Tuy nhiên, điều tuyệt vời nhất mà Coco làm được lại chính là thắp sáng ước mơ nắm giữ và tiếp nối văn hóa truyền thống.
Câu chuyện Coco lấy bối cảnh một gia đình Mexico bước vào mùa lễ hội khá đặc biệt, Lễ hội của người chết (Día de los Muertos).
Ý nghĩa của lễ hội không khác nhiều so với ngày cúng cô hồn ở Việt Nam và lễ hội Halloween phổ biến ở phương Tây, nhưng Día de los Muertos mang đậm bản sắc Mexico.
Để khắc họa đậm nét bản sắc văn hóa này, Studio Pixar thậm chí đã thuê hẳn nhà làm phim hoạt hình, nhà phê bình đình đám nhất của họ – Lalo Alcaraz để trở thành cố vấn văn hóa riêng cho phim. Tất cả những sự cẩn thận trên đã hiển hiện trong từng cảnh phim lộng lẫy của Coco, làm sống lại những yếu tố văn hóa đẹp đẽ nhất của người Mexico: Âm nhạc, trang phục, nghệ thuật trang trí, ngôn ngữ và giá trị gia đình.
Vào lễ hội này, những linh hồn đã chết được phép trở về thăm gia đình nếu gia đình họ rải đủ cánh hoa trên lối đi dẫn từ mộ về nhà.
Trong không khí đoàn tụ vui vầy ấy, mỗi thành viên trong gia đình sẽ tưởng nhớ về người đã khuất, kể cho con cháu nghe những kí ức đẹp về họ.
Tuy nhiên, nhân vật chính của câu chuyện là Miguel, cậu út hiện tại trong gia đình, trong sáng và đáng yêu, nhưng bị niềm say mê âm nhạc chiếm giữ tâm trí. Với sự thần tượng dành cho thiên tài âm nhạc của mình là Ernesto de la Cruz. Miguel đã tạo dựng một “nơi trú ẩn” bí mật để sưu tập tất cả tranh ảnh, video và cả những câu nói kinh điển của Ernesto de la Cruz. Càng xem càng say mê, ước mơ càng cháy bỏng, thì trái tim cậu bé cũng dần thu hẹp khi nó không còn chỗ cho truyền thống gia đình của mình. Xung đột nảy ra khi người bà “đập vỡ cây đàn” và ra sức ngăn cản việc cậu bé tham gia cuộc thi âm nhạc vào đúng ngày diễn ra lễ hội, Miguel đã hét lên rằng: “Con mặc xác việc đặt ảnh thờ trong nhà nguyện”.
Cây đàn vỡ tan là hình ảnh biểu trưng nhất cho xung đột giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại, giữa đam mê và tình thân. Một sự xung đột chưa bao giờ ngừng tồn tại.
Người bà thẫn thờ, đứa cháu uất ức, nhưng niềm đam mê không dừng lại, Miguel lên kế hoạch đánh cắp cây đàn trong khu nhà mồ của chính thần tượng.
Cơ duyên run rủi khiến cậu lạc chân vào “Thế giới của người chết”
Điều đáng ngạc nhiên là thế giới người chết mà Pixar xây dựng hoàn toàn khác biệt với trí tưởng tượng của nhiều người, không u ám, không bi thương mà tràn đầy màu sắc, nơi vẫn tồn tại sự phân chia tầng thứ, người giàu, người nghèo, khu xa hoa và khu ổ chuột.
Điều này có lẽ hợp lý, khi tại thế giới này mỗi linh hồn vẫn còn lưu giữ kí ức cuối cùng về “dương gian”. Thế nên, đó chưa phải là cái chết cuối cùng, bởi mỗi linh hồn sẽ phải “chết lần nữa” khi không còn ai trên nhân thế nhớ về họ. Đối chiếu với quan niệm Á Đông về âm phủ, điều này tương đương với chén canh Mạnh Bà mà mỗi linh hồn đều phải uống để quên hết mọi vấn vương kiếp này để bước vào một kiếp sống mới. Khi cái tình trên dương thế đã bị cắt đứt, mỗi linh hồn lại bước sang 1 tầng cửa mới ở địa ngục.
Âm phủ mà Pixar thể hiện trong Coco cũng đã khẳng định câu nói “chết chưa phải là hết”. Điều này được nhấn mạnh hơn trong màn đối thoại của Miguel với gia đình “âm phủ” của mình.
“Cháu tưởng đây chỉ là chuyện kể”.
Nhưng người thân đã khuất của Miguel khẳng định: “Đây là thực”. Truyền thuyết là có thực, những câu chuyện được kể lại là có thực.
Vì là thực nên thế giới người chết tồn tại trong hầu hết các nền văn hóa từ Đông sang Tây, có thể được khắc họa khác nhau nhưng sự tồn tại của nó dường như là điều không thể phủ nhận.
Đi đến cuối cùng, xung đột được giải quyết bằng một cái cớ đến từ sự hiểu lầm, hay nói đúng hơn là cái mê. Khi bị đam mê và nóng vội che mắt, Miguel đã mắc sai lầm. Sự thật được phát hiện khiến cậu mở mắt. Có thể có những hụt hẫng, những chua chát, nhưng góc khuất đấu đá đánh mất nhân tính vì tham vọng trong cuộc đời thực đã đánh thức cậu bé Miguel, giúp cậu trưởng thành và hiểu hơn điều mà tổ tiên và ông bà muốn truyền lại cho cậu: “Truyền thống và tình thân”.
Cái mê này không những tồn tại ở Miguel mà cũng tồn tại ở bà nội và bà sơ của cậu, vì không biết được sự thật nên họ đã nuôi dưỡng trong mình sự ích kỷ và oán hận, để rồi lan truyền qua các thế hệ.
Mối dây oán hận ấy vô tình giết chết ước mơ và đẩy con trẻ rời xa gia đình.
Chìa khóa để xóa bỏ xung đột vẫn là thấu hiểu, yêu thương và cảm thông.
Xung đột giữa cũ và mới được hóa giải khi truyền thống gia đình loại bỏ đi những khúc mắc không cần thiết, điều người bà cần làm cho đứa cháu nhỏ của mình đó là truyền lại cho con cháu nét đẹp của văn hóa truyền thống chứ không phải oán hận và nhỏ nhen.
Và khi hiểu ra vấn đề, Miguel đã cố gắng giúp bà cố Coco khôi phục lại kí ức đẹp đẽ về người cha, kí ức đẹp được khắc ghi bằng âm nhạc.
Nét đẹp của văn hóa và ý nghĩa thiêng liêng của tình thân sẽ giúp con trẻ hứng khởi khi quyết định nắm giữ sợi dây văn hóa truyền thống ấy, để mãi mãi giúp nó được lưu tồn.
Sự lưu tồn văn hóa ấy được tạo lập dựa trên việc xây dựng mối quan hệ gia đình.
Cái chết của văn hóa truyền thống là cái chết rất sâu thẳm và nguy hiểm mà hệ quả của nó không thể thấy được trước mắt.
Nước Mỹ dường như đang có nguy cơ đối mặt với cái chết này khi Obama trong 8 năm liên tiếp không cho chữ Giáng sinh vào trong thiệp chúc dịp lễ này. Chính vì điều này mà khi lên nắm quyền, Trump đã ngay lập tức cho “Giáng sinh” quay trở lại, cũng như thực hiện lời hứa giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại với niềm tin mạnh mẽ vào Chúa trời, điều đã khiến tổ tiên nước Mỹ di cư và lập nên đất nước mới, đất nước của tự do tín ngưỡng.
Văn hóa truyền thống của nước Nhật cũng đang dần chết, khi thế hệ trẻ chìm đắm vào thế giới công nghệ, nơi khiến con người cô độc và lạc lõng giữa chốn đông người. Nước Nhật huy hoàng ấy mỗi năm đang đối mặt với 20.000 cái chết trẻ do tự tử vì thiếu điểm tựa tinh thần. Trong khi đó, ngày càng nhiều hơn những ông già bà lão Nhật bản, dẫu sống rất thọ nhưng phải chết trong cô độc, và đó là cái chết có tên gọi “Kodokushi”.
Ở Việt Nam, văn hóa truyền thống đã giãy chết từ lâu khi chữ viết được cải biên, và hôm nay người ta sẽ có thể giết chết cái văn hóa “thoi thóp” ấy thêm lần nữa nếu chữ viết mới được ra đời.
Văn hóa của một dân tộc được lưu tồn trong sách vở, những ghi chép và lời truyền miệng, nếu thế hệ người đi trước đã bị quên lãng, con cháu sẽ tìm về các văn bản cổ, thư tịch cổ. Đọc và hiểu chúng chính là con đường giúp nhân loại tìm về văn hóa dân tộc.
Thế nhưng việc cải biến chữ viết chính là con dao bén ngọt cắt đứt mối dây liên hệ cuối cùng này.
Đây là con dao mà ĐCSTQ đã sử dụng hiệu quả bắt đầu từ thập kỷ 50-60, khi họ cho ban hành và chính thức cho sử dụng chữ giản thể với lý do phổ cập giáo dục. Tuy nhiên, đây chỉ là ngụy biện, bởi đất nước Đài Loan vẫn bảo tồn việc sử dụng chữ phồn thể và không có người bị mù chữ.
Hệ quả là các thế hệ người Trung Quốc về sau mất khả năng đọc viết những điều mà tổ tiên ghi chép. Song song đó, những người khai sinh chữ viết mới thả sức biên soạn văn tịch cổ theo ý muốn của họ, đơn giản hơn là họ có thể “chắt lọc” lại những gì họ muốn truyền đạt đến cho thế hệ mai sau.
Chính vì điều này mà người Trung Quốc trở nên “xấu xí” trong mắt cộng đồng quốc tế. Văn hóa hiện nay của Trung Quốc không dựa trên nhân tính với những giá trị cơ bản của “nhân chi sơ tính bản thiện”, văn hóa tranh đấu “đấu với trời, đấu với đất” được tiêm vào rồi luồn lách và xóa bỏ văn hóa thuận hòa của người xưa, “người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo đạo và đạo thuận theo tự nhiên”. Khi thuốc độc được kích hoạt, trí não con người bị tê liệt.
Câu chuyện Coco lại tấu lên giai điệu mới về tầm quan trọng của văn hóa truyền thống, giai điệu rất dân gian, rất ngọt ngào sâu lắng, nhưng đó sẽ là giai điệu thức tỉnh hay tiễn đưa?
Tác giả bài viết: Dung Nhân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn