Chìa khóa mở cửa tiềm năng ghi nhớ vô hạn của não bộ

Thứ năm - 19/11/2015 21:20

Chìa khóa mở cửa tiềm năng ghi nhớ vô hạn của não bộ

Hành trình nghiên cứu khoa học để tìm ra phương pháp giúp bạn biến não bộ thành chiếc thẻ nhớ không giới hạn.

“Có công mài sắt có ngày nên kim” là câu thành ngữ được sử dụng để nhắc nhở ta về việc học hành, trau dồi kiến thức trong cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu, mài một thanh sắt cũng cần những phương pháp chính xác để có chiếc kim tốt nhất nhưng trong thời gian ngắn nhất.

Việc 
học tập cũng tương tự như vậy. Cặm cụi ngày đêm đèn sách chưa chắc đã giúp bạn ghi nhớ hết lượng kiến thức khổng lồ của nhân loại. Đồng thời, cách này sẽ làm bạn lãng phí rất nhiều thời gian và bỏ lỡ những trải nghiệm của tuổi trẻ .

Một vài phương pháp dưới đây sẽ giúp bạn ghi nhớ hiệu quả lại không cần tốn quá nhiều thời gian, công sức. Đó chính là những chiếc chìa khóa giúp bạn mở cửa tiềm năng vô hạn của 
não bộ.


Khởi nguồn từ niềm cảm hứng thiên tài ghi nhớ...

Vào thế kỷ XVI, một tu sĩ dòng Công giáo người Ý có tên Matteo Ricci (1552 - 1610) đã khiến cho thế giới sửng sốt về khả năng ghi nhớ của con người. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ricci đã có thể học đến mức độ đọc thông viết thạo tiếng Trung cổ - điều mà ngay cả nhiều người Trung Quốc bản địa chưa chắc đã làm nổi.

Cụ thể, Ricci đã có thể vượt qua những bài thi về ngôn ngữ vô cùng khó, bao gồm nhiều thành ngữ, tục ngữ hay những điển tích điển cố phức tạp.



Matteo Ricci trong trang phục của người Trung Hoa xưa

Câu chuyện về Matteo Ricci sau này đã trở thành niềm cảm hứng cho các khoa học trí não thời hiện đại. Trường hợp đặc biệt của tu sĩ này cho thấy tiềm năng của não bộ là vô cùng lớn và dĩ nhiên, vấn đề này trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều chuyên gia.

... tới nghiên cứu tìm ra phương pháp học tiết kiệm thời gian nhất...
 
Dựa trên câu chuyện đó, các nhà khoa học hiện nay đang bắt tay vào nghiên cứu về trí nhớ và khả năng vô tận của bộ não con người. 
 
Những nhà nghiên cứu từ ĐH College London đã hợp tác với Ed Cooke (nhà văn người Anh với biệt danh Bậc thầy trí nhớ) để cùng thiết kế một ứng dụng giáo dục có tên Memrise, dựa trên một số nguyên tắc về khả năng ghi nhớ thông tin của bộ não. 
 
Để có thể dễ dàng hơn trong việc thiết kế chương trình này, nhóm nghiên cứu đã tổ chức một cuộc thi nhỏ để chọn lọc ra những phương pháp tốt nhất giúp tăng cường khả năng ghi nhớ thông tin của bộ não. Rất nhiều các chuyên gia về trí nhớ từ khắp nơi trên toàn thế giới đã được mời đến để làm thí sinh nhằm hỗ trợ các nhà nghiên cứu thực hiện mục đích chính của cuộc thi này.

Thể lệ cuộc thi rất đơn giản. Ban giám khảo sẽ phát cho các thí sinh một danh sách gồm 80 từ và cho mỗi người một giờ đồng hồ để học thuộc danh sách từ đó. 
 
Để thêm độ hấp dẫn cho cuộc thi, 80 từ này sẽ không được viết bằng tiếng Anh mà bằng tiếng Lít-va - một ngôn ngữ có từ vựng rất phức tạp và kèm theo đó sẽ là ý nghĩa của các từ trong tiếng Anh. Sau một tuần, các thí sinh sẽ được gọi trở lại và kiểm tra khả năng ghi nhớ của mình.


 
Đã có rất nhiều thí sinh thể hiện sự vô vọng và nhiều người lăn ra ngủ sau khi bài kiểm tra về danh sách từ được phát chưa lâu. Thậm chí nhiều người còn tự tiếp thêm động lực bằng bánh ngọt, cà phê nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để ngăn lại sự chán nản hiện rõ trên khuôn mặt họ. 
 
Điều này chứng tỏ, ngay cả các nhà khoa học cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển hóa lý thuyết ghi nhớ trong thực tế cuộc sống.


 
Song bên cạnh đó, có rất nhiều thí sinh tỏ ra hào hứng và hoàn thành rất tốt yêu cầu của cuộc thi. Qua quan sát, nhóm nghiên cứu nhận thấy đặc điểm chung của những thí sinh dạng này: Thay vì tập trung riêng vào một kỹ thuật để học thuộc, họ có xu hướng sử dụng sự kết hợp của các chiến lược khác nhau.

Vậy những chiến thuật hiệu quả ấy là gì? Sau khi tổng hợp, các chuyên gia thống kê lại như sau:

Thứ nhất, càng sai nhiều thì càng nhớ lâu, học giỏi. Nội dung cơ bản của phương pháp này là tự kiểm tra vốn kiến thức của mình nhiều lần. Điều này sẽ giúp bạn có thể ghi nhớ được lâu một kiến thức mà bạn mới tiếp nhận. 
 
Cụ thể, dù có trong tay ý nghĩa của các từ Lít-va cần học thuộc bằng tiếng Anh, nhưng một số thí sinh quyết không sử dụng mà sẽ tự mình đoán. Tất nhiên, tỉ lệ đoán sai là rất lớn. Tuy nhiên, sau đó, họ tra lại nghĩa và việc ghi nhớ các từ này trở nên rất đơn giản.


Muốn nhớ lâu, nhớ dai thì đừng ngại đoán sai, điểm kém!

Dựa trên phương pháp này, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một ý tưởng mới trong việc cải thiện khả năng ghi nhớ. Nếu tăng thêm một chút khó khăn vào điều cần nhớ, bạn sẽ có một sự tập trung lớn hơn và điều này sẽ giúp kiến thức “bám rễ” một cách chắc chắn hơn trong trí nhớ não bộ.

Thứ hai, hãy cố gắng phân loại các kiến thức cần học thuộc. Đây cũng là một phương pháp được nhiều thí sinh lựa chọn. Dựa trên một số đặc điểm chung về cấu tạo từ vựng, các thí sinh sẽ phân loại 80 từ thành nhiều nhóm khác nhau. Chẳng hạn, ta sẽ có nhóm từ chỉ động vật, nhóm từ chỉ con người hay nhóm danh từ, nhóm động từ, tính từ...



 
Với thủ thuật trên, chỉ cần nhớ được chủ đề chính và ý nghĩa của việc phân loại các nhóm các thí sinh có thể nhớ được chính xác tất cả 80 từ. 
 
Nói một cách ví von, phương pháp này cũng giống như ăn một chiếc bánh gatô tuyệt hảo. Thay vì ăn cả một cái to, bạn sẽ cảm thấy ngon miệng và dễ ăn hơn nếu được nhâm nhi những miếng bánh nhỏ.


Ăn một miếng bao giờ cũng đỡ ngấy và khó nuốt hơn ăn cả một chiếc bánh to
 
Thứ ba, khi thấy khó ghi nhớ, hãy tìm cách kể chuyện hay làm thơ. Bản chất của phương pháp này chính là việc xâu chuỗi kiến thức thành một câu chuyện có nội dung.
 
Cách làm này đặc biệt phát huy hiệu quả trong cuộc thi nói trên. Trên thực tế, tạo cho bản thân một chuỗi liên kết các từ có thể giúp kích hoạt những khớp thần kinh gây “niêm phong” bộ nhớ bên trong mỗi chúng ta.



Những câu chuyện tưởng tượng sẽ làm cho kiến thức trở nên sống động hơn rất nhiều

 
Chẳng hạn, có một thí sinh nữ đã xây dựng thành công câu chuyện gồm 80 từ cần học thuộc. Cô hình dung mình đang ở trong một căn phòng và tại đó có một chiếc “lova” (giường). Tiếp theo, cô tưởng tượng người yêu mình cũng ở đó, ngồi trên một chiếc ghế dài và ăn bánh mỳ. Cứ như thế cô ấy đã vẽ ra cho mình một câu chuyện có sự đóng góp của tất cả 80 từ trong danh sách được phát.


Hãy để trí tưởng tượng của bạn được bay xa khi học tập

 
Trở lại với lịch sử, người ta cũng phát hiện ra đây chính là phương pháp cho phép tu sĩ Matteo Ricci có thể học tiếng Trung cổ một cách nhanh chóng, và đồng thời cũng là cách mà Ed Cooke chiến thắng trong cuộc thi “Bậc thầy về trí nhớ”.

Còn bạn, bạn đã sẵn sàng để mở toang cánh cửa tiềm năng của bộ não mình hay chưa?

* Bài viết dựa trên quan điểm của David Robson, một cây viết uy tín trong lĩnh vực tâm thần học, tiến hóa và ngôn ngữ học của BBC.
 
 
 

Tác giả bài viết: Thanh Thanh

Nguồn tin: Theo NAC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập951
  • Hôm nay14,960
  • Tháng hiện tại284,857
  • Tổng lượt truy cập36,339,412
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây