Câu chuyện về nguồn gốc của cây nhân sâm

Thứ hai - 29/10/2018 22:18

Câu chuyện về nguồn gốc của cây nhân sâm

Nhân sâm là thảo dược quý hiếm, đứng đầu trong 4 vị thuốc thượng hạng (sâm, nhung, quế, phụ) của Đông y. Tương truyền Sơn Đông mới thực sự là quê hương bản quán của loại thảo dược này và xung quanh nó còn có một câu chuyện đầy thú vị.

Tại sao lại gọi là nhân sâm?

Chữ Nhân tức là người, chữ Sâm trong chữ tham, là tham gia, là chen vào. Con người nào có tài cao đức trọng được chen vào ngang hàng với trời đất, gọi là tam tài (3 giới Thiên – Địa – Nhân). Sâm này có công bồi bổ mà cứu vớt người ta trong cơn bệnh nguy nan, rất là đắc lực. Thực là thứ Sâm rất quý, nên mượn nghĩa chữ Nhân mà đặt tên là Nhân Sâm. Lại có sách chép: Củ Nhân sâm có đầu có mình và tay chân tựa như hình người, nên gọi là Nhân sâm.

Chuyện về nguồn gốc cây nhân sâm

Xa xưa tại tỉnh Sơn Đông có ngọn núi tên Vân Mộng và trên đó cũng có ngôi chùa cùng tên. Trong chùa có hai hòa thượng một thầy một trò sinh sống. Dù là người xuất gia, nhưng lão hòa thượng không hề nhất tâm tụng kinh niệm Phật, cũng không làm việc mà dồn hết cho tiểu hòa thượng. Không những vậy còn hành hạ ngược đãi cậu bé đến nỗi càng ngày càng gầy yếu xanh xao.

Ngày nọ, khi lão hòa thượng xuống núi và tiểu đồ đệ đang bận việc trong chùa, có một cậu bé mặc yếm đỏ không biết từ đâu bỗng dưng xuất hiện, cười nói vui vẻ và giúp tiểu hòa thượng làm việc và biến mất khi có người.

Theo Thần nông bản thảo kinh, nhân sâm được dùng trị chứng chân khí suy kém, cơ thể thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí, chân tay lạnh, mạch yếu, người gầy yếu, cơ thể mới ốm dậy, kém ăn, trí nhớ suy giảm.

Cứ như vậy một thời gian lâu sau đó, lão hòa thượng phát hiện tiểu đồ đệ của mình có sự khác lạ. Cho dù có giao bao nhiêu công việc nặng nhọc, cậu đều có thể làm hết nhưng vẫn rất khỏe mạnh, sắc mặt luôn trắng hồng. Tò mò hoài nghi, ông gọi tiểu hòa thượng tới đánh đập tra hỏi quyết tìm ra nguyên nhân.

Bị dồn hỏi nhiều, không còn cách nào khác tiểu hòa thượng phải kể lại toàn bộ sự việc. Lão hòa thượng trong lòng nghĩ ngợi: “Ở nơi thâm sơn cùng cốc vắng vẻ không có người này sao có thể xuất hiện cậu bé yếm đỏ? Phải chăng đó chính là thần gậy cỏ (nhân sâm)?”

Suy nghĩ hồi lâu, lão lấy một sợi chỉ đỏ trong rương, xỏ qua đầu cây kim, đưa cho tiểu hòa thượng, rồi dặn dò kỹ lưỡng: “Đợi khi nào cậu bé đó đến đây, nhà ngươi hãy lén lén đâm cây kim này vào cái yếm của nó”.

Ngày hôm sau, lão hòa thượng lại đi xuống núi. Tiểu hòa thượng vốn dĩ muốn đem mọi chuyện kể cho cậu bé yếm đỏ nghe nhưng lại sợ chửi mắng đánh đập, đành nhân lúc cậu bé vội vã chạy về nhà, liền đâm cây kim vào cái yếm của cậu.

Hôm sau, trời vừa sáng, lão ta bắt tiểu hòa thượng nhốt lại trong chùa và mang theo cây cuốc, lần theo dấu vết sợi chỉ đỏ để lại đi vào rừng. Đi mãi, đi mãi thì phát hiện thấy bên cạnh một cây thông già, có cây kim cắm vào mầm cây non nhỏ ở dưới. Lão vô cùng mừng rỡ, liền gắng sức mà đào, cuối cùng đào được một cây “sâm đồng” , tức ‘cậu bé nhân sâm‘.

Lão hòa thượng mang “cậu bé nhân sâm” về chùa, bỏ vào nồi, thêm nước, rồi đậy nắp lại, còn lấy một tảng đá lớn đè lên. Sau đó, lão bắt tiểu hòa thượng nhóm lửa nấu chín. Thật không may ngay đúng lúc đó, người bạn thân của lão hòa thượng có việc gấp cần tìm lão xuống núi, lão gắng sức từ chối mãi mà không được. Trước khi đi, lão dặn đi dặn lại: “Ta còn chưa về, tuyệt đối không được mở nắp nồi ra”.

Sau khi lão ta đi rồi, từ trong nồi không ngừng tỏa ra mùi hương kì lạ, hiếm thấy trên đời. Tiểu hòa thượng rất lấy làm tò mò, mặc kệ lời dặn của thầy, đẩy tảng đá để sang một bên và mở nắp nồi. Thì ra trong đó đang nấu một củ nhân sâm hương thơm xông vào mũi. Cậu bóc thử một miếng bỏ vào miệng nếm, cảm thấy thơm ngọt lạ kỳ. Không nghĩ ngợi gì thêm, tiểu hòa thượng liền ăn hết củ nhân sâm và uống hết cả nước.

Cậu bé yếm đỏ chính là do củ nhân sâm biến hóa mà thành (Ảnh:read01.com)

Không lâu sau, có tiếng bước chân của lão hòa thượng vọng tới, tiểu hòa thượng biết rằng thầy mình đang tiến vào. Giật mình chẳng biết làm sao cậu liền cắm đầu bỏ chạy, trong phút chốc cảm thấy toàn thân nhẹ nhàng, rồi bay lên không trung mà đi mất. Lão hòa thượng trông thấy cảnh này, biết ngay “cậu bé nhân sâm” đã bị tiểu đồ đệ ăn mất, hối hận vô cùng.

Thì ra, cậu bé yếm đỏ chính là củ nhân sâm đó biến thành. Dưới gốc cây thông già có một đôi nhân sâm. Kể từ sau khi “cậu bé nhân sâm” bị lão hòa thượng đào mất, củ sâm còn lại dưới gốc thông ngày đêm khóc lóc vô cùng thảm thiết. Thông già nói: “Con ngoan, đừng khóc nữa. Ta sẽ đưa con đi đến vùng Quan Đông, ở đó dân cư thưa thớt, ta có thể chở che cho con mãi mãi”. Nhân sâm không khóc nữa, mà cùng thông già dọn đến chỗ rừng sâu núi thẳm chốn Quan Đông, ổn định cuộc sống trên núi Trường Bạch. Kể từ đó, nhân sâm ở Vân Mộng, Sơn Tây ngày một mất dần, còn nhân sâm trên núi Trường Bạch, vùng Quan Đông càng ngày càng nhiều thêm.

Tác dụng của nhân sâm

Theo Thần nông bản thảo kinh, nhân sâm được dùng trị chứng chân khí suy kém, cơ thể thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí, chân tay lạnh, mạch yếu, người gầy yếu, cơ thể mới ốm dậy, kém ăn, trí nhớ suy giảm, người ở trạng thái căng thẳng thần kinh, trong người nóng, háo khát, đái tháo, tim loạn nhịp, sinh dục kém, trẻ em quá gầy yếu, chậm lớn.

Có thể chỉ dùng 1 vị sâm: nhân sâm thái mỏng, hãm với nước sôi, nhiều lần, ngày có thể dùng 4-10g. Hoặc ngâm rượu: 50g nhân sâm thái mỏng ngâm rượu 3 lần. Lần 1 ngâm với 600ml rượu 35-40 độ, ngâm 1 tháng; lần 2 ngâm 500ml trong 3 tuần; lần 3 ngâm với 400ml rượu trong 2 tuần. Sau gộp dịch chiết 3 lần. Ngày uống 20-30ml.

Theo zhengjian
Kiên Định biên dịch


 

Nhân sâm – Vị thuốc thượng phẩm của Đông y ‘lắm tài’ mà ‘nhiều tật’

 

 

Sâm này có công bồi bổ mà cứu vớt người ta trong cơn bệnh nguy nan, rất là đắc lực. Thực là thứ Sâm rất quý, nên mượn nghĩa chữ Nhân mà đặt tên là Nhân Sâm.

Lại có sách chép: Củ Nhân sâm có đầu có mình và tay chân tựa như hình người, nên gọi là Nhân sâm.

Độc sâm thang – Sâm có thể sử dụng đơn độc mà chữa được nhiều bệnh

Một hôm, có bệnh nhân thắc mắc với một thầy thuốc Đông Y nói rằng Đông dược cổ truyền không thể sánh kịp với những loại thuốc thảo dược hiện nay. Một số phương thuốc có cả vài chục vị hợp thành, lại còn kết hợp cả thuốc Tây Y, trong khi các toa thuốc Đông Y, chẳng hạn như sâm, chỉ có duy nhất một vị.

Ông bèn kể cho vị này một trường hợp bệnh nhân là một thông dịch viên qua nhiều năm làm việc nay đã cảm thấy thiếu sinh lực và yếu ớt, đến độ anh gặp khó khăn khi nói chuyện. Anh đã thử nhiều phương thuốc nhưng vẫn không thấy khả quan. Rồi anh tìm đến ông, ông bèn cho anh ngậm một miếng sâm. Cách này làm cho triệu chứng bệnh của anh khỏi sau thời gian ngắn.

Tại sao các phương thuốc chứa nhiều vị lại không có hiệu lực hơn một miếng sâm?

Theo cuốn “Thần Nông bản thảo kinh”, sâm có vị ngọt và hơi lạnh. Nó đặc biệt tốt cho các nội tạng quan trọng. Khoa học hiện đại có thể phân tích hoạt chất trong các vị thuốc trong Đông Y, nhưng vẫn không đạt tới tinh túy thực sự của nó. Thực ra, đặc tính của các hoạt chất trong Đông Y thì không thể nào tách ra được. Cũng có ý nói rằng tuy chỉ có 1 vị thuốc nhân sâm nhưng trong đó có thể chứa rất nhiều hoạt chất.

Đặc tính của y học cổ truyền nghiên cứu về bản chất của Âm và Dương (lạnh, mát, ấm và nóng) và vị của nó (ngọt, cay, mặn, chua, và đắng). Mỗi vị có thể được chia theo bản chất và đặc tính. Ví dụ, vị ngọt có thể làm gia tăng tuần hoàn máu và tăng cường sinh lực. Đồng thời Đông y cũng phối hợp các vị thuốc với nhau trong 1 thang thuốc theo nguyên tắc Quân -Thần- Tá- Sứ để hỗ trợ và khắc phục nhược điểm của nhau.

Đặc tính mà sâm có được là nhờ vào môi trường mà nó mọc, vậy nên sâm ở các khu vực khác nhau cũng lại có tác dụng khác nhau. Sâm hoang dã thường mọc ở sườn núi với độ cao từ 500 đến 1.100 mét. Vì mang sinh khí của núi trời nên có thể làm cho cơ thể con người kiện tráng như núi cao vững chãi.

Chữ “sơn” tiếng Hoa đến từ quẻ “Cấn” trong Bát Quái. Quẻ này mang nhiều Âm hơn Dương và đối ứng với tính hàn lạnh của núi. Vì thế, sâm có một chút tính hàn. Nhưng sâm mọc trên sườn núi, tức là ở bên mặt Dương của núi, vì thế sâm cũng có một chút tính Dương. Thêm vào đó, quẻ “Cấn” thuộc về yếu tố “Thổ” mang tính ngọt, và vì thế sâm có phần tính Dương của ngọt. 

Trong số các bộ phận nội tạng của chúng ta, lá lách và bụng thuộc về tính Thổ, mà theo Đông Y là gốc của năng lượng. Vì thế, phần Dương của tính ngọt trong sâm có thể củng cố tính Dương của lá lách và bụng, theo đó mang năng lượng đến khắp toàn thân.

Nhân sâm – Vị thuốc đại bổ nguyên khí nhưng vẫn gây chết người khi dùng sai

Khi nói về nhân sâm đã có một lời khuyên mang tính kinh điển: “Phúc thống phục nhân sâm tắc tử”. Vốn là, khi xưa đã có một thầy thuốc, sau khi cho một bệnh nhân uống nhân sâm, người bệnh này đã bị tử vong. Vấn đề là ở chỗ người thầy thuốc này lại cứ cho rằng, ông ta không hề có một sai sót gì cả!

(Ảnh minh hoạ)

Vì trước đó, ông đã từng đọc rất kỹ sách đã chỉ rõ: “Phúc thống phục nhân sâm…”, tức là “đau bụng uống nhân sâm…”. Đáng tiếc là, người thầy thuốc này đã chưa đọc hết hai chữ nữa ở trang sau: “tắc tử”, nghĩa là “sẽ chết”. Sách y ngày xưa ghi: “Nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng, hàn ngộ hàn tắc tử” (nhiệt bệnh mà gặp thuốc nhiệt sẽ phát cuồng, hàn chứng mà gặp thuốc hàn thì sẽ chết).

Ngày nay, trên thực tế, nhiều người bị “đau bụng” do viêm gan, viêm dạ dày, viêm ruột co thắt, táo bón… vẫn dùng nhân sâm mà vẫn khỏe mạnh. Rõ ràng ở đây có sự hiểu khác nhau về khái niệm “phúc thống”. Qua kinh nghiệm thực tế, khái niệm “phúc thống” trong trường hợp chết người này là chỉ các triệu chứng đau bụng thuộc “thể hàn”, đau bụng “tiết tả”, tức đau bụng tiêu chảy, đầy bụng, trướng bụng… nếu dùng nhân sâm sẽ nguy hiểm đến tính mạng

Những ai không nên dùng hoặc cần thận trọng khi dùng nhân sâm?

Nhân sâm tuy là loại thuốc bổ khí đầu vị, song không phải dùng cho mọi đối tượng được. Người bụng thường xuyên bị đầy trướng, căng tức, đau bụng, sôi bụng, phân nát, lỏng hoặc tiêu chảy không được dùng. Đặc biệt, nếu bị đau bụng, tiêu chảy, dùng nhân sâm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Người bị nôn mửa, trào ngược dạ dày- thực quản, tăng huyết áp cũng không nên dùng. Vì sâm lúc đầu có tác dụng tăng huyết áp, sau lại hạ. Do vậy nếu ở trạng thái tăng huyết áp dễ dẫn đến tai biến mạch máu não. Phụ nữ trước ngày sinh cũng không nên dùng sâm.

Người hay mất ngủ nhưng sức khỏe yếu mà muốn dùng sâm nên dùng buổi sáng với liều lượng thấp, khoảng 2-3g/ngày. Cần lưu ý không dùng lô sâm (đầu núm rễ củ sâm), vì có tác dụng gây nôn. Không dùng kèm với vị lê lô và ngũ linh chi.

Trẻ em cơ thể yếu, kém ăn, chậm phát triển về thể lực và tinh thần có thể dùng nhân sâm, song không nên quá lạm dụng vì có thể làm cho trẻ bị kích dục sớm.

Hoàng Kỳ (T/h)

Hồng sâm, Bạch sâm… là gì?

Nhân sâm là rễ của cây Nhân sâm có tên khoa học là Panax gingsen C.A.Mey. Nhân sâm có nhiều loại, nếu căn cứ vào nguồn khai thác thì Nhân sâm bao gồm Sâm rừng và Sâm vườn; nếu căn cứ vào nguồn gốc địa lý thì có Sâm Trung Quốc, Sâm Triều Tiên, Sâm Việt Nam..; nếu căn cứ vào cách thức chế biến thì có Sinh sái sâm, Đại lực sâm, Hồng sâm, Bạch sâm… ngoài ra còn có Sâm trà, Sâm lát… tuỳ theo công nghệ bào chế. Bên cạnh những phẩm chất và công dụng chung, mỗi loại Nhân sâm lại có những đặc tính và  năng lực riêng.

Đặc điểm của nhân sâm rừng?

Nhân sâm rừng là loại mọc hoang, chất lượng tốt. Rễ ngắn và thô, dài bằng hoặc ngắn hơn thân rễ một chút, thường có hai nhánh rễ chính, trông giống hình người, đầu trên có đường vằn ngang nhỏ và sâu; thân rễ nhỏ dài, thường từ 3 – 9cm, phần trên uốn khúc gồ ghề, quen gọi là “rễ cổ nhọn”. Bát rễ dày đặc, phía dưới không có mắt rễ và khá trơn bóng, thường gọi là “rễ tròn”. Rễ râu thưa thớt, dài gấp khoảng 1 – 2 lần rễ chính, dai, khó bẻ gãy, có nốt sần nổi lên rất rõ gọi là “trân châu điểm” hay “hạt trân châu”.

Khác biệt giữa nhân sâm rừng và nhân sâm trồng?

Nhân sâm rừng thường đắt và tốt hơn, vì hai loại có hình dáng giống nhau nên người ta hay lấy Sâm trồng giả mạo là sâm rừng. Tuy nhiên, hai loại này vẫn có những điểm khác nhau như:

  • Đầu rễ của sâm trồng hơi ngắn, bát rễ tương đối ít; đầu rễ sâm rừng nhỏ, dài, bát rễ sâu và dày, đầu rễ cong hình giống cổ nhọn, có rễ tròn.
  • Thân của sâm trồng dài, phần vai có các vằn ngang hơi thưa, nông, không liên tục trong khi thân sâm rừng giống như thân hoàng tinh, dài bằng hoặc ngắn nhỏ hơn, đầu rễ vằn, chỗ vai nhỏ mà sâu, màu đen, phần nhiều có hình xoáy ốc liên tục.
  • Vỏ sâm trồng ráp và xốp giòn; vỏ sâm rừng mịn và chắc.
  • Thân sâm trồng tương đối nhiều, thường từ 3 nhánh trở lên, trên dưới to nhỏ không đều, thân sâm rừng chỉ có từ 1 đến 2 nhánh, ít gặp loại có 3 nhánh.
  • Râu sâm trồng không có nốt sần hoặc có nhưng không rõ, râu sâm rừng dài, dai và có nốt trân châu rõ.

Hồng sâm là gì?

Là loại sâm được chế biến bằng cách chọn củ to, thường nặng trên 37g, rửa sạch đất cát, cho vào nồi chưng chín trong khoảng 2 giờ sau đó sấy hoặc phơi khô. Sau khi chế biến thì tinh bột có trong rễ đã chín, khi khô có thể chất trong suốt như sừng, có màu hồng mùi thơm, vị ngọt hơi đắng. Thân sâm hình thoi hoặc gần như hình trụ, phần trên và phần dưới thót lại. Đầu sâm (tức cổ rễ) đôi khi nom có vết sẹo của thân, rễ đôi khi phân nhánh trông như cánh tay, phần dưới có 2 hoặc 3 nhánh trông như chân. Toàn bộ củ sâm trong giống hình người nên gọi là Nhân sâm.

Bạch sâm là gì?

Loại củ sâm không đủ tiêu chuẩn để chế biến thành Hồng sâm thì chế thành Bạch sâm. Củ sâm được rửa sạch đất cát rồi nhúng vào nước sôi vài phút, sau đó tẩm đường vài ngày rồi phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ không quá 600 độ C. Sau khi chế biến, sâm có màu trắng ngà, có vằn hình tia, xốp, mùi thơm, vị ngọt. Rễ chính hình trụ, mập, ngắn; phần đỉnh có thân rễ dài, nhỏ; phía trên có các chỗ lõm hình xoáy trôn ốc đan xen nhau, tuổi đời càng lâu thì thân rễ càng dài, bên cạnh thân rễ thường mọc một hoặc vài sợi rễ. Đầu trên của rễ chính có vằn dày, phía dưới thường phân nhánh.

Cách nhận biết Tây dương sâm?

Loại sâm này chủ yếu được nhập từ các nước như Mỹ, Canada và Pháp, có công dụng khá tốt và được người tiêu dùng ưa chuộng, bởi vậy gian thương thường dùng sâm nội để giả mạo là Tây dương sâm kiếm lời. Cách nhận biết:

  • Thân chính có hình trụ hoặc hình thoi, nặng, chất cứng.
  • Rễ còn gọi là đầu rễ, có loại đoạn trên của thân chính có đầu rễ, bát rễ có đốt rõ.
  • Vỏ có vằn ngang có thể thấy các vạch nhựa co dạng chấm vàng, tạo thành từng lớp vằn rõ.
  • Mặt ngoài có màu vàng nhạt hoặc màu gạo, mặt cắt phẳng, màu trắng ngà hơi bột.
  • Vị hơi đắng, khi nhai thấy hơi có cảm giác hăng đắng và có mùi thơm mát đặc trưng của Tây dương sâm.

Sự khác biệt giữa Hồng sâm Triều Tiên, Hồng sâm Nhật Bản và Hồng sâm Trung Quốc?

Hồng sâm Triều Tiên có hình trụ hoặc hình vuông tròn, rễ con thô dài 1,5 – 2cm, đường kính trên dưới gần như bằng nhau, phần lớn là đơn nhánh và rất ít rễ phụ, có màu nâu đỏ hơi đục; Hồng sâm Nhật Bản rễ hơi nhỏ hơn Hồng sâm Triều Tiên, phần trên thường có màu vàng, vỏ ráp, đoạn giữa và dưới to thô hơn đầu trên, rễ phụ ngắn, thót lại; Hồng sâm Trung Quốc bề mặt trong mờ, màu nâu hồng, thỉnh thoảng có đốm màu nâu sẫm đục, có khía dọc, vân và vết rễ nhỏ, phần trên có các vân tròn.

Cách nhận biết sâm giả?

Nhân sâm giả thường được làm từ Đậu đũa dại, Sâm đất, Thương lục, Niễng rừng và Hoa sơn sâm, trong đó Sâm đất và Thương lục là hay được dùng nhất. Sâm đất có hình nón hoặc hình thoi, phân ra nhiều nhánh, dài khoảng 15 – 20cm, đầu đỉnh là gốc sót lại của rễ, khi chưa gia công bề mặt có màu đen nâu, thô ráp nhiều vân, sau khi đã gia công bề mặt có vằn rúm màu vàng nâu, thô ráp, chất giòn, dễ bẻ gãy, có chất keo, trong mờ, vị ngọt. Thương lục có hình trụ, đầu trên khá ráp, xuống dưới nhỏ dần, dài khoảng 20cm, mặt ngoài có màu nâu vàng hoặc nâu đen, đỉnh rễ có gốc sót, chát dai dẻo, khó bẻ gãy, mặt cắt có màu nâu vàng đến nâu đen, không phẳng, có mùi tanh, vị đắng và chua cay.

 

 
 

Tác giả bài viết: Van Thanh

Nguồn tin: Theo caythuocquy.info.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập150
  • Hôm nay14,491
  • Tháng hiện tại270,410
  • Tổng lượt truy cập35,916,755
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây