“ĐẤNG QUY TỤ MUÔN DÂN”

Thứ tư - 04/12/2024 07:44
unnamed (6)
unnamed (6)
Thiên Chúa là Đấng quy tụ muôn dân.  Đó là một trong những hình ảnh về Thiên Chúa trong Kinh Thánh Cựu Ước.  Thiên Chúa là Cha chung của mọi dân tộc.  Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi. Ngài không muốn ai phải chết và phải đau khổ.  Như gà mẹ ấp ủ đàn con dưới cánh, Thiên Chúa luôn  ấp ủ mọi tạo vật bằng tình yêu quan phòng của Ngài.  Là người Mục tử, Thiên Chúa quy tụ và chăm sóc đàn chiên.  Chúa biết từng con chiên, để chữa lành và nâng đỡ.  Hình ảnh mục tử và đàn chiên còn được Chúa Giêsu tiếp nối trong giáo huấn của Người (x. Ga,10).
 
Nếu Thiên Chúa là Đấng quy tụ muôn dân, thì con người lại thích ly tán.  Trước sự khước từ, thậm chí là đe dọa của quận vương Hêrôđê, Chúa Giêsu đã rơi lệ và than trách: “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem!  Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến với ngươi!  Đã bao lần ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.” (Lc 13,34).  Ngay từ khởi đầu lịch sử, con người đã muốn vùng thoát khỏi sự dìu dắt yêu thương của Thiên Chúa để tự chọn lối đi cho mình, như câu chuyện ông Ađam và bà Evà.  Con người muốn khước từ Chúa để được “tự do,” nhưng thay vì tự do thì họ lại rơi vào cảnh nô lệ.  Ađam và Evà đã nghe theo lời dụ dỗ của con rắn, với hy vọng nên ngang hàng với Thiên Chúa.  Họ đã thất bại ê chề.
 
Isaia (đệ nhị) là một vị ngôn sứ của niềm hy vọng.  Vào lúc dân Do Thái đang chán chường và đau khổ trong cảnh lưu đày ở Babilon, vị Ngôn sứ được Chúa trao cho việc loan báo ngày họ sẽ được giải phóng.  Còn gì sung sướng hơn là được thoát cảnh lưu đày để về quê cha đất tổ.  Lời hứa của Chúa không chỉ nhằm đến việc giải phóng dân khỏi ách lưu đày, mà còn cho thấy một tương lai sán lạn.  Vào thời đó, các dân ngoại bang sẽ được biết đến danh Thiên Chúa.  Họ sẽ được chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài.  Các dân tộc cùng tiến về nhà Chúa, mang theo những lễ phẩm thanh sạch, để tôn nhận Ngài là Thiên Chúa duy nhất.  Giêrusalem sẽ được khôi phục và trở về với cảnh sầm uất khi xưa (Bài đọc I).
 
Ngôn sứ Isaia đã loan báo sứ điệp cho dân đang bị lưu đày.  Sứ điệp hy vọng ấy cũng được loan báo cho chúng ta trong thời đại hôm nay.  Quả vậy, chúng ta tôn thờ Thiên Chúa mà chưa từng gặp gỡ Ngài.  Đôi lúc chúng ta băn khoăn tự đặt những câu hỏi về tương lai hậu vận đời mình.  Những khó khăn thử thách trong cuộc sống nhiều khi làm chúng ta dao động đức tin.  Trong Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, có người đặt câu hỏi với Chúa Giêsu về số lượng những người được cứu thoát nhiều hay ít.  Câu trả lời của Chúa dường như không ăn nhập logic với câu hỏi.  Người không khẳng định số người được cứu rỗi nhiều hay ít, nhưng người nhắc đến bổn phận của mỗi người là phải chuyên chăm tu luyện và lập công tích đức cho mình.  Như vây, Chúa muốn giáo huấn chúng ta: thay vì quan tâm tìm hiểu xem số người được cứu thoát, thì hãy lo lắng đến phần rỗi của chính mình.  Lời khuyên cụ thể của Chúa Giêsu, đó là hãy qua cửa hẹp.  Lời mời gọi bước qua cửa hẹp cũng được Chúa nói tới trong Tin Mừng Thánh Mátthêu với những cắt nghĩa chi tiết hơn:  “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó.  Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt 7,13-14).
 
Vào thời Chúa Giêsu, nơi một số đông những người Do Thái, vẫn tồn tại tư tưởng tự tôn dân tộc.  Họ cho rằng Thiên Chúa chỉ cứu rỗi người Do Thái.  Họ coi thường, kỳ thị các dân tộc xung quanh, và cho rằng những dân tộc này phải trầm luân khốn khổ.  Chúa Giêsu phê phán lối suy nghĩ sai lầm này.  Ngài quả quyết, Thiên Chúa là Cha chung của gia đình nhân loại.  Những ai tự hào về nguồn gốc của mình, mà không chịu sửa mình và không sống tốt, thì sẽ bị khai trừ và không được chung hưởng hạnh phúc với Chúa.  Là dân Do Thái không phải một nhãn hiệu đương nhiên được cứu thoát.  Những người đợi ở cửa phòng tiệc sau khi cánh cửa đã đóng lại cố tìm cách trưng dẫn những bằng chứng cho thấy mối thân thiện của họ với ông chủ, nhưng ông đã tuyên bố dứt khoát: “Ta không biết các anh từ đâu đến.  Cút đi cho khỏi mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính.  Trong bối cảnh này, việc trưng ra những hành động được coi là đạo đức hay kỷ niệm đẹp với ông đều chỉ là che đậy một lối sống bất nhân.
 
“Cửa hẹp” đối với tác giả thư Do Thái là sự kiên nhẫn trong thử thách.  “Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy.  Người đối xử với anh em như với những người con.  Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?”  Những gian khó mà chúng ta gặp phải trên đường đời, nếu được đón nhận bằng cái nhìn đức tin, sẽ được coi như sự sửa dạy của Chúa, hoặc như sự thử thách lòng trung thành của chúng ta.  Nếu Chúa sửa dạy ai, là vì Ngài yêu thương người đó và muốn kéo người đó lên kẻo chìm sâu trong bùn lầy.  Một khi chấp nhận để Ngài sửa dạy, chúng ta sẽ tiến bước trên con đường trọn hảo.

 

Nguồn tin: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập241
  • Hôm nay10,687
  • Tháng hiện tại69,083
  • Tổng lượt truy cập36,123,638
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây