Các nạn nhân của những hành vi tàn ác ở Trung Quốc mổ lấy nội tạng sống, để cấy ghép cho người ngoại quốc giàu có, không còn sống để có thể làm chứng. Thế nhưng, có nhiều yếu tố tích hợp lại đến mức không còn có thể nghi ngờ về nạn buôn bán nội tạng, vốn dĩ hàng năm đem lại hàng tỉ đô la cho Trung Quốc và biến nước này thành nước ghép tạng nhiều thứ hai thế giới.
Trên đây là nhận định của nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Pierre-Antoine Donnet, trên trang mạng châu Á, The Asialyst, ngày 31/01/2023. RFI Tiếng Việt trích dịch và giới thiệu bài viết « Trung Quốc : Buôn bán nội tạng tử tù vẫn là ngành kinh doanh béo bở ».
Mở đầu bài viết, chuyên gia Pierre-Antoine Donnet, tác giả nhiều cuốn sách về Trung Quốc, cựu thông tín viên hãng tin Pháp AFP tại Bắc Kinh, trích dẫn nhận định của nhà nghiên cứu người Mỹ Ethan Gutman, tác giả của hai cuốn sách về chủ đề buôn bán nội tạng tử tù ở Trung Quốc, theo đó phương pháp này thực ra đã có ở Trung Quốc từ những năm 1980, thế nhưng : « Trong năm 2022, phương pháp này đã trở nên phổ biến đối với bệnh nhân đến từ các nước giàu có, chẳng hạn người Đức đi chuyên cơ riêng đến tận Thượng Hải để được phẫu thuật ghép gan trong vòng vài giờ đồng hồ, họ được ghép nội tạng vừa mới lấy và đúng với nhóm máu của họ.
Điều đó đơn giản có nghĩa là các nạn nhân được chọn lựa dựa vào các dữ liệu huyết học thu thập từ các ngân hàng dữ liệu. Họ được đưa ra khỏi trại giam và được đưa đến bệnh viện nơi khách hàng đang chờ. Các nghiên cứu của chúng tôi cũng khẳng định một thực tế là trong nhiều trường hợp, « những người hiến tạng » là người Duy Ngô Nhĩ được chở bằng máy bay từ miền tây Trung Quốc đến các nước vùng Vịnh để cung cấp nội tạng « sống » và « halal » cho các nhà lãnh đạo giàu có ».
Vẫn theo nhà nghiên cứu Ethan Gutman, các hình ảnh vệ tinh chụp các trại giam ở Tân Cương, cũng như lời chứng có được từ khu vực có đông dân Duy Ngô Nhĩ và các sắc tộc người thiểu số Hồi giáo khác « cho thấy chính quyền Trung Quốc hồi năm 2018 đã mở 9 trung tâm hỏa táng tại các trại tập trung này. Mỗi nhà hỏa táng có 50 lính Trung Quốc canh gác, mỗi người hưởng mức lương tương đương 1.200 đô la mỗi tháng. Tôi tự hỏi tại sao họ cần nhà hỏa táng cho người Hồi giáo, trong khi theo nghi thức Hồi giáo, những người này phải được chôn cất sau khi chết ? Điều này chứng tỏ rằng sau những vụ mổ lấy nội tạng kiểu này, chính quyền Trung Quốc tiêu hủy các thi thể để loại bỏ mọi dấu vết giết người ».
Trong khi đó, theo Vijay Kranti, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Himalaya (CHASE) có trụ sở tại New Delhi, Ấn Độ, nạn nhân của những vụ lấy nội tạng này đa phần là người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, những người theo Pháp Luân Công cũng như các tín đồ Thiên Chúa Giáo bị kết án tử hình và các tù nhân chính trị hoặc tù nhân lương tâm.
Bắc Kinh từ lâu đã tuyên bố rằng nội tạng cấy ghép được lấy từ những người hiến tạng hoàn toàn tình nguyện. Thế nhưng, tác giả Pierre-Antoine Donnet trích dẫn bà Jennifer Zeng, một người theo Pháp Luân Công, hiện sống tị nạn tại Mỹ và là một người dẫn chương trình truyền hình khá nổi tiếng, theo đó cơ sở dữ liệu về số người tình nguyện hiến tặng nội tạng không nhiều để có thể lý giải tại sao chính quyền Trung Quốc lại có thể cung cấp nhiều nội tạng như vậy. Theo bà, các bệnh viện đề xuất cung cấp nội tạng thuộc mọi nhóm máu và đáp ứng mọi tiêu chí khác nhau chỉ trong một khoảng thời gian cực kỳ ngắn, và điều đó cho thấy hàng triệu người đã bị giết trong những năm qua chỉ để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh tàn ác này.
Bác sĩ Enver Tohti Bughda, từng làm bác sĩ tại một bệnh viện ở Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương, một khu vực mà các tội phạm bị kết án tử hình đều do cảnh sát hành quyết, đã phân tích thông tin trên các trang web chính thức của một số bệnh viện Trung Quốc, và choáng váng khi thấy cách họ quảng cáo với bệnh nhân nước ngoài :
« Họ đề nghị cấy ghép bất kỳ cơ quan nội tạng nào, đáp ứng tiêu chí huyết học, trong vòng chỉ chưa đầy một tuần lễ. Đối với các ca ghép gan, một số bệnh viện chào mời là họ có thể tìm được gan tương thích trong vòng bốn giờ đồng hồ từ khi bệnh nhân đến. Trong nhiều trường hợp, họ còn chào mời rõ ràng là « Mua một, tặng một », giống y hệt với các mặt hàng tiêu dùng thông thường. Là bác sĩ, tôi biết rằng không có cơ quan nội tạng nào có thể giữ được lâu sau khi bị lấy ra khỏi cơ thể. Điều đó chứng tỏ họ có đủ số lượng người còn đang sống và thuộc các nhóm máu khác nhau. Chuyện này giống như quý vị đang ở trong một nhà hàng và quý vị được chào mời chọn một trong những con cá mà quý vị thấy còn đang sống trong bể cá. »
Điều tra về hệ thống y tế Trung Quốc trong những năm gần đây, bác sĩ Tohti thấy có một số sân bay nhỏ được xây gần các trại giam người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Ông lý giải : « Các sân bay này tạo thuận lợi cho việc vận chuyển nhanh chóng các cơ quan nội tạng được thu thập theo yêu cầu của nhiều bệnh viện ở các thành phố xa xôi của Trung Quốc. Nhiều khi những người hiến tạng vẫn còn đang sống được máy bay chở đến các nước khác để lấy nội tạng sống. »
Trong cuốn sách có tiêu đề « Băng đảng có tổ chức về y tế » (NXB Robert Laffont 2022), Anne Jouan, nhà báo của Le Figaro và giáo sư Christian Riché, bác sĩ - dược sĩ, đã giải thích bằng cách nào mà vào những năm 1980, trong một chuyến đi đến Trung Quốc, họ đã phát hiện cả hệ thống buôn bán nội tạng quy mô lớn đến như vậy. Những người mới được ghép tạng nằm tập trung trong một phòng. Các giường đều có người nằm. Hai điểm thu hút sự chú ý của họ : Đa phần bệnh nhân không phải là người châu Á mà là người da trắng và các thiết bị theo dõi ở mỗi giường đều hiện đại tối tân.
Một đại diện của bệnh viện giải thích đó là một dịch vụ uy tín, dành cho tất cả bệnh nhân trên thế giới, nhưng nhưng bệnh nhân đến từ Mỹ và Úc đặc biệt đông. Ở Trung Quốc việc hiến tạng khi người hiến còn sống chỉ có thể thực hiện người hiến và người nhận quen biết nhau hoặc có quan hệ gia đình. Ở đây, nhưng người hiến tạng sống là những người đã bị kết án tử hình. Khi một người bị chọn để hiến nội tạng, nạn nhân sẽ bị mổ lấy tạng không xa bệnh viện để bảo đảm chất lượng nội tạng. Tất cả các công đoạn lấy tạng, ghép tạng đều được thực hiện trong một thời gian ngắn kỷ lục để bảo đảm ca ghép thành công.
Theo chuyên gia Pierre-Antoine Donnet, Trung Quốc hiện là nước ghép tạng nhiều thứ hai thế giới. Các ca ghép tạng tăng nhanh từ đầu những năm 2000, nhưng số người tình nguyện hiến tạng lại không tăng nhanh ở mức tương xứng, làm dấy lên câu hỏi về nguồn gốc của tạng được gọi là hiến tặng. Các mối lo ngại về nạn cưỡng bức lấy tạng bắt đầu nổi lên từ năm 2006-2007, sau các báo cáo của hai luật sư quốc tế về nhân quyền David Kilgour và David Matas. Với báo cáo này, họ đã được trao giải Nobel Hòa Bình.
Hơn 1 thập niên sau, China Tribunal được lập vào năm 2019. Đây là một ủy ban độc lập gồm các luật sư, chuyên gia về nhân quyền và một nhà phẫu thuật chuyên về ghép tạng và được đặt dưới sự điều hành của Sir Geoffrey Nice, một luật sư nhân quyền có tiếng người Anh. Mục đích của ủy ban này là điều tra độc lập về các cáo buộc cướp nội tạng sống.
China Tribunal đã xem xét nhiều loại bằng chứng, nhất là về số ca ghép tạng, các xét nghiệm y khoa được thực hiện đối với các tù nhân, nội dung các cuộc điện thoại được ghi âm gọi đến các bệnh viện thực hiện các ca ghép tạng, cũng như lời chứng của các bác sĩ và tù nhân. Kết luận cuối cùng của ủy ban điều tra, được công bố hồi tháng 03/2020, khẳng định rằng không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đã sử dụng các tù nhân bất đồng chính kiến bị tử hình làm nguồn cung cấp nội tạng trong suốt nhiều năm, các vụ cướp nội tạng sống xảy ra từ khoảng 20 năm nay ở nhiều nơi và vẫn đang tiếp diễn. China Tribunal cũng kết luận là chắc chắn có thể khẳng định rằng đảng Cộng Sản Trung Quốc là thủ phạm.
American Journal of Transplantation, tạp chí quan trọng nhất trên thế giới về quy trình ghép tạng, hồi tháng 04/2022 đã công bố một bài báo, theo đó tình trạng chết não ở người hiến tạng không được ghi nhận trong rất nhiều ca lấy tạng ở Trung Quốc, và chính việc lấy đi các cơ quan nội tạng thiết yếu mới là nguyên nhân thực sự khiến họ tử vong. Nói cách khác, các tù nhân này bị hành quyết bằng việc lấy tạng sống để cấy ghép cho người khác.
Nguồn tin: Thùy Dương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn