Bên cạnh tác dụng không thể chối bỏ là liên kết hầu như toàn nhân loại và biến thế giới thành một “ngôi làng toàn cầu”, Internet đã làm thay đổi cách con người hành động và suy nghĩ.
Dưới đây là một số tác động kỳ quặc của sự hiện đại đến con người mà có thể bạn không nhận ra.
1. Internet khiến mắt chúng ta hoạt động theo một kiểu khác
Cùng với sự phát triển của Internet, mạng xã hội và tin nhắn thoại, nhiều người cho rằng chúng ta đang tiến đến một xã hội "lười đọc". Và cùng với đó, cách đọc của mắt chúng ta cũng đã thay đổi.
Trước khi có Internet, mắt chúng ta đã quen với việc đọc theo từng dòng từ đầu đến cuối trang giấy của một quyển sách hay tờ báo. Tuy nhiên khi bị ngập lụt trong lượng thông tin mà Internet cung cấp, mắt chúng ta đã thay đổi cách đọc - theo hình tam giác.
Theo giả thuyết này thì khi chúng ta bắt đầu đọc một trang web, chúng ta sẽ đọc kĩ một số dòng ở phần đầu. Tuy nhiên càng đọc xuống cuối, mắt con người càng dễ dàng bỏ qua việc đọc chi tiết mà chỉ lướt qua chúng.
Cách mắt chúng ta đọc một trang mạng.
Hiện tượng này được phát hiện vào năm 2005 và tạo điều kiện cho những nhà thiết kế web làm việc hiệu quả hơn bằng cách đặt những thông tin quan trọng sao cho chúng rơi vào vùng “tam giác vàng” của mắt người đọc.
Vậy nhưng tác dụng của việc này cũng sẽ không kéo dài khi mà theo các nhà khoa học, cách đọc này vẫn đang phát triển và biến đổi.
2. Cách ứng xử của chúng ta thay đổi tùy theo ảnh đại diện trên mạng
Chăm chút cho hình ảnh đại diện trong game hay trên mạng xã hội có thể là một hành động vô bổ với nhiều người, thế nhưng nó lại quan trọng hơn ta tưởng.
Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Stanford đã làm một thí nghiệm trong đó họ đưa cho các tình nguyện viên tài khoản game với nhân vật đại diện khác nhau.
Những người có nhân vật đại diện hấp dẫn đều thể hiện một cách tự tin hơn khi giao tiếp với người khác so với những người bị buộc phải nhận các nhân vật quái thú có bề ngoài xấu xí.
Trong một thí nghiệm tiếp theo, các nhà nghiên cứu yêu cầu những người này chọn một đối tượng hẹn hò từ một số lượng người nhất định. Những tình nguyện viên có nhân vật đại diện trong game đẹp thường chọn đối tượng hẹn hò đẹp hơn.
Các nhà nghiên cứu giải thích hiện tượng này là do vẻ ngoài của hình tượng trên mạng tác động đến cách tự đánh giá bản thân của chúng ta.
3. Tính chất nặc danh của Internet có thể giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn
Với mạng Internet, bằng cách xóa tài khoản, không ít người có thể dễ dàng trốn tránh hậu quả xã hội với hành động của mình.
Chính vì vậy một số người cho phép mình thể hiện ý kiến bản thân một cách thoải mái, đôi khi có phần quá mức. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, đặc điểm này lại thực sự có ích.
Hiện tượng này được gọi là “tác động ức chế trực tuyến”. Nó có nghĩa là cảm giác an toàn mà tài khoản ảo trên mạng đem đến cho bạn sẽ giúp bạn đưa ra quyết định dễ dàng hơn và xóa đi cảm giác ngại ngùng.
Nghiên cứu cho thấy, những người "nặc danh" tham gia hội thảo trực tuyến có kĩ năng giải quyết vấn đề tốt hơn những người ở một hội thảo truyền thống.
Điều này được so sánh với nỗi sợ giơ tay trong lớp học. Khi mà nguy cơ bị cười nhạo không còn, bạn sẽ tự tin nói ra ý kiến của mình hơn.
4. Chúng ta mất dần khả năng nói chuyện trực tiếp
Với sự phát triển của các phương tiện truyền thông thì giờ đây chúng ta đang giao tiếp với những cái máy nhiều hơn là với con người bằng xương bằng thịt.
Theo một số nhà tâm lý học, con người đang tạo ra một “hiện tượng xa cách”. Về cơ bản, bằng cách không giao tiếp mặt đối mặt, chúng ta đang tự xóa bỏ khả năng giao tiếp của mình.
Một thí nghiệm đã được thực hiện tại trường Đại học California, Mỹ. Các chuyên gia cho hai nhóm học sinh cắm trại trong rừng một tuần.
Một nhóm được sử dụng điện thoại còn nhóm còn lại thì không. Kết quả là sau năm ngày, nhóm không được tiếp xúc với Internet có khả năng nhận ra những dấu hiệu của giao tiếp phi ngôn ngữ (biểu hiện trên mặt, ánh mắt, giọng nói, cử chỉ…) tốt hơn so với nhóm còn lại.
Trong khi ở nhóm được sử dụng điện thoại, sự giao tiếp giữa những người bạn với nhau hạn chế hơn rất nhiều. Bạn có cho rằng, nếu hiện tượng này kéo dài, liệu chúng ta còn có thể thực sự giao tiếp hay sẽ chỉ "mở miệng" nói mỗi khi thực sự gặp nhau?
5. Chúng ta phụ thuộc quá mức vào những tương tác ảo
Trong thời đại mà mạng xã hội trở thành thứ thuốc gây nghiện mới, các nhà khoa học đã ghi nhận hiện tượng FoMo - “Fear of missing out” - nỗi sợ bị lỡ thông tin.
Căn bệnh này là một dạng lo âu xuất hiện khi người bệnh “mất liên lạc” với mạng xã hội trực tuyến của họ, đặc biệt ở những người tự cảm thấy thiếu thốn tình cảm hay sự tự tin.
Một nghiên cứu cho thấy, một số người mắc bệnh này nảy sinh nghi ngờ về sự tồn tại của mình sau khi bị cấm dùng Facebook.
Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học điều chỉnh số lượng like và bình luận của các người bệnh trên mạng xã hội. Kết quả là những người có lượng like cao cảm thấy vui vẻ và phấn khởi trong khi những người không nhận được like nào cảm thấy như mình không có giá trị.
Có thể nói, chúng ta đang ngày càng phụ thuộc vào sự công nhận “ảo” trên mạng mà quên đi cuộc sống thật, đến nỗi có thể phát bệnh vì nó.