LÒNG CẢM THÔNG

Chủ nhật - 10/05/2015 20:39

LÒNG CẢM THÔNG

Có một goá phụ Trung Quốc giàu có nọ phụng dưỡng một tu sĩ Phật giáo trong 20 năm liền.


Inline image 1
 
 

Bà xây cho tu sĩ một tịnh xá trong khu vườn vắng vẻ thanh tịnh của bà. Bà cung cấp cho ông đủ mọi thứ trong thời gian ông tụng niệm. Bà rất đỗi sung sướng khi nhận thấy những tiến bộ của ông trong bước đường thiêng liêng, nhưng bà vẫn chưa tin tưởng hoàn toàn. Để xem 20 năm hy sinh của bà có hoài công hay không. Người đàn bà quyết chí thử lòng kẻ tu trì.

Một hôm, bà cho tìm một cô gái đẹp, trả tiền cho cô và sai cô đến cám dỗ vị tu sĩ. Nửa đêm, trong lúc nhà sư đang ngồi thiền, cô gái xông cửa bước vào tịnh xá và dùng đủ mọi lời lẽ, cử chỉ để quyến rũ ông, nhưng nhà sư vẫn một mực chìm đắm trong việc tụng niệm. Đến một lúc không còn chịu đựng được nổi sự tấn công của cô gái nữa, nhà sư bèn quơ cái chổi đánh túi bụi vào người cô gái và tống cô ra ngoài.

Cô gái đến gặp người đàn bà và kể lại diễn tiến câu chuyện. Người đàn bà thỏa mãn về sự thánh thiện của nhà sư ư? Không! Nghe cô gái tường thuật xong, người đàn bà liền nổi giận thốt lên như sau:

- Hắn ta không không biểu lộ một sự thông cảm nào với con, hắn ta không nói được một lời để khuyên bảo dạy dỗ con, 20 năm cầu nguyện ăn chay của hắn qủa là vô ích. Bởi vì hắn chưa đạt được điều thiết yếu trong cuộc sống, đó là lòng cảm thông.

***

Qúy vị và các bạn thân mến,

Lòng đạo đức, sự thánh thiện đích thực luôn được thể hiện bằng sự cảm thông. Đó cũng chính là biểu lộ của sự thánh thiện nơi Thiên Chúa. Xuyên suốt qua Kinh Thánh, Thiên Chúa được mạc khải như một người Cha giàu lòng thương xót và cảm thông. Chính tại núi Sinai mà lần đầu tiên dân Do Thái được Thiên Chúa bày tỏ tận đáy lòng xót thương cảm thông của Ngài. Thật thế, ngay sau khi dân chúng phạm tội phản bội Ngài, Thiên Chúa đã phán bảo như sau: “Giavê Thiên Chúa là Đấng nhân từ, chậm bất bình và giàu lòng thủy chung.”

Tin tưởng ở lòng cảm thông và nhân từ ấy, cho nên lời cầu nguyện của người Do Thái được ghi lại trong các Thánh vịnh luôn chứa đựng tiếng kêu: “Lạy Chúa, xin thương xót con” hoặc “Lòng từ bi của Ngài tồn tại đến muôn đời.”

Chúa Giêsu chính là quả tim nhân từ bằng xương bằng thịt của Thiên Chúa. Cả cuộc sống của Ngài là những nhịp đập triền miên của trái tim Thiên Chúa. Ngài ngồi đồng bàn với những người tội lỗi. Ngài tha thứ cho kẻ thù của Ngài.

Là hiện thân của sự thánh thiện của Thiên Chúa qua cả cuộc sống và cái chết của Ngài, Chúa Giêsu có lẽ cũng khẳng định với chúng ta rằng: Sự thánh thiện đích thực của con người chính là tình yêu thương, lòng tha thứ và sự cảm thông. Chúa Giêsu đã lên án một cách gắt gao thái độ giả hình và vô nhân của những người Biệt phái, họ ăn chay cầu nguyện nhưng lại không để lộ một chút cảm thông tha thứ nào đối với tha nhân. Ngài trích lời một tiên tri trong Cựu Ước như sau: “Ta muốn lòng nhân từ chứ không phải của lễ”.

Phải chăng, Chúa Giêsu không muốn cảnh cáo chúng ta rằng: những lời cầu kinh, những rước sách và bao nhiêu biểu dương khác sẽ đều vô giá trị, nếu chúng không là một mời gọi đưa dẫn chúng ta đến một cuộc sống yêu thương, cảm thông và tha thứ.

***

Lạy Chúa, chúng con mang thân phận tội lỗi, yếu hèn. Xin cho lòng nhân từ mà Chúa không ngừng thể hiện nơi chúng con cũng được chúng con bày tỏ với tha nhân để chúng con xứng đáng được hưởng ơn tha thứ của Chúa. Amen!

R. Veritas

Tác giả bài viết: Ngoc Nga

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập40
  • Hôm nay5,848
  • Tháng hiện tại346,835
  • Tổng lượt truy cập36,401,390
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây