Một nghiên cứu về tác động của marketing lên con người hiện đại nói đại ý rằng mỗi ngày, một người sống ở thành phố có thể đã tiếp nhận thụ động hàng chục ngàn slogan và thông tin từ các sản phẩm qua truyền hình và các phương tiện quảng cáo nơi công cộng. Với người Việt Nam, có lẽ việc “đọc thụ động” còn nhiều hơn thế, bởi ngày nay bước ra đường hay mở tivi lên, chúng ta đâu chỉ bị bủa vây bởi các bảng quảng cáo mà còn bị nhấn chìm trước trùng vây của những khẩu hiệu, băng-rôn khác, trong số đó chẳng phải khẩu hiệu nào được giương lên cũng tốt cho khả năng nhận thức lẫn phương diện sinh học của não bộ con người.
Cộng thêm vào đó là mạng xã hội, tin nhắn, là lướt web đọc tin, đọc báo cáo ở công sở, đọc tổng kết ở cơ quan... đủ thứ đọc trên đời. Lúc nào mắt ta cũng phải căng ra để đọc một thứ gì đó. Đọc mọi nơi mọi lúc. Đọc trước lúc ngủ, đọc khi mới thức dậy, đọc ở bàn ăn, đọc khi uống cà phê, đọc tranh thủ lúc chờ thanh toán tiền ở quầy thu ngân, đọc trên xe, đọc ở công viên, đọc cả trong khi... đi toilet, lúc nào trước mắt và trong đầu óc chúng ta cũng đầy chữ là chữ. Não chúng ta có vẻ như lúc nào cũng đang vận động hết công suất để thu nạp chữ nghĩa nhập nhằng trên màn hình, trên giấy, trên đơn từ, công văn, trên mạng xã hội, trên hóa đơn điện, nước, nhà hàng. Chúng ta chăm chỉ đọc và nghiện đọc. Bạn có thấy không, chúng ta không thể nào chấp nhận được tình trạng nhàn rỗi cho đôi mắt, dù chỉ vài phút. Thay vì ngồi ngắm một bông hoa ngậm sương buổi sáng, chúng ta tranh thủ chụp hình và ghi status; thay vì ngồi uống ly cà phê ven đường và nghĩ ngợi về một điều gì đó, chúng ta tranh thủ lên mạng đọc, viết comment; thay vì tập trung thưởng thức một món ngon trên bàn và trò chuyện với những người thân trong gia đình, chúng ta mỗi người cầm một điện thoại thông minh hay máy tính bảng, đọc và đọc.
Nhưng rồi, khi cơn tự ái đi qua, khi con số 0,8 cuốn sách/năm/mỗi người Việt trở về với vẻ trung tính của nó, chúng ta sẽ tự hỏi cái sự đọc nhiều của chúng ta có thực sự là đọc khi chúng ta rời xa những văn bản kích hoạt năng lực tri thức để tiếp nhận những loại văn bản đáp ứng nhu cầu thông tin đóng gói dễ dãi nhất thời, khi chúng ta rời bỏ niềm say mê khám phá và mở rộng tư duy qua những trang sách thử thách để chấp nhận những chữ nghĩa thông báo mà bản thân chúng không cần người tiếp nhận phải nghĩ ngợi gì thêm, khi chúng ta chối từ sự phiêu lưu theo đuổi và truy cầu sự mới lạ của tri thức trên những văn bản phức tạp để hồ hởi chào đón những xác chữ vật vờ không cần đến khả năng phê phán hay tưởng tượng ở người tiếp nhận?
Một nhà hiền triết đã nói rằng chúng ta đừng mơ từ bỏ những cuốn sách giấy, chỉ vì cuốn sách cũng như cái muỗng hay bánh xe, nó được phát minh ra, về mặt vật chất là căn bản hoàn thiện để thực hiện cái công năng truyền tải tri thức cho con người. Sách như một dạng phát minh bánh xe tri thức và trí tưởng tượng của con người.
Cách mà một người chìm đắm trong thế giới một cuốn sách đầy thử thách với bản thân anh ta rất khác với cái cách đọc hàng ngàn chữ nghĩa thông tin trên các bảng quảng cáo hay theo dõi những dòng status rời rạc, phân mảnh trên các trang mạng xã hội. Cảm giác về một cuốn sách, trước hết là bảo chứng khả tín về một chiều sâu nhận thức và nó đòi hỏi một sự gắn bó sâu sắc hơn về mặt thời gian cũng như trí tưởng. Một cuốn sách đòi hỏi độ dấn thân của người đọc tương tự như một ngọn núi hiểm trở đòi hỏi bản lĩnh và sự nhập cuộc của người chinh phục. Và cũng như nhà leo núi, người đọc sách hân hoan thấy mình khác đi, mới mẻ hơn sau một hành trình với mỗi cuốn sách. Đó chính là cảm giác kỳ thú về một hành trình mở rộng biên giới của hiểu biết, khám phá vẻ đẹp ngữ nghĩa và bao trùm là khát vọng được hiểu về ngoại giới và nội tâm.
Điều đó hoàn toàn khác với cái cách mà chúng ta tiếp nhận những câu chữ, ý tưởng rời rạc trên mạng xã hội, trên các biển quảng cáo hay những băng-rôn tuyên truyền sặc sỡ trên đường. Đọc để chủ động sống sẽ rất khác với việc đọc để bị tác động. Đó là chưa nói, chính thói quen đọc tản mát hời hợt kia sẽ lấy đi của chúng ta niềm đam mê chinh phục những cuốn sách và nỗ lực khám phá những giá trị tinh thần tinh tế và ngầm ẩn bên trong đời sống.
Đã đến khi cần phải nhìn lại sự đọc. Cần đặt lại câu hỏi: Chúng ta tiếp nhận nhiều chữ hằng ngày nhưng có thật sự chúng ta đang đọc?
Sài Gòn, nhân Ngày sách Việt Nam (21-4), Ngày sách và Bản quyền thế giới (23-4)
Theo thống kê của các thư viện gửi về Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vào năm 2013, mỗi năm trung bình 1 người Việt đọc không hết 1 cuốn sách (0,8 cuốn), tỉ lệ sách bình quân đầu người tại các thư viện công cộng là 0,38.
1) Chúng ta tích lũy tri thức qua việc đọc báo thay vì đọc sách. Và kết quả là tri thức của chúng ta bao gồm những thứ được nhắc đến trong chuyên mục phóng sự xã hội, quốc tế hay tâm lý của báo chí.
2) Chúng ta đọc sách theo kiểu đọc báo. Và chúng ta chỉ mang máng nhớ là trong Chiến tranh và hòa bình có một anh chàng tên là Andre đi đánh giặc, trong Hamlet có một câu “Tồn tại hay không tồn tại”, trong Trăm năm cô đơn hình như có một đuôi lợn .
3) Chúng ta rất lười ghi chép. Và nếu có ghi chép thì chúng ta cũng luời cả việc đọc lại nó.
4) Chúng ta đọc theo phong trào.
Cứ sau mỗi mùa trao giải hoặc mỗi scandal nào đó, là một cuốn sách được nhắc đến lại bán chạy như tôm tươi, dù trước đó cả tháng trời chịu phận “cá thối”. Đơn giản rất ít người trong số chúng ta có được định hướng đọc và kế hoạch đọc cho mình.
5) Chúng ta giả vờ đọc.
Nghĩa là chúng ta chỉ mua sách, gáy càng đẹp, bìa càng cứng càng tốt, để bày cho sang phòng chứ ít khi giở ra. Nếu có giở thì cũng là để khoe chữ ký của nhà văn nổi tiếng để tặng chủ nhân trong đó. Ngày xưa Nguyễn Tuân từng sốt sắng tả cái cảm giác mua sách về rồi nắn nót cầu kỳ đọc từng trang, sờ cái lề giấy… Bây giờ, điều đó là xa xỉ khi vô số cuốn sách xén lỗi chẳng bao giờ bị lo phát hiện vì nhiều người đâu có giở chúng ra lần nào.
6) Nếu đọc, chúng ta sẽ đạo.
Rất nhiều khi chúng ta đương nhiên coi những gì chúng ta đọc được là của mình. Và chúng ta nhại lại như thế chúng ta viết ra nó.
7) Chúng ta thiếu sự hoài nghi.
Thường thì sách báo nói thế nào, chúng ta tin như vậy. Rất ít khi chúng ta thử dừng lại, nhìn lại vấn đề theo quan điểm riêng. Trong khi nghi ngờ sách là một thái độ đáng tôn trọng không kém gì tôn sùng sách.
8) Chúng ta dễ dãi với những sai sót.
Ngày trước, kèm theo mỗi cuốn sách xuất bản thường có một tờ đính chính. Nhưng đính chính đó đôi khi chỉ là lỗi chính tả tên riêng… Mẩu giấy nhỏ nhưng hàm chứa một ý thức lớn của người làm sách. Bây giờ, công nghệ hiện đại hơn, in ấn rẻ hơn, nhưng những mẩu giấy đính chính lại gần như thất truyền mặc dù lỗi in rõ ràng là nhiều hơn. Cả ý thức của người làm sách lẫn người đọc sách đều kém hơn trước.
9) Chúng ta chỉ đọc những gì mình thích.
Điều đó không xấu, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta có thể đọc cả những điều mình không thích, nhưng cần. Bởi đọc không chỉ là để giải trí. Đọc cần phải có mục đích, và rất nhiều sự kiên nhẫn.
Tác giả bài viết: Nguyễn Long tổng hợp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn