Ba sợi dây thừng và đại dịch vô cảm

Thứ hai - 17/11/2014 09:46

3 sợi dây thừng chăng ngang đường để neo thuyền, làm một thanh niên đi xe máy bị tai nạn, tử vong.

3 sợi dây thừng chăng ngang đường để neo thuyền, làm một thanh niên đi xe máy bị tai nạn, tử vong.
Đọc tin và nhìn thấy ba sợi dây thừng chăng ngang đường để neo thuyền, làm một thanh niên đi xe máy bị tai nạn, tử vong (Dân Trí, 15:15, 15.11.2014) – chắc hẳn, không một ai muốn tin vào điều vừa biết, thấy vì không thể trả lời được câu hỏi: Tại sao người ta có thể vô cảm đến mức lạnh lùng, chăng ngang những sợi dây như thế kia?

Có hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn dẫn chứng, phản ánh rõ ràng, đầy đủ sự nhức nhối về thói vô cảm – căn bệnh trầm kha của xã hội đương đại ở nước ta nói riêng, trên cả thế giới nói chung.

Trong bài Diễn văn đọc tại nhà thờ lớn nhất thế giới đêm Giáng Sinh (24.12.2009) - nhà thờ St. Peter (St. Pièrre, còn có tên là nhà thờ Quo Vadis), Đức Giáo hoàng Bennedicto XVI nói về nhiều vấn đề, trong đó Ngài đặc biệt nhấn mạnh rằng sự tồi tệ hiện nay của thế giới phần lớn là do con người “chỉ chăm chăm nhìn vào quyền lợi cá nhân ích kỷ của mình; và, vì thế, “biến chúng ta thành tù nhân của quyền lợi và khát vọng của chính mình”...

Nghe, giật mình và chợt hiểu ra điều tưởng chừng như ai cũng biết: Hầu như tất cả mọi sai lầm, tệ nạn, nhức nhối trong xã hội ta thời nay đều bắt nguồn từ tính ích kỷ (self-seeking) quá đáng của mỗi chúng ta. Tính ích kỷ quá quắt đó được “thăng hoa”, được biểu hiện, được công khai hóa một cách lạnh lùng bằng sự vô cảm (anaethesia). Có thể nói, tính ích kỷ là “cha đẻ” và cũng là “bạn đồng hành” của sự vô cảm.

Tự bao giờ, chúng ta ‘vất bỏ’ sự quan tâm đến người khác, tinh thần mình vì mọi người ra sau lưng theo cách nhìn mà không chộ những sự vô cảm lạnh lùng?
 Những ngư dân ở thôn Phú Liên, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An chỉ chăm chăm nhìn và thấy con thuyền của mình mà không cần hay biết, không hề quan tâm rằng 3 sợi dây thừng oan nghiệt đó đồng nghĩa với sự nguy hiểm chết chóc, một cái bẫy rập thật sự đối với đồng loại.
Đau đớn hơn, khi chăng 3 sợi dây thẳng, căng ấy, một người không thể làm và nhất định phải có nhiều người tham gia và, cũng chắc chắn rằng có không ít người nhìn thấy, nhưng tại sao, không một ai biết cái “kiến thức” tối thiểu về sự hiểm nguy, về an toàn giao thông, về cái lẽ tàn nhẫn nhất của tính ích kỷ tột cùng? Mọi câu trả lời đều bị sự thật cay đắng chối bỏ.

 Đi tìm câu trả lời, chúng ta sẽ giật mình mà thảng thốt ‘phát hiện’ ra rằng, cái hành động tưởng chừng như vô lý kia, xảy ra – diễn ra nhiều lắm. Nhiều đến mức ta buộc phải nghĩ đó là ‘chuyện thường ngày’!

 “Cháu bé chết tức tưởi trong hố gas không đậy nắp ở… trường mầm non” (NLĐ, 3.9.2013);“bé trai 9 tuổi chết vì ngã xuống hố gas” (Xã hội, 9.9.2014); “võ sư Bình Định chết vì hố gas không đậy nắp ở Hà Nội” (VnExpress, 25.7.2014)…

Ba ví dụ trên đây và ‘ba cái dây thừng’ có một điểm giống nhau: Rất nhiều người nhìn nhưng không một ai thấy sự vô cảm của chính mình hay của đồng loại. Hồ Chủ tịch đã từng có một ví von rất hay rằng, khuyết điểm của mỗi con người to như cái ba lô nhưng vì đeo ở sau lưng nên chẳng ai nhìn thấy.
Tự bao giờ, chúng ta ‘vất bỏ’ sự quan tâm đến người khác, tinh thần mình vì mọi người ra sau lưng theo cách nhìn mà không chộ những sự vô cảm lạnh lùng?
Nhà thơ Nga Konstantin Mikhailovich Simonov (1915-1979) – tác giả của bài thơ nổi tiếng Đợi anh về, có kể một câu chuyện: Khi ông sang thăm Nhật Bản trong những năm 50 của thế kỷ trước, một lần, sau buổi tối uống rượu sake với tộc người thiểu số duy nhất là người Ainu (2 vạn người) ở phía bắc đảo Hokkaido, ông lái xe trở về thành phố Salgado. Nửa đêm, bão tuyết, lạnh dưới độ không, từ xa, Simonov nhìn thấy một ánh đèn đỏ. Đến gần, nhận ra một người già cả cầm ngọn đèn đứng trong bão tuyết.
Đi tiếp một đoạn là chỗ đường bị đào lên để đặt cống. Qua phía bên kia, lại thấy một người nữa với cây đèn đỏ. Quá ngạc nhiên, ông xuống xe, lại gần và nói: “Giờ này, lạnh thế, sao bác vẫn còn đứng ở đây”? Người kia trả lời: “Tôi đã nghỉ hưu nhưng trợ cấp không đủ sống, phải làm thêm nghề gác đường. Nếu tôi vào ngủ, đèn lỡ tắt đi, những người như ông sẽ gặp nguy hiểm…”

Câu chuyện trên cho chúng ta biết vì sao sau trận sóng thần khủng khiếp ở Miyaghi năm 2011, ở đó không xảy ra nạn cướp bóc, hôi của. Nó cũng lý giải vì sao dịch vô cảm đang tràn lan ở nước ta, trầm trọng đến mức chẳng ai nhìn thấy những cái hố gas không đậy nắp và ba sợi dây thừng to sụ căng ngang sự ích kỷ trơ tráo giữa đường…

 

Tác giả bài viết: Hà Văn Thịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập362
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại278,458
  • Tổng lượt truy cập36,333,013
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây