Đầu tư "nhầm" vào JVC mới biết thói xấu của DN Việt

Thứ sáu - 18/03/2016 00:13

Đầu tư "nhầm" vào JVC mới biết thói xấu của DN Việt

Lần đầu tiên, ông Kyohei Hosono, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC) trải lòng về thương vụ đầu tư vào JVC. Ông gọi đây là “kỷ niệm đau buồn”.
Ông Kyohei Hosono (thứ hai từ phải sang) tại Hội thảo do Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội tổ chức.

 “Ngã ngửa” về đạo đức kinh doanh của DN Việt

Ông Kyohei Hosono là Giám đốc điều hành, Giám đốc quản lý khu vực châu Á, Tổng Giám đốc Dream Inclubator Việt Nam. Dream Incubator là một công ty tư vấn chiến lược và đầu tư hàng đầu Nhật Bản. Tại Việt Nam, tổ chức này được biết đến như cầu nối chính thức giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tư vấn cho các thương vụ M&A. Ngoài việc tư vấn đầu tư, Dream Incubator Việt Nam đã đầu tư vào 4 doanh nghiệp niêm yết, trong đó có thương vụ đầu tư “nhầm” vào JVC.

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2015 từng rúng động bởi thông tin cơ quan cảnh sát điều tra bắt giữ ông Lê Văn Hướng, Chủ tịch HĐQT JVC do gian lận trong hoạt động kinh doanh. Ngay sau đó, ông Kyohei Hosono với tư cách đại diện phần vốn góp của Dream Inclubator Việt Nam đã được HĐQT bổ nhiệm giữ chức vụ HĐQT JVC thay cho ông Lê Văn Hướng từ ngày 21/06/2015.

Tuy nhiên, ông Kyohei Hosono chỉ nắm giữ cương vị Chủ tịch “bất đắc dĩ” trong thời gian rất ngắn trước khi từ nhiệm vào ngày 06/08/2015.

Trong buổi tọa đàm “Đạo đức kinh doanh và Năng lực cạnh tranh hướng tới phát triển bền vững” do Hiệp hội Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội tổ chức ngày 16/03/2016, ông Kyohei Hosono đã trải lòng về những trải nghiệm tại JVC và coi đó như một bài học để các doanh nghiệp Việt Nam đề cao sự minh bạch, tránh rủi ro trong kinh doanh.

“Chúng tôi có một kỷ niệm đau buồn ở Việt Nam khi tham gia thương vụ M&A với JVC. Đây là một công ty niêm yết có nguồn gốc từ công ty gia đình. Khi tham gia vào HĐQT của JVC tôi mới ngã ngửa nhận ra rằng tính liêm chính, minh bạch trong quản trị của doanh nghiệp Việt Nam là cực kỳ hạn chế,” ông Kyohei Hosono cay đắng.

Ngân hàng đến đòi nợ JVC, nhân viên rời bỏ công ty trong lúc khó khăn còn mang theo một vài bí mật và cả tài sản của doanh nghiệp, đối tác mua hàng thì cố tình không trả nợ và họ còn hy vọng chúng tôi phá sản để không phải trả nợ. Khi Chủ tịch công ty bị bắt, tôi đã phải nắm quyền điều hành và phải ký những giấy tờ liên quan, những thứ giấy tờ mà tôi không hiểu chi cho việc gì và được trả lời chi cho hoa hồng”.

Điều đáng tiếc nhất, theo ông Kyohei Hosono là sự cố này dù chỉ là một doanh nghiệp nhỏ nhưng đã tác động mạnh đến mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản.

“Ở Nhật Bản, chúng tôi là một trong những tập đoàn hàng đầu về tư vấn quản trị, bất kỳ doanh nghiệp Nhật Bản nào muốn vào Việt Nam đều thông qua tư vấn của chúng tôi,”. Dừng lại trong giây lát, ông Kyohei Hosono tiếp lời: “Đó là một kỷ niệm đau buồn, nhưng tôi vẫn yêu quý Việt Nam và tôi đã nói với các đối tác Nhật Bản rằng đây là trường hợp đặc biệt chứ không phải điển hình, nên hãy cứ yên tâm đầu tư vào Việt Nam. Nhưng cũng từ đó mà các nhà đầu tư Nhật Bản trở nên cảnh giác hơn với doanh nghiệp Việt Nam.”

Người Nhật cũng từng “xấu” như Việt Nam

Với kinh nghiệm 6 năm điều hành Dream Inclubator Việt Nam, ông Kyohei Hosono tỏ ra am hiểu khá tường tận về văn hóa, môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng như những “thói xấu” các doanh nghiệp Việt Nam thường mắc phải.

Ông cho rằng Việt Nam và Nhật Bản có sự tương đồng trong nền văn hóa Á châu, môi trường kinh doanh không minh bạch ở Việt Nam cũng tương tự như ở Nhật Bản cách đây 20 năm. Thời điểm đó, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng phải lobby như Việt Nam hiện nay, nhưng trong 20 năm qua cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ Nhật Bản, hay nói đúng hơn là cả đất nước Nhật Bản đã nỗ lực tạo sự đột phá trong giáo dục và xây dựng hệ thống quản trị.

“Những năm trước, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản phải xin sự hỗ trợ của Chính phủ để phát triển, đổi lại họ phải chi những khoản không minh bạch. Đó chính xác là những gì đang diễn ra ở Việt Nam. 15 năm trước Chính phủ Nhật Bản phải đưa ra quy định quan chức Chính phủ nếu dùng bữa trưa có giá trên 15 USD sẽ phải báo cáo với cấp trên. Tôi có kỷ niệm mời người bạn của tôi là Bộ trưởng Bộ tài chính khi đó ăn trưa và ông ta cũng phải báo cáo với cấp trên. Thời điểm đó, Nhật Bản gặp phải thách thức làm sao để minh bạch hóa giữa doanh nghiệp tư nhân và Chính phủ”, ông Kyohei Hosono chia sẻ.

Thời điểm hiện tại, 100% các doanh nghiệp niêm yết của Nhật Bản có bộ phận kiểm soát nội bộ để đảm bảo tất cả các hoạt động của doanh nghiệp đều phải theo chuẩn mực chung. Để có được điều này, người Nhật cũng cần phải có thời gian để thích nghi bởi ban đầu không ai muốn có “cảnh sát nội bộ”, nhưng hiện nay giá trị thật mà bộ phận kiểm soát trong mỗi doanh nghiệp Nhật Bản đã góp phần làm nên tinh thần người Nhật.

Công thức để người Nhật thay đổi là: Tăng cường giáo dục và tạo hệ thống vững mạnh trong quản trị doanh nghiệp.

 
 
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Tuân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập931
  • Hôm nay12,697
  • Tháng hiện tại282,594
  • Tổng lượt truy cập36,337,149
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây