Hãy cùng khám phá đại dương sâu thẳm và tự tìm cho mình lời giải cho câu hỏi: "Phải chăng biển sâu là một địa ngục trên Trái đất?"
Đại dương là một vùng nước mặn rộng lớn, chứa nước mặn tạo thành thành phần cơ bản của thủy quyển. Khoảng 71% diện tích bề mặt Trái đất (khoảng 361 triệu km vuông) được các đại dương che phủ. Và hơn một nửa diện tích khu vực này có độ sâu trên 3.000m (9.800 ft).
Không chỉ rất sâu mà diện tích biển còn rất lớn - khoảng 103 triệu dặm vuông (khoảng 265 triệu km vuông) nên các nhà khoa học mới chỉ khám phá được 5% bí ẩn ở các đại dương, 95% đại dương còn lại hiện được coi là "địa ngục" trong mắt con người.
Ánh sáng Mặt trời chỉ có thể chiếu sáng được tới khoảng cách 200m dưới mực nước biển. Ở khoảng cách lớn hơn, bóng tối dường như bao trùm tất cả.
Không chỉ vậy, càng xuống sâu hơn, áp suất càng gia tăng. Xung quanh bạn chỉ là một màu đen cùng những sinh vật khổng lồ có thể nuốt chửng bạn bất cứ lúc nào.
Áp suất tại điểm sâu nhất trong lòng đại dương lên tới 11.318 tấn/m2, tương đương sức ép của 50 máy bay phản lực đè lên một người.
Phần sâu nhất đại dương được xác định là rãnh Mariana, nằm ở phía Tây của Thái Bình Dương, phía Đông của quần đảo Marina, có chiều dài khoảng 2.550km - rộng 69 km.
Độ sâu tối đa của rãnh đo được vào khoảng 10,97 km tại một khe nhỏ ở khu vực phía Nam. Nơi đây được đặt tên là vực thẳm Challenger (theo tên con tàu khảo sát đầu tiên vào năm 1951).
Ở độ sâu như vậy, hẳn nhiều người cho rằng nơi đây không tồn tại sự sống. Tuy nhiên, sự thật là các nhà khoa học mới phát hiện một loài sinh vật sống ở độ sâu 8.000m dưới mực nước biển.
Theo mô tả, sinh vật này có vây cá giống cánh và đuôi giống đuôi lươn - vượt kỷ lục của loài cá sên hồng được tìm thấy ở rãnh Nhật Bản, Thái Bình Dương vào năm 2011 ở độ sâu 7.700m.
Cá mập miệng rộng là một loài vật vô cùng quý hiếm và đặc biệt dưới lòng đại dương. Chúng dài 5,5m và được phát hiện vào năm 1976. Tới nay, mới chỉ một vài người có may mắn được nhìn thấy tận mắt sinh vật khổng lồ này.
Ít ai ngờ có một sinh vật được coi là tuyệt chủng 65 triệu năm trước - cá vây tay - đã xuất hiện ở dưới biển sâu vào năm 1938. Lúc đó, một nhà sinh vật biển cùng các ngư dân địa phương ngoài khơi bờ biển Châu Phi đã bắt được một con cá vây tay bằng da bằng thịt, chứng minh nhận định đó là sai lầm.
Loài này là động vật ăn thịt lớn, có thể dài tới 2 mét, ăn các loài nhỏ hơn như cá mập nhỏ. Chúng thường sinh sống ở những vùng nước sâu và tối. Mặc dù chúng hiếm khi bị săn bắt do có mùi khủng khiếp nhưng cá vây tay vẫn được liệt trong danh sách cần bảo tồn.
Áp suất dưới đáy đại dương gấp 1000 lần bề mặt mà nhiều loài sinh vật vẫn có thể tồn tại. Và những loài cá như cá Blob, Psychrolutes... được coi như là những "siêu anh hùng" dưới đáy biển.
Rất nhiều sinh vật biển sâu sử dụng ánh sáng phát quang sinh học để săn lùng hay thu hút con mồi về phía họ. Có thể kể đến như loài cá cần thủ, cá rắn lục - sống ở độ sâu khoảng 5.000m dưới đáy biển.
Hẳn nếu có cơ hội bắt gặp những sinh vật này, bạn có hoảng hồn khiếp sợ - một chú mực khổng lồ dài 18m hay con rắn biển dài 17m đang vẫy vùng quanh bạn?
Nhưng sự thật là bạn khó lòng có thể hiện thực hóa giấc mơ được vẫy vùng với những sinh vật này bởi bạn đâu thể xuống tận đáy đại dương dạo chơi cùng chúng?
Không chỉ chịu áp suất lớn mà bạn còn có nguy cơ bị chìm đắm trong hơi nóng của miệng núi lửa. Do vậy, bạn đừng bỏ lỡ thông tin thú vị mà các nhà khoa học đã phát hiện được về những bí ẩn ở vùng đất sâu thẳm này.