Thần học không có nghĩa là bảo thủ"

Chủ nhật - 06/09/2015 09:57

Thần học không có nghĩa là bảo thủ"

Nhân Đại hội Thần học Quốc tế ở Argentina vừa qua, Đức Phanxicô đã gửi một thông điệp rất quan trọng. Mời các bạn đọc và cùng nhận đinh. (P.Quyền).
Đức Phanxicô với Đại Hội Thần Học Quốc Tế: đừng đồng nhất hóa tín lý với chủ nghĩa bảo thủ, hãy làm thần học bằng cách qùy gối xuống.
Vũ Van An (Vietcatholic ngày 4/9/2015)
 

 
Theo Sở Thông Tin Vatican, ngày 3 tháng 9, Đức Phanxicô đã gửi tới Đại Hội Thần Học Quốc Tế lần thứ hai một thông điệp. Đại hội này họp tại Buenos Aires trong các ngày 1-3 tháng 9 với chủ đề “Vatican II: hoài niệm, hiện tại và triển vọng”, mục đích để kỷ niệm 100 năm ngày khai sinh của Phân Khoa Thần Học tại Đại Học Công Giáo Argentina và 50 năm kết thúc Công Đồng Vatican II.

Sau đây là một số đoạn quan trọng trong thông điệp
:

Lễ kỷ niệm Phân Khoa Thần Học năm nay mừng việc một Giáo Hội đặc thù tiến tới trưởng thành. Nó cử hành sự sống, lịch sử và đức tin của Dân Chúa đang lữ hành trên dương gian và đang đi tìm ‘sự hiểu biết’ và ‘sự thật’ từ chính các thế đứng của mình… Điều hết sức quan trọng đối với tôi là nối kết biến cố này với lễ kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc Công Đồng Vatican II. Không hề có một Giáo Hội đặc thù riêng rẽ nào được coi là sở hữu chủ và là người giải thích duy nhất đối với thực tại và công trình của Chúa Thánh Thần. Không một cộng đồng nào được độc quyền đối với việc giải thích hay hội nhập văn hóa, giống như không hề có việc Giáo Hội hoàn vũ quay mặt hay làm ngơ hoặc lãng quên hoàn cảnh địa phương.

Và điều trên dẫn ta tới quan điểm này: là Kitô hữu… ở Ấn Độ, ở Gia Nã Đại hay ở Rôma không y hệt như nhau. Bởi thế, một trong các trách vụ chính yếu của các nhà thần học là biện phân và suy nghĩ xem làm một Kitô hữu ngày nay, ‘ở đây và lúc này” có nghĩa gì. Ngày nay, làm thế nào để nguồn nguyên khởi dẫn nước vào các mảnh đất này, làm cho mình trở thành hữu hình và sống động?... Muốn giải quyết thách thức này, ta phải thắng vượt hai cơn cám dỗ có thể có sau đây: thứ nhất, lên án mọi sự… coi ‘mọi sự trong quá khứ đều tốt hơn’, tìm cách trú ẩn nơi thuyết bảo thủ hay thuyết cực đoan, hay ngược lại, thánh hiến mọi sự, bác bỏ bất cứ điều gì không có ‘mùi vị mới’, tương đối hóa mọi khôn ngoan đã tích lũy được trong di sản phong phú của Giáo Hội. Con đường thắng vượt được các cơn cám dỗ này nằm ở chỗ suy nghĩ, biện phân, và coi làm trọng cả truyền thống Giáo Hội lẫn thực tại hiện thời, đặt chúng vào cuộc đối thoại với nhau.

Một sự chống đối giữa thần học và thừa tác mục vụ rất thường xẩy ra, như thể chúng là hai thực tại đối nghịch nhau, biệt lập nhau, không có gì liên hệ với nhau. Ta rất hay đồng nhất hóa tín lý với chủ nghĩa bảo thủ và cổ thời; và ngược lại, ta cũng có khuynh hướng nghĩ tới thừa tác mục vụ với ý hướng thích ứng, giản lược, thỏa hiệp. Như thể chúng không hề có gì liên hệ với nhau. Sự đối nghịch giữa thần học và thừa tác mục vụ, giữa suy tư Kitô Giáo và đời sống Kitô Giáo chỉ là giả tạo… Cố gắng thắng vượt việc ly dị giữa thần học và thừa tác mục vụ, giữa đức tin và đời sống, quả là một trong các đóng góp chính của Công Đồng Vatican II. 

Tôi không thể bỏ qua các lời Đức Gioan XXIII nói trong bài diễn văn khai mạc Công Đồng, khi ngài cho hay “bản thể tín lý xưa trong kho tàng đức tin là một việc; và cách trình bầy nó là một việc khác”. Ta phải quay trở lại… với nhiệm vụ cam go là phân biệt sứ điệp sống động ra khỏi hình thức thông truyền nó, ra khỏi các yếu tố văn hóa trong đó nó được qui điển hóa, trong một thời điểm nhất định nào đó. 

Đừng để cho việc thực hành biện phân dẫn ta tới chỗ phản bội nội dung của sứ điệp. Ta được mời gọi không thực hiện cái lối hoạt động thần học có hại tới sứ mệnh như thế. Tín lý không phải là một hệ thống đóng kín, tư riêng, mất hết năng động tính với khả năng đặt câu hỏi và nghi vấn. Ngược lại, tín lý Kitô Giáo có một gương mặt, một thân xác, một nhục huyết; tên Người là Giêsu Kitô và Người đã hiến Sự Sống Người cho mọi người ở mọi nơi từ thế hệ này sang thế hệ nọ.

Các câu hỏi được người của chúng ta đặt ra, các lo âu xao xuyến của họ, các tranh cãi của họ, các mộng ước của họ, các cuộc đấu tranh của họ, các quan tâm của họ, tất cả đều có giá trí giải thích mà ta không được làm ngơ nếu ta coi trọng nguyên lý nhập thể… Việc lên công thức đức tin của ta luôn được phát sinh từ đối thoại, gặp gỡ, so sánh và tiếp xúc với các nền văn hóa, các cộng đồng và các quốc gia khác nhau trong những tình huống mời gọi ta suy nghĩ nhiều hơn về các vấn đề trước đây chưa được soi sáng. Đối với các Kitô hữu, một điều gì đó sẽ bị hoài nghi khi ta không còn cho phép nó được người khác phê phán nữa. Con người và các tranh chấp chuyên biệt của họ, các phụ kiện của họ, không phải là điều nhiệm ý, mà đúng hơn là điều cần có mới có thể hiểu được đức tin cách tốt hơn. Bởi đó, điều quan trọng là tự hỏi xem ai là người ta nghĩ tới khi ta dấn thân vào thần học. Ta đừng quên rằng Chúa Thánh Thần trong những con người cầu nguyện mới chính là chủ thể của thần học. Nền thần học nào không phát sinh từ đó có thể đem lại cho ta một điều gì đó đẹp đẽ nhưng không có thực chất. 

Về phương diện này, tôi muốn giải thích 3 đặc điểm trong căn tính của một nhà thần học: 

1. Nhà thần học chủ yếu là người con của dân mình. Ông không thể và không muốn làm ngơ họ. Ông biết dân ông, ngôn ngữ của họ, gốc gác của họ, lịch sử của họ, truyền thống của họ. Ông là người học cách trân quí những gì nhận được như là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa vì biết rằng đức tin không thuộc về ông. Điều này dẫn ông tới chỗ nhìn nhận rằng dân Kitô Giáo mà ông đã được sinh ra giữa họ có một ý nghĩa thần học mà ông không thể bỏ qua. 

2. Nhà thần học là một tín hữu. Ông là người cảm nghiệm được Chúa Giêsu Kitô và khám phá ra rằng ông không thể sống nếu không có Người… Nhà thần học biết rằng ông không thể sống nếu không có một đối tượng hay chủ thể cho tình yêu của ông, và hiến đời mình để chia sẻ đối tượng hay chủ thể này với anh chị em mình. 

3. Nhà thần học là một tiên tri. Một trong các thách thức lớn nhất trong thế giới ngày nay không phải chỉ là sự dễ dàng khiến người ta có thể vứt bỏ Thiên Chúa; về phương diện xã hội họ còn tiến xa hơn. Cuộc khủng hoảng hiện nay xoay quanh việc con người mất khả năng tin bất cứ điều gì vượt quá chính họ… Điều này tạo ra vết nứt trong các bản sắc cá nhân và xã hội. Tình huống mới này sản sinh ra diễn trình tha hóa, chỉ vì đánh mất quá khứ và do đó đánh mất tương lai. Do đó, nhà thần học phải là một tiên tri, vì ông có nhiệm vụ duy trì cho sống động ý thức quá khứ và lời mời phát sinh từ tương lai. Ông phải có khả năng tố giác bất cứ hình thức tha hóa nào khi trực cảm được niềm hy vọng mà tất cả chúng ta đều được mời gọi, nhờ biết suy tư bên bờ sông Thánh Truyền mà ông từng tiếp nhận được từ Giáo Hội. 

Do đó, chỉ có một cách duy nhất để thực hành thần học: qùy gối xuống. Không phải chỉ là việc trước nhất hãy cầu nguyện rồi sau đó mới suy nghĩ thần học. Mà đây là một thực tại năng động gồm suy nghĩ và cầu nguyện. Thực hành thần học trong lúc qùy gối nghĩa là khuyến khích suy nghĩ trong khi cầu nguyện và khuyến khích cầu nguyện trong khi suy nghĩ.

Tác giả bài viết: Đậu Vuong Quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập180
  • Hôm nay12,669
  • Tháng hiện tại275,831
  • Tổng lượt truy cập35,922,176
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây