Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ tư - 04/12/2024 07:34
Chuyện kể rằng, có cậu bé hư hỏng, bỏ nhà đi hoang, nay muốn hối lỗi trở về, nhưng lại sợ bố mẹ không chấp nhận. Trước khi về, cậu viết thư cho cha mẹ, với lời xin nếu cha mẹ sẵn sàng đón nhận, thì hãy treo trên cành cây trước cửa nhà một đồ chơi là chiếc xe tăng mà cậu bé rất thích. Cậu sẽ trở về nếu nhận được tín hiệu vui. Nhận được thư này, cha mẹ cậu bé treo trên cành cây, không chỉ là chiếc xe tăng, mà còn cả quần áo, đồ dùng và đồ chơi của cậu bé. Khi lén đi ngang qua nhà và nhìn thấy, cậu bé cảm động và bước vào nhà, lao vào vòng tay âu yếm bao dung của cha mẹ. Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” trong Tin Mừng thánh Luca thường được đọc trong Mùa Chay, với lời mời gọi hãy trở về với Chúa, vì Ngài giàu lòng thương xót và rất mực yêu thương. Quả vậy, nếu chúng ta có thể tự tin trỗi dậy từ tình trạng tội lỗi để trở về với Chúa, là vì chúng ta tin vào lòng bao dung của Ngài, bởi “Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời” (Tv 29, 6). Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Ngài luôn chờ đợi chúng ta. Người cha trong dụ ngôn, kể từ khi người con thứ bỏ nhà ra đi, luôn chờ mong con trở về. Trong khi người con đi hoang, với ảo tưởng có thể vươn cao vươn xa trong cuộc đời, thì người cha lại vẫn trông chờ và hy vọng nó sẽ trở về. Bằng chứng là ông vẫn vỗ béo con bê, để khi người con thứ trở về, thì đã có sẵn thực phẩm để đãi bạn bè láng giềng. Tình Cha thật cao siêu vời vợi. Sự chờ mong này cũng thể hiện ở chi tiết, khi người con thứ còn ở đàng xa, người cha đã nhận ra và chạy ra đón cậu. Tình thương vô bờ được thể hiện ở chỗ, ông không để cho cậu nói hết câu cậu định nói, mà gọi gia nhân mang đồ ra cho cậu mặc, nhẫn cho cậu đeo và giày cho cậu đi. Người cha muốn thay đổi thân phận của người con trở về, từ một người chăn heo thành một người con được yêu thương chiều chuộng. Lòng thương xót của Thiên Chúa được diễn tả trong suốt bề dày của lịch sử. Tác giả sách Xuất Hành kể với chúng ta: khi Thiên Chúa giận dữ vì tội lỗi của dân Do Thái trong sa mạc, Ngài quyết định sẽ tru diệt họ, vì họ đã phản bội Ngài và tôn thờ con bê vàng. Ông Môisen đã năn nỉ với Chúa. Lời xin của ông đã làm Chúa nguôi cơn giận, và Ngài không trừng phạt dân. Nếu đọc sách Xuất Hành, chúng ta còn thấy nhiều trường hợp như vậy. Mỗi lần dân phản loạn, Thiên Chúa muốn trừng phạt, nhưng rồi Ngài lại thứ tha. Chúa nghiêm khắc đối với dân Do Thái, giống như một người cha trong gia đình. Sự nghiêm khắc ấy xuất phát từ tình thương và thiện ý muốn cho con nên người. Lòng thương xót của Thiên Chúa thể hiện qua Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể. Phụng vụ Chúa nhật này nối kết ba dụ ngôn: người chăn chiên bỏ 99 con chiên ngoài đồng hoang để tìm cho kỳ được một con chiên lạc; người phụ nữ vất vả kỳ công để tìm cho được một đồng bạc đã mất. Cả hai dụ ngôn này cũng diễn tả sự chờ mong của Thiên Chúa. Ngài vừa chờ đợi tội nhân trở về, vừa đi tìm kiếm những gì đã mất. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người để đi tìm kiếm những tội nhân. Trong câu chuyện ông Giakêu, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Con người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Dụ ngôn người chăn chiên và người phụ nữ, là những minh chứng cho điều Chúa đã khẳng định, đồng thời nêu lên sứ mạng của Người. “Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi” (Bài đọc II). Nếu Thiên Chúa thương xót con người, thì con người lại không thương yêu đồng loại. Người con cả trong dụ ngôn là đại diện cho những người cố chấp, ghen tương và thù hận. Anh đã từ chối mối tương quan huyết nhục khi tuyên bố với cha mình: “Thằng con của cha kia…” (câu 30). Hình ảnh người con cả cũng phổ biến trong xã hội của chúng ta hôm nay. Ghen tương thù hận đã dẫn tới tranh giành và xung đột huynh đệ tương tàn. Hậu quả là bạo lực, chém giết rồi tù tội. Thái độ người anh cả cũng là thái độ của những người hay kỳ thị coi thường những người đã một thời lầm lỗi, làm cho họ khó hoàn lương hội nhập cuộc sống bình thường. Mỗi khi khởi đầu Thánh lễ, chúng ta thưa với Chúa ba lần: Xin thương xót chúng con!” Lời van xin này thể hiện tâm tình sám hối của chúng ta trước nhan Chúa. Thánh Phaolô nhận mình là kẻ tội lỗi đầu tiên được Chúa cứu. Kinh nghiệm của ông trên đường đi Đa-mát vẫn sống động và ghi dấu ấn suốt cuộc đời ông. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu giúp ông cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài chờ đợi ông trên đường đi Đa-mát, để cải hoá và làm cho ông trở thành Tông đồ. Điểm đến hành trình của ông vẫn là thành Đa-mát, nhưng mục đích đã thay đổi. Ông đã là con người mới. Ước chi kinh nghiệm của thánh Phaolô cũng là kinh nghiệm của mỗi chúng ta. Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta. Ngài luôn phát đi tín hiệu gọi mời chúng ta trở về. Bạn và tôi, chúng ta có ý thức được điều đó không?