết. Trong bài đọc thứ hai Thánh Phaolô đã suy niệm thật sâu xa: “Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:6-8).

Những suy niệm này cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn mức độ nghiêm trọng của tội lỗi vốn gây ra cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu. Chúng ta hoán cải và thay đổi cuộc sống mình như thế nào để không làm cho thập giá của Chúa Giêsu, của những người khác và của chính mình nặng thêm vì tội lỗi của chúng ta?

Chúng ta tập trung vào những giờ phút cuối cùng trong cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu. Chúng ta khắc ghi vào tâm hồn chúng ta một cách rõ ràng hơn hình ảnh một Thiên Chúa ở cùng chúng ta, một Thiên Chúa không hề xa lạ với con người. Chúa Giêsu, dù là Thiên Chúa, đã hành xử như một tôi tớ, phục vụ tất cả các môn đệ của Ngài khi xưa và phục vụ tất cả chúng ta ngày nay, sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình, đổ chính máu mình ra: “Ngài bảo các ông: "Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14: 24). Chúa Giêsu luôn tìm Thánh Ý của Chúa Cha trong mọi sự, không tìm cách làm theo ý mình, ngay cả trong thời điểm đau thương và chết chóc như thế này: “Ábba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14:36).

Vâng phục Thiên Chúa Cha là bản chất của Chúa Giêsu.

Đối với Chúa Giêsu, vâng phục là lắng nghe và làm theo Chúa Cha yêu dấu của Ngài. Việc Chúa Giêsu đi vào thế gian hiến mình làm tôi tớ, chịu khổ hình, đau đớn, nhục nhằn, không bao giờ là sáng kiến mang tính ​​anh hùng cá nhân của một người con muốn chứng tỏ bản thân mình với Cha mình. Trong những hành động này, Chúa Giêsu đang lắng nghe và vâng theo tiếng nói thần linh của Chúa Cha, bằng chính tình yêu thần linh của Ngài dành cho Chúa Cha. Đó là một sự đáp trả đầy yêu thương đối với một kế hoạch yêu thương và là một sự vâng phục tuyệt đối tự do đối với một ý muốn không hề bắt buộc phải làm. Trong tâm tình lắng nghe và vâng phục này, giữa Chúa Cha và Chúa Con, không có giây phút nào xa cách, sợ hãi hay nghi ngờ, mà chỉ có tình yêu vô điều kiện và không dè sẻn từ Chúa Cha. Và sự đáp trả của Chúa Giêsu đối với tình yêu của Chúa Cha cũng vô điều kiện, không giới hạn và không giữ lại gì.

Mọi người tìm cách làm theo ý mình, nhưng Chúa Giêsu chỉ tìm kiếm ý muốn của Chúa Cha như Ngài nói: “Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5:30). Chính sự vâng phục này đã thể hiện sự trọn hảo của Chúa Con, và biểu lộ Ngài là ai, như Ngài đã phán: “Tôi không thể tự ý mình làm gì”. Ngài là “Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”, là một với Chúa Cha nên luôn hành động cùng với Chúa Cha trong bất cứ điều gì, dù trong suy tưởng hay trong hành động, tất cả đều theo ý muốn và vì sự vinh hiển của Cha Ngài.

Để ý muốn của Chúa Cha được hoàn thành, Chúa Con phải bước vào cái chết, và qua cái chết, chỗi dậy trong sự phục sinh, hoàn thành trọn vẹn ý định vĩnh cửu của Chúa Cha. Việc Ngài đi vào cái chết là do chính Ngài tự nguyện: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy” (Ga 10:18). Ngài bước vào lãnh địa tối tăm của cái chết mà chưa ai từng bước vào đó, với tất cả sự tin tưởng vào thẩm quyền mà Chúa Cha ban cho Ngài để phá vỡ quyền lực của cái chết, và bước ra trong chiến thắng vì đã hoàn thành công việc mà Cha Ngài đã giao cho Ngài làm. Việc Ngài tự ý đi vào cái chết là một hành vi vâng phục thánh ý Chúa Cha, để bày tỏ tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha như Ngài nói: “Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14:31).

Cái chết của Ngài bày tỏ tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha, đồng thời mặc khải tình yêu của Chúa Cha dành cho nhân loại. Chính tình yêu này của Chúa Cha, biểu lộ qua cái chết vâng phục của Chúa Con, đã mang lại cho con người vô vàn ân sủng rạng ngời, như Thánh Phaolô diễn tả: “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Ngài [Thiên Chúa], Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Chúa Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Ngài ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu. Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Ngải.  n sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu” (Ep 1:5-8).

Chúng ta, những người đã lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, được mời gọi sống theo ân sủng, nghĩa là sống theo Lời và gương mẫu đời sống của Chúa Giêsu để ân sủng của Ngài dần thấm vào tâm tưởng, diễn ngôn, hành vi và thái độ của chúng ta trong cuộc sống thực tế hàng ngày.

Xin cho những lời của tiên tri Isaia, trong bài đọc thứ nhất, ứng nghiệm không chỉ trên Chúa Giêsu mà trên cả mỗi người chúng ta: “Thiên Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức…Thiên Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui” (Isaia 50:4-7). 

Nguồn tin: Phêrô Phạm Văn Trung ​​​​​​​

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập66
  • Hôm nay15,727
  • Tháng hiện tại330,547
  • Tổng lượt truy cập32,797,072
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây