HÀNH TRÌNH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ

Thứ tư - 04/12/2024 07:39
unnamed (3)
unnamed (3)
Thánh Luca nói với chúng ta rằng “có rất đông người cùng đi đường với Chúa Giêsu.  Và, trong số rất đông người đó, Chúa kêu gọi những ai muốn làm môn đệ thì hãy theo Người, đồng thời Chúa cũng đưa ra những điều kiện cần có để theo Người.  Như thế, môn đệ của Chúa Giêsu là những người được gọi tách ra khỏi đám đông dân chúng, tình nguyện chấp nhận những điều kiện khắt khe và những hệ luỵ của ơn gọi làm Kitô hữu.  Theo Chúa Giêsu, đó là hành trình của người môn đệ.
 
Theo từ điển Tiếng Việt, môn có nghĩa “cửa”; đệ có nghĩa là “em”, là “học trò.”  Hai từ này (môn đệ) có nghĩa học trò của một người thày.  Học theo một vị thày cũng có nghĩa bước vào một cửa, mà cửa chính là vị thày đó.  Theo nghĩa này, người theo Chúa Giêsu là người bước vào một cửa – cửa ấy là chính Chúa.  Môn đệ của Chúa là người thụ giáo với Chúa và chuyên tâm thực hành những gì Người dạy.
 
Theo Chúa là tách ra khỏi đám đông.  Việc tách khỏi đám đông nói lên sự chọn lựa dứt khoát để không còn sống và suy nghĩ như người đời.  Đòi hỏi của Chúa có khi làm cho ta tưởng chừng như đi ngược với những liên hệ tình cảm đời thường.  Những điều được liệt kê trong lời Chúa nói cho thấy người môn đệ phải từ bỏ tất cả, chẳng giữ lại gì cho mình từ của cải vật chất cho đến những tình cảm thân thiết.  Khi nêu ra những điều kiện đó, Đức Giêsu nhắc tới thập giá, như sự từ bỏ triệt để nhất.  Chính Người đã dùng thập giá để chứng minh sự từ bỏ hoàn toàn vì vâng phục Chúa Cha.  Từ bỏ chính mình, đó là một nét đặc biệt của người người môn đệ.  Thiếu sự từ bỏ chính mình, chúng ta vẫn chưa thuộc về Đức Giêsu cách trọn vẹn mà chỉ trên danh nghĩa.  Đấng đáng kính, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã viết: “Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con đã bỏ trước” (Đường Hy vọng, số 3).  Tự nguyện vác thập giá đời mình để theo Chúa không phải là một khẩu hiệu được hô vang, nhưng là những thực hành cụ thể trong mối tương quan hằng ngày.  Vác thập giá trong cách âm thầm khiêm tốn chứ không ồn ào tô vẽ lấy tiếng khen.  Xin trích dẫn một ý tưởng nữa cũng của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê: “Trong một cuộc hành hương long trọng, nghìn vạn người tham gia, ai cũng muốn vác thánh giá đi tiên phong.  Nhưng trong cuộc hành hương của mỗi ngày, mấy ai sẵn lòng vác thánh giá của mình?  Anh hùng thinh lặng khó lắm” (ĐHV, số 171).  Vâng, chúng ta sẵn sàng vác thánh giá trong cuộc rước, nhưng không mấy sẵn sàng vác thánh giá trong cuộc đời.
 
Theo Chúa là chấp nhận lối sống theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa.  Sự khôn ngoan của Thiên Chúa không giống như sự khôn ngoan của con người, bởi lẽ con người đánh giá theo những gì họ ghi nhận bề ngoài.  Tác giả sách Khôn ngoan đã suy tư về sự cao siêu của thánh ý Thiên Chúa, vượt xa trí hiểu của con người, đồng thời mời gọi chúng ta hãy cầu xin cho được đức khôn ngoan để nhìn nhận và đánh giá sự việc theo cái nhìn của Chúa, chứ không theo suy nghĩ thiển cận của chúng ta (Bài đọc I).  Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh một người dự tính xây tháp và một vị vua sắp giao chiến để nói với chúng ta hãy khôn ngoan cân nhắc kỹ lưỡng trong việc chọn lựa cho mình một lý tưởng sống.  Việc xây dựng và giao chiến là những sự kiện rất quan trọng không thể coi thường.  Thiếu cẩn trọng sẽ dẫn tới sự thất bại và có thể mất mạng sống.  Nhờ sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà chúng ta được trang bị sức mạnh cần thiết trong cuộc sống hằng ngày, khi xung quanh ta có biết bao khuynh hướng khác nhau đang giằng co lôi kéo con người.  Có thể đó là một triết thuyết vô thần làm cho chúng ta bỏ Chúa, hay một người đồng nghiệp có lối sống vụ lợi ích kỷ, hoặc một thành viên trong gia đình có quan điểm sống trái với giáo huấn của Tin Mừng.  Sống khôn ngoan theo lời Chúa dạy, chính là sự chọn lựa và quyết định cho mọi hành vi của mình.
 
Môn đệ là người sống quảng đại bao dung.  Ônêximô là một người đầy tớ của ông Philêmôn.  Anh đã dại dột trộm cắp tài sản của chủ.  Thánh Phaolô đã tiếp đón chàng thanh niên này và cho anh nhập Đạo, đồng thời muốn gửi lại cho ông Philêmôn và mời ông đón nhận “không phải như một người nô lệ, mà là một người anh em rất thân mến,” thậm chí còn “đón nhận nó như đón nhận chính tôi.”  Chỉ có người môn đệ đích thực của Chúa mới có thể thực hiện nghĩa cử này.  Môn đệ là người từ bỏ tất những gì thuộc về mình cả nhưng lại sẵn lòng đón nhận tất cả mọi người như anh chị em thân thiết.
 
Trở lại với khái niệm “môn đệ” được quảng diễn trên đây, người Kitô hữu được mời bước qua cửa là chính Chúa Giêsu.  “Tôi là cửa, ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10,9).  Bước qua cửa Giêsu là một chuỗi những cố gắng nỗ lực để lắng nghe và thực thi lời Người.  Người môn sinh chỉ có thể trưởng thành và được giáo huấn khi đón nhận những gì thày mình dạy và làm gương.  Vâng, Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta bằng chính cuộc sống của Người, nhất là bằng thập giá.  Người đang mời gọi ta hãy vác thập giá cuộc đời mà đi theo Người.  Thập giá sẽ nở hoa nếu chúng ta vác đi trong tâm tình yêu mến và phó thác.
 

--

Nguồn tin: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập19
  • Hôm nay11,287
  • Tháng hiện tại86,352
  • Tổng lượt truy cập36,140,907
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây