CON ĐƯỜNG HỢP NHẤT ĐẦY KHÓ KHĂN

Thứ sáu - 13/06/2014 21:11

CON ĐƯỜNG HỢP NHẤT ĐẦY KHÓ KHĂN

Con đường hợp nhất đầy khó khănNăm 1968, 3 năm sau khi Vatican II kết thúc, mục sư Marc Boegner, thuộc Hàn Lâm Viện Pháp, người tham dự Vatican II với tư cách quan sát viên và hết lòng hy vọng ở thành quả của Công Đồng này trong chiều hướng đại kết, đã cho xuất bản cuốn Con Đường Dài Dẫn Tới Hợp Nhất (1). Con đường ấy là con đường gần 60 năm của phong trào đại kết kể từ Hội Nghị Đại Kết Edinburgh năm 1910 cho tới Cuộc Tụ Tập Đại Kết năm 1968 tại Uppsala, Thụy Điển.
Cho tới thời điểm trên, phong trào đại kết đã tiến được một bước dài với hai biến cố quan trọng: việc xích lại gần nhau giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo qua hai đại diện lừng danh là Đức Phaolô VI và Thượng Phụ Athenagoras và việc Đức Phaolô chấp nhận gợi ý của Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới (phần đông Thệ Phản) thiết lập một nhóm làm việc chung giữa Giáo Hội Công Giáo và Hội Đồng, nhằm soạn ra các nguyên tắc sẽ được tuân theo để hợp tác nhiều hơn và các phương pháp sẽ được sử dụng. 
Nhưng nói chung, mục sư kết luận: sự thể hiện hoàn toàn hợp nhất “vẫn thuộc trật tự đời đời dù nó đã hiện diện giữa chúng ta… như dấu chỉ báo hiệu và báo trước nó sẽ tới”. Gần 50 năm đã qua kể từ năm 1968, con đường hợp nhất vẫn tỏ ra còn dài dù những năm gần đây, các Giáo Hội Kitô đã xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Cụ thể là các tuyên bố chung giữa Công Giáo và Giáo Hội Luthêrô, giữa Công Giáo và Anh Giáo… và nhất là cái ôm hôn tha thiết tại Nhà Thờ Mộ Thánh giữa Đức Barthôlômêo của Chính Thống Giáo và của Đức Phanxicô Công Giáo trong những ngày gần đây. Kể từ cái ôm hôn này, người ta thấy những người thừa nhiệm hai anh em Phêrô và Anrê lúc nào cũng như có nhau, như buổi cầu nguyện cho hòa bình Trung Đông gần đây.Cái ôm hôn và sự xuất hiện chung như trên làm nhiều người hy vọng sẽ có hợp nhất nay mai, ít nhất giữa Chính Thống và Công Giáo. Vì dù sao, Thượng Phụ Barthôlômêô cũng được cả thế giới Chính Thống Giáo nhìn nhận như là vị lãnh đạo tinh thần của họ và năm 2015 này, ngài sẽ là người triệu tập và chủ tọa Hội Nghị Toàn Chính Thống Thế Giới, được nhiều người coi như một dịch bản của Vatican II.
Thực tế của Đại Kết
Nhưng thực tế, không hẳn thế. Vì không như Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội Chính Thống không phải là một khối đơn nhất mà gồm nhiều Giáo Hội độc lập. Trong đó, Giáo Hội lớn hơn hết và do đó cũng “độc lập” hơn hết là Giáo Hội Chính Thống Nga, với số tín hữu chiếm hơn nửa tổng số khoảng 300 triệu tín hữu Chính Thống trên thế giới hiện nay.
Giáo Hội Công Giáo, từ thời Đức Phaolô VI, ý thức rất rõ thực trạng này. Nên dù tập chú vào Tòa Constantinople, nơi chính thức diễn ra cảnh tuyệt thông lẫn nhau, dẫn tới cuộc ly giáo vĩ đại năm 1054 và cũng là nơi năm 1964 bắt đầu đi vào diễn trình hàn gắn đưa tới việc hủy bỏ án tuyệt thông lẫn nhau, nhưng Giáo Hội Công Giáo lúc nào cũng muốn bắt tay với Giáo Hội Chính Thống Nga.
Đức Gioan Phaolô II từng muốn được qua thăm Nga để trả lại bức ảnh Đức Bà Kazan, bị thất lạc thời Cách Mạng Bônsêvích, nhưng ước muốn của ngài bị bác bỏ. Dù thế, năm 2004, ngài cũng đã cho gửi trả lại Nga bức ảnh này mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì. Người Chính Thống Nga, do lòng thù nghịch truyền thống đối với người Ba Lan, không bao giờ ưa Đức Gioan Phaolô II, vốn người Ba Lan. Sự không ưa này lên cao cùng với thập niên 1990, lúc chế độ Cộng Sản cáo chung tại Nga và tại Đông Âu nói chung. Ai cũng biết: dịp này, nổ ra cuộc chiến giữa người Công Giáo Croatia và người Chính Thống Serbia; rồi cuộc tranh chấp về tài sản Giáo Hội tại Ukraine giữa người Công Giáo nghi lễ Đông Phương và người Chính Thống Giáo Đông Phương. Người Nga còn tố cáo Giáo Hội Công Giáo mượn dịp chế độ Cộng Sản xụp đổ để mở chiến dịch cải đạo chống lại Giáo Hội Chính Thống Nga.
Ngày Cầu Nguyện Cho Hòa Bình Thế Giới tại Assisi năm 2002, có sự hiện diện của Thượng Phụ Barthôlômêô và hầu hết các thượng phụ khác của Chính Thống, nhưng Thượng Phụ Alexy II của Nga không tới. Đại diện ngài có TGM Hilarion, người, trong cuộc hội kiến sau đó với Đức Gioan Phaolô II, đã không ngần ngại nói thẳng: các liên hệ giữa Giáo Hội Chính Thống Nga và Giáo Hội Công Giáo “hoàn toàn không thỏa đáng” và xác nhận thêm rằng Thượng Phụ Alexy II chỉ bằng lòng gặp Đức Giáo Hoàng sau khi một lập trường chung được đạt tới gồm các điểm: lên án chủ nghĩa cải đạo dưới mọi hình thức, không chấp nhận Unia làm phương pháp đạt tới hợp nhất trong quá khứ, hiện tại và tương lai (2) và thừa nhận và tuyệt đối tôn trọng nguyên tắc lãnh thổ giáo luật.
Thời Đức Bênêđíctô XVI, bầu khí liên hệ giữa đôi bên có phần dễ thở hơn. Điều này được chính Thượng Phụ Kirill, người thừa nhiệm của TP Alexy II, xác nhận trong thư gửi Đức GH nhân dịp ngài từ nhiệm hồi năm ngoái. Thượng Phụ viết rằng: “Với một niềm ấm áp, tôi nhớ lại các gặp gỡ giữa chúng ta trước khi ngài được bầu vào tòa Rôma. Trong những năm ngài làm giáo hoàng, một sự phát triển tốt đẹp đã được dành cho các liên hệ giữa các Giáo Hội chúng ta, các Giáo Hội vốn mang trách nhiệm lớn lao làm chứng chung cho Chúa Kitô chịu đóng đinh và đã sống lại trên thế giới…”.
Niềm ấm áp mà Thượng Phụ Kirill nói tới đã được thể hiện từ những năm đầu triều đại Đức Bênêđíctô. Thực vậy, mùa hè năm 2006, một bản dịch tiếng Nga cuốn “Dẫn Nhập Vào Kitô Giáo” của Đức Giáo Hoàng, viết hồi ngài còn là Hồng Y Joseph Ratzinger, đã được chào đón nồng nhiệt tại Nga. Rồi ngày 16 tháng 4 năm 2008, nhân dịp sinh nhật thứ 81 của Đức Bênêđíctô, lần đầu tiên truyền hình Nga cho chiếu một cuốn phim tài liệu nói về ngài, trong đó, đỉnh cao là bài diễn văn ngài ngỏ với Đức TP Alexy II, với các Kitô hữu Chính Thống… và với nhân dân Nga để tỏ lòng quí mến và mời gọi đối thoại. Cuốn phim này được công chúng Nga nồng nhiệt hưởng ứng. Và sau đó là thư từ trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo Kitô Giáo. Lá thư tay của Đức Bênêđíctô đã làm TP Alexy hết sức cảm động. Trong thư trả lời, TP bày tỏ với Đức GH “lòng kính trọng sâu sắc nhất và thiện chí thành thực nhất”. Ngài cho hay: ngài “sung sướng trước các viễn tượng ngày một gia tăng cho thấy sự phát triển các mối liên hệ tốt đẹp và sự cộng tác tích cực giữa hai Giáo Hội chúng ta”.
Trong lễ nhậm chức của Tân TP Kirill vào ngày 1 tháng 2 năm 2009 được sự tham dự của một phái đoàn Công Giáo rất “nặng ký” gồm: HY Wal-ter Kasper, Khâm Sứ TGM Antonio Mennini, TGM Công Giáo của Moscow, Paolo Pezzi và GM của Regensburg, Ludwig Muller, người sau này trở thành HY Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Nhân dịp này, Đức Bênêđíctô gửi thư chúc mừng, trong đó, ngài tỏ lòng hy vọng sẽ có được sự hợp tác liên tục “để tìm ra các phương cách và các hình thức để phát huy và củng cố tình hợp đoàn trong nhiệm thể Chúa Kitô”.
Sau đó là việc trao đổi thăm viếng giữa nhiều phái đoàn của hai Giáo Hội. Tháng 5 năm 2010, một phái đoàn của TP Kirill đã qua Tòa Thánh 2 ngày để cổ vũ nền văn hóa và nền linh đạo Nga. Kết thúc chuyến đi là buổi trình diễn âm nhạc Nga và Ý, được coi như món quà đặc biệt của Thượng Phụ tặng Đức Giáo Hoàng. Đức HY Wal-ter Kaspers, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo, gọi buổi sinh hoạt này là “giai đoạn mới” trong mối liên hệ gữa hai Giáo Hội.
Nhân dịp này, đại diện Tòa TP Moscow là TGM Hilarion, gợi ý rằng một cuộc gặp gỡ giữa TP Kirill I và Đức GH Bênêđíctô có thể xẩy ra trong tương lai. Vị TGM này, đã được mời phát biểu tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Tân Phúc Âm Hóa năm 2012, sau đó được hội kiến với Đức Giáo Hoàng.
Ngày 19 tháng 3 năm 2011, Đức HY Kurt Koch, Chủ Tịch Hội Đồng GH Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo, gặp gỡ TGM Hilarion, Chủ Tịch Ban Đối Ngoại của Tòa TP Moscow, một cuộc gặp gỡ được HY Koch mô tả là “rất tích cực” và “quan trọng” để “nhấn mạnh tới chiều kích công cộng của cuộc đối thoại với Giáo Hội Chính Thống và làm cho cuộc đối thoại được mọi người nhìn thấy”.
Ấy thế mà khi nghe tin tổng thống Viktor Yushchenko mời Đức Bênêđíctô XVI thăm Ukraine, phát ngôn viên của Tòa Thượng Phụ Moscow cho rằng cuộc viếng thăm này “không đúng lúc”.
Và mặc dù Moscow tỏ ra lạc quan với việc Đức Phanxicô được bầu làm giáo hoàng, đại diện Tòa TP Moscow vẫn cho rằng: việc Đức Tân Giáo Hoàng hội kiến với TP Kirill “còn tùy thuộc việc giải quyết nhanh hay chậm các tranh luận còn tồn đọng”.
Dù thế, nhân chuyến viếng thăm Đất Thánh vừa qua để gặp TP Đại Kết Barthôlômêô tại Giêrusalem và dự buổi cầu nguyện chung tại Nhà Thờ Mộ Thánh, Đức Phanxicọ cùng một lúc đã gửi TP Kirill một “thông điệp riêng” qua trung gian của Đức Ông Massimo Palumbella, giám đốc Ban Hợp Ca của Nhà Nguyện Sistine lúc đó đang có mặt để trình diễn cho TP Kirill nhân dịp kỷ niệm 5 năm đảm nhiệm chức vụ của vị này. Thông điệp nói rõ: ngài sẵn sàng gặp Thượng Phụ tại bất cứ nơi nào. Tuy nhiên, Thượng Phụ chỉ tỏ lời cám ơn mà không nói chi tới việc gặp mặt.
Không những thế, ngày 28 tháng 5, TP Kirill còn nói tới “việc ra lạnh nhạt” trong mối liên hệ với Vatican, vì các người Công Giáo Ukraine gốc Hy Lạp tham dự biểu tình tại Maidan Square ở Kiev với một lập trường “bài Nga”. Các khai triển mới đây tại Ukraine quả chỉ khiến các chia rẽ trở nên sắc cạnh hơn, đến nỗi, TGM Hilarion cho rằng cuộc tranh chấp này “đẩy chúng ta trở lại với tình thế lúc người Công Giáo và người Chính Thống Giáo coi nhau không phải là đồng minh mà là thù nghịch”.
Giáo Hội Chính Thống Nga cũng cố gắng hạ thấp tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ đại kết giữa Đức GH Phanxicô và TP Barthôlômêô tại Nhà Thờ Một Thánh ở Giêrusalem. Thực vậy, nhân dịp này, TGM Hilarion tuyên bố: Thượng Phụ Barthôlômêô chỉ đại diện cho Tòa Constantinople khi gặp Đức GH Phanxicô chứ không đại diện cho tín hữu Chính Thống khắp thế giới, vì ngài không tham khảo ai trước khi dấn thân vào cuộc gặp gỡ này.

Chủ nghĩa duy lãnh thổ Chính Thống Giáo
Tiến sĩ Jeff Mirus thì cho rằng điểm nổi bật của Chính Thống Nga là chủ nghĩa lãnh thổ (territorialism). Ông cho rằng đặc điểm Nga đóng một vai trò rất lớn trong quan điểm của Chính Thống Giáo Nga. Đây là điểm mà người Công Giáo Tây Phương không tài nào hiểu được. Họ không coi quốc gia của họ như là phần yếu tính đối với căn tính của Giáo Hội Công Giáo. Giả dụ quốc gia của họ không còn thì căn tính Công Giáo cũng chẳng mất mát gì. Người Chính Thống Giáo Nga không nghĩ vậy. Theo lịch sử, người Chính Thống Nga luôn cột mình chặt chẽ vào các tham vọng của chính nước Nga. Giáo Hội ở đây đã có một lịch sử thật dài thỏa hiệp với quyền lực nhà nước quá lâu và mới đây tỏ ra là đồng minh thân cận nhất của “Nga Hoàng” Putin. Họ cũng tin rằng do thần quyền, họ có thẩm quyền trên mọi người bên trong nhãn quan của Nga.
Đó là lý do tại sao Giáo Hội Chính Thống Nga rất ghét bất cứ việc hợp nhất nào với Rôma; họ càng ghét cay ghét đắng sự bành trướng của Đạo Công Giáo tại các lãnh thổ Chính Thống Giáo. Họ luôn gọi đó là chủ nghĩa cải đạo theo nghĩa xấu nhất của từ ngữ. Vì nó xâm phạm tâm điểm của chủ nghĩa lãnh thổ. Đọc lại các điều kiện được TGM Hilarion trình bày cho Đức Gioan Phaoloô trên đây đủ thấy rõ điều này.

Các dị biệt tín lý
Phần đông các Giáo Hội Chính Thống khác, nhất là Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, thì bớt duy lãnh thổ hơn và chú trọng nhiều hơn tới các dị biệt tín lý mà họ cho rằng vẫn còn y nguyên như năm 1054 với hậu ý: hợp nhất chưa tới lúc.
Hai dị biệt chính trước nhất là Đức Giáo Hoàng. Người Kitô hữu Chính Thống chỉ chịu coi ngài như có vị (figurehead), giống Nữ Hoàng Anh, và do đó lo ngại trước ý niệm ngài can thiệp vào việc nội bộ của họ và sai khiến các thượng phụ của họ. Cùng lắm chỉ có thể hiệp thông với ngài chứ không hợp nhất với ngài theo nghĩa trở về một đoàn chiên do ngài chăn dắt (phương thức Unia). Giáo huấn Công Giáo thì dạy rằng Đức Giáo Hoàng có “thẩm quyền trọn vẹn, tối cao và phổ quát”, các Giáo Hội phân rẽ phải trở về với Giáo Hội Công Giáo là nơi mà Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền” tồn hữu (subsist). Thứ hai là vấn đề filioque, tức câu “(bởi)…và Đức Chúa Con” đã được Giáo Hội Tây Phương tự ý thêm vào Kinh Tin Kính Nixêa, tức bản tóm tắt đức tin Kitô Giáo đã được thỏa thuận tại Công Đồng Nixêa thế kỷ thứ bốn. Việc tự ý thêm vào này đã thiêu rụi các liên hệ giữa Đông Tây đến độ năm 867, TP Photius của Constantinople gọi vị giáo hoàng chấp thuận việc này là “tên lạc giáo phá hoại vườn nho Chúa”. Việc thay đổi này khá nhỏ nhoi, nhưng nó khiến người Chính Thống giận dữ vì họ nghĩ rằng bất cứ tu chính nào đối với điều chính yếu của đức tin cũng cần được sự nhất trí đồng thuận tại một công đồng.
Phần lớn các thần học gia hiện nay cho rằng vấn đề “filioque” chỉ là một vấn đề không quan yếu, một tu chính ít nhiều có thể chấp nhận được. Nhưng nhiều người Chính Thống vẫn coi đây là một trở ngại, một lạc giáo trầm trọng.
Trên thực tế, người Chính Thống coi người Công Giáo là lạc giáo. Ý tưởng này đã gây ra cuộc phản đối như điên loạn chống lại cuộc viếng thăm Hy Lạp năm 2001 của Đức Gioan Phaolô II, dù, trong cuộc viếng thăm này, ngài chính thức xin lỗi về việc Đệ Tứ Thập Tự Chinh đã cướp phá Constantinople và nhiều vi phạm khác. Tệ hơn nữa, dịp này, một bộ phận linh mục Chính Thống còn gọi ngài là “quái vật hai sừng thô bạo”. Và gần đây, hai vị giám mục Chính Thống Hy Lạp đã viết một lá thư dài 89 trang tố cáo Đức Phanxicô, cho rằng việc bầu ngài làm giáo hoàng là kết quả một âm mưu của Do Thái Giáo!
Phương diện tín lý này hiện được xử lý một cách hết sức nghiêm chỉnh bởi Giáo Hội Công Giáo. Năm 1979, dưới triều Đức Gioan Phaolô II, Ủy Ban Hỗn Hợp Đối Thoại Thần Học của các Giáo Hội Chính Thống và Công Giáo Rôma, đã bắt đầu gặp nhau để tìm hiểu triển vọng hợp nhất.
Mười năm sau đó cho thấy càng ngày hai bên càng đạt được đồng thuận và đã cho công bố 3 thỏa thuận đạt được về các vấn đề: tương quan giữa Thiên Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội và Phép Thánh Thể; các bí tích khai tâm và sự nối kết giữa đức tin chung và hiệp thông bí tích; và thần học của thừa tác vụ thụ phong.
Ủy Ban đã họp các phiên khoáng đại sau đây: tại Patmos và Rhodes, Hy Lạp năm 1980, chủ đề “Mầu Nhiệm Giáo Hội và Phép Thánh Thể dưới Ánh Sáng Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi”. Năm 1982, họp tại Munich, Đức cũng cùng chủ đề như năm 1980. Năm 1984, họp tại Creta, Hy Lạp, chủ đề: “Đức Tin, Các Bí Tích và Sự Hợp Nhất của Giáo Hội”. Năm 1987, họp tại Bari, Ý, cùng chủ đề như năm 1984. Năm 1988, họp tại Valamo, Phần Lan, chủ đề “Bí Tích Truyền Chức Thánh trong Cơ Cấu Bí Tích của Giáo Hội, đặc biệt bàn tới Sự Quan Trọng của Việc Kế Tục Tông Đồ đối với Sự Thánh Hóa và Hợp Nhất Dân Thiên Chúa”. Năm 1990, họp tại Freising, Đức, chủ đề "Thuyết Duy Thống Nhất (Uniatism)". Năm 1993, họp tại Balamand, Libăng, chủ đề “Thuyết Duy Thống Nhất: Phương Pháp Thống Nhất trong việc Tìm Tòi trong Quá Khứ, và trong Tương Lai để tiến tới Hiệp Thông Trọn Vẹn”. Năm 2000, họp tại Emmitsburg, Baltimore, Hoa Kỳ, chủ đề “Các Hệ Luận Giáo Hội Học và Giáo Luật Học của Thuyết Duy Thống Nhất”. Năm 2006, họp tại Belgrade, Serbia, chủ đề “Các Hậu Quả Giáo Hội Học và Giáo Luật Học của Bản chất Bí Tích của Giáo Hội; Tính Công Đồng và Thẩm Quyền trong Giáo Hội trên Ba Bình Diện của Đời Sống Giáo Hội: Địa Phương, Miền và Hoàn Vũ”. Năm 2007, họp tại Ravenna, Ý, chủ đề: “Các Hậu Quả Giáo Hội Học và Giáo Luật Học của Bản Chất Bí Tích của Giáo Hội: Hiệp Thông Giáo Hội, Tính Công Đồng và Thẩm Quyền”. Năm 2009, họp tại Paphos, Cyprus, chủ đề “Vai Trò của Giám Mục Rôma trong Hiệp Thông Giáo Hội ở Thiên Niên Kỷ Thứ Nhất”. Năm 2010, họp tại Vienna, Austria, cùng chủ đề như năm 2009.
Trong các cuộc họp khóang đại trên, lưu ý là cuộc họp tại Ravenna, Ý, năm 2007. Vì văn kiện do cuộc họp này công bố đã được mọi người tham dự đồng thanh chấp thuận. Duy nhất có Giáo Hội Chính Thống Nga là khuyết diện mà thôi, vì lúc đó, họ đang có tranh cãi với Thượng Phụ Đại Kết của Constantinople. Tuy nhiên, sau đó, Giáo Hội này cũng đã tham gia cuộc đối thoại dựa trên văn kiện Ravenna này.
Cái đinh của văn kiện này là đoạn 41: “Hai bên thỏa thuận rằng… vì là Giáo Hội ‘chủ trì trong yêu thương’ theo câu nói của Thánh Inhaxiô thành Antiốc, Rôma chiếm vị trí thứ nhất trong ‘taxis’, và giám mục Rôma, do đó, là ‘protos’ giữa các thượng phụ. Tuy nhiên, hai bên không thỏa thuận với nhau về lối giải thích theo chứng cớ lịch sử của thời đại đó liên quan tới các đặc quyền của giám mục Rôma trong tư cách ‘protos’, một vấn đề vốn đã được hiểu nhiều cách khác nhau trong thiên niên kỷ thứ nhất”.
Trong tiếng Hy Lạp, “Protos” có nghĩa là “thứ nhất”, còn “taxis” có nghĩa là việc tổ chức Giáo Hội hoàn vũ. Như thế, đối với các Giáo Hội Chính Thống hiện nay, đặc quyền của Giám Mục Rôma hiểu như có thẩm quyền phổ quát trên mọi Giáo Hội thực sự là trở ngại chính cho việc hợp nhất. Từ Vatican II trở đi, Giáo Hội Công Giáo đang tìm tòi các phương cách và hình thức thi hành tính tối thượng của giám mục Rôma sao cho không hẳn phù hợp với ý muốn con người, “theo chứng cớ lịch sử” mà phù hợp với ý muốn của Chúa Kitô.

Phương thức đại kết cụ thể
Việc trên tùy thuộc rất nhiều vào các cố gắng của các thần học gia trong nhiều năm tới, có thể là cả vài thập niên tới hay vài trăm năm tới không chừng. Trong khi đó, hai Giáo Hội, nhất là Công Giáo, đang tìm cách tối đa hóa cuộc đối thọai yêu thương, khuyến khích tín hữu hai bên cùng làm việc với nhau để tái lập cho bằng được nền văn hóa Kitô Giáo trong thế giới càng ngày càng tục hóa này. Việc này đặc biệt được Đức Bênêđíctô XVI khích lệ và cổ vũ: hợp nhất cho ích chung bằng cách bênh vực, bảo vệ nền văn hóa Kitô Giáo.
Nghị Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo Âu Châu cũng hoàn toàn chú tâm vào kế sách cụ thể và nhiều hiệu quả này. Từ năm 2008, Liên Hội Đồng Các Giám Mục Công Giáo Âu Châu đã dấn thân vào con đường đối thoại với các Giáo Hội Chính Thống Giáo của lục địa, qua Nghị Hội này, nhằm hiểu biết hỗ tương nhiều hơn và xác định ra các lập trường chung về các vấn đề xã hội và luân lý quan trọng liên quan tới con người nam nữ của Âu Châu.
Cứ mỗi hai năm, một phái đoàn gồm 12 vị giám mục Công Giáo thuộc nhiều nước khác nhau và một số chuyên viên sẽ gặp một phái đoàn đại biểu các Giáo Hội Chính Thống Âu Châu để cùng nhau thảo luận một chủ đề đã được thoả thuận và cuối cùng soạn thảo một sứ điệp chung.
Qua Nghị Hội này, các Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo cùng hợp tác để bảo vệ các giá trị Kitô Giáo tại Âu Châu, chống lại chủ nghĩa duy tương đối luân lý vốn đưa xã hội và văn hóa Âu Châu vào diễn trình tục hóa.
Nghị Hội này lần đầu tiên được tổ chức năm 2008 (11-14 tháng 12) tại Trent, Ý, với chủ đề “gia đình: một thiện ích cho nhân loại”; Nghị Hội lần thứ hai được tổ chức năm 2010 (18-22 tháng 10) tại Rhodes, Hy Lạp, với chủ đề: các liên hệ giữa Giáo Hội và Nhà Nước; Nghị Hội lần thứ ba được tổ chức năm 2012 (5-8 tháng 6) tại Lisbon, Bồ Đào Nha, với chủ đề: Khủng hoảng kinh tế và nghèo đói. Tất cả đều là những thách đố đối với Âu Châu ngày nay. Chủ đề năm nay là: Tôn Giáo và Tính Đa Dạng Văn Hóa: Các Thách Đố Đối Với Các Giáo Hội Kitô Giáo tại Âu Châu. Chín điểm tuyên bố của Nghị Hội đã được trình bày trên Vietcatholic ngày hôm qua.
Có người nghĩ tới việc thành lập một uỷ ban thường trực gồm các giám mục Công Giáo và Chính Thống Giáo Âu Châu, không phải để thảo luận thần học, mà để theo đuổi các mục tiêu chuyên biệt, hữu hình chung với nhau như tạo ảnh hưởng tích cực lên môi trường chính sách công của Liên Hiệp Âu Châu, một môi trường hiện không thân thiện với Kitô Giáo, và trợ giúp các Kitô hữu đang bị bách hại tại Trung và Cận Đông…
Người khác đề nghị việc trao đổi lối sống đơn tu. Lối sống này rất được cổ vũ trong các Giáo Hội Chính Thống và các giám mục thường được chọn trong số các đan sĩ. Hay tìm cách cổ vũ các buổi hòa nhạc, đề cao thánh nhạc Công Giáo và Chính Thống Giáo. Nhất là tại sao không giật chuông nhà thờ chung với nhau khi Lễ Phục Sinh của Lịch Grêgôriô (Công Giáo) và Lịch Julianô (Chíng Thống) trùng với nhau. Nếu năm nay, lễ đó trùng vào ngày 20 tháng 4, đã qua đi rồi, thì năm 2017 và cả năm 2034 nữa, sẽ ra sao, nó sẽ trùng lại nữa. Còn gì chứng tỏ sự hợp tác trong thờ phượng bằng cùng giật chuông nhà thờ vào một giờ nào đó?
Điều có thể làm ngay lúc này là sử dụng Hội Hiệp Sĩ Tối Cao Malta, một trong các định chế Công Giáo hiếm hoi được người Nga và Giáo Hội Chính Thống Nga rất mộ mến, vào mục tiêu đại kết yêu thương. Hội này là một pháp nhân quốc tế, hiện có liên hệ ngoại giao với khoảng chín quốc gia có đa số dân theo Chính Thống Giáo, trong đó có Nga và Serbia.
Người ta có quyền hy vọng nhiều rằng triều đại Đức Phanxicô, một triều đại nặng về mục vụ, nặng về những bước cụ thể, sẽ lưu ý tới những bước cụ thể như trên. Hy vọng này được củng cố rõ rệt nhất qua chuyến viếng thăm Đất Thánh vừa qua. Chủ điểm cuộc tông du là đại kết: gặp gỡ TP Đại Kết Barthôlômêô, không phải để thảo luận thần học, mà là để cầu nguyện chung. Có thảo luận chăng cũng là thảo luận viễn tượng có một ngày lễ Phục Sinh chung giữa hai Giáo Hội và cùng nhau hoạt động cho môi trường, như chính lời Đức Phanxicô xác nhận trong chuyến bay trở lại Vatican. _____________________________________________________________________________________________________________________
(1) Nguyên bản tiếng Pháp: L’Exigence Oecuménique. Tựa trên là của bản tiếng Anh The Long Road to Unity, Collins, 1970.
2) Unia, theo tiếng Ba Lan, là hình thức hợp nhất các Giáo Hội Chính Thống vào Giáo Hội Công Giáo mà vẫn giữ nghi lễ riêng của mình, theo mẫu Hợp Nhất Brest-Litovsk năm 1596 tại Ba Lan
 
 
 
 

Tác giả bài viết: Vũ Văn An

Nguồn tin: (Trích Vietcatholicnews ngày 11-6-2014)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập46
  • Hôm nay14,491
  • Tháng hiện tại263,589
  • Tổng lượt truy cập35,909,934
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây