Hiện tượng xã hội mới ở Mỹ: Mass Mob

Thứ tư - 22/10/2014 10:19

Hiện tượng xã hội mới ở Mỹ: Mass Mob

Có ai nghe tới chữ Flash Mob bao giờ chưa? Flash là đèn chớp, giống như đèn chớp cuả máy hình, tuy chớp nhoáng nhưng để lại một dấu tích lâu dài là có một tấm hình có đủ ánh sáng.
 
 
 



Người ta thường dùng chữ Flash với chữ Flood để chỉ một hiện tượng mưa lũ tại các thành phố. Vì diện tích đất trống bị thu hẹp (có nhiều nhà cửa và đường xá,) cho nên mỗi khi trời mưa to, nước không có chỗ thấm, tạo ra một cơn Flash Flood () đổ xuống các đường hẹp và thấp, trôi đi xe cộ và đôi khi cả người nữa. Năm nào Tin Tức cũng cho biết có hàng chục tai nạn như thế.

Thời xưa chỉ có vùng cao nguyên La Pampas ở Argentina là có hiện tượng Flash Flood nổi tiếng mà thôi. Vì không có cây cho nên mỗi khi có một cơn bão lớn đổ xuống vùng núi thì nước tràn về đó giống như một bức tường đố xập, cuốn trôi mọi vật. Không ai ở đây được. Người ta đã trị liệu cái hiện tượng thiên nhiên này bằng cách trồng thêm thật nhiều cây cối và bây giờ vùng La Pampas đã có thể ở được, nhiều thành phố đã được dựng lên.

Nhưng con ngươì hình như không thấm nhuần cái bài học quí giá đó, ở nhiều nơi trên thế giới người ta vẫn tiếp tục phá rừng taọ nên những cơn lũ nhân tạo mà hàng ngàn năm trước thiên nhiên đã không bao giờ cho xảy ra !

Nhưng thôi, hãy trở lại với chữ Flash. Như vậy thì Flash có nghiã là bất chợt, chớp nhoáng, và để lại một hậu quả lâu dài.

Flash Mob là một hiện tượng xảy ra ở trên Internet. Mob là tụ tập, kéo bè kéo đảng. Flah Mob là một sự tụ tập chớp nhoáng để làm một việc gì đó. Có thể là xấu nhưng cũng có thể là tốt.

Năm 2003, một nhóm hô hào nhau trên email để tụ tập phản đối một gian hàng ở Manhattan New York. Tin bị lộ, cảnh sát và nhà hàng đã can thiệp kịp thời không cho đám đông tụ họp.

Lấy kinh nghiệm thất bại đó, họ tổ chức những cách truyền tin chớp nhoáng hơn, bằng ký hiệu điện thoại cầm tay vào những phút chót, và đã có khoảng 300 người tụ họp thành công vào ngày 17 tháng 6 năm 2003 tại một gian hàng Macy's.

Lịch sử cuả Flash Mob không dừng tại đó, nhưng mau chóng lan tràn ra khắp thế giới. Trong những năm qua, những Flash Mob đã tái diễn qua các cuộc biểu tình chớp nhoáng làm thay đổi các chế độ độc tài mà chúng ta được biết chung bằng một danh xưng là "muà Xuân Ả Rập". 

...
 
Cũng cùng một phương thức đó, mới đây người ta thấy xuất hiện một hiện tượng gọi là Mass Mob. Mass là Thánh Lễ và Mob là Flash Mob. Mass Mob là một cuộc tụ tập chớp nhoáng để tràn ngập một nhà thờ.

Để làm gì?

Xin thưa để chia sẻ cái lối sống lịch sử cuả ngôi nhà thờ với những giáo dân còn ở lại đó.

Có nhiều ngôi nhà thờ cổ kính ở trong nội thành đang dần dà bị bỏ hoang. Ngày Chuá Nhật chỉ còn khoảng dăm ba chục người dự lễ. Nhưng vẻ đẹp cuả lối kiến trúc, vẻ mỹ thuật cuả các tác phẩm điêu khắc đã làm cho các ngôi nhà thờ đó trở thành những địa điểm lý tưởng để cử hành lễ cưới, lễ kỷ niệm...

Bây giờ có nhiều người nghĩ rằng các ngôi nhà thờ đó là địa điểm lý tưởng để sống lại cái tình cảm đạo đức dạt dào cuả tiền nhân.

Sự việc xảy ra như sau: Vào một ngày Chúa Nhật nhất định nào đó, những thành viên tham gia phong trào Mass Mob chọn một trong những nhà thờ cổ kính bằng cách bỏ phiếu trực tuyến qua Facebook và Twitter. 

Khi lựa chọn, họ được cung cấp thông tin về lịch sử, về nét đặc biệt và về tình trạng sử dụng cuả ngôi nhà thờ. Do đó khi đến tham dự thánh lễ, họ sẽ trải nghiệm những vẻ đẹp về kiến trúc, về lịch sử và về di sản tinh thần cuả ngôi nhà thờ.

Cho nên giỏ tiền quyên góp cũng đầy ắp hơn lên.

"Nó giống như là bày tỏ sự quan tâm và giúp đỡ những giáo dân còn ở lại đó" theo lời anh Christopher Byrd, một thành viên Mass Mob ở Buffalo, NY.

Buffalo NY là nơi mà những Mass Mob đầu tiên đã được thực hiện. Anh Christopher Byrd đã nẩy ra cái ý tưởng này từ muà Thu năm ngoái và đã tổ chức được 2 buổi Mass Mob, mỗi buổi thu hút khoàng 200 người.

"Tôi gọi những nhà thờ này là những nơi bổ dưỡng đức tin. Bạn không thể bước vào mà không có cảm giác gần gũi hơn với một quyền lực cao hơn ", anh nói. 

Một trong những nhà thờ mà họ chọn là nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nằm cạnh con sông Buffalo. Ngôi nhà thờ cổ kính kiểu Gothic từng có một dân số là 800 gia đình trong những năm 1900. Nhưng ngày nay chỉ còn có 50 người già dự lễ
 mỗi Chuá Nhật.

Những câu chuyện giảm dân số như thề thì không lạ, thành phố Buffalo đã từng có một dân số lên tới 580 ngàn người trong năm 1950, bây giờ dân số chỉ còn một nửa.

Theo đà dân số giảm, những ngôi nhà thờ xây dựng bởi những người di dân gốc Ba Lan, Đức, Ái Nhĩ Lan và Ý cũng bị bỏ hoang vì dân chúng đã di dời qua các vùng Ngoại ô rộng rãi hơn.

Được biết Giáo phận Buffalo đã đóng cửa gần 100 nhà thờ trong những năm gần đây vì dân số giảm và các linh mục nghỉ hưu. 

Cha Donald Lutz, chánh xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp , khi được báo cho biết nhà thờ được chọn, ngài vui mừng thốt lên :"It's wonderful!" (thật là tuyệt!

" Nó cho thấy rằng chúng tôi không chỉ là một giáo xứ mà thôi, mà còn là một bộ phận trong gia đình của giáo phận. Chúng ta chăm sóc cho nhau."

" Và," Ngài nói thêm, "nó giúp chúng tôi trả được một vài hóa đơn..."

Ngày Chuá Nhật hôm đó, mọi ghế trong nhà thờ đều chật ních, những người đến muộn phải đứng ở phiá dưới. Bà Elizabeth Barrett, một giáo dân đã 88 tuổi, hồi tưởng lại trong nước mắt những kỷ niệm cuả một nhà thờ đông đảo như vậy khi bà còn bé.

"Bạn phải đi lễ rất sớm khi tôi còn trẻ, vì nhà thờ đông quá", bà nói. "Nhưng bây giờ chỉ còn lại một số rất ít người. Thật khó mà chấp nhận được, nhưng biết làm sao được."

Trong lúc chúc bình an, cha Lutz đã bỏ ra nhiều phút đi lên đi xuống bắt tay từng người một. Sau lễ, Ngài mời mọi người đi qua hội trường để chia sẻ một ly cafe và vài miếng bánh ngọt.

Những người khách thì đi tới với máy ảnh cầm tay, nhắm vào những tấm kính màu rực rỡ được nhập cảng từ nước Áo, và nhất là chiếc bàn thờ bằng cẩm thạch với những công trình điêu khắc tỉ mỉ.
"Thật là tuyệt vời được xem các nhà thờ cũ như thế này. Thật là đẹp!" là lời cuả cô Barbara Mocarski, một thành viên Mass Mob đến từ Lackawanna.

"Được chứng kiến một cộng đồng tụ họp với nhau và được quan tâm đến họ, tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc," cô nói.

Cô Karen Huber đến từ West Seneca thì hy vọng sẽ có nhiều người trẻ tuổi trở lại nhà thờ thường xuyên hơn, chứ không phải chỉ một lần như lần này.

Không rỏ điều ước nguyện cuả cô Huber sẽ thành đạt được bao nhiêu, vì hiện tượng còn mới mẻ quá. Nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy nhiều nơí khác đang manh nha những phong trào tương tự như vậy.

...
 
Vậy thì, một ngày Chuá Nhật đẹp trời nào đó, xin đừng ngạc nhiên khi thấy có hàng trăm bộ mặt lạ tràn ngập giáo xứ cuả bạn với máy ảnh trên tay, nháy lia nháy lịa. Hãy trao cho họ một nụ cười thật tươi. Họ là những Mass Mob tốt lành cả thôi.
 
 
Hiện tượng Mass Mob trở thành một phong trào trên miền 'RỈ SÉT' cuả Hoa Kỳ.
 
Trần Mạnh Trác
 
 
 


Nguồn gốc

Cách đây không bao lâu, chúng tôi đã tường trình trên VietCatholic là một hiện tượng xã hội mới đang xảy ra trong cuộc sống Tôn Giáo ở Hoa Kỳ, đó là hiện tượng Mass Mob.

Nhắc lại, hiện tượng Mass Mob là một hiện tượng đột phát từ giáo dân, họ liên lạc với nhau qua hệ thống thông tin hiên đại, thường là dùng các hệ thống xã hội trên điện thoại di động, để rủ nhau đi dự lễ tại một nhà thờ cổ, hoang phế và thường là nghèo.

Khởi đầu nhờ vào sáng kiến cuả anh Christopher Byrd, 47 tuổi, ở Buffalo, New York. Anh bắt chước những chương trình gọi là Cash Mob (thu tiền chớp nhoáng), là những tổ chức gây quỹ giúp các doanh nghiệp nhỏ ở địa phương bằng cách thu hút thật nhiều khách quen cuả họ 'đổ xô' đến tiệm cùng một lúc. Mass Mob cũng tìm cách thu hút một đám đông lớn, qui tụ về một nhà thờ duy nhất, để tạo ra một bầu không khí hăng hái giống như là một cuộc biểu tình hổ trợ vậy. 

Mục đích là làm sống lại cái khung cảnh giữ đạo cuả tiền nhân trong những nhà thờ cổ đẹp đẽ nghiêm trang. Và nhờ vào cái khí thế cuả sự tập hợp đó, những sinh hoạt tôn giáo điạ phương được cổ võ, đồng thời ngân quĩ cuả giáo xứ cũng được trợ giúp phần nào. (Xin coi note*)

"Sau khi vùng nội thành cuả các thành phố bị bỏ bê, thì những thế hệ sinh ra sau cũng đánh mất đi mối liên hệ với truyền thống của chính mình. Ngày nay thì có nhiều người đang muốn khám phá lại cái nguồn gốc cuả họ" anh Byrd cho biết khi tổ chức buổi Mass Mob đầu tiên ở Buffalo vào cuối tháng 11 năm ngoái.

Sự phát triển lây lan

Thế rồi sau một bài báo cuả hãng AP mô tả sự kiện ở Buffalo ấy, thì những Mass Mobs đã được bắt chước ở nhiều vùng khác như Chicago; Columbus, Ohio; Covington, Ky.; Fairfield County ở Connecticut; Kansas City, Mo.; Manchester, N.H; New Orleans; New York; Philadelphia; Pittsburgh; Rochester; và Wilmington, Del. 

Mức độ thành công được đo lường trên số người tham gia, thường thì ít ỏi lúc ban đầu nhưng, nhờ kiên trì, số tham gia dần dần tăng lên. 

Bà Elizabeth Davis, 47 tuổi, ở Harmony, Pa., sau khi nghe tin về nhóm Buffalo, đã quyết định tổ chức một Mass Mob ở Pittsburgh. Bà dùng mạng Meetup.com và chỉ tụ tập được có 25 người, lần sau ở Acerca tăng lên được 50 ngưởi. Ngày nay, bà đổi kỹ thuật, tìm cách tiếp cận với nhiều nhóm thanh niên Công Giáo và các thành viên của một hội bảo tồn lịch sử. Bà hy vọng sẽ đạt được 150 người tham gia buổi Mass Mob kế tiếp.

Mức thành công lớn nhỏ thì tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan mà người ta chưa phân tích hết được, tuy nhiên có một nhận xét chung là những thành công lớn nhất đã xảy ra ở những thành phố miền Bắc có nạn thất nghiệp cao vì công xưởng đóng cửa và dân cư di dời ra xa thành phố. Người ta gọi những nơi này là vùng Rust Belt (vòng đai rỉ sét).

Ở Michigan, buổi Mass Mob đầu tiên tại nhà thờ St. Hyacinth church chỉ qui tụ được có 150 người mà thôi. Nhưng sau đó đã bùng lên theo 'cấp số nhân', được 400 người ở nhà thờ St. C-harles Borromeo, được 900 người ở nhà thờ St. Joseph, 1,800 người ở nhà thờ Sweetest Heart of Mary và hơn 2,000 ở nhà thờ St. Albertus.

Nhà thờ St Florian ở Hamtramck (vùng Detroit), có sức chứa 1500 người, đã có 2000 'bộ mặt lạ' tới thăm. 

Không đủ ghế ngồi, người ta đứng xen nhau xung quanh các ven tường.

Anh Anthony Battaglia, một thành viên trong ban tổ chức ở Michigan, đã thốt lên rằng một con số tham dự như thế là "ngoài sức hy vọng ngông cuồng của tôi" ("beyond my wildest expectations.") 

St Florian từng là một nhà thờ chính toà cuả những người di cư gốc Ái Nhĩ Lan, xây năm 1908, và từng là một trung tâm văn hoá bản sắc cuả dân tộc Ái Nhĩ Lan. Những năm gần đây thì chỉ còn khoảng 200 người đi lễ mỗi Chuá Nhật mà thôi.

"Người ta cứ kêu ca rằng Giáo Hội đóng cửa nhiều nhà thờ quá, nhưng lý do dễ hiểu là, người ta không chịu đi lễ" Anh Tom Mann, một người khác trong ban tổ chức nói. "khi mà chúng ta có một nhà thờ rộng tới 1500 chỗ ngồi mà chỉ có trên dưới 100 người đi lễ, thì làm sao mà chúng ta có thể giữ nhà thờ đó cho được?" 

Những lý do và hy vọng

Lời cuà anh Mann vô tình nhắc lại một thực tế đau lòng mà Giáo Hội Hoa Kỳ đang phải vật lộn khó nhọc với nó. Lý do cuả một nhà thờ trong nội thành bị bỏ phế thì có nhiều lắm: thí dụ như hiện tượng dời cư ra các vùng ngoại ô giaù có hơn, hoặc hiện tượng người Mỹ di cư về các vùng 'vòng đai mặt trời' có nhiều công việc hơn, nhưng có một lý do quan trọng hơn cả là:

Tỷ số dân Công Giáo đi lễ ngày Chuá Nhật suy giảm.

Lý do là trong ngày Chuá Nhật, càng ngày càng có nhiều hấp dẫn ở bên ngoài nhà thờ.

Thống kê cuả Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng các công việc Mục Vụ (The Center for Applied Research in the Apostolate) cho thấy vào những năm 1960, tỷ số người Công Giáo đi lễ Chuá Nhật thường xuyên là 55%, ngày nay chỉ còn có 24%.

Cho nên khuyến khích người ta đi dự lễ thật nhiều là mục đích của Mass Mob.

"Tham dự vào một thánh lễ đứng chật người, chứ không phải trong một khung cảnh thưa thớt lạnh lẽo. Thì giống như là có một dòng điện phi thường lan tràn qua khắp mọi người." anh Mann nói.

Cái luồng điện đó cũng lây tới linh mục Mirek Frankowski cuả nhà thờ Sweetest Heart of Mary, một giáo xứ có truyền thống Ba Lan.

Đây này, người ta nhộn nhịp kéo nhau đến, bận rộn đi tìm ghế ngồi...rồi thì Thánh Lễ truyền thống Công Giáo La Mã bắt đầu với những bản thánh ca bằng tiếng Ba Lan...Linh mục chủ tế, Cha Mirek Frankowski, đồng thời cũng đóng vai nhạc trưởng cuả giáo xứ, cho biết số đông đã làm cho Ngài không cầm được mước mắt.

"Bởi vì, bạn biết không, một đám đông như vậy, không thể tìm thấy ở bất kỳ nhà thờ nào," Ngài nói. "Nhờ có Mass Mob mà chúng tôi được sống trở lại những tình cảm cuả những năm tháng xa xưa, khi mà nhà thờ có đầy người tham dự."

Bà Nancy Tash, một giáo dân siêng năng ở đây, cũng cho biết bà rất quí mến tổ chức Mass Mob này, và hy vọng người Công Giáo bắt đầu đi nhà thờ trở lại. " Nếu họ không đi lễ, thì ít ra cũng nên gửi tiền về cho giáo xứ," Bà Tash nói thêm. "để cái giáo xứ già nua này có thể sống được."

"Tôi đã thấy người ta đi lễ trở lại" anh Mann cho biết. "ở nhà thờ St. C-harles Borromeo cuả tôi, sau biến cố Mass Mob thì đã có sự gia tăng, tuy là không cao đến 400 người như chúng tôi mong đợi, nhưng thay vì chỉ có 100 người như hồi trước thì nay đã đếm được 150 người mỗi Chuá Nhật".

Những biến dạng

Phần đông các nhà thờ được Mass Mob tổ chức là những giáo xứ vẫn còn hoạt động, tuy nhiên cũng có những nơi đã đóng cửa được giáo phận cho phép đặc biệt để dâng Thánh Lễ. Trong số đó có nhà thờ Chuá Thánh Linh (Holy Ghost) ở Cleveland, là một nhà thờ dành cho những người di dân từ vùng núi Carpathian cuả xứ Romania, ngày nay nhà thờ đã trở thành một trung tâm văn hoá cuả những người Công Giáo theo nghi lễ đông Phương (Byzantine).

Vào đúng ngày Mass Mob thì sân vận động ở gần đó có cuộc chơi cuả đội foot ball nổi tiếng Cleveland Browns. Các quán bar ở gần đều mở âm thanh TV tối đa để thu hút khách.

Nhưng trong nhà thờ, mọi người vẫn dồn mắt vào một tấm hình cổ bằng gỗ, cao 8 thước, trạm trổ vàng, mới được tân trang. Đằng sau bức hình cổ (cuả Đức Mẹ ) là nhiều linh mục với bộ lễ triều lộng lẫy Đông Phương, gồm áo lễ mầu đỏ chỉ vàng (phelonion) mũ đội triều thiên màu đen (kalimavkion) và hát lễ theo cung điệu Slavonic.

"Giống như là được sống lại một lịch sử cổ xưa" theo anh Steven Kalas, 55 tuổi, ở Cleveland." Lễ nghi như thế này thì đep hơn những lễ nghi ngày nay nhiều lắm" Bà Koch, 50 tuổi, ở Mediam Ohio nói vào. Và bà Marguerite Tetkowski, 56 tuổi, ở Cleveland nói thêm, "ít ra thì nhà thờ cũng chưa phải bán đi cho một quán bar"

Nhà thờ St. Albertus Church ở Detroit, nay không còn là một họ đạo nữa và chỉ còn được phép dâng lễ vài lần mỗi năm mà thôi vì đã bán cho hội Bảo toàn lịch sử cuả người Ba Lan (Polish American Historic Site Association) từ năm 1991. Mới đây họ tổ chức Mass Mob để gây quĩ bảo toàn các cửa kính mầu và tranh vẽ.

Cha Eduardo Montemayor, dòng Chuá Ba Ngôi, nhân dịp này cho biết chính Chuá Thánh Linh đã hoạt động trên những người tổ chức và những người tham gia.

"Chuá Giêsu đặt kỳ vọng vào chúng ta để hoán chuyển vùng Detroit," ngài nói. "Chúng ta có thể tái tạo hội thánh Chuá ở Detroit."

Ủng hộ từ giáo quyền

Nhiều giáo phận bắt đầu ủng hộ các nỗ lực Mass Mob cuả giáo dân bằng nhiều cách, như đưa thông tin trên báo chí cuả Địa Phận, hoặc do chính các vị giám mục công khai hoan nghênh các nỗ lực đó.

Đức Tổng Giám Mục Allen H. Vigneron của Detroit đã cho làm một video khuyến khích hiện tượng này. 

"Đây là một sự pha trộn thú vị giữa nhiều cái cũ và cái mới", Đức Tổng Giám mục Vigneron nói. "Sự thúc đẩy được thực hiện bằng những phương pháp mới nhất, là những phương tiện truyền thông xã hội tân tiến, nhưng sản phẩm đạt được thì là một lợi ích đã có từ lâu đời ( trước phương tiện truyền thông.)" 

Ngài nói thêm: "Tôi không lấy làm phiền vì đã có những vấn đề du lịch tò mò xen lẫn trong chương trình ấy (Mass Mob), bởi vì do đó mà người ta được dẫn đưa tới Thiên Chúa và tới với nhau".

...

Sự ủng hộ cuả giáo quyền thúc đẩy sự tham gia. Thí dụ anh Anthony Battaglia, làm việc truyền thông ở một hãng, cho biết anh đã nẩy sinh ra cái ý tưởng tổ chức Mass Mob nhờ đọc một bài báo cuả địa phận Detroit và đã quyết định tham gia.

Bài báo viết rằng " Chúng ta cần có một tổ chức giống như Buffalo ở Detroit này, điều chúng ta cần là có một ai đó dám đứng ra tổ chức mà thôi".

Anh Battaglia đã tự nghĩ "ừ mình có căn bản làm truyền thông mà. Tại sao mình không là con người đó?"


Note*: về mặt tài chính, số tiền thu được qua những buổi Mass Mob là đáng kể, thí dụ nhà thờ Sweetest Heart of Mary nói trên thu được $23,000, một số tiền lớn bằng 11 tuần. Còn nhà thờ St. Florian thì thu được $19,000, bằng 10 tuần.
 

Tác giả bài viết: Trần Mạnh Trác

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập115
  • Hôm nay14,491
  • Tháng hiện tại271,234
  • Tổng lượt truy cập35,917,579
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây