SUY NIỆM LỄ CHÚA BA NGÔI

Thứ tư - 11/06/2014 23:15

SUY NIỆM LỄ CHÚA BA NGÔI

Trong cuộc đời, có nhiều điều lạ lùng mà trí khôn hạn hẹp của người không bao giờ có thể hiểu thấu. Để diễn tả những thực tại lạ lùng ấy, cha ông chúng ta ngày xưa đã thách: Đố ai biết núi mấy cây, biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng. Đố ai quét sạch lá rừng, để ta khuyên gió, gió đừng rung cây. Đố ai biết đá mấy hòn, tua rua mấy chiếc, trăng tròn mấy đêm. Đố ai tát bể Đông khô, tất sông Bồ Đề, nhổ mạ cấy trên.
SUY NIỆM LỄ CHÚA BA NGÔI
Lời Chúa: Xh 34,4b-6.8-9; 2Cr 13,11-13; Ga 3,16-18
 
MỤC LỤC
1. Chúa Ba Ngôi 2
2. Mặt trời ban sự sống. 4
3. Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt 6
4. Thiên Chúa yêu thế gian. 9
5. Huyền nhiệm tình yêu – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền. 12
6. Thiên Chúa là nguồn yêu thương. 15
7. Con búp bê và biển cả. 25
8. Chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi – R. Veritas. 28
9. Trao ban tất cả vì yêu thương – Lm. Trần Ngà. 30
10. Lễ Chúa Ba Ngôi – R. Veritas. 33
11. Thiên Chúa Ba Ngôi: tình yêu tuyệt hảo. 35
12. Trí khôn và ý muốn. 37
13. Ba Ngôi 40
14. Tình yêu. 43
15. Dòng sông. 45
16. Sống hoà nhịp. 47
17. Kẻ nội thù. 49
18. Chú giải của Noel Quesson. 53


1. Chúa Ba Ngôi


 
Trong tất cả mọi thực tại tuyệt diệu khó hiểu của cuộc sống con người, có lẽ tình yêu là khó hiểu nhất: Đố ai cắt nghĩa được tình yêu, có nghĩa gì đâu một buổi chiều…Tình yêu của con người mà còn khó hiểu, thì tình yêu của Thiên Chúa lại càng khó hiểu hơn gấp ngàn vạn lần. Bởi vì, Thiên Chúa được gì khi tạo dựng nên chúng? Tại sao Chúa lại phải chịu chết để cứu chuộc chúng ta? Chỉ có tình yêu đích thực vô biên và vô vị lợi mới trao ban sự sống và tận hiến tất cả.
 
Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay cho chúng ta thấy được mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Và theo sự diễn tả của thánh Gioan, thì từ nguyên thủy đã có tình yêu và tình yêu qui hướng về Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa chính là tình yêu. Và tình yêu đã nhập thể, đến sống giữa chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã tỏ lộ ra cho loài người, như là Con Thiên Chúa. Đồng thời, trong Ngài chúng ta nhận Thiên Chúa là Cha và Chúa Thánh Thần như là người mẹ trao ban sự sống. Tuy chỉ là một, nhưng Ngài lại có Ba Ngôi, đó là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
 
Chúa Cha là Đấng hướng dẫn toàn bộ cuộc sống con người và lịch sử thế giới. Chính Ngài đã trao ban cho Chúa Con sức mạnh dẫn đưa con người và thế giới trở về với Ngài, theo chương trình tình yêu nguyên thủy của thời tạo dựng.
Khi vâng lời Chúa Cha trong mọi sự, Chúa Con sửa chữa cho nhân loại khỏi án phạt sự chết và khỏi một cuộc sống xa lìa Thiên Chúa, cũng như nổi loạn chống lại thánh ý Ngài. Đồng thời, Chúa Cha còn hướng dẫn cuộc sống của các Kitô hữu và của Giáo Hội, dân riêng mới của Ngài, qua sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng trợ giúp con người hiểu biết sự thật toàn vẹn. Nghĩa là hiểu biết và chấp nhận chương trình yêu thương và cứu độ mà Thiên Chúa đã có đối với con người và thế giới.
 
Tuy nhiên, ở đây cũng như trong thời tạo dựng, Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng sự tự do của mỗi người chúng ta. Ngài để cho chúng ta được tự do quyết định chấp nhận hay khước từ chương trình cứu độ đầy yêu thương ấy. Chính vì thế, như một câu danh ngôn đã bảo: Hãy tự cứu lấy mình, rồi trời sẽ cứu. Con người nắm giữ vận mạng trong chính lòng bàn tay của mình. Hay như lời thánh Augustinô đã nói: Khi tạo dựng nên chúng ta, Thiên Chúa không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu độ chúng ta, Ngài cần chúng ta ưng thuận và cộng tác với Ngài, bởi vì Ngài sẽ không thể cứu độ chúng ta, nếu như chính bản thân chúng ta lại không muốn.
 

2. Mặt trời ban sự sống

Một vị linh mục đang chờ máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất, thì một người đàn ông đến ngồi bên cạnh và bắt đầu đề cập tới vấn đề tôn giáo, ông nói:
-         Tôi không thể nào chấp nhận được những điều tôi không hiểu, chẳng hạn như vấn đề Chúa Ba Ngôi hay bất cứ vấn đề nào giống như thế. Chẳng ai có thể cắt nghĩa cho tôi, nên tôi sẽ không bao giờ tin.
Chỉ vào một luồng ánh sáng chiếu qua khung cửa kính, vị linh mục hỏi:
-         Ông có tin mặt trời không nhỉ?
Ông ta trả lời:
-         Dĩ nhiên là có.
Vị linh mục nói tiếp:
-         Phải, ánh sáng ông thấy qua cửa sổ, xuất phát từ mặt trời cách đây 150 triệu cây số. Sức nóng chúng ta cảm nhận được cũng xuất phát từ mặt trời. Đối với Chúa Ba Ngôi, một phần nào cũng tương tự như thế. Mặt trời là Chúa Cha. Từ mặt trời mà có ánh sáng, cũng như từ Chúa Cha mà có Chúa Con. Rồi từ Chúa Cha, Chúa Con mà có Chúa Thánh Thần, cũng như từ mặt trời, từ ánh sáng mà có sức nóng. Ông hiểu thế nào về mặt trời, ánh sáng và sức nóng. Thì một phần nào tương tự như thế, ông hiểu về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
 
Hôm nay chúng ta tụ hợp nơi đây để chúc tụng và tôn vinh Chúa Ba Ngôi. Trước hết chúng ta phải chấp nhận, đó là một chân lý, một mầu nhiệm không ai có thể hiểu thấu. Sở dĩ chúng ta biết được phần nào là do Chúa Giêsu đã nói với chúng ta, như lời Ngài đã phán trong Tin Mừng: “Các con hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”.
 
Mặt trời là nguồn năng lượng vật chất thế nào thì Chúa Ba Ngôi cũng là nguồn sống thiêng liêng cho chúng ta như vậy. Mặt trời chiếu toả ánh sáng thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng soi sáng tâm hồn chúng ta như vậy. Mặt trời đem đến sức nóng để sưởi ấm vạn vật thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng sẽ đem lại sức nóng thiêng liêng để sưởi ấm, đó là tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh em đồng loại. Mặt trời tiêu diệt vi khuẩn chữa lành bệnh tật thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng sẽ khử trừ những thói hư tật xấu và loại trừ tội lỗi ra khỏi tâm hồn và cuộc đời chúng ta như thế. Mặt trời đem lại cho chúng ta niềm vui cho chúng ta thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc vĩnh cửu như thế.
 
Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý: Chúa Ba Ngôi không phải là một nguồn năng lượng vô hồn nhưng là những ngôi vị sống động, thông biết và yêu thương. Với Ngài, chúng ta có thể kêu cầu như chúng ta vốn đã thường làm, mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá, đọc kinh Sáng Danh, hay như lát nữa đây, chúng ta cùng nhau hát kinh Tin Kính...
 
Cùng với lời tuyên xưng chúng ta hãy sống gắn bó mật thiết với các Ngài, để rồi các Ngài sẽ ra tay nâng đỡ phù trợ cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
 
 

3. Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

THIÊN CHÚA TÌNH YÊU
Một bạn trẻ hỏi tôi: “Thưa Cha, tại sao đạo Phật khi xây chùa thì chọn những nơi rừng núi thâm u, xa hẳn thị thành, còn đạo Công Giáo khi xây nhà thờ lại chọn những nơi dân cư đông đúc, phồn hoa đô hội?” Tôi trả lời: “Bạn quả là có con mắt nhận xét. Việc xây cất chùa chiền, nhà thờ như vậy, thực ra, phát xuất từ quan niệm nền tảng của đạo. Đạo Phật là đạo xuất thế. Đức Phật vì thấy những cảnh khổ ở đời trong sinh, lão, bệnh, tử nên đã tìm môt con đường mong giải thoát chính mình và nhân loại khỏi cảnh khổ não ở đời. Vì thế Ngài đã từ giã cung đình, rũ sạch bụi trần, xa lánh phồn hoa. Trái lại đạo Công Giáo là đạo nhập thế. Thiên Chúa thấy con người trầm luân khổ ải nên chạnh lòng thương, đã sai Con Một là Chúa Giêsu xuống trần để cứu độ chúng sinh. Chúa Giêsu xuống trần không chỉ là nhập thế, mà còn hoá thân một người nghèo sống giữa người nghèo, người tội lỗi để đưa mọi người về với Chúa, đó là nhập thể. Có thể nói đạo Công Giáo diễn tả việc Thiên Chúa đi tìm con người.
 
Thiên Chúa đi tìm con người vì Thiên Chúa yêu thương con người. Không yêu thương thì chẳng việc gì phải đi tìm. Đi tìm tức là có quan tâm. Xa vắng thì nhớ. Thấy khổ vì thương. Vì thương, vì yêu nên phải cất bước đi tìm.
 
Không phải Thiên Chúa chỉ yêu thương khi con người gặp đau khổ. Thực ra Thiên Chúa đã yêu thương con người từ trước, từ khi chưa có con người. Vì Thiên Chúa là tình yêu thương.
 
Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu thì không thể sống đơn độc nên phải có Ba Ngôi. Vì yêu thương không chỉ là cho đi nhưng còn là nhận lãnh. Muốn cho đi, phải có đối tượng để nhận lãnh. Muốn nhận lãnh cũng đòi phải có người sẵn sàng cho đi. Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên Thiên Chúa là Ba Ngôi để có thể cho đi và nhận lãnh.
 
Thiên Chúa là tình yêu tuyệt hảo nên sự cho đi và nhận lãnh ở nơi Ba Ngôi Thiên Chúa cũng đạt đến mức tuyệt hảo. Thiên Chúa Cha trao ban cho Chúa Con tất cả những gì mình có, nên Chúa Con là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha, đến nỗi Chúa Giêsu có thể nói: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy, Thầy và Cha là một”. Vì yêu, Chúa con dâng lại cho Chúa tất cả những gì mình nhận lãnh. Việc hiến dâng này ta thấy rõ trong thái độ khiêm tốn, tự hạ, vâng phục vô biên của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha. Chúa Giêsu đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Chúa Giêsu đã quả quyết: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu”. Và Người đã vì Chúa Cha mà hiến mạng sống.
 
Thiên Chúa là tình yêu tuyệt đối. Tình yêu ấy không chỉ đóng kín nơi bản thân mình. Cũng không chỉ dừng lại ở một đối tượng hạn hẹp. Nhưng vượt mọi ranh giới, lan toả đến mọi góc biển chân trời. Ba Ngôi Thiên Chúa là một bầu trời tình yêu hạnh phúc. Nhưng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa không chỉ thu gọn trong cộng đoàn Ba Ngôi, mà lan toả đến khắp vũ trụ, ấp ủ cả thế giới, nâng niu cả sinh linh vạn vật. Ba Ngôi là một lò lửa tình yêu. Lò lửa tinh luyện tình yêu càng ngày càng phong phú, là nguồn mạch của mọi tình yêu trên đời.
 
Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi như thế không xa vời. Trái lại rất gần gũi, thiết thân với đời sống chúng ta, là nguồn mạch sự sống của ta, là khuôn mẫu ta phải noi theo, là cùng đích ta phải đạt tới.
 
Ta ra đời là do tình yêu của Thiên Chúa. Có thể nói nhân loại là kết tinh của tình yêu Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã nói: “Ta hãy tạo dựng con người giống hình ảnh Ta”. Thiên Chúa là tình yêu. Con người giống Thiên Chúa vì có trái tim biết yêu thương. Cây cỏ không có trái tim biết yêu thương. Cầm thú không có khả năng yêu thương. Chỉ có con người mới có khả năng yêu thương vì con người giống Thiên Chúa.
 
Nhưng tình yêu ở nơi con người chưa hoàn hảo vì còn chen lẫn nhiều ích kỷ, hận thù, ghen ghét. Vì thế con người còn phải thanh luyện cho tình yêu ngày càng thêm tinh tuyền, thêm quảng đại, thêm phong phú. Càng yêu thương con người càng nên giống Thiên Chúa. Càng quảng đại con người càng gần với trái tim Thiên Chúa. Càng quên mình con người càng tham dự vào sự sống Thiên Chúa.
 
Được sinh ra trong tình yêu nên con người phải sống bằng tình yêu. Như thế con người mới sống trọn định mệnh đời mình. Như thế con người mới đạt được cùng đích đời mình là sống hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của Thiên Chúa Ba Ngôi.
 
Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, là nguồn mạch tình yêu, là sự sống sung mãn, là thiên đàng hạnh phúc, con đã được sinh ra trong tình yêu của Chúa. Xin cho con biết sống tình yêu hy sinh theo gương Chúa Giêsu Kitô, để con được kết hợp với Chúa, sống chan hoà hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của Chúa.
 
GỢI Ý CHIA SẺ
1.     Thiên Chúa là tình yêu. Bạn cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa thế nào?
2.     Bạn có là hình ảnh tình yêu của Thiên Chúa chưa?
3.     Bạn làm gì để sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi?

4. Thiên Chúa yêu thế gian

(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Có một điều thường khiến các bạn trẻ băn khoăn, đó là làm sao nhận ra một tình yêu chân thực, làm sao không bị chóa mắt bởi những ảo ảnh, không bị lừa dối bởi những ngọt ngào, để rồi vỡ mộng. Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho ta một số tiêu chuẩn, khi mời ta nhìn vào tình yêu của Thiên Chúa.
 
Tình yêu chân thực là tình yêu hiến trao: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một của Người..." Không phải chỉ là trao một quà tặng, hay một cái gì ở ngoài mình, nhưng là trao đi một điều thiết thân và quý báu. Điều quý báu nhất của Thiên Chúa Cha là người Con Một của Ngài, Đức Giêsu Kitô. Khi trao cho chúng ta Đấng bị treo trên thập giá, Thiên Chúa đã trao cho ta chính bản thân Ngài. Ngài chấp nhận Con Ngài phải chết để nhân loại được sống.
 
Tình yêu chân thực chẳng hề biết giữ lại cho mình. Tình yêu chân thực là tình yêu chia sẻ, tình yêu mong hạnh phúc cho người mình yêu: "... để bất cứ ai tin vào Người Con ấy thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời."
 
Sự sống muôn đời đã bắt đầu từ đời này. Được sống là được đưa vào thế giới thần linh, được chia sẻ hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa không muốn cho ai phải trầm luân. Nếu có ai hư mất hay bị luận phạt thì không phải là vì Thiên Chúa độc ác, nhưng chỉ vì Ngài tôn trọng tự do con người. Con người có thể tin hay từ chối, mở ra hay khép lại trước sự sống được trao ban.
 
Thánh Gioan đã dám định nghĩa Thiên Chúa là Tình Yêu. Một Tình Yêu chia sẻ chan hoà giữa Ba Ngôi: Cha trao tất cả cho Con, Con dâng tất cả cho Cha. Thánh Thần là sự thông hiệp giữa Cha và Con.
 
Một Tình Yêu tràn ngập cả vũ trụ: Thiên Chúa là Tình Yêu sáng tạo khi Ngài dựng nên con người theo hình ảnh Ngài; Ngài là Tình Yêu cứu độ khi Ngài muốn thứ tha cho ta qua Đức Giêsu; Ngài là Tình Yêu thánh hóa khi Ngài muốn ban cho ta sức sống mới trong Thánh Thần.
 
Chúng ta sẽ mãi mãi xa lạ với Thiên Chúa nếu chúng ta xa lạ với tình yêu.
-         "Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa" (1Ga 4,8).
-         Ai không ở lại trong tình yêu thì cũng không ở lại trong Thiên Chúa (x. 1Ga 4,16).
·        Ước gì đời ta được tưới gội bởi Tình yêu, để mọi việc chúng ta làm đều bắt nguồn từ Tình yêu và quy hướng về Tình yêu.
·        Ước gì chúng ta làm chứng cho Thiên Chúa Tình yêu bằng một đời sống hiến trao và chia sẻ.
 
Gợi Ý Chia Sẻ
·        Tình yêu là hai từ được sử dụng khắp nơi. Điều mà người ta thường gọi là tình yêu, thực ra chỉ là sự chiếm đoạt của bản năng ích kỷ. Theo bạn, thế nào là tình yêu thực sự đáng tin? Làm sao nhận ra tình yêu đó?
·        Có khi nào bạn cầu nguyện với từng Ngôi Cha, Con và Thánh Thần không? Bạn biết gì về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần?
 
Cầu Nguyện
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
 
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
 
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
 
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
 
Lạy Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng.
-         Xin cho các Kitô hữu chúng con trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới.
-         Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.
 
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
Xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con và trong lòng từng con người bé nhỏ.

5. Huyền nhiệm tình yêu – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

Thiên Chúa là tình yêu. Đó là chân lý, là lời khẳng định của thánh Gioan Tông đồ được ghi lại trong sách Tin Mừng. Thực vậy, sách Tin mừng được xem là lá thư mà Thiên Chúa đã tỏ tình với con người qua suốt dọc dài lịch sử của ơn cứu độ. Tình yêu đó được tỏ bày qua từng biến cố của dòng đời để dần dà với thời gian con người mới khám phá ra tình yêu của một vì Thiên Chúa nhưng được thực hiện qua 3 cách thức khác nhau. Ngài đã tỏ mình là một vì Thiên Chúa là Cha qua công trình sáng tạo vũ trụ vạn vật và Ngài còn tiếp tục thi thố tình thương đó qua sự quan phòng đầy kỳ diệu của quyền năng Thiên Chúa. Ngài đã tỏ tình yêu của mình qua Ngôi Hai Thiên Chúa mang lấy thân phận con người để có thể cùng chia sẻ những thăng trầm nổi trôi của cuộc sống con người. Ngôi Hai Thiên Chúa đã ghi dấu tình yêu vĩnh cửu của mình qua cái chết thập tự giá để nói lên một tình yêu vô bờ bến mà Ngài dành cho con người. Vì "không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người dám thí mạng sống vì người mình yêu". Với Ngôi Ba Thiên Chúa, tình yêu của Ngài luôn đầy tràn trong cuộc đời các tín hữu để thánh hoá con người làm con cái Thiên Chúa và trở thành đền thờ cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị.
 
Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, là dịp để chúng ta tạ ơn tình thương của Chúa vẫn luôn bao phủ trên cuộc đời chúng ta. Chúa cho chúng ta được sinh ra làm người và làm con cái Thiên Chúa. Chúa luôn quan phòng gìn giữ chở che cuộc đời chúng ta "như con ngươi trong mắt Ngài". Chúa biết rõ từng cuộc đời chúng ta như mục tử biết từng con chiên. Chúa vẫn ngàn đời tín trung với tình yêu ban đầu, vì cho dầu "như người cha người mẹ có bỏ con cái, còn Ta cũng không bao giờ bỏ các ngươi". Tình thương đó Chúa muốn mời gọi chúng ta đón nhận với lòng tri ân và cũng biết trao lại tình yêu đó cho tha nhân. Vâng, có lẽ, điều Chúa muốn nơi chúng ta chính là hãy hoạ lại chân dung tình yêu của Chúa cho anh em. Vì con người là "hoạ ảnh của Chúa", nên con người phải biết sống yêu thương. Yêu thương sẽ làm chúng ta giống Chúa hơn. Yêu thương sẽ giúp chúng ta sống hoàn thiện con người mình hơn. Chính tình yêu phục vụ tha nhân sẽ là cách chúng ta đáp đền tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.
 
Người ta kể rằng: Ngày kia, tại một ngôi làng nhỏ ở Miền Nam Trung Quốc, một em bé gái tiều tụy, đói rách và mang bệnh phong hủi bị dân làng dùng gậy gộc và gạch đá xua đuổi ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của em. Giữa cảnh hỗn loạn ấy, một nhà truyền giáo xông ra ẵm em bé trên tay để bảo vệ em khỏi những trận đòn và những viên gạch đá ném bừa bãi vào tấm thân bé bỏng của em.
 
Thấy có người mang em bé đi, dân làng mới chịu rút lui, nhưng miệng vẫn còn gào thét: "Phong hủi! Phong hủi!" Với những giọt nước mắt lăn tròn trên đôi má, lần này là những giọt nước mắt vui mừng chứ không phải là những giọt lệ sầu đau, em bé hỏi vị cứu tinh của mình:
-         Tại sao ông lại lo lắng cho con?
Nhà truyền giáo đáp:
-         Vì Ông Trời đã tạo dựng nên cả hai chúng ta. Và cũng vì thế em sẽ là em bé gái của ta và ta sẽ là người anh lớn của em bé.
Suy nghĩ hồi lâu, em bé cất tiếng hỏi:
-         Con có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn sự cứu giúp của ông?
Nhà truyền giáo mỉm cười đáp:
-         Con hãy trao tặng cho những người khác tình yêu của con, càng nhiều càng tốt.
Kể từ ngày ấy cho đến ba năm sau, khi em bé gái tắt hơi thở cuối cùng, em đã vui vẻ băng bó các vết thương cho những bệnh nhân khác, ân cần đút cơm cho họ, nhất là em luôn tỏ ra dễ thương và yêu mến tất cả mọi người trong trại.
Lúc từ giã cõi đời, em bé chỉ mới tròn mười một tuổi. Các bệnh nhân đã từng chung sống với em kháo láo với nhau rằng:
-         "Bầu trời nhỏ bé của chúng ta đã về trời!"
 
Vâng, con hãy trao tặng cho người khác tình yêu của con phải chăng cũng là sứ điệp mà lễ Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng ta? Hãy sống cho tha nhân. Hãy trao tặng cho nhau một nụ cười cảm thông. Một cái bắt tay thân mật. Một nghĩa cử bác ái đầy tình người. Hãy sống cho anh em của mình một cách quảng đại. Hãy là chứng nhân cho tình yêu của Chúa giữa một thế giới mà con người đang xa dần nhau vì quyền lợi bản thân, vì bon chen và hưởng thụ. Hãy giới thiệu cho nhân thế một tình yêu tinh ròng không bị hoen ố bởi những toan tính ích kỷ, tầm thường. Hãy giới thiệu cho thế giới một tình yêu hy sinh đến quên cả chính mình cho người mình yêu được hạnh phúc.
 
Nguyện xin Chúa Ba Ngôi là suối nguồn tình yêu dẫn chúng ta đi sâu vào huyền nhiệm tình yêu của Chúa để chính chúng ta cũng biết thở ra hơi ấm tình thương cho anh em của mình. Amen.

6. Thiên Chúa là nguồn yêu thương

(Suy niệm của Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
A. DẪN NHẬP.
Chúng ta có thể tuyên xưng với người Do thái giáo và Hồi giáo rằng: Chúng tôi tin một Thiên Chúa duy nhất, Đấng Tạo Hóa, Chủ Tể vũ trụ. Nhưng là người Kitô hữu, được Chúa Kitô soi sáng, chúng ta còn tin Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đó là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm nền tảng của đức tin chúng ta.
 
Không ai biết được Thiên Chúa nếu Ngài không mạc khải cho. Trong thời Cựu ước, loài người chỉ được biết có sự hiện hữu của một Thiên Chúa Giavê, Ngài là Đấng hằng hữu, nhưng còn Thiên Chúa Ba Ngôi thì chính Chúa Giêsu mạc khải cho trong thời Tân ước này. Theo mạc khải đó, chúng ta biết được có sự hiện hữu của Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần. Ngài là nguồn yêu thương và bình an, là gương mẫu tuyệt hảo của sự hiệp nhất. Chúng ta hân hạnh được làm con Chúa Ba Ngôi để dám gọi Ngài là Cha: “Cha ơi”. Đáp lại vinh dự đó, chúng ta phải yêu mến Ngài hết lòng và tuyên xưng danh Ngài cho đến tận cùng thế giới.
 
Giáo hội muốn dành riêng một ngày Chúa nhật trong năm Phụng vụ để đặc biệt tôn kính và tim hiểu mầu nhiệm lớn lao này. Chúng ta sẽ không bao giờ thấu hiểu được Chúa Ba Ngôi như thánh Augustinô đã làm, nhưng chúng ta biết Chúa Ba Ngôi là khuôn mẫu của sự yêu thương và hiệp nhất. Trong cuộc sống hằng ngày Chúa Ba Ngôi vẫn ngự trị và hành động trong chúng ta, do đó, chúng ta phải tôn kính Ngài, học đòi bắt chước Ngài mà sống yêu thương và phục vụ.
 
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
1. Bài đọc 1: Xh 34, 4-6.8-9.
Qua đoạn sách Xuất hành hôm nay, chúng ta biết, Thiên Chúa là Đấng giầu lòng thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung. Chính Thiên Chúa đã giải thoát Israel khỏi ách nô lệ Ai cập, nhưng dân Chúa lại phản bội Ngài, đi thờ con bò vàng thay Chúa. Tuy thế, qua lời cầu xin của ông Maisen, Thiên Chúa đã tha thứ cho họ và vẫn trung thành thi hành giao ước đối với họ.
 
Ngay từ thời Cựu ước, Thiên Chúa đã mạc khải cho thấy Ngài là một vì Thiên Chúa của tình yêu. Trong thời Tân ước, việc mạc khải được sáng tỏ hơn với việc Thiên Chúa sai Con Một của Ngài đến cứu độ trần gian là Đức Giêsu Kitô.
 
2. Bài đọc 2: 2Cr 13,11-13.
Thánh Phaolô, dựa vào niềm tin: Thiên Chúa là nguồn tình yêu và bình an, đã mời gọi các tín hữu Côrintô hãy vui lên vì mọi người đã được cứu chuộc và được làm con Chúa để mọi người không còn sợ sệt mà dám gọi Thiên Chúa là Cha:”Cha ơi”.
 
Vì trong cộng đoàn Côrintô có sự lộn xộn bất hoà với nhau, nên thánh Phaolô đã viết thư cảnh cáo và khuyên bảo họ hãy sống đoàn kết thương yêu nhau ; đồng thời cũng cầu chúc họ được tràn đầy ân sủng của Chúa Ba Ngôi.
 
3. Bài Tin mừng: Ga 3,16-18.
Bài Tin mừng hôm nay nhắc lại tư tưởng đã được đề cập trong bài Cựu ước ở trên: Thiên Chúa là tình yêu, là Đấng giầu lòng thương xót. Tình yêu Thiên Chúa được diễn tả cách cụ thể trong Tân ước: Thiên Chúa tỏ ra là Thiên Chúa yêu thương đã ban Người Con duy nhất cho trần gian, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Điều đó buộc mọi người phải tin vào Con Thiên Chúa, ai không tin thì sẽ bị lên án.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Ba Ngôi yêu thương và hiệp nhất.
1. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Đã là mầu nhiệm thì không thể hiểu thấu được, nhất là mầu nhiệâm Thiên Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm lớn trong Đạo. Câu chuyện của thánh Augustinô sẽ soi sáng thêm cho chúng ta về vấn đề này: Sau một đời ăn chơi trụy lạc và chạy theo tà thuyết, Augustinô đãõ tìm về với Kitô giáo. Ngài được xem là điển hình của một sự khao khát và tìm kiếm không ngừng. Điều đó được thể hiện qua một giai thoại như sau:
 
Augustinô thuộc khuynh hướng của những người cho rằng với kiến thức và nỗ lực tìm kiếm, con người có thể múc cạn chân lý về Thiên Chúa. Một hôm, đi dọc theo bờ biển, đầu óc miên man nghĩ đến những bí ẩn về Thiên Chúa, tình cờ Ngài gặp một cậu bé đang ngồi chơi trên cát. Nó dùng một mảnh sò để đào một lỗ nhỏ trên cát, rồi dùng vỏ sò# ấy múc nước biển đổ vào.
 
Nhưng dã tràng xe cát Biển đông, nó cứ đổ nước vào cái lỗ mà vẫn không bao giờ đầy. Ngạc nhiên về cử chỉ của đứa bé, thánh nhân nấn ná gợi chuyện. Ngài hỏi nó đang làm gì, đứa bé trả lời không chút do dự:
-         Thưa ông, cháu đang dùng vỏ sò này để tát cho cạn nước bể đại dương.
Thánh nhân lắc đầu bảo nó:
-         Cháu không thể làm được chuyện đó đâu.
Đứa bé ngước lên và mỉm cười nói:
-         Múc cạn nước đại dương để đổ đầy cái lỗ này còn dễ hơn múc cạn mầu nhiệm về Thiên Chúa.
Thánh Augustinô chợt hiểu được một chân lý: Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được.
(D.Wahrheit, Tìm về cõi phúc, tr 68).
] Thiên Chúa là một mầu nhiệm. Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vĩ đại. Khi học giáo lý, ta đã học thuộc lòng về các mầu nhiệm, trong đó có 3 mầu nhiệm lớn nhất trong Đạo:
. Mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể.
. Mầu nhiệm Ngôi Hai cứu chuộc.
. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
 
] Ta không thể biết mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mà hoàn toàn do Chúa Giêsu mạc khải cho trước khi Ngài về trời, khi Ngài phán:”Mọi quyền năng trên trời dưới đất đều được ban cho Thầy. Vậy anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,18-19)
 
] Đây quả là một mầu nhiệm thẳm sâu, chúng ta không thể nào diễn tả được mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, nhưng trong vũ trụ thiên nhiên chúng ta có thể lấy được nhiều hình ảnh cụ thể dùng lối loại suy để hiểu về Chúa Ba Ngôi: Khi thuyết giảng tại công viên Hyde Park, Frank Sheed đã dùng mưa rơi để cố gắng giúp người ta hiểu được sự vừa đơn nhất vừa đa dạng của Ba Ngôi. Ông thường nói:”Nước đang rơi đây thực là nuớc nhưng nó có thể hiện hữu dưới ba dạng: thể hơi, thể rắn và thể lỏng – nghĩa là dạng hơi nước, dạng băng và dạng nước mưa đang rơi đây”.
 
Dĩ nhiên tất cả mọi cách loại suy đều không thể nói lên tất cả thực tại, tuy nhiên chúng ta có thể thấy được chủ ý của Frank muốn nói là không phải có ba loại nước, mà chỉ có một loại nước nhưng nó hiện hữu trong ba dạng khác nhau. Chúng ta có thể nghĩ về Thiên Chúa một cách tương tự như thế.
 
Một phương pháp khác giúp ta hiểu được sự vừa đơn nhất vừa đa dạng của Ba Ngôi là ví dụ mà thánh Ignatiô Loyola thường dùng. Có lần trong lúc cầu nguyện, Ngài bỗng nhận ra Ba Ngôi dưới hình dạng ba nốt nhạc tạo nên một hợp âm duy nhất. Và cuối cùng, chúng ta cũng thấy thánh Patrick thường dùng ba lá của loại xa trục thảo (3 lá ghép thành một) để diễn tả ý niệm Ba Ngôi.
 
Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng tất cả những điều nói trên vào hành động cụ thể? Chúng ta có thể làm gì để Ba Ngôi sống động hơn trong cuộc sống riêng tư của chúng ta? Có phương pháp mà một số người cho là hữu ích đó là cầu nguyện mỗi tối trước khi đi ngủ. Họ dùng ba phút để hồi tâm về một ngày vừa chấm dứt...
(M. Link. Giảng lễ Chúa nhật, năm A, tr 179-180)
 
2. Bài học rút ra từ Chúa Ba Ngôi.
Nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi thì không bao giờ cùng. Các nhà thần học có nghiên cứu, có tìm hiểu đến đâu, có tranh luận đến khô bọt mép đi nữa thì cuối cùng cũng chỉ đi đến một kết luận chung: TÔI TIN”, vì đây là một mầu nhiệm cao cả trong Đạo mà! Ngay trong thế giới tâm linh của con người cũng còn có biết bao điều bí ẩn lớn lao mà không khám phá ra như người ta vẫn nói:
Dò sông dò biển dễ dò,
Nào ai lấy thước mà đo lòng người. (Ca dao)
 
Có ai dám tự phụ cho rằng mình hoàn toàn hiểu được chính mình không? Khi hai người khác phái được kết hợp với nhau trong hôn nhân, tình vợ chồng dù có thâm sâu đến đâu, cũng không bao giờ con người có thể hiểu được tường tận người phối ngẫu của mình. Mãi mãi cho đến bên kia cõi chết, mỗi người vẫn là một mầu nhiệm đối với nhau.
 
Nếu những bí ẩn của đời sống con người còn chưa hiểu hết được, làm sao ta có thể hiểu tường tận mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi? Ta chỉ có thể rút ra được vài bài học từ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi để áp dụng vào cuộc sống của ta.
a) Bài học về yêu thương.
Thánh Gioan tông đồ đã khẳng định:”Thiên Chúa là Tình thương” (1Ga 4,8). Thánh Grêgôriô Cả nói:”Để giữ vững cương vị thì tình thương phải lan tràn sang người khác”. Nói khác đi, tình thương phải bắt nguồn nơi mình và phải kết thúc nơi người khác, chẳng vậy nó chỉ còn là ích kỷ chứ không còn là tình thương nữa.
 
Bài Tin mừng hôm nay bắt đầu bằng câu:”Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Con Một Người sẽ không phải chết mà còn được sống đời đời “(Ga 3,16). Yếu tính của tình thương là CHO ĐI và KẾT HỢP. Yêu tức là CHO tất cả. Thiên Chúa yêu thương loài người và đã cho loài người tất cả: trời đất, núi non, sông biển cùng với muôn vàn tạo vật. Thiên Chúa còn cho loài người sự sống – một thứ chỉ có Người mới cho được. Thiên Chúa cho loài người một linh hồn – một thứ làm cho loài người nên giống Thiên Chúa (Rm 8,17).
 
Thiên Chúa đã ban cho loài người tất cả rồi. Còn một điều cao qúi nhất mà Thiên Chúa cũng ban, đó là ban chính Con Một Người:”Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một Người cho thế gian”.
 
Chúng ta biết do đức tin: Thiên Chúa là Đấng duy nhất nghĩa là chỉ có một bản thể, trong bản thể ấy lại có Ba Ngôi – Ba Ngôi đúc lại thành một Thiên Chúa duy nhất. Thiên Chúa yêu thương thế gian... cho nên đã phó Con Một Người cho thế gian, nghĩa là đã ban trót mình cho thế gian. Không những ban Chúa Con là ngôi thứ Hai mà là ban chính mình, trong đó gồm cả bản tính Thiên Chúa ở trong Ba Ngôi, cho nên ban Con Một Người tức là đã ban tất cả Thiên Chúa – tất cả mình – và chính mình cho thế gian. Và như vậy là Thiên Chúa đã THƯƠNG thế gian, và đã giữ đúng nghĩa chữ THƯƠNG là cho TẤT CẢ.(Lm Nguyễn duy Tôn, Lời Chúa, năm A, t II, tr 9)
Truyện: Tình yêu hiến thân.
Ngày 20.06.1980, chị Brown, một người mẹ trẻ vừa từ trần vì chứng bệnh ung thư khi mới 25 tuổi. Các bác sĩ đề nghị chữa trị bằng quang tuyến, nhưng vì chị muốn cho bào thai đang mang trong bụng không bị nhiễm chất phóng xạ, nên chị từ chối, thà chết còn hơn để cho bác sĩ chữa trị ung thư bằng quang tuyến.
 
Cuối cùng, chỉ 5 giờ trước khi chết, chị đã sinh được một cháu trai mạnh khỏe, kháu khỉnh. Bản tin của hãng AP nói rằng:”Vào mấy ngày cuối cùng của cuộc đời, chị Brown biết mình bị tử thần đánh bại, nhưng chị vẫn tin tưởng thế nào chị cũng thành công và sinh được một đứa con không bị nhiễm phóng xạ”.
 
Bác sĩ Ronald Lapin gọi cái chết của chị Brown là “Cái chết của tình mẫu tử, dám hy sinh mạng sống cho đứa con chưa một lần thấy mặt”.
 
b) Bài học về Hiệp nhất.
Theo Tân ước, chúng ta thấy có một trường hợp hy hữu mà Ba Ngôi Thiên Chúa cùng hiện diện và cùng hoạt động. Đó là khi Chúa Giêsu xin ông Gioan làm phép rửa cho mình: lúc Ngài ở dưới sông lên thì trời tự nhiên mở ra, và từ trên không trung có tiếng phán ra rằng:”Đây là Con Ta yêu dấu”. Cùng một trật đó, thấy hiện đến và đỗ trên đầu Chúa Con một chim bồ câu. Đó là lần thứ nhất từ khi có lịch sử loài người, Ba Ngôi hiện diện và hành động trong một lúc: Trước hết là Ngôi Con chịu phép rửa, rồi Ngôi Cha từ trời phán ra, và sau hết Ngôi Thánh Thần dưới hình chim bồ câu hiện đến.
 
Về niềm tin vào Chúa Ba Ngôi, Hội thánh đã tóm tắt lại trong kinh Tin kính của thánh Athanasiô đại khái như sau: Có một Đức Chúa Trời mà Người có Ba Ngôi: Ngôi nhất khác , Ngôi hai khác, Ngôi ba khác... Đức Chuá Cha là Đức Chúa Trời, Đức Chúa Con là Đức Chúa Trời, Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời, nhưng là một Đức Chúa Trời, chứ không phải là ba Đức Chúa Trời... Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng và có từ trước đời đời ; Đức Chúa Con phép tắc vô cùng và có từ trước đời đời ; Đức Chúa Thánh Thần phép tắc vô cùng và có từ trước đời đời... Không có Ngôi nào hơn, Ngôi nào kém, Ba Ngôi đều bằng nhau, như nhau về tất cả mọi phương diện... Đức Chúa Cha không bởi ai sinh ra, Đức Chúa Con bởi Đức Chúa Cha sinh ra. Đức Chúa Thánh Thần bởi Ngôi Cha và Ngôi Con mà ra. Đó là tất cả những điều về Chúa Ba Ngôi do Chúa Giêsu dạy, các tông đồ trối lại và các thánh Giáo phụ để lại cho chúng ta.
 
Trong các câu mở đầu của kinh cầu, Hội thánh luôn xưng hô và ca tụng Ba Ngôi Thiên Chúa mà trong kinh cầu chữ (bằng chữ Hán của ông Cử Thiện ở Bùi chu) được giáo dân đọc trong các ngày giỗ, được dịch là:”Tam vị nhất thể Thiên Chúa giả”: Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời, thương xót chúng con. Câu dịch rất vắn gọn và đúng ý nghĩa: Ba Ngôi vị chỉ có một bản tính Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật.
 
Hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi cùng hoạt động trong Hội thánh và nơi từng người nói lên sự hiệp nhất bền chặt giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Đây là một mô hình tuyệt vời về sự hiệp nhất mà Chúa ban cho ta để ta cũng phải củng cố sự hiệp nhất trong Hội thánh và trong cộng đoàn chúng ta. Sự hiệp nhất sẽ đem lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích trong đời sống tự nhiên và siêu nhiên.
 
Truyện: Bài học từ loài ngỗng.
Vào mùa thu, khi bạn thấy bầy ngỗng bay về phương Nam để tránh đông theo hình chữ V , bạn có tự hỏi những lý lẽ khoa học nào có thể rút ra từ đó. Mỗi khi một con ngỗng vỗ đôi cánh của mình, nó tạo ra một lực đẩy cho con ngỗng bay ngay sau nó. Bằng cách bay theo hình chữ V, đàn ngỗng tiết kiệm được 71% sức lực so với khi chúng bay từng con một .
 
Mỗi khi một con ngỗng bay lạc khỏi hình chữ V của đàn, nó nhanh chóng cảm thấy sức trì kéo và những khó khăn của việc bay một mình. Nó sẽ nhanh chóng trở lại đàn để bay theo hình chữ V như cũ, và được hưởng những ưu thế của sức mạnh từ bầy. Khi con ngỗng đầu đàn mỏi mệt, nó sẽ chuyển sang vị trí bên cạnh và một con ngỗng khác sẽ dẫn đầu. Tiếng kêu của bầy ngỗng từ đàng sau sẽ động viên những con đi đầu giữ được tốc độ của chúng.
 
Cuối cùng, khi một con ngỗng bị bệnh hay bị thương và rơi xuống, hai con ngỗng khác sẽ rời khỏi bầy để cùng xuống với con ngỗng bị thương và bảo vệ nó. Chúng sẽ ở lại cho đến chừng nào con bị thương lại có thể bay hoặc là chết, và khi đó chúng sẽ nhập vào một đàn khác để tiếp tục bay về phương nam (Lấy từ internet theo Thùy Trang forward)
 
c) Một vài thực hành.
] Kinh Sáng danh: Khi đọc kinh Nhật tụng, mỗi khi đọc kinh Sáng Danh , ta hãy tỏ lòng cung kính, cúi đầu, để ca tụng và tôn vinh Chúa Ba Ngôi trong đời sống ta. Mỗi chục kinh Mân côi, chúng ta cũng đọc một kinh Sáng danh và còn nhiều dịp khác chúng ta có thể đọc được kinh đó.
] Dấu Thánh giá: một trong những kinh nguyện mà người công giáo chúng ta học, là dấu Thánh giá, thật đơn sơ và tốt đẹp. Chúng ta đưa bàn tay phải lên trán, lên ngực, vai trái và vai phải khi chúng ta cầu nguyện:”Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” . Hành động thánh đó nhắc nhở chúng ta rằng: có Chúa Ba Ngôi trong một Thiên Chúa, và Ngôi Hai đã chết trên thập gíá vì tất cả chúng ta.
 
Lạy Cha là Thiên Chúa của con, bây giờ con mới hiểu sâu sắc câu nĩi của Đức Giê-su: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho họ". Thì ra sự cơng bằng vơ biên của Cha khơng cho phép Cha làm một cái gì đơn giản hơn để cứu chuộc nhân loại. Và bây giờ con mới hiểu được tình Cha yêu thương nhân loại, trong đĩ cĩ con, như thế nào! Xin cho con biết sống xứng đáng với tình yêu ấy! Cho con biết đáp lại tình yêu vơ biên ấy bằng trọn tình yêu của con. Đồng thời cũng cho chúng con được biết thể hiện tình yêu ấy trong cuộc sống hằng ngày bằng cách yêu thương, phục vụ mọi người và hiệp nhất với nhau để xây dựng Hội thánh.
 
Truyện: Tình yêu của Thiên Chúa
Một bà kia không biết đến sự yêu thương của đồng lọai. Bà là một người không tôn giáo, nghèo khổ bị bỏ quên, bị ngược đãi, bị đối xử bất công lâu ngày đến nỗi bà thù ghét tất cả mọi người mà mọi người dường như nghịch cùng bà. Một lần kia, cha sở đến gặp bà để nói về tình yêu thương của Thiên Chúa, song bà chẳng hiểu tình yêu là gì cả. Bà bảo: - Tôi không hiểu ông nói gì. Chưa hề có ai yêu thương tôi và đối với tôi, tôi cũng không hiểu yêu thương là gì cả.
 
Cha sở về lại nhà xứ mà lòng vẫn canh cánh ray rứt về câu chuyện với người phụ nữ nọ. Ngài cầu nguyện liền mấy ngày rồi chợt nảy ra một ý, ngài cho mời nhóm bạn trẻ Tông đồ trong xứ lại và kể cho các bạn ấy nghe đầu đuôi sự thể. Rồi ngài đề nghị mọi người hãy giúp cho bà ấy biết được tình yêu của Chúa bằng cách mỗi người trong nhóm sẽ lần lượt từng người đến thăm bà, chân thành tỏ cho bà biết trên đời này vẫn có người yêu thương, thăm viếng, an ủi và giúp đỡ bà. Mấy tháng trôi qua, một ngày kia, khi cha sở lại thăm bà, bà xúc động đến rướm nước mắt: - Thưa cha, bây giờ thì tôi đã hiểu, đã biết yêu thương là gì rồi, và bây giờ tôi đã có thể xin cha cho tôi được đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.

7. Con búp bê và biển cả

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Trong quyển sách tựa đề: “Sức thu hút của Thiên Chúa”, tác giả người Italia, ông A-léc-xan-drô Phong-xa-tô đã kể lại câu chuyện vui sau đây về con búp bê bằng muối: Muốn tìm hiểu thế nào là biển cả để thỏa mãn tính tò mò của mình, con búp bê một mình tiến ra bờ biển và hỏi:
-         “Biển cả ơi, bản chất của biển cả là như thế nào?”
Và biển cả đã trả lời:
-         “Biển cả là biển cả. Nếu ngươi muốn biết ta là như thế nào thì hãy xuống đây, hãy để cho toàn thân ngươi thấm nhập vào biển cả”.
Con búp bê bằng muối do dự. Nhưng rồi vì tính tò mò thúc đẩy, nó tiến gần ra mặt nước rồi đưa hai chân thấm vào nước biển. Trong nháy mắt sóng biển đánh mạnh vào đôi chân bằng muối của nó làm cho đôi chân tan thành nước biển. Con búp bê kinh hãi lùi lại, nhưng đôi chân đã mất. Tiếng biển cả dịu dàng mời gọi:
-         “Này con búp bê nhỏ kia ơi, biển cả là biển cả. Ngươi muốn biết biển cả như thế nào thì đừng sợ. Hãy tiến vào đây với ta. Ta sẽ bảo vệ ngươi. Ngươi sẽ được hòa nhịp với ta và hiểu ta như thế nào. Hãy can đảm lên! Nếu bỏ cuộc nửa chừng thì không bao giờ ngươi sẽ hiểu biển cả như thế nào đâu, và phải sống những năm tháng còn lại với đôi chân đã mất”.
Tính tò mò thúc đẩy, con búp bê ngâm mình xuống biển. Chỉ một lát sau con búp bê bằng muối đã hòa tan trong nước biển và hiểu được thế nào là biển cả.
 
Anh chị em thân mến, giữa con búp bê bằng muối và biển cả có một căn bản giống nhau. Cũng thế, giữa con người và Thiên Chúa cũng có một sự giống nhau. Con người đã được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh của Ngài. Tâm hồn con người hướng về Thiên Chúa, muốn hiểu biết Thiên Chúa, muốn được kết hợp với Ngài ngày càng khăng khít hơn, giống như con búp bê bằng muối kia muốn hiểu biển cả là thế nào. Như con búp bê được biển cả mời gọi dìm mình vào trong lòng biển cho mình hòa tan trong biển để hiểu được biển cả, thì mỗi người chúng ta cũng được mời gọi dìm mình vào trong Thiên Chúa. Cần để cho cái tôi của mình được hòa tan đi, biến mất đi trong Thiên Chúa để có thể hiểu biết Thiên Chúa, sống kết hợp với Ngài. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm. Lý trí loài người khó mà hiểu biết cho tường tận được. Chúng ta không hiểu biết Thiên Chúa bằng lý trí cho bằng tình yêu. Thật vậy, chỉ khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta mới hiểu và biết Chúa. Chỉ có sự hiểu biết như vậy mới làm cho ta thỏa lòng thỏa trí. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm hiệp thông và tình yêu.
 
Thiên Chúa là Tình Yêu, nghĩa là Ngài không đơn độc một mình. Nếu như Ngài đơn độc một mình thì Ngài sẽ yêu một mình Ngài một cách ích kỷ vô cùng. Nhưng Ngài là 3: Cha, Con và Thánh Thần. Là ba, nhưng cả ba hoàn toàn yêu thương hiến tặng sự sống, hoàn toàn tương quan với nhau, hiệp nhất với nhau: Cha hoàn toàn là của Con, Con hoàn toàn là của Cha và mối tương quan tình yêu và sự sống này giữa Cha và Con là Chúa Thánh Thần. Tình yêu Thiên Chúa không khép kín lại nơi cộng đồng Ba Ngôi mà còn lan tỏa ra bên ngoài, trên khắp vũ trụ: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban cho thế gian quà tặng quý giá nhất của người Con Chí Ái của Ngài, nghĩa là chính sự sống của Ngài. Rồi đến lượt Người Con ấy cũng trao ban Thánh Thần, nghĩa là chính sự sống của Ngài cho thế gian. Chính nơi Người Con ấy, nơi bản thân, cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu mà chúng ta nhận ra được Thiên Chúa là tình yêu và thế nào là sống như con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa: “Ai không yêu thương anh em là không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8). Còn ai đã biết Thiên Chúa thì phải yêu thương anh em như Ngài đã yêu thương, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
 
Thưa anh chị em, với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa muốn vạch ra cho chúng ta con đường của yêu thương và hiệp nhất. Chúng ta chỉ có thể yêu thương và hiệp nhất với nhau khi mỗi người thực sự phải là mình, và chấp nhận đồng hành gắn bó với tha nhân, coi tha nhân là thành phần của chính hiện hữu của mình, đồng thời ý thức rằng mình chỉ có thể sống nhờ tha nhân, sống với tha nhân và sống cho tha nhân; bởi vì tự chính trong nguyên lý, sự sống không phải là một thực tại đơn độc, khép kín, mà là chia sẻ, hiệp thông: sự sống thần linh của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Cái độc đáo mà mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi muốn nói lên đó là Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của sự khác biệt. Ngài yêu thích sự khác biệt. Ngài tạo ra sự khác biệt và Ngài bao hàm chính sự khác biệt đó trong bản tính của Ngài. Nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa của sự hiệp nhất. Ngài hiệp nhất những gì khác biệt. Phải có cái khác biệt thì mới có thể nói tới hiệp nhất. Phải có Ba Ngôi mới có thể hiệp nhất thành một Thiên Chúa. chỉ khi nào chúng ta chấp nhận và tôn trọng cái khác biệt: khác biệt về hiện hữu, về chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, địa vị, phái tính, tuổi tác v.v… và sống với những khác biệt đó, hiệp nhất những cái khác biệt đó. Chỉ khi đó, chúng ta mới đi đúng con đường mà ánh sáng của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi soi dẫn chúng ta. Sự hiệp nhất ấy không làm cho chúng ta phong phú hơn và sống đúng bản chất là cộng đoàn của Thiên Chúa yêu thương, là hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa.
 
Anh chị em thân mến, trong Thánh lễ hôm nay, cũng như trong các Thánh lễ, chúng ta dâng lên Chúa Cha của lễ cuộc đời chúng ta, nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, để chúc tụng vinh quang Thiên Chúa Ba Ngôi muôn đời.

8. Chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi – R. Veritas

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
"Chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, vì Chúa đã tỏ lòng từ bi đối với chúng ta". Đó là lời mở đầu của thánh lễ mừng kính Thiên Chúa Ba Ngôi. Các bản văn phụng vụ không nhằm giải thích tại sao một Thiên Chúa duy nhất mà lại có ba ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Mạc khải trọn vẹn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đã được hoàn tất nơi Chúa Giêsu Kitô. Nhưng cả khi mạc khải cho các môn đệ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu cũng không dạy tại sao Thiên Chúa duy nhất phải có ba ngôi. Chúa Giêsu đã mạc khải cho các tông đồ, nhất là trong bài diễn văn về việc hiện hình trong bữa tiệc ly vì sự hiện diện và tác động của từng ngôi Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, và về mối tương quan hiệp nhất giữa ba ngôi mà không giải thích lý do tại sao. Các tông đồ lúc đó cũng không thắc mắc tại sao như vậy, nhưng các ngài đã yêu mến chấp nhận và sống mầu nhiệm với hết lòng chân thành: "Ta và Cha Ta, chúng ta chỉ là một. Ai tuân giữa giới răn Ta truyền, thì chúng ta sẽ đến ngự trong người đó". Và nơi Phúc Âm thánh Gioan chương 16,12-15 được dùng trong thánh lễ kính Đức Chúa Trời Ba Ngôi là những lời Chúa Giêsu mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần.
 
Vấn đề quan trọng nhất không phải là biết hết tất cả mọi sự về Thiên Chúa, mà là sống mầu nhiệm về Thiên Chúa. Sự hiểu biết của con người tuy có thể đạt được phần nào về Thiên Chúa, nhưng không thể nào biết trọn được cả. Sự việc đã xảy ra cho thánh Augustinô khi thánh nhân suy nghĩ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi còn là một lời dạy cho chúng ta ngày hôm nay. Trí khôn con người hữu hạn, làm sao có thể hiểu hoàn toàn về Thiên Chúa vô cùng. Nếu muốn hiểu thì chẳng khác nào muốn đem nước của đại dương mênh mông mà đổ vào trong một lỗ nhỏ, như một trò đùa của em bé mà thánh Augustinô gặp nơi bờ biển. "Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lãnh hội được. Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật. Người sẽ đưa các con vào trọn cả trong sự thật."
 
Mỗi ngày, chúng ta cần lớn lên trong tương quan với Thiên Chúa, cần được Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn chúng ta tiến sâu vào trong mầu nhiệm Ba Ngôi của Thiên Chúa. Đây là một sự khám phá vô cùng và mãi mãi không bao giờ ngừng cả khi chúng ta được đối diện với Thiên Chúa trong cõi đời đời.
 
Mỗi ngày, chúng ta càng được hướng dẫn hay để cho mình được hướng dẫn tiến sâu vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thì chúng ta càng trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến, càng được thần thiêng hóa và trở nên giống Thiên Chúa hơn và đối xử với anh chị em chung quanh như chính Thiên Chúa muốn, càng được thấm nhuần trong mầu nhiệm Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện, kết hiệp thân tình với Thiên Chúa, thì chúng ta càng có tâm hồn quảng đại, mở rộng đón nhận anh chị em chung quanh và mời gọi họ trong mọi hoàn cảnh cụ thể. Đây là kinh nghiệm sống đức tin của những vị thánh mà không sự chứng minh hay giải thích nào của lý trí có thể đủ sức trình bày.
 
Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần, mà dấu Thánh Giá chúng ta mang lấy trên thân mình hàng ngày trước mỗi công việc quan trọng ban cho chúng ta được mỗi ngày một tiến sâu vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, được ẩn mình trong Thiên Chúa, được biến đổi trong Thiên Chúa để sống trọn cuộc sống con người của mình trên trần gian này và mãi mãi trong cõi vĩnh phúc mai sau.

9. Trao ban tất cả vì yêu thương – Lm. Trần Ngà.

Kinh thánh (St 22, 1-18) cho biết: Sau nhiều tháng năm chờ đợi mỏi mòn, mãi cho đến trăm tuổi, Cụ Áp-ra-ham mới được diễm phúc sinh đứa con nối dõi tông đường. I-xa-ác chào đời đem lại niềm vui chan hoà cho Cụ Áp-ra-ham. I-xa-ác là lẽ sống, là cây gậy chống đỡ tuổi già, là tương lai cho giống nòi và là tất cả của Cụ già trăm tuổi. Thế mà Thiên Chúa truyền cho Cụ phải sát tế đứa con yêu để tế lễ cho Ngài.
 
Trời đất như quay cuồng sụp đổ khi Cụ Áp-ra-ham nghe lệnh truyền của Thiên Chúa. Phải ở trong hoàn cảnh của Cụ già trăm tuổi như Áp-ra-ham mới cảm nhận thấm thía nỗi đau thương và mất mát vô cùng lớn lao của một người cha phải sát tế đứa con một rất đỗi yêu quý của mình. Nếu không vì tình thương lớn lao đối với Thiên Chúa, Cụ Áp-ra-ham không thể nào thực hiện được sự hiến dâng đau lòng đó. Cụ Áp-ra-ham sẵn sàng hi sinh tất cả vì Thiên Chúa là Đấng mà Cụ thần phục và mến yêu. Nhưng Thiên Chúa chỉ thử lòng Cụ Áp-ra-ham thôi. Ngài không nỡ để cho một người cha phải gánh chịu nỗi đau thương lớn lao đến thế.
 
Trích đoạn Tin Mừng trong ngày lễ hôm nay cũng đề cập đến một người Cha khác đã thực hiện một sự trao ban triệu lần cao cả hơn. Vì quá yêu thương nhân loại lỗi lầm, vì không muốn cho muôn người phải lâm vào cảnh đau khổ trầm luân vì tội lỗi ngút ngàn của họ, Thiên Chúa Cha đã trao ban Con Một vô cùng yêu quý của Ngài, để Con của Ngài chết thay cho nhân loại, để cho những ai tin vào Con Ngài thì được cứu sống và được sống muôn đời:
 
"Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ". (Gioan 3, 16-17)
 
Xưa kia, Thiên Chúa không nỡ để cho I-xa-ác phải chết dưới lưỡi dao run rẩy của Cụ Áp-ra-ham, không để cho thân xác của I-xa-ác phải chịu thiêu đốt trên bàn thờ để làm hy lễ cho Ngài, nhưng đã đến một thời, Thiên Chúa Cha lại để cho Con Một Ngài, là Ngôi Hai Thiên Chúa, phải chịu đóng đinh, chịu quằn quại đau thương và chịu chết trên thập giá để đền cho hết tội lỗi chúng ta và ban lại cho chúng ta sự sống đời đời.
 
Tôi tớ thấp hèn liều mình chết thay cho chủ nhân quyền quý, dân đen cùng khốn chết cho hàng vua chúa cao sang hay con chó trung thành liều chết để cứu mạng chủ cũng còn là điều dễ hiểu. Đằng nầy Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa Tể đất trời lại hiến thân chết thay cho loài người hèn mọn thì quả là điều vượt quá trí tưởng tượng con người.
 
"Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hiến mạng vì bạn hữu mình" (Gioan 15, 13) và không có tình yêu nào sánh ví được với tình yêu khôn vời của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
]]]
 
Khi được người khác biếu tặng một món quà, ai trong chúng ta cũng đều nhớ ơn ân nhân và tìm cách đền đáp lại bằng món quà tương xứng.
 
Khi được Chúa Trời cao cả ban tặng chính Con Một Ngài để cứu mạng cho chúng ta, khi được Chúa Giê-su hiến thân chịu chết để cứu ta khỏi chết muôn đời, có bao giờ chúng ta nghĩ đến việc đền đáp công ơn cao dày đó?
 
Để đền đáp phần nào tình thương trời bể của Thiên Chúa Cha, Đấng đã trao ban Con Một mình cho nhân loại, để đền đáp sinh mạng của Chúa Giê-su đã trao hiến cho bạn và cho tôi, chúng ta hãy dâng cho Ngài một hiến lễ tương tự, dù vạn lần nhỏ bé hơn. Đó là "hiến dâng thân mình chúng ta làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa" (Rôma 12, 1). Đó cũng là nguyện ước của chân phước An-rê Phú Yên hôm xưa: "đem cuộc sống báo đền cuộc sống; lấy tình yêu đáp trả tình yêu".

10. Lễ Chúa Ba Ngôi – R. Veritas

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)
Tại vùng Texas Hoa Kỳ, không ai lại không nghe lòng hào hùng của anh Biên, chủ một nông trại nuôi bò to lớn. Người ta gọi anh bằng một tên riêng đầy lòng kính trọng là ông Biên quảng đại, đến nỗi nhiều người không còn nhớ tên thật của anh là gì, mà chỉ biết tên anh là ông Biên quảng đại. Dù là người giàu có nhất vùng nhưng nếp sống của ông lại rất gần gũi với mọi người, từ người giúp việc cho tới những người láng giềng chung quanh.
 
Ông có một người con duy nhất, nhưng rủi thay trong một chuyến đi nghỉ cuối tuần, ông bị một tai nạn xe hơi làm cho vợ và người con duy nhất bị chết. Sau những ngày u buồn, một hôm đi dạo chơi gần nông trại, ông chợt gặp một đứa trẻ rách rưới và có vẻ đang bơ vơ. Ông gọi lại và hỏi thăm về gia đình, đứa bé không trả lời chi được về những câu hỏi của ông. Bé mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Mới sinh ra đã bị cha mẹ bỏ rơi, nên từ đó em bé nay sống với người này, mai sống với người khác, lang thang đây đó. Em chỉ còn biết một điều là tên gọi của em: ai ai cũng gọi em là Jimmi, nên em biết tên mình là Jimmi. Ông Biên liền nhận đứa trẻ về nhà làm con nuôi và làm chúc thư, nếu ông qua đời thì tài sản ông sẽ dành cho Jimmi, người con nuôi mới nhận được. Nhiều người bạn thân ngạc nhiên hỏi, tại sao ông làm như vậy? Ông Biên trả lời: với một lý do duy nhất, là Jimmi giống hệt đứa con của tôi đã chết. Tôi thương nó vì nó giống con tôi, tôi nhìn thấy con tôi nơi nó.
 
Anh chị em thân mến,
"Tôi thương nó, vì nó giống hệt con tôi, tôi nhìn thấy con tôi nơi nó". Câu nói này của ông Biên gợi lại cho chúng ta mối tương quan giữa tình thương của Thiên Chúa Cha với mỗi người chúng ta là đồ đệ của Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa Cha đã yêu thương mỗi người, vì chúng ta đã lãnh nhận ơn cứu rỗi, được tái tạo giống hệt như Chúa Kitô, Con Một Ngài. Thiên Chúa Cha yêu chúng ta, vì Ngài thấy Con Một Ngài nơi mỗi người chúng ta.
 
Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta không mừng với lý trí muốn hiểu cho thấu đáo mầu nhiệm của mọi mầu nhiệm, là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi là Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần; nhưng hãy mừng với một con tim tin yêu chân thành, vì đã cảm nghiệm được Thiên Chúa Ba Ngôi nơi chính mình. Tình thương của Thiên Chúa Cha, Đấng Tạo Hóa đã an bài vũ trụ, nâng đỡ cuộc sống con người và ban cho chúng ta sự sống. Tình thương của Chúa Giêsu Kitô, Đấng mặc lấy thân phận con người đến cứu chuộc chúng ta, để làm sáng tỏ lại hình ảnh Thiên Chúa nơi chúng ta, giúp chúng ta trở về nhà Cha an toàn. Tình thương của Chúa Thánh Thần, Đấng hằng ban ơn soi sáng, nâng đỡ, an ủi, giúp chúng ta sống trọn kiếp sống trần gian.
 
Mừng Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta được nhắc nhớ rằng, Thiên Chúa Cha, Con, Thánh Thần đã yêu chúng ta và chúng ta được mời gọi để đáp lại tình yêu thương ấy bằng một đời sống trổ sinh nhiều hoa trái tốt, xứng đáng con yêu quí của Thiên Chúa: "Chúng con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành" (Mt 5,48). Chúa Giêsu đã mạc khải cho Nicôđêmô: "Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài cho thế gian, để tất cả những ai tin vào Người thì khỏi phải chết. Quả vậy, Thiên Chúa đã đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng nhờ Con của Ngài mà thế gian được cứu độ, ai tin sẽ được cứu; ai không tin thì đã bị lên án rồi" (Jn 3,16-18).
 
Lạy Chúa, xin ban thêm Đức Tin cho con để chúng con mỗi ngày được trở nên giống Chúa nhiều hơn. Amen.

11. Thiên Chúa Ba Ngôi: tình yêu tuyệt hảo

“Biết làm sao định nghĩa được tình yêu?”. Có lẽ đây không chỉ là câu hát đầy thi vị trong lãnh vực tình yêu, mà còn là khắc khoải của từng người trong chúng ta. Thật thế, ai trong chúng ta cũng yêu và muốn được yêu. Tuy nhiên, không gì khiến chúng ta phải lúng túng cho bằng định nghĩa thế nào là tình yêu. Tình yêu quả thật là một mầu nhiệm. Tại sao chỉ có con người mới biết yêu? Có lẽ chúng ta chỉ có thể trả lời câu hỏi này bằng chính mầu nhiệm của Thiên Chúa mà thôi.
 
Vào cuối đời mình, khi suy niệm về cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, thánh Gioan Tông Đồ đã phát biểu như sau: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Đây quả là công thức độc nhất vô nhị của Kitô giáo; trước và sau Kitô giáo, có lẽ không một tôn giáo hay một triết thuyết nào đã gọi Thiên Chúa là Tình Yêu. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho thế gian”. Gọi Thiên Chúa là Tình Yêu, bởi vì Thiên Chúa vừa tỏ mình cho chúng ta một cách gần gũi, thân thiết, lại vừa là một mầu nhiệm mà chúng ta không bao giờ hiểu thấu được. Vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã tỏ mình qua người Con Một của Ngài, Người Con ấy đã sống kiếp sống của con người và đã chết một cách đau thương nhục nhã để nói với chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Tình yêu nào cũng muốn được bộc lộ, người yêu nào cũng muốn tỏ tình. Bằng cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã thực sự tỏ tình với con người: Ngài đã tỏ tình và yêu thương cho đến cùng. Chính vì thế, Ngài đã sai phái Thánh Thần đến để khai sinh Giáo Hội. Thánh Thần chính là Tình yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con. Thiên Chúa thông ban tình yêu của Ngài cho Giáo Hội, để Giáo Hội hiện diện như một dấu chứng tình yêu của Ngài đối với nhân loại. Giáo Hội là tiếng tỏ tình của Thiên Chúa đối với con người.
Mừng kính Chúa Ba Ngôi hôm nay, Giáo Hội muốn nhắc nhớ chúng ta chân lý ấy. Tỏ mình cho chúng ta, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta rằng Ngài là Ba Ngôi Vị, Ngài là Tình Yêu. Đó là mầu nhiệm cơ bản nhất, từ đó Giáo Hội được xuất phát và xây dựng; Giáo Hội vừa là hình ảnh vừa là thể hiện Chúa Ba Ngôi. Nhưng mầu nhiệm Ba Ngôi không chỉ là nền tảng của Giáo Hội, mà còn là ánh sáng chiếu dọi vào bí ẩn của con người. Thật thế, chỉ trong Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta mới hiểu rõ được ơn gọi và định mệnh của con người. Nếu Thiên Chúa là tình yêu và nếu con người được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, thì một cách tất yếu, con người chỉ thực sự là người khi biết yêu thương. Phẩm giá của con người được xây dựng trên chính tình yêu. Ai chối bỏ tình yêu, ai gieo rắc hận thù, người đó cũng chối bỏ con người và chối bỏ chính Thiên Chúa; trái lại ai sống trong tình yêu, người đó cũng sống trong Thiên Chúa.
 
Lễ Chúa Ba Ngôi không chỉ là một lời ca tụng tình yêu Thiên Chúa, mà còn là một tuyên xưng về phẩm giá con người. Thiên Chúa phú bẩm cho con người khả năng yêu thương; Ngài tỏ mình cho con người để con người cũng nhận ra được phẩm giá cao cả của mình. Mỗi ngày, từ lúc khởi đầu một ngày mới cho đến lúc trở lại giường ngủ, chúng ta không ngừng tuyên xưng mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa và phẩm giá cao cả của con người. Mầu nhiệm ấy gắn liền với Thập Giá Chúa Giêsu mà chúng ta vẽ trên người. Qua cái chết trên Thập Giá, không những Chúa Giêsu tỏ bày cho chúng ta mầu nhiệm của Thiên Chúa, Ngài còn vạch ra cho chúng ta con đường đi vào mầu nhiệm ấy, đó là con đường của yêu thương. Chúa Giêsu đã yêu thương và yêu thương cho đến giọt máu cuối cùng; Ngài đã tỏ cho chúng ta thấy bộ mặt của Thiên Chúa; Ngài đã dạy cho chúng ta biết thế nào là yêu thương.
 

12. Trí khôn và ý muốn

Cách đây hàng ngàn năm, có một nhà hiền triết tài giỏi tên là Simonide. Ngày kia, nhà vua cho vời ông ta đến và hỏi:
-         Thượng đế là gì?
Ông ta xin nhà vua cho mình một ngày để suy nghĩ. Sáng hôm sau, khi nhà vua gọi tới, thì ông ta lại xin thêm hai ngày nữa để suy nghĩ. Và khi hai ngày đã trôi qua, ông ta lại xin thêm bốn ngày nữa. Rồi sau đó, ông ta lại xin thêm tám ngày nữa. Cứ mỗi lần nhà vua truyền cho ông ta đến, thì ông ta lại xin hoãn với số ngày gấp đôi. Sau cùng, nhà vua bực bội, cho triệu ông ta đến và giận dữ hỏi:
-           Cho tới bao giờ, nhà ngươi mới trả lời câu hỏi của ta? Thượng đế là gì?
Bấy giờ ông ta mới ôn tồn trả lời:
-           Xin nhà vua đừng hối thúc tôi. Vấn đề thật khó khăn và tôi nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được câu trả lời. Bởi vì càng suy nghĩ, tôi lại càng cảm thấy bối rối. Vấn đề dường như đã vượt ra ngoài khả năng của tôi.
 
Kể lại câu chuyện này, tôi cũng muốn nói lên sự bất lực của chúng ta khi phải trình bày về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mà chúng ta mừng kính hôm nay. Mặc dù chúng ta đã học hỏi, đã tìm tòi, nhưng không bao giờ được quên rằng: Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm. Sở dĩ chúng ta biết được là vì chính Chúa đã tỏ lộ cho chúng ta.
 
Tất cả những gì chúng ta biết về mầu nhiệm này được gồm tóm như sau: Nơi Thiên Chúa có ba ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Cả Ba Ngôi cực thánh này đều có chung một bản tính, nên bằng nhau về mọi phương diện và chỉ làm thành một Thiên Chúa duy nhất. Trong giây phút này, tôi chỉ xin chia sẻ một vài ý nghĩ đơn sơ, đó là đứng trước mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, trí khôn chúng ta lại quá nhỏ bé đề mà hiểu thấu, nhưng con tim chúng ta lại đủ to lớn để yêu mến.
Thực vậy, trí khôn chúng ta quá nhỏ bé để mà hiểu thấu. Tôi xin đưa ra một thí dụ: trước mặt chúng ta đây có ba cô, cô Quít, cô Mít, cô Cam. Đó là ba ngôi vị. Mỗi người có một bản tính khác nhau và làm thành ba con người riêng biệt. Đối với Chúa Ba Ngôi thì khác. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, mặc dù là ba ngôi riêng biệt, những chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Đó là một mầu nhiệm không thể nào hiểu thấu, bởi vì trí khôn chúng ta quá nhỏ bé.
 
Hẳn rằng đã nhiều lần chúng ta được nghe mẩu chuyện về thánh Augustinô. Ngài là một vị thánh tiến sĩ trong Giáo Hội, đã viết nhiều cuốn sách có giá trị. Ngày kia, để bắt đầu viết một thiên khảo luận về Chúa Ba Ngôi, ngài đã đi dạo trên bờ biển để suy nghĩ và cầu nguyện. Bỗng chốc ngài nhìn thấy một em bé đang dùng một chiếc vỏ sò múc nước và đổ vào một chiếc lỗ nhỏ trên bãi cát. Ngài dừng chân và hỏi:
- Em làm gì thế?
Em bé bèn trả lời:
- Tôi muốn tát hết nước biển vào trong chiếc lỗ này.
Thánh nhân mỉm cười và nói:
- Làm sao tát hết được?
Nhưng em bé nghiêm nét mặt và nói:
- Tôi làm việc này còn dễ hơn cái ảo vọng của ngài là muốn trình bày cặn kẽ về Chúa Ba Ngôi.
 
Nói đoạn, em bé biến mất. Thánh nhân hiểu rằng đó chính là một thiên thần được Chúa sai đến để nhắc nhở: trí khôn con người thì quá nhỏ bé để hiểu về mầu nhiệm này.
 
Thế nhưng, con tim của chúng ta lại đủ to lớn để yêu mến Ngài. Thực vậy, Chúa Giêsu đã tỏ lộ không phải để chúng ta hiểu thấu, nhưng để chúng ta yêu mến. Trước hết, con tim chúng ta đủ to lớn để ca tụng ngài. Mỗi khi hát: Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời. Mỗi khi đọc: Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Môi khi làm dấu thánh giá, là chúng ta ca tụng và thờ lạy Chúa Ba Ngôi.
 
Hơn thế nữa, con tim chúng ta cũng đủ to lớn để cảm tạ Chúa Ba Ngôi. Vậy Ngài đã làm gì cho chúng ta? Chúa Cha đã tạo dựng nên chúng ta ngay khi chúng ta còn chưa cất tiếng khóc chào đời. Chúa Con đã dùng cái chết trên Thập giá để cứu chuộc chúng ta. Và Chúa Thánh Thần luôn thánh háo chúng ta. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. Nhờ bí tích Thêm sức, chúng ta trở nên những người lính chiến của Chúa Thánh Thần. Nhờ bí tích Giải tội, chúng ta được tẩy sạch mọi tội lỗi. Vì thế, chúng ta phải cảm tạ và yêu mến Chúa Ba Ngôi.
 
Sau cùng, trái tim chúng ta cũng đủ to lớn để cho Chúa Ba Ngôi ngự trị. Thiên Chúa không ngự trên chốn trời cao, xa cách ngàn trùng. Trái lại, Ngài sống trong chúng ta, Ngài ở cùng chúng ta và chúng ta là đền thờ sống động của Ngài. Mỗi khi tâm hồn chúng ta sạch tội trọng, Chúa Ba Ngôi sẽ ngự trị và trao ban cho chúng ta sự sống thầm linh, sự sống ân sủng, nhờ đó, chúng ta thuộc về gia đình của Thiên Chúa.
 
Hãy yêu mến Chúa Ba Ngôi, để rồi chúng ta sẽ được chiêm ngắm Ngài nhãn tiền, mắt đối mặt trong niềm hạnh phúc đời đời.
 

13. Ba Ngôi

Trong thánh lễ ban phép Bí tích Thêm sức, Đức Tổng Giám mục hỏi một ứng viên định nghĩa Ba Ngôi Thiên Chúa là gì. Một bé gái 14 tuổi nhỏ nhẹ trả lời: “Thưa Ba Ngôi Thiên Chúa là Ba Ngôi trong một Thiên Chúa”. Đức Tổng giám mục đã lớn tuổi, nặng tai, nghe không rõ, bèn hỏi lại: “Cha không hiểu con nói gì?” Vị linh mục giúp lễ cho ngài là một nhà thần học bèn trả lời: “Thưa Đức cha, Đức cha không cần phải hiểu. Ba Ngôi là một mầu nhiệm!”
 
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta biết rằng mình không thể hiểu được, vì đó là một mầu nhiệm. Nhưng cũng biết chắc rằng chúng ta đang sống mầu nhiệm đó. Ai cũng sống trong dòng đời, nhưng mấy ai đã hiểu được cuộc đời. Ai cũng cảm được dòng nhạc hay, nhưng lại không thể lấy được cái hay đó ra cho người khác xem!
 
Tách ra khỏi dòng sông, con cá sẽ chết. Biệt lập ra khỏi dòng đời, con người sẽ không tìm thấy hạnh phúc. Lẩy ra một nốt nhạc, nó chỉ là một âm thanh trơ trọi, không còn là một bài ca. Một vũ khúc được liên kết bởi các cử điệu trong sự liên tục trôi chảy và nhịp nhàng. Đó chính là những hình ảnh sống động giúp ta hiểu phần nào về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
 
Có một cuốn sách tuyệt hay với tựa đề “Flow” – “Sự Trôi Chảy” của Mihaly Csikzentmihalyi, giáo sư tâm lý học trường Đại học Chicago. Tác giả đã trình bày những kết quả của việc nghiên cứu nhằm xác định một cách chính xác câu hỏi: “Điều gì làm cho con người hạnh phúc?” Sau khi thử nghiệm và phỏng vấn hàng trăm người trong nhiều năm, giáo sư đã đi đến kết luận rằng con người cảm thấy hạnh phúc nhất khi chúng ta sống “trong sự trôi chảy”.
Qua lời khẳng định này, tác giả muốn nói đến khả năng tự làm mất đi cái bản ngã của mình để hòa điệu vào cái khác hay người khác, hy sinh cuộc đời mình cho một người, một công trình, hay một hoạt động, nhẩy ra khỏi sự hạn hẹp của cái tôi chủ quan để hòa mình vào dòng suối cảm nghiệm của cuộc đời.
 
Sống “trong sự trôi chảy” có thể thực hiện dưới vô số những hình thức: leo núi, đánh cờ, nghe nhạc, hàn huyên trong câu chuyện gẫu, đắm chìm vào trong cuốn tiểu thuyết trinh thám, hay hăng say làm việc giúp đỡ người nghèo. Bất cứ cái gì thúc đẩy chúng ta ra khỏi bản thân mình, bất cứ cái gì làm cho chúng ta ngây ngất, hay tạo nên hoan lạc có thể được coi như “trong sự trôi chảy”. Đồng thời, khi chúng ta bị ngã bật ngửa ra, qua sự chán chường hay lo âu, khi chúng ta tê cóng lại thay vì chuyển động trôi chảy, chúng ta trở nên bất mãn, không hạnh phúc.
 
Đối với người Công giáo thì chẳng có gì ngạc nhiên, vì chúng ta ngầm khẳng định cái kinh nghiệm nội tâm này và biểu tỏ ra một cách sâu xa mỗi khi làm dấu thánh giá. Tôi tự hỏi chúng ta có thường ý thức rằng Thiên Chúa mà chúng ta thờ phượng không phải là một tĩnh vật bất động nhưng là một tập thể của những ngôi vị linh hoạt và năng động: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần.
 
Từ nguyên thủy, Đức Chúa Cha, nguồn thần tính vô tận và phong phú, biểu tỏ qua Chúa Con, một cuộc hành trình đi ra khỏi chính mình trong kiến thức và tình yêu. Và Đức Chúa Con, từ nguyên thủy tự cho phép mình được phát biểu và rồi trở về với Đức Chúa Cha trong hoan lạc. Trong tình yêu hỗ tương, sự chia sẻ thân mật sâu xa của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là Đức Chúa Thánh Thần.
 
Diễn tả theo ngôn ngữ gợi cảm của thánh Bernard of Clairvaux: Đức Chúa Cha là người hôn, Đức Chúa Con là người được hôn, và Đức Chúa Thánh Thần chính là nụ hôn mà Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con chia sẻ với nhau. Thiên Chúa của chúng ta là một sự nhịp nhàng, một vũ khúc, một dòng sông, một dòng đời. Bản chất của Đức Chúa Cha là hướng về người khác, là đi ra khỏi chính Ngài. Bản tính của Đức Chúa Con là quên mình, trong khi bản tính của Đức Chúa Thánh Thần là yêu thương và được thương yêu.
 

14. Tình yêu

Một người cha hứa cho đứa con gái 12 tuổi một số tiền nếu cô bé xén sạch đám cỏ trước nhà. Cô bé vui vẻ mang máy cắt cỏ ra làm việc. Đến chiều, cả đám cỏ đã được cắt xén gọn gàng – ngoại trừ một mảng cỏ tí tẹo còn sót trong góc sân. Ông bố nói rằng ông không thể trả số tiền đã thỏa thuận, bởi vì đám cỏ chưa được cắt xong. Cô bé cho biết cô sẵn sàng chịu mất số tiền đó và cô nhất định không cắt nốt mảng cỏ còn sót kia.
 
Tò mò muốn biết lý do tại sao, ông bố kiểm tra chỗ cỏ chừa lại. Hóa ra, ở giữa chòm cỏ ấy, một chú cóc đang ung dung ngồi ngắm cảnh hoàng hôn! Cô bé quá thương con cóc, đã không đành đưa lưỡi dao của máy cắt vào chòm cỏ ấy.
 
Thiên Chúa là tình yêu. Người đã dựng nên con người cao trọng hơn các loài thụ tạo. Nhưng con người lại bất trung phản bội. Vì yêu thương Thiên Chúa đã không nỡ hủy diệt, lại sai con Một là Đức Giêsu Kitô xuống thế để cứu chuộc con người. Người lại gởi Thánh Thần đến để thánh hóa cho nên tạo vật mới, dẫn đưa họ về hưởng vinh quang Nước Trời. Đó là mầu nhiệm tình yêu mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã thương dành cho con người. Vì thế, lễ Chúa Ba Ngôi cũng là lễ của Tình Yêu.
-         Chỉ những ai sống yêu thương mới được ở trong Thiên Chúa Ba Ngôi.
-         Chỉ những ai thực thi đức ái mới sống trọn ơn gọi làm con Thiên Chúa.
-         Chỉ những ai biết sống trao ban mới tìm được nguồn vui đích thực trong Thiên Chúa Tình Yêu.
 
Nếu Thiên Chúa đã hiến trao con Một của Người để người Con ấy phải chết và để nhân loại được sống, lẽ nào người tín hữu còn sống ích kỷ để giữ lại cho riêng mình những hạnh phúc nhỏ nhoi, tầm thường.
 
Nếu Thiên Chúa đã muốn chia sẻ hạnh phúc của Ba ngôi, là không muốn cho con người phải chết nhưng được sống hạnh phúc muôn đời, lẽ nào chúng ta đành khép lại con tim để chối từ chia sẻ trao ban.
-         Được dựng nên theo và giống hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu, nên ơn gọi đích thực của con người chính là ơn gọi sống yêu thương.
-         Được cứu độ bằng giá máu của Đức Kitô, nên lẽ sống của người Kitô hữu chính là tha thứ trong yêu thương.
-         Được thánh hóa bằng sức sống của Thánh Thần, nên cứu cánh của người tín hữu là phải nên thánh nhờ sống yêu thương.
 
Nhìn mầu nhiệm Ba Ngôi từ góc cạnh của đức mến, tức là nhìn từ lăng kính của tình yêu. Người tín hữu không biết đến yêu thương thì cũng hoàn toàn xa lạ với Thiên Chúa. Vì “Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa”. Chỉ những ai dám sống và dám chết cho tình yêu, mới được ở lại trong Thiên Chúa. Chỉ những ai dám tự hiến và trao ban cho anh em mới là những chứng nhân của một Thiên Chúa Tình Yêu.

15. Dòng sông

Hôm nay toàn thể Hội thánh mừng kính trọng thể mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm quan trọng nhất của Kitô giáo. Không một ngày nào Hội thánh và mỗi người chúng ta lại không tuyên xưng mầu nhiệm ấy, bởi vì mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá, mỗi khi đọc kinh sáng danh thì đó là lúc chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Nhưng có lẽ chẳng mấy khi ta quan tâm để tìm hiểu xem mầu nhiệm này có ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc đời của chúng ta. Bởi vì nói tới các mầu nhiệm, đặc biệt là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, chúng ta dễ có cảm tưởng đó là những chuyện xa vời và chẳng liên hệ gì tới đời sống của mình. Nhưng không phải thế. Mầu nhiệm nào cũng rất gần gũi và liên hệ mật thiết với đời sống của con người, bởi mầu nhiệm nào cũng là một luồng ánh sáng soi cho chúng ta hiểu rõ thân phận mình và dẫn lối để chúng ta đi tới bến bờ hạnh phúc.
 
Đối với mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, chúng ta không thể tìm được một hình ảnh, một ngôn từ nào để diễn tả cách chính xác, rõ ràng và đầy đủ được. Tuy nhiên chúng ta có thể tạm dùng hình ảnh một dòng sông để diễn tả ảnh hưởng của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời mình.
 
Con sông mang dòng nước phù sa đến tưới cho các cánh đồng, cho các vườn cây được tươi tốt và đơm bông kết trái. Dòng sông cũng mang sự sống đến cho con người và mọi loài. Chúng ta thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó mình không có chút nước nào để dùng thì cuộc sống sẽ ra sao?
 
Thiên Chúa Cha chính là cội nguồn của dòng sông, và Người đổ vào dòng sông nguồn nước phù sa mầu mỡ là tình yêu và ân sủng của Người. Chúa Giêsu chính là dòng sông chứa đựng nguồn nước tình yêu và ân sủng ấy. Và Chúa Thánh Thần là sức đẩy để nguồn nước tình yêu chảy đến các tâm hồn.
 
Như con cá sẽ không sống được nếu nó nhảy ra khỏi dòng sông. Như cây cối sẽ không thể tươi tốt và đơm bông kết trái nếu nó không hút lấy sự sống từ dòng sông mang lại. Càng ở xa dòng sông, cánh đồng càng dễ nứt nẻ và khô cháy. Cũng vậy, con người sẽ không thể sống được nếu tách ra khỏi dòng sông tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Càng xa rời tình yêu của Thiên Chúa bao nhiêu, con người càng cằn cỗi bấy nhiêu và rồi sẽ chết khô. Bởi đó, sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là biết mở lòng mình ra để đón lấy nguồn nước tình yêu và ân sủng của Người, để ta có thể sống và được sống dồi dào. Đón nhận dòng nước là đón nhận Chúa Kitô và tin vào Người. Lời Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay dạy ta như thế. “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Mình, để những ai tin vào Người sẽ không phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Mà tin vào Chúa Kitô chính là thể hiện trong đời mình cuộc sống của Người, nghĩa là suy nghĩ, nói năng, hành động và cư xử như Người. Điều Chúa Kitô quan tâm nhiều nhất và đã sống triệt để nhất chính là tình yêu thương. Người yêu Chúa Cha nên thi hành mọi sự theo ý Cha. Người yêu con người nên chấp nhận chết để cho con người được sống.
 
Yêu Chúa và yêu người, đó chính là ta đang sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi vậy.

16. Sống hoà nhịp

Ngày kia, có một người nông dân đi lên thành phố. Khi đang đi bộ trên một con đường đông đúc, thì đột nhiên, anh ta nói với một người bạn cùng đi với mình: “Tôi có thể nghe được tiếng kêu rúc rích của một con dế”. Người bạn của anh ngạc nhiên và hỏi: “Làm sao mà anh lại có thể nghe được tiếng dế, giữa tất cả những tiếng động ồn ào này?” Người nông dân đáp lại: “Bởi vì hai tai của tôi hòa nhịp được với tiếng dế”.
 
Thế rồi anh ta lại càng cố tình lắng nghe nhiều hơn, và dõi theo âm thanh đó, anh đã tìm ra được một con dế đang bò trên bờ cửa sổ. Người bạn của anh không thể nào làm được điều này. Nhưng người nông dân không hề tỏ ra ngạc nhiên. Thay vào đó, anh móc vài đồng xu từ trong túi áo ra, và ném chúng xuống lề đường. Khi nghe được tiếng leng keng của mấy đồng xu, những người qua đường liền ngừng lại nhìn theo dấu vết của chúng.
 
Người nông dân nói: “Bạn hiểu ý tôi chứ: Không có ai trong số những người này có thể nghe được tiếng dế, nhưng tất cả bọn họ đều có thể nghe được âm thanh của tiền bạc. Người ta nghe được cái gì hòa nhịp với hai tai của họ, và không thể nghe được tất cả những thứ còn lại”.
 
Điểm cần ghi chú ở đây khá rõ ràng: Nếu ít bị lo lắng phiền muộn, chúng ta có thể hòa nhịp với Thiên Chúa. Voltaire đã nói: “Ngay khi mở đôi mắt của mình ra, thì tự nhiên, người ta thừa nhận được sự hiện hữu của Thiên Chúa”. Và Abraham Lincoln đã nói: “Tôi có thể nhận thấy con người có thể nhìn xuống mặt đất, và trở nên một người vô thần ra sao, nhưng tôi không thể tưởng tượng được làm thế nào mà người ta có thể nhìn lên bầu trời, và nói rằng không hề có Thiên Chúa”.
 
Khi nhìn vào sự vật nào đó hoặc người khác, người ta sẽ nhận biết ngay rằng những sự vật này không tự hiện hữu được, mà chính là nhờ Thiên Chúa. Tương tự như một căn nhà phải có người xây dựng ra nó, một cái áo do người may, một cánh cửa do thợ mộc. Như vậy, thế giới chứng tỏ rằng phải có Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa.
 
Khi nhìn vào một công trình nghệ thuật, không thể nào bạn không nghĩ đến người nghệ sĩ. Nhìn vào thế giới tạo vật, mà không nhận thấy Đấng Tạo hóa, chính là mù quáng, không thấy được ý nghĩa của toàn thể công việc sáng tạo, và ý nghĩa sự hiện hữu của bản thân mình. Tuy nhiên, thật đáng buồn là có nhiều người nhìn, mà vẫn không thấy gì. Họ lắng nghe, mà vẫn không nghe được gì. Đức Giêsu đã nói về Thiên Chúa, như là một người Cha đầy lòng xót thương và khoan dung. Người nói về chính mình, với tư cách là Con của Cha, và Người gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta, để trợ giúp chúng ta sống tư cách người môn đệ và con cái của Thiên Chúa.
 
Chúng ta đang trực diện với một mầu niệm vĩ đại. Tuy nhiên, bất cứ người con nào cũng đều có thể thấu hiểu, bằng cách cầu nguyện và sống mầu nhiệm này. Chúng ta nghĩ đến Thiên Chúa như là một người Cha (và người Mẹ), một người Cha yêu thương chúng ta một cách sâu sắc. Chúng ta nghĩ đến Đức Giêsu như là một người Anh, Đấng hiến tặng cho chúng ta chính cuộc đời của Người. Và chúng ta nghĩ đến Chúa Thánh Thần như là một người Bạn. Đấng trợ giúp chúng ta sống theo Đức Giêsu, và liên kết chúng ta với nhau, như là anh chị em trong một cộng đoàn của lòng tin và tình yêu thương. Với tư cách là những người Kitô hữu, đây là bầu khí mà trong đó chúng ta sinh sống, di chuyển và hiện hữu.

17. Kẻ nội thù

Trong một gia đình gồm bảy hay tám người, thế nhưng chỉ có một người cha là gia trưởng. Trong một nhà máy gồm hàng trăm thợ thuyền, thế nhưng, chỉ có một ông giám đốc để điều hành. Trong một sư đoàn gồm cả ngàn binh lính, thế nhưng, chỉ vó một vị tướng để chỉ huy. Trong một quốc gia gồm hàng triệu người dân, thế nhưng, chỉ có một ông tổng thống để cai trị.
 
Cũng vậy, chỉ có một Thiên Chúa là chủ tể, là vị vua tối cao, đã an bài và sắp xếp mọi sự. Ngoài Ngài ra, không còn một thần minh nào khác. Đó là một sự thật tương đối dễ hiểu và dễ tin. Tuy nhiên đã từ lâu, mỗi khi làm dấu thánh giá hay đọc kinh Sáng danh. chúng ta vốn hằng tuyện xưng: Thiên Chúa ấy lại có Ba Ngôi. Chúa Cha là Thiên Chúa. Chúa Con cũng là Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần cũng lại là Thiên Chúa. Thế nhưng, cả ba chỉ là một Thiên Chúa vì cùng chung một bản tính. Đó là một màu nhiệm vượt ngoài khả năng hiểu biết của chúng ta.
 
Người ta đã cố gắng đưa ra những hình ảnh để sánh ví. Chẳng hạn hình ảnh về mặt trời. Phải, mặt trời là một khối lửa, vừa tỏa sáng vừa đem lại sức nóng. Lửa, sáng và nóng, ba đặc tính này cũng chỉ làm nên một mặt trời mà thôi. Chẳng hạn một cây hồng gồm rễ, thân và hoa. Thế nhưng, cả ba phần nay cũng chỉ làm thành một cây hồng mà thôi. Chẳng hạn như nước, có thể ở ba trạng thái khác nhau, lỏng như nước lã, đặc như nước đá, khí như hơi nước. Thế nhưng, cả ba trạng thái này cũng chỉ là nước mà thôi.
 
Tuy nhiên, những so sánh trên chỉ là những hình ảnh quá mờ nhạt, nếu không muốn nói là què quặt và lệch lạc, khã dĩ bóp méo cả sự thật mà chúng ta đã tin theo. Trí khôn và ngôn ngữ của con người thì quá nghèo nàn, không thể nào hiểu thấu và diễn tả nổi về màu nhiệm cao cả này, như trường hợp của thánh Augustinô: Múc cả nước biển mà đổ vào chiếc lỗ nhỏ còn dễ hơn là suy nghĩ về Chúa Ba Ngôi.
 
Sởi dĩ chúng ta tin, đó là vì chính Chúa Giêsu đã tỏ lộ và truyền dạy. Thực vậy, khi Ngài chịu phép rửa của Gioan ở sông Giócđan, Phúc âm đã kể lại: Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài và từ trời có tiếng phán: Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Qua đó, chúng ta thấy có đủ Ba Ngôi: Chúa Cha qua tiếng nói từ trời cao, Chúa con đang chịu phép rửa và Chúa Thánh Thần qua hình chim bồ câu.
 
Khi Chúa Giêsu biến hình trên đỉnh Taborê, Phúc âm cũng ghi nhận: Lúc Phêrô còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ và từ trong đám mây có tiếng phán: Này là Con Ta yêu dấu, hãy vâng lời Ngài. Qua đó, chúng ta cũng thấy có đủ Ba Ngôi: Chúa Cha qua tiếng nói, Chúa Con đang biến hình và Chúa Thánh Thần qua đám mây chói lòa.
 
Sau cùng, trước khi về trời, Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ: Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, Rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh thần.
 
Tuy nhiên, điều quan trong chúng ta cần tìm hiểu, đó là Chúa Ba ngôi đã làm gì cho chúng ta?
 
Trước hết, Chúa Cha đã yêu thương chúng ta bằng cách dựng nên chúng ta, nhận chúng ta làm con để rồi trao ban cho chúng ta quyền thừa kế Nước trời.
 
Ông vua kia nuôi một con chim hoàng yến. Nó hót rất hay khiến ông thích nó lắm. Ông mua những thức ăn hảo hạng và làm cho nó một chiếc lồng bằng vàng. Trong lúc quá say mê, ông đã nói với nó: Ta sẽ nhận ngươi làm con để ngươi thừa kế gia tai và vương quốc của ta. Chắc hẳn chúng ta sẽ bảo ông vua này điên khùng hay sao mà lại nói với một con chim như vậy. Tuy nhiên, Thiên Chúa còn yêu thương chúng ta bằng một tình yêu điên khùng hơn thế nữa.
 
Báo chí cách đây đã lâu có đăng tải tin một công chúa nước Anh sẵn sàng từ bỏ tất cả để kết hôn với một anh chàng phó nhòm. Người ta cho rằng cô công chúa này đã yêu một cách cuồng si. Tuy nhiên, Thiên Chúa còn yêu thương chúng ta bằng một tình yêu cuồng si hơn thế nữa. Chúng ta là gì mà lại được diễm phúc gọi Thiên Chúa là Cha?
 
Thứ đến, Chúa Con đã yêu thương chúng ta bằng cách xuống thế làm người và chịu chết trên thập giá để cứu chuộc chúng ta. Nếu chúng ta ca ngợi cha Đamiêng, người đã tình nguyện đến sống chung với những người cùi ở Molokai, một hòn đảo xa xôi và hẻo lánh, để rồi đã chết đi giữa những người cùi bất hạnh ấy, thì chúng ta lại càng phải ca ngợi Chúa Giêsu hơn nữa, bởi vì Ngài đã đến ở với chúng ta, những kẻ đang mắc phải chứng phong cùi thiêng liêng là tội lỗi.
 
Nếu chúng ta ca ngợi cha Maximilanô Kolbê, người đã tình nguyện chết thay cho một bạn tù trong trại tập trung của Đức quốc xã, thì chúng ta lại càng phải ca ngợi Chúa Giêsu hơn thế nữa bởi vì Ngài cũng đã tình nguyện chết thay cho chúng ta để nhờ đó chúng ta được sống muôn đời.
 
Sau cùng, Chúa Thánh Thần đã yêu thương chúng ta bằng cách cư ngụ trong tâm hồn chúng ta và trao ban cho chúng ta sự sống thần linh cùng với những ơn sủng do công nghiệp của Chúa Giêsu để nhờ đó chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa và xứng đáng lãnh nhận phần sản nghiệp Nước trời.
Để đáp lại tình yêu cao cả đó, chúng ta sẽ làm gì? Tôi xin đề nghị hai việc.
-         Việc thứ nhất đó là mỗi khi làm dấu thánh giá hay mỗi khi đọc kinh Sáng danh, chúng ta hãy làm và hãy đọc cho trang nghiêm và sốt sắng, để nhờ đó tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ba Ngôi.
-         Việc thứ hai đó là trong đời sống thường ngày, chúng ta hãy ra sức khử trừ tội lỗi, bởi vì tội lỗi chính là kẻ nội thù, làm cho chúng ta quay lưng chống lại tình yêu mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Bởi vì mỗi khi phạm tội, chúng ta không còn vâng phục Chúa Cha, chúng ta đóng đanh Chúa Con một lần nữa và chúng ta xua đuổi Chúa Thánh Thần ra khỏi cõi lòng chúng ta.

18. Chú giải của Noel Quesson

Phải mất ba thế kỷ, các Công đồng của Giáo Hội mới định nghĩa chính xác Ba Ngôi. Nhưng ngay từ lúc khởi đầu, mọi sự đã được đem đến trong Tin Mừng, đặc biệt là Tin Mừng của Thánh Gioan. Cuộc đàm thoại với Nicôđêmô mà chúng ta đọc hôm nay là một đoạn trích ngắn, thật sự đã làm cho chúng ta khám phá một điều gì đó chủ yếu: “tranh luận" hẳn là không đi tới đâu, phải đi theo Đức Giêsu và dấn thân với Người. ông Nicôđêmô đại diện cho các môi trường trí thức Do Thái ông là bậc thầy trong dân Israel (Ga 3,10)... Tuy nhiên ông không hiểu! trước tiên Ba Ngôi không phải là một vấn đề hóc búa của trí tuệ mà một thực tại đơn giản: Thiên Chúa là tình yêu! Và tình yêu này mang một khuôn mặt: Đức Giêsu trên thập giá. Gioan là tông đồ duy nhất đã dám đối mặt với cảnh tượng ấy của tình yêu điên rồ của Thiên Chúa, khi tham dự vào bi kịch trên đồi Golgotha, cả cuộc đời Ngài, thánh Gioan đã suy niệm trước Đức Giêsu “được gương cao” khỏi mặt đất trước mắt Ngài. Thánh Gioan đã nói với chúng ta sự suy niệm ấy. Đồng thời nó cũng là chân lý sâu xa nhất về căn tính của Đức Giêsu.
 
“Thiên Chúa yêu đến nỗi..."
Trước khi đi xa hơn trong câu này, tôi để cho những chữ ấy thấm vào người tôi. Vậy ra đây là vấn đề tình yêu. Và một tình yêu sẽ làm những chuyện điên rồ người ta đã đoán ra điều đó trong trạng từ "đến nỗi"...
 
Israel biết rằng Thiên Chúa yêu thương. Toàn bộ Cựu ước là một chung cư về điều đó. Bài đọc đầu tiên cho chúng ta nghe lại mặc khải với Môsê trong sa mạc Sinai:"Ta là Đức Chúa Giavê, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín" (Xh 34,4-9). Vâng, toàn bộ Kinh Thánh đều biết tình yêu của Thiên Chúa nhưng không một ai có thể đoán được tình yêu ấy đi tới mức nào?
"Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi..."
Từ thế gian mà trong tiếng Hy Lạp là “kosmos", trong Tin Mừng Thánh Gioan thường có nghĩa xấu, ở đây cần biết rằng thế gian, toàn vũ trụ được Thiên Chúa yêu thương. Thiên Chúa yêu thương thế gian mà Người đã làm ra. Người ta thương yêu cái gì mình đã làm ra. Nhưng cần biết rằng Thiên Chúa yêu thương mọi người. Thiên Chúa đã yêu thương một ‘anh nọ’ và một ‘chị kia’. Và tôi đặt những khuôn mặt cụ thể được yêu thương hoặc không... trên những từ ấy. Thiên Chúa đã yêu thương anh X. đến nỗi... Thiên Chúa yêu thương chị Y đến nỗi.
 
'Thiên Chúa yêu thế gian đến nối đã ban..."
Hai động từ này: ‘yêu’ ‘ban’ ở thì quá khứ bất định trong ngôn ngữ Hy lạp và dịch thì quá khứ trong tiếng Pháp (trong tiếng Việt là “đã yêu” và “đã ban”). Thiên Chúa đã yêu và đã ban. Đây là một hành động chính xác, có ngày giờ nơi chốn. Quả thật! Đức Giêsu Nagiaret con của Bà Maria, con người thật đã can thiệp vào lịch sử cách nay hai mươi thế kỷ trong một xã hội của Đế quốc La mã đồng thời đó cũng là một biến cố của hoàn vũ đã biến đổi triệt để lịch sử của nhân loại. Kinh Tin Kính của chúng ta không phải là một chuỗi các ý tưởng, nhưng là một chuỗi "sự kiện": Thiên Chúa đã sáng thế, Đức Giêsu đã được trinh thai bởi Chúa Thánh Thần; Người đã đau khổ, đã chết đã sống lại...
 
Phụng vụ của chúng ta không phải là những ngày lễ các ý tưởng: Chúng ta không mừng lễ công lý, tình huynh đệ và cả đức tin. Cách nói: "lễ đức tin tạo ra sự lẫn lộn. Tin Mừng không phải là sách bàn về học thuyết, là một "tường thuật kể lại các biến cố... mà tác giả là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là "chủ thể" của hành động: Người yêu... Người ban...
 
“Người đã ban Con Một...”
Nếu đọc lướt qua nhanh câu này, người ta có thể chỉ nghĩ đến sự Nhập Thể: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Con của Người! Nhưng có một tính từ nhỏ: Con "Một" tính từ ấy xem ra có thể tầm thường với bất cứ người nào không biết Kinh Thánh. Vả lại, đối với thính giả Do Thái, hai từ ấy (Con, Con Một) nhắc đến một đoạn văn của Cựu Ước trong trí nhớ của mọi người: vị đại tổ phụ sáng lập đức tin, Abraham đã chấp nhận hiến tế con trai, con duy nhất của ông (St 22,2-22,16). Đối với Gioan điều này ám chỉ đến sự “tận hiến” trên đồi Golgotha, chứng tá cao cả nhất của tình yêu. Trong một câu trước, Gioan đã nói với chúng ta rằng: “Con Người phải được giương lên như con rắn đồng trong sa mạc” (Ga 3,14). Thánh Phaolô cũng đã viết: ‘Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” ( Rm 8,32). Tình yêu ấy là vô cùng tận! sự điên rồ của tình yêu.
 
“Để ai tin vào con của người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.
Thiên Chúa đã khởi xướng trước, Người đã “yêu thương đầu tiên”. Mọi sáng kiến đến từ phía Người. Nhưng như chúng ta biết rõ, để có tình yêu, nếu chỉ có lời tuyên bố, bày tỏ, trước những bước, dấu chỉ từ một trong hai phía chưa đủ … mà phải có sự tương ứng, đón nhận, đáp trả, … đức tin là lời đáp lại của con người đối với lời tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa: người ta trao đức tin cho người khác, người ta làm cho người ấy tin tưởng, tín thác cho nhau, người ta được “đính hôn”!
 
Cái được mất của đức tin ấy vô cùng quan trọng: vấn đề là chết hay sống: “ai tin thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời”. Đó là một song luận khắc nghiệt: hoặc là …hoặc là.. đó là một chọn lựa quyết định: trong trường hợp này người ta không sống, trong trường hợp kia người ta được sống… không có con đường trung bình mà là sự phân đôi triệt để khốc liệt. Hoặc người ta chấp nhận “sự ban cho của Thiên Chúa” và đi đến sự sống muôn đời là đặc tính của Thiên Chúa hoặc người ta ở lại với nhân tính của mình và dĩ nhiên là phải chết. Không thể có thái độ nghiêng ngả quanh co. Phải nói “có” hoặc “không” trước sự ban cho của Thiên Chúa. Và theo nhà văn Bernanos, Xatan muốn làm chúng ta trở thành “Ông Ouinn”… là ông vừa nói “có” (oui) và “không” (nn.. non) ông nước đôi đó nói “có” khi bắt đầu nói “không”.
 
“Quả vậy Thiên Chúa sai con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ con của Người mà được cứu độ”.
Tư tưởng này của Đức Giêsu rất cách mạng. Trong đạo Do Thái cùng thời với Đức Giêsu , người ta thường loan báo rằng Thiên Chúa sẽ đến tiêu diệt thế giới tội lỗi. Các thủ bản ở Qumran chứa đầy quan niệm ấy của phái Manikêu: con cái của ánh sáng sẽ tiêu diệt con cái của bóng tối trong một cuộc chiến đấu một mất một còn, không khoang nhượng. Gioan Tẩy Giả gần với tâm thức đó, cũng chờ đợi một Đấng Mêsia trả thù và xét xử (Mt 3,10-12).
 
Nhưng quan điểm của Kitô giáo về thế gian thì hoàn toàn quân bình hơn. Không phải là một quan điểm lạc quan, bịt mắt trước sự xấu ác và không nghe thấy khát vọng bao la về một “thế giới tốt đẹp hơn”… cũng không phải là quan điểm bi quan luôn luôn lặp lại rằng thế giới thì xấu xa… nhưng là một quan điểm “cứu độ” thừa nhận sự xấu ác của thế gian nhưng không phải lên án nó, nhưng để cứu nó! Đức Giêsu cứu thế thật tuyệt vời!
 
Còn chúng ta thì sao? có phải chúng ta là những môn đệ của Đức Giêsu ấy không? chúng ta có yêu thương thế gian như Thiên Chúa không? nghĩa là bằng sự đấu tranh chống lại điều ác và tội lỗi của thế gian để cứu độ nó. Tình yêu thương của chúng ta có tính “cứu chuộc” không? nghĩa là trước hết phải thực hiện và sáng suốt trên những khuyết điểm và tội lỗi của anh em chúng ta (cả chúng ta nữa) bị lệch lạc méo mó nhưng chúng ta cũng phải có đủ lòng nhân hậu để cứu giúp họ ra khỏi tình trạng ấy và ban cho họ cơ hội để đổi mới…
 
Tôi còn phải cầu nguyện nhiều về hai từ: ‘không nên đoán xét’ mà hãy ‘cứu’.
 
“Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án…”
Đối với Đức Giêsu, đức tin thoát khỏi sự phán xét. Như thể sự phán xét đã “hiện đại hoá” vào ngày hôm nay, và đặt vào đôi tay của con người: chính con người tự phán xét mình. Và Đức Giêsu nói rằng đức tin là sự phán xét ấy: “ai tin là người được cứu, còn ai không muốn tin đã bị lên án rồi…”
 
“Nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi”.
Chúng ta thấy những lời này rất nghiêm khắc, bởi vì chúng ta nghĩ đến bao nhiêu người không tin, trong vòng bà con hoặc trong chính gia đình chúng ta, và trong thế giới bao la đó những nền văn minh lớn hoàn toàn không có được khả năng biết Đức Giêsu. Tuy nhiên chúng ta không thể loại trừ ra khỏi Tin Mừng các công thức căn bản ở đó con người bị thúc bách phải chọn lựa “theo” hoặc “chống”…”có” hoặc “không”…tuy nhiên phải có sự phân biệt chủ yếu:
 
1. Khi gởi đến các Kitô hữu đã thật sự tuyên xưng đức tin, thì lời cảnh báo nghiêm khắc ấy tức là không được chối bỏ đức tin mà mình đã tuyên xưng là một lời mời gọi không ngừng lặp lại sự tuyên xưng ấy bằng cách mỗi ngày canh tân sự chọn lựa sống theo Đức Giêsu Kitô của mình: nghĩa là "phó dâng đời sống mình bởi tình yêu như Người!".
 
2. Về phần mọi người khác, chưa bao giờ có cơ hội chọn lựa Đức Giêsu một cách thật sự có ý thức, cá nhân là trưởng thành... thì điều mà chúng ta biết về tình yêu Thiên Chúa (Đấng đã sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian mà để cứu độ nó), cho phép chúng ta hy vọng rằng nhiều người trong số những người thực tế 'không theo Đức Giêsu cũng đã theo Người dù họ không biết điều đó (và quả là thiệt thòi cho họ) bằng cách sống làm người của họ "theo Đức Giêsu Kitô" nghĩa là "phó dâng đời sống mình bởi tình yêu như Người!"
 
"Vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa"
Và một lần nữa chúng ta biết chọn lựa ấy khẩn thiết như thế nào... ngay từ bây giờ. Nhưng trong một đoạn văn song song khác, Đức Giêsu sẽ nói rằng một "kỳ hạn của ân sủng" sẽ được ban cho con người, bởi vì chỉ đến ngày sau hết mà "lời của Đức Giêsu sẽ xét xử những kẻ từ chối Người (Ga 12,47-50). Điều đó không loại bỏ sự khẩn thiết của ngày hôm nay... nhưng tất cả đời sống của chúng ta mỗi ngày là sự phán xét của chúng ta...
 
Để kết thúc sự suy niệm này, chúng ta biết rõ hơn tại sao trang Tin Mừng này được chọn cho ngày lễ Chúa Ba Ngôi. Trong Tin Mừng, Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề mà người ta đề cập như một sự trình bày lý thuyết và trừu tượng... đó là một thực tại của tình yêu người ta bước vào thực tại ấy để sống tình yêu ngay từ HÔM NAY bởi đức tin trong Đức Giêsu.

Tác giả bài viết: BBT. (HGLCHT)

Nguồn tin: Loi Chua Hang Tuan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập84
  • Hôm nay11,096
  • Tháng hiện tại274,258
  • Tổng lượt truy cập35,920,603
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây