|
Một thợ mỏ đầu đeo một chiếc đèn pin đang xuống hầm đào cobalt. Ảnh: Washington Post |
Mayamba, 35 tuổi, là một thợ đào cobalt, loại khoáng chất đắt đỏ dùng để chế tạo pin điện thoại di động. Tuy nhiên, anh không hề biết vai trò của mình trong chuỗi cung ứng pin điện thoại toàn cầu mà chỉ quan tâm hôm nay đi làm có đủ ăn không, theo phóng sự điều tra đăng hôm 30/9 trênWashington Post.
Khoác lên mình chiếc áo đầy bụi bặm, Mayamba cầm lấy cái xẻng sắt và cái búa vỡ từ trong góc buồng nhỏ ở cùng vợ con, hỏi vợ trước khi ra cửa:
"Em có đủ tiền mua bột hôm nay không?"
Vợ anh liếc mắt nhìn về phía người đòi nợ đứng trước cửa, họ còn nợ tiền mua muối nên hôm nay không thể mua bột. Mayamba trấn an vợ rồi chào tạm biệt con trai và vác xẻng đi về khu mỏ.
Tại các khu mỏ
Ước tính có khoảng 100.000 thợ mỏ cobalt ở Congo, bao gồm cả trẻ em, đang phải đào thủ công sâu xuống hàng trăm mét dưới lòng đất trong điều kiện thiếu dụng cụ lao động cũng như giám sát an toàn lao động.
Tử vong và tai nạn thường xuyên xảy ra ở đây. Hoạt động khai thác kim loại độc hại cũng gây nhiều vấn đề về sức khỏe cho dân cư địa phương như các bệnh về hô hấp hay dị tật bẩm sinh, cơ quan y tế Congo cho biết.
Khoảng 60% lượng cobalt trên thế giới có nguồn gốc từ Congo – quốc gia châu Phi có tỷ lệ tham nhũng cao và có lịch sử nhiều năm về việc cho nước ngoài khai thác tài nguyên thiên nhiên. Hơn một thế kỷ trước khi còn là thuộc địa của Bỉ, Congo là nơi khai thác mủ cao su và ngà voi, còn bây giờ là khoáng sản sau 5 thập kỷ giành độc lập.
|
Lượng cobalt trong các sản phẩm. Đồ họa: Washington Post |
Hành trình của cobalt bắt đầu từ các khu mỏ như Tilwezembe, một khu công nghiệp cũ. Hàng trăm người thợ sẽ đào hàng chục đường hầm thủ công dẫn xuống lòng đất, chỉ sử dụng một chiếc đèn pin nhựa giống đồ chơi đeo trên đầu để chiếu sáng. Họ không hề được cung cấp bản đồ hay khoan thăm dò nơi đào, hoàn toàn dựa vào trực giác.
Các công ty Trung Quốc thống trị thị trường khai thác mỏ ở Congo. 90% lượng của Trung Quốc có nguồn gốc từ quốc gia châu Phi này. Thợ bản xứ chỉ có thể tới làm việc ở một vài khu mỏ. Nhiều người còn đào xuyên qua nền nhà, tạo thành một mê cung dưới lòng đất để đào thêm cobalt. Có người chờ lúc trời tối vụng trộm lẻn vào các mỏ tư nhân để đào và thiệt mạng vì xung đột với bảo vệ.
"Chúng tôi đang phải chịu đựng", Nathan Muyamba, một thợ đào 29 tuổi nói. "Mà chúng tôi chịu đựng những điều này để làm gì?"
"Chúng tôi cứ đào với niềm tin hôm nay là một ngày tốt lành", Andre Kabwita, 49 tuổi, cho biết.
Papy Nsenga, một thợ mỏ kiêm chủ tịch một liên đoàn thợ mỏ trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm cho biết họ đang rất tuyệt vọng.Tiền công của họ phụ thuộc vào lượng khoáng sản khai thác được nhưng số tiền này rất ít, ngày may mắn thì kiếm được 2-3 USD.
Lao động trẻ em
Mặc dù không có số liệu thống kê chính xác nhưng theo một nghiên cứu vào năm 2007 của Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ cho thấy có tới 4.000 trẻ em làm việc chỉ riêng ở khu mỏ Kolwezi, thủ phủ tỉnh Lualaba, phía nam Congo.
Cobalt sau khi được khai thác ở đây sẽ được vận chuyển tới công ty Khai khoáng quốc tế Congo DongFang Trung Quốc thuộc tập đoàn Huayou Cobalt, một trong những nhà sản xuất cobalt lớn nhất thế giới có trụ sở tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Huayou Cobalt là một trong những nhà cung ứng colbat làm pin điện thoại lớn nhất thế giới cho nhiều khách hàng nổi tiếng như Apple trong nhiều năm qua.
Apple thừa nhận khoảng 20% lượng cobalt trong sản phẩm do Huayou Cobalt cung ứng. Paula Pyers, giám đốc cấp cao của Apple phụ trách mảng Trách nhiệm xã hội của chuỗi cung ứng, cho biết công ty có kế hoạch tăng cường giám sát hoạt động khai thác cobalt.
Apple sẽ hợp tác với Huayou Cobalt để tăng lợi nhuận cho chuỗi cung ứng, từ đó giải quyết các vấn đề cơ bản như đói ăn, đảm bảo cuộc sống cho thợ mỏ để khắc phục điều kiện lao động thiếu thốn và tình trạng sử dụng lao động trẻ em.
LG Chem, một trong những công ty sản xuất pin hàng đầu thế giới và là khách hàng lớn của Huayou Cobalt cũng đã ngừng sử dụng cobalt có nguồn gốc Congo từ cuối năm 2015. Công ty pin Samsung SDI cho biết đang tiến hành điều tra nội bộ, nhưng khẳng định cobalt họ sử dụng không phải do Huayou cung cấp.
Tai nạn lao động
Năm ngoái, sau khi hai người gặp tai nạn vì mỏ sập, Nsenga đã kêu gọi quyên góp hàng trăm đôla để điều trị cho họ. Anh và nhiều thợ mỏ khác cho biết, các công ty khai thác rất hiếm khi giúp đỡ.
Tai nạn lao động hoặc tử vong là chuyện thường thấy ở đâu. Tuy nhiên, chỉ những vụ thiệt hại lớn mới khiến truyền thông chú ý. Theo quỹ Radio Okapi của Liên Hợp Quốc, 13 thợ mỏ bị chết trong một vụ sập hầm tại Mabaya, gần biên giới Zambia hồi tháng 9/2015. Hai năm trước, 16 thợ mỏ thiệt mạng vì đất lở tại Kawama và 15 người chết vì cháy nổ trong mỏ vài tháng trước nữa tại Kolwezi.
Một thanh tra tỉnh Kolwezi giấu tên cho biết ngày hôm đó đã kéo 4 người trong khu mỏ ra. Trong vài năm qua, ông đã kéo ra 36 thi thể từ các mỏ ở Kolwezi và đổ lỗi cho các công ty như Congo DongFang "không hề quan tâm" tới thợ mỏ ốm đau hay bệnh tật.
|
Lao động trẻ em bên ngoài một khu mỏ cobalt tại Congo. Ảnh: Washington Post |
Tháng 9 vừa qua, chủ tịch Huayou Chen Hongliang thừa nhận chưa từng đặt câu hỏi khoáng sản được thu về như thế nào, mặc dù các hoạt động khai khoáng ở Congo và các thành phố như Kolwezi đã diễn ra trong cả thập kỷ.
"Đó là thiếu sót của chúng tôi", Chen lần đầu công khai trả lời về chủ đề này trong một cuộc phỏng vấn tại thành phố Seattle, Mỹ. "Chúng tôi đã không nhận ra".
Chen cho biết Huayou đã lên kế hoạch thay đổi cách mua cobalt, thuê một công ty bên ngoài để giám sát quá trình này và làm việc với các khách hàng như Apple để tạo ra một hệ thống để ngăn chặn tình trạng lạm dụng và bóc lột lao động.
Tương lai
Trở lại mỏ Tilwezembe, một thợ mỏ có tên Mboma đang ngồi bất động trên một tảng đá. Anh mặc chiếc quần jeans bạc màu, chân lơ lửng trên mặt đất.
"Anh ấy làm việc cả đêm qua mà giờ vẫn chưa ăn gì", một thợ mỏ khác cho biết.
Mboma, 35 tuổi, có ba đứa con, đang chờ cân sản lượng cobalt mình khai thác được. Anh hy vọng sẽ kiếm được vài đồng kha khá. Mboma ngồi cạnh một dãy bán đồ ăn nhanh, nơi bán món bánh mỳ cuộn với giá 10 xu Mỹ kèm một ly nước miễn phí.
"Chúng tôi kiếm được đồng nào đều tiêu hết đồng đấy để mua đồ ăn", Mboma cuối cùng lên tiếng.
Còn với Sidiki Mayamba, anh không lo lắng về an toàn lao động hay rủi ro sức khỏe mà chỉ quan tâm đến tiền hôm nay có đủ mua bột không. Anh không muốn cậu con trai mới hai tuổi Harold theo chân bố đi làm thợ mỏ.
"Thợ mỏ là công việc vất vả, nhiều rủi ro", Mayamba nói. "Tôi không muốn con trai phải làm việc này".
Bên trong hầm mỏ cobalt:
Xem thêm: Thứ trưởng Bolivia bị thợ mỏ đình công bắt cóc rồi đánh chết