Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ hai - 27/11/2023 02:19
Dụ ngôn “Người gieo giống” mở đầu chương 13, đồng thời cũng mở đầu một chuỗi những dụ ngôn trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu. Trước đó, Chúa Giê-su tranh luận với những biệt phái và luật sĩ về sứ mạng của Người. Những lập luận của Chúa khiến họ tức giận đến nỗi nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Người (x. Mt 12, 13-14). Dụ ngôn “Người gieo giống” có thể được soạn thảo trong bối cảnh cộng đoàn tín hữu tiên khởi đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí bị bách hại. Tác giả Mát-thêu muốn trả lời những vấn nạn đặt ra lúc đó: tại sao có ít người tin Chúa Giê-su? Tại sao cộng đoàn tín hữu bị khinh miệt và kỳ thị? Câu trả lời là: Thiên Chúa vô cùng quảng đại. Ngài gieo hạt giống khắp nơi. Nếu có những người đón nhận Chúa và có những người khước từ, là vì họ có tự do và họ sẽ phải lãnh trách nhiệm về chọn lựa của họ. Thiên Chúa vô cùng quảng đại. Đó cũng là nội dung của Bài đọc I, trích sách ngôn sứ I-sai-a. Ngài gieo hạt giống sự thiện vào lòng con người như sương sa từ trời rơi xuống, làm cho đất đai mầu mỡ và cây cỏ xanh tươi. Mưa móc và sương sa từ trời không chọn chỗ để rơi xuống. Hạt giống Lời Chúa cũng thế. Chúa gieo mầm sự thiện vào mọi nền văn hoá, mọi thời đại và mọi truyền thống. Tất cả những điều tốt đẹp và thiện hảo nơi những nền văn hoá đều phản ánh sự thánh thiện và tốt lành của Chúa, vì Ngài là nguồn cội của Chân, Thiện, Mỹ. Nếu ở chương 12 của Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Chúa Giê-su tranh luận với người biệt phái và luật sĩ, thì ở chương 13, Người lại ngỏ lời với đám đông dân chúng. Hạt giống Lời Chúa được gieo cho hết mọi người, mà đám đông này là đại diện. Xin lưu ý, thánh Mát-thêu mở đầu trình thuật bằng câu: “Chúa Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven hồ,” và dụ ngôn cũng khởi đầu với chữ “đi ra”: “Người gieo giống đi ra gieo giống…”. Chính Chúa Giê-su là người gieo giống. Người từ cung lòng Chúa Cha, đã đến trần gian để loan báo Nước Trời. Người không mệt mỏi đi đến mọi nơi khắp xứ Palestia. Người đến với mọi hạng người, từ thành viên Thượng Hội đồng (ông Ni-cô-đê-mô), đến những người biệt phái, những luật sĩ, những người thu thuế, những bệnh nhân đủ loại, thậm chí cả cô gái làng chơi. Người gieo hạt giống Nước Trời nơi tâm hồn họ, giúp họ nhận ra tình yêu thương của Thiên Chúa, để rồi phục thiện và trở nên con người hoàn hảo. Nếu dụ ngôn được nói với đám đông dân chúng, thì lời cắt nghĩa dụ ngôn lại chỉ được ngỏ với các môn đệ, tức là những người theo Chúa và sẽ tiếp nối công việc của Người. Khi giáo huấn đám đông, Chúa Giê-su đưa ra một lời mời gọi thường thấy ở nhiều nơi khác: “Ai có tai thì nghe.” Đây chỉ là lời mời gọi, không phải là một lệnh truyền hay một điều kiện ràng buộc. Tuy vậy, khi giải thích dụ ngôn cho các môn đệ, Chúa Giê-su nêu rõ ý muốn của Người, là các ông phải hiểu và trở nên những mảnh đất màu mỡ để đón nhận hạt giống Lời Chúa. Đây là một điều kiện tiên quyết để trở nên môn đệ Chúa Giê-su. Chúa Giê-su trích dẫn ngôn sứ I-sai-a, để trấn an các ông rằng: thời nào cũng có những người khước từ Lời Chúa. Nơi đâu cũng có những người bưng tai bịt mắt trước lời mời gọi nên trọn lành. Điều đó không có chi mới lạ. Khi nghe những lời này, các môn đệ (và các tín hữu hôm nay) dễ dàng đón nhận hoàn cảnh khó khăn, trước thái độ chống đối của một số người Do Thái (và của mọi thời đại) đối với cộng đoàn những người tin Chúa Giê-su. Đương nhiên, Tin Mừng hôm nay không nhằm mục đích để chúng ta ngồi “tỉa tót” xem ai trong cộng đoàn là người thuộc loại đất nào để bình phẩm chê trách. Thực ra, trong mỗi chúng ta, đều có 4 loại đất này. Ma quỷ, môi trường xung quanh và chính những nết xấu của bản thân chúng ta luôn tranh giành ảnh hưởng với hạt giống Lời Chúa, và nếu không thận trọng và khôn ngoan, thì Lời Chúa dễ bị bóp nghẹt. Nếu trong cuộc sống đời thường, mảnh đất gai góc, đá sỏi và vệ đường không thể thành đất màu mỡ, thì tâm hồn một tín hữu khô khan dửng dưng thờ ơ lại có thể trở nên một mảnh đất phì nhiêu, nhờ lòng bao dung của Thiên Chúa. Thánh Phao-lô (Bài đọc II) khuyến khích chúng ta hãy hy vọng và cậy trông, vì Thiên Chúa là Đấng giải thoát chúng ta, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần nơi chúng ta. Nếu Chúa Giê-su là Người Gieo Giống Số Một, thì mỗi tín hữu cũng phải trở nên người gieo giống trong phận vụ và hoàn cảnh của mình. Bởi lẽ, nhờ bí tích Thanh tẩy, Ki-tô hữu trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su, cùng tham gia vào sứ mạng của Người. Trần gian là một cánh đồng rộng rãi mênh mông. Chúng ta đang là những người gieo giống trên cánh đồng ấy. Ai gieo điều tốt lành, sẽ gặt điều thiện hảo. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. Chúa hứa với chúng ta điều ấy. Mảnh đất tâm hồn của chúng ta sẽ càng trở nên màu mỡ, nếu chúng ta cộng tác phần mình để cùng với Chúa Giê-su gieo hạt giống chân lý nơi cánh đồng trần gian.