Các biệt phái ngày xưa họ thường nhân danh lề luật để làm theo ý mình. Lề luật trở thành dụng cụ để người ta thống trị người khác. Lề luật bị lạm dụng đến nỗi không còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của con người mà nhằm bảo vệ quyền lợi cho một nhóm nhỏ lãnh đạo. Lề luật không đưa đến sự an bình, hạnh phúc cho con người nhưng trở thành một gánh nặng, một nỗi sợ hãi cho số đông thấp cổ bé miệng.
Nhân danh lề luật họ răn đe người này, khủng bố người kia. Họ nhân danh Chúa để bôi nhọ người này, rêu rao lỗi lầm người kia. Điều tệ hại nhất là họ có thể nhân danh Chúa, nhân danh lề luật để loại trừ người khác. Cụ thể là những người bị coi là ô uế đều bị loại trừ thẳng tay như: người bệnh phong cùi, người phụ nữ ngoại tình, người vi phạm luật của Chúa mà theo luật đã trở nên ô uế thì đều bị loại ra khỏi sinh hoạt cộng động.
Họ cũng có thể nhân danh Chúa để ném đá, để đóng đinh kẻ đi ngược lại với quan điểm của mình. Lề luật trở thành phương tiện để họ lợi dụng, để họ vu khống, để họ hãm hại người khác. Đã có rất nhiều cái chết oan uổng chỉ vì ý đồ cá nhân. Đã có quá nhiều cái chết cay nghiệt của những người công chính bị hàm oan.
Điều đáng buồn là những người nhân danh lề luật để hãm hại người khác nhưng họ không hề tỏ lòng hối tiếc về hành vi gian ác của mình. Lương tâm họ đã bị lề luật trói buộc. Trái tim họ đã bị lề luật làm tê cứng. Lề luật đáng lý giúp cho lương tâm trong sáng và trái tim nhân bản hơn, thế nhưng, vì quá chú trọng lề luật nên họ đã đánh mất đi trái tim yêu thương của con người chỉ còn lại những mưu mô xảo trá.
Cách đây ít năm Gilgal Zamir, người thanh niên 25 tuổi đã sát hại Thủ tướng Do thái, ông Y. Rabin, khi bị tòa án tại Tel Aviv kết án tù chung thân, chẳng những không để lộ bất cứ cử chỉ hối hận nào, mà còn tuyên bố: “Tất cả những gì tôi làm là làm cho Chúa, làm cho lề luật, làm cho dân tộc Israel.” Thái độ của Gilgal Zamir đã khiến cho quan tòa đưa ra nhận định: Gilgal Zamir có những khuynh hướng vị kỷ, nhìn thế giới chỉ dưới hai mầu trắng đen mà thôi; anh ta là sản phẩm của một nền giáo dục không quan tâm đủ đến những giá trị nhân bản và đạo đức cần mang lại cho người trẻ hiện nay.
Lương tâm của Gilgal Zamir đã bị lề luật làm cho trai cứng. Trái tim của anh đã bị băng giá bởi lề luật mà anh đã được giáo dục. Anh mến Chúa. Anh trung thành với lề luật nhưng anh không được giáo dục để có một trái tim yêu thương. Những người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng hành xử như vậy. Họ nhân danh lề luật. Họ nhân danh Giavê Thiên Chúa để áp đặt và thống trị người khác. Chính họ đã làm cho lề luật trở thành gánh nặng cho dân.
Nhân danh lề luật, những người Biệt phái thời Chúa Giêsu không ngừng dòm ngó rình mò để bắt bẻ Ngài, nhất là những gì có liên quan đến việc tuân giữ ngày Hưu lễ như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay. Nhưng đối với Chúa Giêsu, linh hồn của lề luật chính là tình yêu thương. Con người sống với Chúa và sống với tha nhân là nhờ tình yêu và cho tình yêu. Con người được sống nhờ tình yêu của Chúa nên con người cũng phải biết sống cho tình yêu một cách trọn vẹn: yêu Chúa hết mình và yêu tha nhân như chính mình.
Người Việt Nam thường có câu “sống có lý có tình.” Nếu cuộc sống chung chỉ có lý mà không có tình thì cuộc sống chung đó là một hoả ngục. Người ta chỉ rình mò kết án lẫn nhau. Người ta chỉ dựa theo lý để hành xử sẽ dẫn đến cảnh cá lớn, nuốt cá bé. Cuộc đời sẽ trở thành bãi chiến trường mà kẻ mạnh làm chúa, kẻ yếu làm tôi. Nếu cuộc sống chung chỉ dựa theo lý sẽ dẫn đến sa mạc hóa tình người.
Người ta sẽ nại vào lý do này, nại vào lý do kia để từ chối giúp đỡ anh em của mình. Sống phải có tình mới có thể “chín bỏ làm mười.” Sống phải có tình có lý người ta mới quan tâm giúp đỡ nhau, người ta mới sống chân thành và cởi mở, chia sẻ với nhau đến độ “một con người đau cả tàu bỏ cỏ.”
Hôm nay Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh đến hai vấn đề cốt lõi của cuộc sống đó là: con người có hồn có xác. Con người cần phải có tương quan và bổn phận với Chúa và tha nhân. Mến Chúa phải yêu tha nhân. Mến Chúa mà không yêu tha nhân điều đó hợp lý nhưng không hợp tình. Hợp lý vì con người là thụ tạo của Chúa thì phải thờ phượng và kính mến Chúa. Nhưng con người là hình ảnh Thiên Chúa nên phải yêu mến tha nhân. Ngược lại yêu mến tha nhân mà không kính mến Chúa là vô ơn bất hiếu. Vì sự sống là của Chúa, những gì chúng ta làm được cho tha nhân đều xuất phát từ ân huệ của Chúa nên con người phải thờ phương kính mến Chúa. Yêu mến Chúa phải yêu hình ảnh của Chúa. Vì thế mà thánh Gioan bảo rằng: “ai nói mình yêu mến Chúa mà không yêu mến tha nhân đó là kẻ nói dối.”
Ước gì mỗi người chúng ta không chỉ yêu Chúa trên môi miệng mà yêu Chúa thật lòng, biết dành thời giờ phụng thờ Chúa và biết dùng khả năng để phục vụ hình ảnh Chúa nơi tha nhân. Amen!