Nhiều lần, nhiều nơi, trong nhiều thánh lễ, khi nói lời cầu chúc này, theo cách thế bên ngoài, thì có linh mục không nói bằng tâm hồn. Nói qua cho xong. Vì linh mục vừa nói, nhưng không đối thoại với giáo dân, thiếu chuẩn bị nên đang bận mở sách. Hoặc vì muốn chóng xong, cắt ngắn thời gian. Không có thời gian đón nhận lời giáo dân cầu chúc: Chúa ở cùng cha. Giáo dân đáp lại cho có lệ. Những lời chúc như thế trong thánh lễ nhạt nhẽo làm sao! Khi họ không tha thiết trong lời cầu chúc, thì làm sao dám nói họ thiết tha trong mong ước Chúa thật sự đến với người họ cầu chúc. Nếu vậy, Chúa ở đâu trong mối tương quan họ với Chúa, với nhau? Thiếu tha thiết trong lời cầu chúc, thì khó mà xác định mình thiết tha Chúa đến với người mình chúc. Từ đó, làm sao định nghĩa đấy là một thánh lễ sốt sáng.
Khi họ không nhận định kỹ “Chúa ở cùng anh chị em” là gì, thì làm sao rõ “Chúa ở cùng chúng ta”, và “Chúa ở cùng tôi” quan trọng đến đâu. Họ đánh mất ý nghĩa tên gọi EMMANUEL.
EMMANUEL là tên gọi của Thiên Chúa. Bởi đó, lời cầu chúc trong thánh lễ “Chúa ở cùng anh chị em” là lời rất quan trọng. Và, thánh lễ là gì nếu chúng ta để mất vẻ đẹp: CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA?
EMMANUEL
- Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt. 2:24).
Khởi đầu Phúc Âm, Mátthêu giới thiệu tên của Thiên Chúa là Emmanuel, nghĩa là tên gọi đó được phiên dịch ra: Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Và rất đẹp, hôm nay chúng ta cụ thể hóa tên gọi đó trong lời chào của thánh lễ: “Chúa ở cùng anh chị em.” “Và ở cùng cha.”
Kết thúc Phúc Âm, Mátthêu để chính Ðức Kitô tự nói về mình bằng lời chấm dứt như sau: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt. 28:20).
Mở đầu và kết thúc một cuốn sách là dẫn vào và đưa tới cho người đọc toàn thể cuốn sách đó nói gì. Tư tưởng trọn gói ở đây, tên gọi của Thiên Chúa là ở cùng con người.
TÌNH YÊU VÀ Ở CÙNG
Thiên Chúa không yêu thương con người bằng cách từ trên cao nhìn xuống.
Thiên Chúa không cứu chuộc con người bằng cách ở trên cao vớt con người lên.
Thiên Chúa xuống thế làm người. Thiên Chúa ở cùng.
Trong cuộc sống nhân loại, con người thường cứu nhau bằng sức mạnh của kẻ hơn. Kẻ có sức mạnh hơn, nhìn xuống kẻ yếu. Tôi giàu có hơn, tôi giúp đỡ anh. Tôi khỏe mạnh hơn, tôi vớt anh lên.
Màu nhiệm tình yêu Thiên Chúa lại không như thế. Mà là một tình yêu ở cùng. Kinh Thánh chỉ định, tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng.
Tại sao tình yêu lại hệ tại ở cùng mà không phải ở trên thương xuống?
Tại sao tình yêu lại không là nhìn xuống để vớt lên mà lại là cùng xuống để nhìn?
Người môn sinh ưu tư với những băn khoăn.
Nắng trong vườn đã ngả dạt qua bờ dậu. Ráng chiều hoàng hôn rũ xuống lòng người môn sinh trẻ đang tầm thầy học đạo. Anh đã viết về tình yêu, đã nghe về tình yêu. Nhưng tình yêu vẫn là một huyền nhiệm. Tình yêu là gì?
Người môn sinh nhớ câu chuyện xa xưa:
- Bạch thầy, chúng con không chấp nhận nó được, nó ăn cắp, nó láu cá, nó làm biếng. Xin thầy đuổi nó về.
Mấy chú đệ tử nhỏ báo cáo với thầy. Và vị thiền sư đã bảo:
- Nó không biết phải, không biết trái nên mới cần ở với thầy. . .
Phêrô cũng thế, đã có lần Ðức Kitô gọi Phêrô là Satan. Nhưng Ngài không đuổi Phêrô. Ngài bảo: “Lui lại đàng sau Thầy.” Lui lại phía sau, chứ không là đuổi đi xa. Vì Satan đang ở trong con, nên con cần ở cùng Thầy.
Ðời người là những chặng đường kiếm tìm. Huyền nhiệm cuộc sống mở ra như những cánh hoa. Một ngày không tìm kiếm là một ngày chết ủ. Cánh hoa phải mở ra, bật lên thành màu. Bấy giờ mới là cánh hoa. Cuộc sống cũng thế, những ấp ủ băn khoăn kia phải bật lên thành màu mới là cuộc sống. Và ta phải tìm kiếm. Tại sao tình yêu lại hệ tại ở cùng? Nhất là tên gọi kia của tình yêu Thiên Chúa. Tại sao lại là Thiên Chúa ở cùng chúng ta? Ðể giúp người học trò tìm kiếm. Nhà đạo sĩ hỏi người học trò:
- Ngày con đau, mẹ con không là thầy thuốc. Bà không có quyền lực cứu con khỏi bệnh. Sao bà cứ đứng bên giường nhìn con, ngay cả khi con ngủ?
- Bạch thầy, vì thương con.
- Bà có chữa con hết bệnh được không?
- Bạch thầy, không.
- Không chữa được, vậy đứng đó làm gì?
Người học trò ngập ngừng.
- Bạch thầy, vì thương con.
- Thương, nhưng không làm sao chữa bệnh cho con được. Vậy thương là gì?
Người học trò bắt đầu hiểu. Tình yêu không cứ là “doing”, mà là “being.” Nghĩa là ở cùng. Thật ra, ở cùng, không phải là không làm gì. Bởi “ở cùng - being” đúng nghĩa là sự hiện hữu trọn gói. Khi linh mục nói “Chúa ở cùng anh chị em”, mà chỉ nói vì công thức cho qua. Như thế, sẽ là có “doing” đó, nhưng vắng mặt của “being.” Khi bà mẹ nhìn con ngủ trong cơn đau. Cứ chốc chốc, bà đến bên giường nhìn con ngủ. Bà không có năng lực chữa bệnh cho con. Bà không “doing” được điều gì theo nghĩa sản xuất. Bà chỉ hiện diện trọn gói tâm hồn bà ở đó. Ðấy là chiều sâu của ngôn ngữ ở cùng, là “being.”
Trong cuộc sống, tôi cần một người nhìn tôi. Nói với tôi là cuộc sống, có họ ở cùng với tôi. Người vợ dọn cơm chiều, chỉ mong chồng về, đến bên cạnh, thầm nói rằng “anh ở cùng em.” Buổi chiều đó có thể trở thành hương hoa. Họ cần cái ở cùng này. Người ta kinh nghiệm trong cuộc sống thực như thế. Không ai chỉ hạnh phúc bởi tấm pay check, có “doing” mà không có “being”. Trong nỗi đau, con người thường kêu:
- Lạy Chúa, xin cất chén đắng này cho con.
Họ muốn Thiên Chúa “doing”. Chúa hãy lấy quyền năng mà hành động. Nếu Chúa không cất nỗi đau cho con mà chỉ “being”, nghĩa là chỉ đau với con thôi thì có ích gì. Người ta lý luận tình yêu thì phải cụ thể bằng hành động. Chúa thương tôi, Chúa phải hành động, xin hãy tặng tôi những món quà tôi xin. Tình yêu Thiên Chúa lại không như thế. Thay vì cứu con người khỏi chết thì lại chết với con người. Thay vì cứu con người khỏi đau thì lại đau với con người. Trong nỗi bực dọc, con người oán trách Thiên Chúa. “Ông không phải là Ðấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! (Lc. 23:39). Con người thách thức Thiên Chúa, cứu tôi đi, nếu thực sự thương tôi. Rồi tôi sẽ tin. Ðức Kitô không lấy quyền năng để cứu những tiếng kêu này. Ngài cũng không lấy quyền năng thoát khỏi cái chết này.
Tại sao tình yêu không là cứu người mình yêu khỏi chết, mà là chết cùng?
Trước khi tiếp tục đề tài. Vị đạo sĩ nhắc người học trò về một kinh nghiệm:
- Nỗi đau là không có ai đau cùng, chứ chưa hẳn là không có ai cất cho mình nỗi đau. Làm sao con có năng lực làm cho người chết sống lại? Con không cất được nỗi đau đó. Nhưng nếu con đau cùng, “being” bên cạnh người đang đau. Thì nỗi đau kia nhẹ vơi. Làm sao trong tình yêu mà người ta nói: Anh không cất được nỗi đau của em. Rồi người đàn bà đi sanh con một mình. Người đàn ông rất thực tế. Tôi không sanh con thay vợ tôi được. Tôi không “doing” gì được. Ông ở nhà đi câu.
Hạnh phúc và đau khổ không là cứu, là cho, mà là ở cùng.
Thiên Chúa ở cùng.
Người học trò im lặng suy nghĩ. Anh lắng nghe. Trong cái tĩnh mịch, anh mơ hồ nhìn thấy từ vùng im lặng đó, bật lên màu sắc của cuộc sống. Như những cánh mỏng thức giấc dần, bật màu thành bông hoa. Vị tôn sư như sợ người học trò ngần ngại với lời mình. Ông cắt nghĩa thêm:
- Thầy giả sử một vị tổng thống quyền uy, ông chỉ gật đầu, gia nhân của ông sẽ đem những người tỵ nạn vào nước ông. Ðó là cách nhìn xuống. Ðó là cách vớt lên. Nhưng giả sử, vị tổng thống ấy nghe tin còn mấy trăm người tỵ nạn mười mấy năm bơ vơ không quê hương. Nghe tin, ông tội nghiệp. Ông bỏ văn phòng. Ông đến với người tỵ nạn. Ông hỏi người tỵ nạn làm gì kiếm sống qua ngày. Dạ thưa ngài, tôi làm nghề rửa xe. Ðể hiểu, hiểu để thương, ông tổng thống quyền uy kia, mặt mũi lấm lem, quẹt mồ hôi, tóc bù xù dính dầu nhớt xăng, cũng chầu chực rửa xe, cũng ở bến xe, cũng gặm bánh mì. Con có thể hình dung một tổng thống nào dám làm thế không?
Người học trò im lặng hơn. Trong tâm trí anh. Anh không thể hình dung có chuyện đó. Anh hiểu ý vị tôn sư đang muốn nói, Thiên Chúa đã làm như vậy. Ðó là ý nghĩa EMMANUEL, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Khi cho một món quà là cho một phần tài sản. Khi cho chính mình là cho hết. Không thể cho hết khi mình không cùng giống thân phận người đó. Bởi thế, vô cùng tuyệt vời khi Phúc Âm tường thuật về người lính canh như sau:
Ðức Giêsu lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. (Mc 15: 37).
Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Ðức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói:
Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15: 39).
Hai sự kiện đặc biệt trong cụm từ “Tắt Thở” mà ta phải kiếm tìm.
- Thứ nhất, lúc tạo dựng con người. Thiên Chúa thở hơi, cho Ađam sự sống. Bấy giờ Thiên Chúa chỉ cho một chút hơi thở. Nhưng ở đây, Ngài không cho một chút hơi, mà Tắt Thở. Nghĩa là cho hết không còn hơi để thở. Như thế, tên gọi EMMANUEL, càng ngày theo chiều lịch sử cứu độ càng trở nên rực rỡ. “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, lời tung hô ấy như ngọn pháo bông muôn màu bật tung lên trong thánh lễ.
- Sự kiện thứ hai là viên đội trưởng, lính canh nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa khi Ngài “Tắt Thở”. Tắt thở là giây phút yếu nhất của một đời người. Ðáng nhẽ ông ta phải nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa trong những việc quyền năng, những phép lạ lớn lao. Tại sao lại nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa trong giây phút yếu đuối nhất?
Vị tôn sư nói với người học trò:
- Con ạ, hình ảnh người lính canh ở đây cho chúng ta một chiều sâu thiền niệm mà không biết ngọn núi cao nào, không biết vùng thinh lặng nào mới chỉ bảo cho chúng hết ý nghĩa. Trong giây phút yếu nhất ấy của Chúa Kitô, ông ta nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta quá yếu đuối tâm linh nên không nhìn ra sức mạnh trong sự yếu đuối như người lính canh.
Trời đã vào khuya, hai thầy trò, vị tôn sư và người thanh niên tầm thầy học đạo như thả hồn mình về biến cố hai nghìn năm trước trước mầu nhiệm Tắt Thở của một người. Trong tâm trí anh, anh không thể nào hình dung vị tổng thống kia dám trở nên yếu đuối như một người tỵ nạn được. Anh bắt đầu hiểu hơn, vị tổng thống ấy chỉ có thể thương xót bằng từ trên nhìn xuống, bằng từ trên vớt lên. Ông ta không thể xuống để ở cùng.
Ở cùng là trở nên một thân phận. Ðấy là chiều sâu khó nhất của tình yêu. Khó nhất mà cũng đẹp nhất. Phải trở nên thân phận thì mới hiểu. Hiểu mới có thể thương. Trong ý nghĩa này, thương bao giờ cũng phải là ở cùng.
Người học trò, như vẫn ưu tư. Nếu tình yêu là ở cùng. Tại sao Ðức Kitô lại kêu lên trong giờ sau hết: “Lạy Cha, Cha bỏ con sao đành Cha?”
Vị tôn sư như đọc hết ý nghĩ thầm kín của học trò mình. Ông ôn tồn bảo:
Chiều sâu của tình yêu là ở cùng. Ðêm nay trời đã vào khuya. Con về ngủ đi. Tại sao Chúa Cha không lấy quyền năng như lời Ðức Kitô cầu xin, cất chén đắng này cho con?
Tại sao Chúa Kitô như quá cô đơn vậy?
“Lạy Cha, Cha bỏ con sao đành Cha?” Ðâu là ý nghĩa ở cùng?
Ðây là Tình Yêu và Quyền Năng. Chúng ta sẽ nói tới.
Trời khuya rồi. Ðêm thường nói với chúng ta nhiều ý nghĩa cuộc sống. Ðêm nói về thân phận mù lòa, vất vả đi tìm. Những giờ phút tăm tối cuộc sống, khổ làm sao. Nhưng nhờ đêm mà ta phải khắc khoải. Nhờ khắc khoải tìm kiếm mà hồn ta mới thức giấc. Và con ạ, không bao giờ đêm dài bất tận. Ngày mai có ánh bình minh.
Vị tôn sư đi về am thất. Người học trò vẫn ngồi lại. Anh đang nhìn vào cõi sáng của bóng đêm. Thứ cõi sáng và bóng đêm của riêng anh.
* * *
Từ lời cầu chúc “Chúa ở cùng anh chị em.” “Và ở cùng cha.” Thánh lễ phải là mầu nhiệm diễn tả tên gọi làm người của Thiên Chúa, EMMANUEL, Chúa ở cùng chúng ta. Mỗi thánh lễ, nếu ta trân trọng trong lời chào này, thì thánh lễ quá ngọt ngào. Thánh lễ là một diễn giải tuyệt vời mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương. Chúng ta hạnh phúc nối tiếp bí tích kỳ diệu đó qua những lời chào mang cả một chiều kích thần học rất sâu:
- Chúa ở cùng anh chị em.
- Và ở cùng cha.
LM. Nguyễn Tầm Thường, S.J.
(Trích tập suy niệm “KẺ ÐI TÌM”)
Tác giả bài viết: LM. Nguyễn Tầm Thường, S.J.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn