Công đồng Vatican khẳng định: nhờ bí tích Thánh tẩy, người tín hữu giáo dân cũng được ban chức năng tư tế. Những tín hữu được truyền chức linh mục, là những “tư tế thừa tác”; còn những tín hữu giáo dân là “chức tư tế cộng đồng” (x. Hiến chế Giáo Hội trong thế giới hôm nay, số 10 và 11). Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo viết như sau: “Toàn thể cộng đoàn các tín hữu là tư tế. Các tín hữu thực thi chức tư tế do phép Rửa qua việc họ tham dự, mỗi người theo ơn gọi riêng của mình, vào sứ vụ của Đức Ki-tô là Tư tế, Tiên tri và Vương đế” (số 1546).
Theo lời trích dẫn trên đây, người tín hữu có chức tư tế là nhờ được tháp nhập vào Đức Ki-tô. Người là vị Thượng Tế của Giao ước mới. Thư gửi tín hữu Híp-ri là một khảo luận về chức tư tế của Đức Giê-su. Người là vị Thượng tế tối cao, vượt trên chức tư tế của Cựu ước. Người đã dâng chính bản thân mình làm của lễ lên Chúa Cha để xin ơn tha tội cho loài người. Hôm nay, trên khắp thế giới, mỗi khi có linh mục dâng thánh lễ, là hy tế thập giá được trở nên hiện-tại-hóa. Nói cách khác dễ hiểu hơn, thánh lễ chúng ta dâng cũng chính là hy lễ thập giá Chúa Giê-su đã cử hành cách đây hai ngàn năm. Thánh lễ không phải sự nhắc lại như người ta diễn kịch, nhưng là chính Chúa Giê-su đang hiến tế qua linh mục dâng lễ.
Người giáo dân có chức tư tế để làm gì? thưa để thánh hóa bản thân. Với chức năng tư tế, chúng ta làm cho cuộc đời mình trở thành của lễ thơm tho dâng lên Thiên Chúa, hợp với của hy tế của Đức Giê-su. Thi hành chức năng tư tế là nỗ lực nên thánh và giúp những người khác nên thánh theo lời giáo huấn của Chúa Giê-su. Ý thức về chức năng tư tế sẽ giúp chúng ta tham dự thánh lễ sốt sắng và hiệu quả hơn, vì chúng ta đang “cử hành” cùng với vị chủ tế hy lễ thập giá, ở chức bậc và ơn gọi riêng của mình.
Nên thánh, hay nên hoàn thiện là lời mời gọi trải dài trong Thánh Kinh, Cựu ước cũng như Tân ước. Bài đọc I hôm nay là lời mời gọi nên thánh đến từ Thiên Chúa. Đây là lời kinh thuộc lòng của mọi người Do Thái. “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en…”, lời kinh này đi theo mỗi tín hữu Do Thái trên mọi nẻo đường. Lời kinh ấy gắn liền với môi miệng, xuyên suốt thời gian và không gian, trong bất cứ hoạt động nào của cuộc sống. Lý do và nền tảng của lời mời gọi nên thánh là vì Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh và là Đức Chúa Duy Nhất.
Chúa Giê-su đã lặp lại những lời kêu gọi này trong giáo huấn của Người. Cùng với lời kinh truyền thống, Người đã nối liền lòng tôn thờ Thiên Chúa với đức ái đối với tha nhân. Một người kinh sư đến gặp Chúa Giê-su. Ông là người tri thức. Dựa vào những gì ông nói, thì ông cũng là người chu toàn lề luật. Cuộc trò chuyện giữa Chúa Giê-su và ông kinh sư nêu bật những đòi buộc của Do Thái giáo và cũng là của Ki-tô giáo. Mến Chúa mà không yêu người, đó là lòng yêu mến trống rỗng; yêu người mà không mến Chúa, đó không phải là lòng yêu mến siêu nhiên. Mến Chúa sẽ làm cho yêu người chân thật và ý nghĩa hơn; yêu người sẽ làm cụ thể hóa lòng yêu mến dành cho Thiên Chúa. Mến Chúa và yêu người như hai mặt của một tấm huy chương, không thể tách rời. Đây là cốt lõi của Ki-tô giáo.
Thông thường, đa số người tín hữu giáo dân chưa ý thức được chức năng tư tế của mình trong cộng đoàn và trong đời sống xã hội. Chức năng tư tế giúp chúng ta đạt được lý tưởng cao cả là sự thánh thiện. Quả vậy khi ý thức mọi việc mình làm, mọi âu lo trăn trở và vui mừng hân hoan mình gặp trong cuộc sống đều có thể dâng lên Thiên Chúa cùng với hy lễ của Đức Giê-su, thì chúng ta sẽ nỗ lực và cố gắng hơn trong hành trình nên thánh. Thánh Phao-lô đã viết cho giáo dân Rô-ma như sau: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1). Như thế, thi hành chức năng tư tế, cùng với chúc năng ngôn sứ, sẽ mang lại nhiều hiệu quả truyền giáo cụ thể. Một khi chúng ta chuyên tâm tuân giữ giáo huấn của Chúa, những người không cùng tôn giáo sẽ nhận ra chúng ta là con của Cha trên trời.
“Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”. Cách diễn tả này cho thấy lòng yêu mến Chúa luôn phải là một ưu tiên đặc biệt, để rồi trọn vẹn đời sống của Ki-tô hữu đều hướng về Chúa và làm đẹp lòng Ngài. Chúa Giê-su đã làm gương cho chúng ta. Người đã vâng lời và tôn vinh Chúa Cha trong mọi hoàn cảnh, kể cả đau khổ và thập giá. Xin Chúa Giê-su giúp chúng ta tìm thấy hạnh phúc và bình an khi chuyên tâm thực thi lời Người dạy, Amen. mục lục.
Nguồn tin: + ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn