CUỘC KHỔ NẠN CỦA ĐỨC GIÊ-SU

Thứ năm - 28/03/2024 05:09
tải xuống (2)
tải xuống (2)

Chúng ta sắp nghe lại và đọc lại các trình thuật về cuộc Khổ nạn, đó là cách suy niệm hay nhất trong các ngày Tuần thánh. Chúng ta có 4 trình thuật, chúng ta có thể nuôi dưỡng đức tin và tình yêu mình với những bài chiêm niệm khác nhau: Mát-thêu (năm A), Mác-cô (năm B), Lu-ca (năm C), Gio-an cho ngày Thứ Sáu thánh mỗi năm. Dĩ nhiên, chúng ta biết rõ câu chuyện khủng khiếp này, và mỗi lần như thế, trái tim chúng ta lại thổn thức. Đức Giê-su đã đau khổ đến vậy sao? Nhưng trong mối thương cảm này, nhiều câu hỏi vẫn len vào, khó gạt ra nổi. Tại sao phải cần những đau khổ và cái chết ấy? Chúng cứu ta cách nào?

Chúng cứu ta, chẳng phải với danh nghĩa đau khổ và cái chết, nhưng vì chúng là mức cùng của cả một cuộc sống can đảm và yêu thương. Việc Đức Giê-su chiến đấu để cho biết tình yêu Thiên Chúa và để thiết lập một nền công lý tình yêu đích thực giữa nhân loại đã khiến các thủ lãnh tôn giáo và rốt cục cả toàn dân đứng lên chống lại Người.

Trên cây gỗ, Đức Giê-su cho ta thấy thế nào là yêu thương bằng mọi giá và đến tột độ. Người đã không sinh ra để đau khổ, nhưng là để yêu thương và dạy chúng ta yêu thương. Sứ mạng này dẫn đã Người đến đau khổ, nhưng thập giá chẳng phải là trường dạy đau khổ mà là trường dạy yêu thương.

Đức Giê-su dạy ta những gì trong cuộc Khổ nạn? Dạy rằng tình yêu của Người mạnh mẽ lẫn tự do, và ta chớ nên ở quá xa Người trên con đường này. Trước những lời mời gọi yêu thương, ta thường quá để mình bị kiêu căng phong tỏa và sợ hãi làm tê liệt, vẫn cứ đui điếc do mãi nghĩ tới chính mình. Đức Giê-su thì đã có thể nghe hết mọi lời mời gọi vì đã chẳng bao giờ màng đến lợi ích riêng. Người đã chẳng thối lui trước khó khăn yêu thương nào, trước thái độ bất thông cảm nào, trước mối đe dọa nào. Người đã thấy hận thù dâng cao mà vẫn tiếp tục tiến tới. Làm sao không xấu hổ về các kiểu tránh né của ta? Trên thập giá, Người đã nói với ta rằng sức mạnh lớn lao nhất của một con người, đó là có thể yêu thương.

Nhưng nếu các khó khăn yêu thương (cũng như các niềm vui yêu thương!) đối với ta không xa lạ gì, ta vẫn chưa biết sinh lực của tình yêu mấy. Trong cái chết của Đức Giê-su, sinh lực này lớn đến độ đã bùng vỡ thành sống lại. Nó mở ra một thế giới mới trong đó từ nay sẽ xảy ra chuyện phi thường mỗi khi có một con người muốn yêu và có thể yêu như Đức Ki-tô.

Thường ta không nghĩ đủ tới tất cả những gì mà cuộc Khổ nạn đã khiến và còn khiến ta có thể làm được. Ta quá sa đà trong những chiêm niệm kiểu ái khổ bằng cách phân tích chi tiết các đau khổ của Đức Giê-su đến cực độ đang khi đáng lẽ phải thấm đẫm tình yêu và sự can đảm của Người. Đây không phải là nơi rên rỉ thương xót Đức Giê-su lẫn chính mình, mà là nơi nghe tiếng gọi hãy anh hùng và sáng suốt: tình yêu phải trả giá như thế đó, nhưng trong đau khổ ấy, nó giải phóng biết bao sinh lực!

Còn lại việc thử sống những gì óc sáng suốt của ta đã khám phá. Một cuộc hẹn gặp với Đức Giê-su trên thập giá vẫn vô ích nếu không đi đến những kinh nghiệm đức tin vào Người như Đấng Cứu thế. Nếu tin rằng các đau khổ của Người đã ban cho ta mãnh lực sống tất cả, thì hãy đi đến thập giá để mang tại đấy một sự bất lực, để giật tại đấy một chiến thắng. “Lạy Chúa Giê-su, Chúa thấy đó, Chúa đã chẳng chết vô ích tí nào.”

Bị Bỏ Rơi Và Kêu Lớn Tiếng

- Bài Thương khó theo thánh Mác-cô là bài Thương khó của Kẻ bị bỏ rơi. Đức Giê-su bị bỏ rơi bởi tất cả mọi người: đám đông hân hoan ngày rước Lá, các môn đệ, thậm chí cả Phê-rô, thậm chí cả Chúa Cha nữa.

Chưa bao giờ Đức Giê-su cảm thấy không được hiểu và phải cô đơn đến thế. Người bị phó mặc cho bọn lính hung hãn (Con Thiên Chúa bị tát tai, khạc nhổ vào mặt!) và bị các thủ lãnh tôn giáo coi như tội phạm. Người xuống tận đáy nỗi cô đơn của con người. Đã từng nói, đã từng đến để nói với chúng ta, nay Người im lặng. Hai ghi nhận của Mác-cô thật là thống thiết: “Ông không đáp lại một lời sao?” (Mc 14,60), viên thượng tế hỏi. “Ông không trả lời gì sao?” (Mc 15,4), Phi-la-tô nói.

Đức Giê-su im lặng. Có nhiều lúc Người chẳng còn gì để nói, chẳng còn gì để nói với chúng ta. Người đã cho thấy mình là ai, đã cho thấy con đường ta có thể bước lên để theo Người. Nếu chúng ta không theo Người, thì Người có thể nói với chúng ta điều gì nữa? “Chúa không trả lời gì con sao?” - ”Không! Con đã đi quá xa quá rồi. Người ta chỉ gần Thầy nhờ những hành vi yêu thương và can đảm.”

Nếu chúng ta chỉ theo Đức Giê-su bằng cách kính cẩn nghe các lời của Người hay hùng hồn rao giảng các lời đó, mà chẳng đem ra thực hiện, thì chúng ta thuộc số những kẻ bỏ rơi Người. Một sự thật phũ phàng mà chúng ta từ chối đối diện. Việc suy niệm cuộc Khổ nạn này phải đặt chúng ta lại trước đòi hỏi căn bản của Tin Mừng: ta chỉ “theo” Đức Giê-su khi làm những gì Người đòi hỏi.

- Bài Thương khó về những sự bỏ rơi và sự thinh lặng đáng sợ của Đức Giê-su như thế cũng là bài Thương khó về ba tiếng kêu.

“Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?” – “Phải, chính thế” Đức Giê-su la lên, bẻ gẫy bí mật về Mê-si-a tính của Người và về vinh quang của Người. Bị trói, bị hạ nhục, rốt cục Người bộc lộ sự phi thường: “Các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mc 14,61-62). Nơi ấy và trước các tư tế ấy, điều này chỉ có thể được coi như một lời phạm thượng. Nhưng chúng ta thì sao? Lúc ấy, chúng ta nhìn Người với niềm tin nào?

Đức Giê-su kêu to trên thập giá niềm tin tưởng của Người: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con”, chính khi chiến đấu với cảm thức bị bỏ rơi khủng khiếp hơn cả: “Sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34). Đây là lời quý giá Người ban cho những ai rơi xuống những vực thẳm như vậy. Nếu đã không đi xuống tận đó, thì làm sao Người là Em-ma-nu-en đã được hứa, vị Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta? Lạy Chúa Giê-su, cùng với Chúa, con có thể kêu lên là đã bị bỏ rơi; nhưng cùng với Chúa, con cũng muốn nói “Lạy Thiên Chúa của con” nơi đâu con tưởng không còn có thể nói thế được nữa.

Tiếng kêu thứ ba trong cuộc Khổ nạn này là tiếng kêu mà Mác-cô lôi chúng ta đến nghe ngay tự đầu Tin Mừng của ông. Nói “Ngài là Con Thiên Chúa!” không phải với con người làm mê mẩn quần chúng, con người biến hình vinh hiển, nhưng là với kẻ bị đóng đinh thập giá này. Người đã chết cách sao đó khiến viên bách quản đã phải thốt lên: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”. Chính mỗi độc giả của Tin Mừng phải nói điều đó cuối bài Thương khó này. Nhưng một lần nữa, nói lên điều đó cũng vô ích nếu việc ấy chẳng biến đổi chúng ta gì cả. (André Sève)

Trong một trại tập trung Đức Quốc xã Thế chiến Thứ hai, có giam giữ nhiều tù nhân Do-thái. Hôm nọ, vì vi phạm một lỗi nhỏ, một tù nhân Do-thái đã bị tra tấn và rồi bị treo cổ trước mắt các bạn đồng tù của mình, trong sân tập họp của trại. Đang lúc ai nấy kinh hoàng chứng kiến cảnh tượng thê thảm và tàn bạo đó, thì từ giữa đám tù nhân, vang lên một tiếng kêu lớn vừa chua xót vừa phẫn nộ: “Lạy Thiên Chúa Gia-vê, Ngài ở đâu, sao chẳng ra tay cứu kẻ bất hạnh này?” Ai nấy chưa kịp nhận ra kẻ đã thốt lên câu đó, thì đã vang lên một giọng nói khác trả lời: “Thiên Chúa đang quằn quại trên giá treo cổ trước mắt chúng ta!” 

 

Nguồn tin: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập76
  • Hôm nay14,641
  • Tháng hiện tại329,461
  • Tổng lượt truy cập32,795,986
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây