LẮNG NGHE LINH HỒN CỦA CHÚNG TA

Thứ sáu - 27/12/2024 22:24
unnamed (1)
unnamed (1)
Trong thời Thế chiến Thứ hai, khi Phát xít Đức chiếm đóng nước Pháp, một nhóm thần học gia Dòng Tên đã phản đối việc chiếm đóng bằng cách xuất bản một tờ báo ngầm, Tập sách Chứng từ Kitô (Cahiers du Temoignage Chretien), với dòng mở đầu bất hủ trên số báo đầu tiên: “Nước Pháp, cẩn thận đừng để mất linh hồn mình.”  Chuyện đó làm cho tôi nhớ lại một câu của linh mục Hans Kolvenbach, cựu Bề trên Tổng quyền Dòng Tên.  Nói về toàn cầu hóa, cha cho rằng một trong những điều cha sợ nhất về toàn cầu hóa, chính là sự toàn cầu hóa sự tầm thường.  Một cảnh báo quá đúng!
 
Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến sự tầm thường hóa linh hồn trong nền văn hóa.  Bây giờ không còn mấy chuyện siêu nhiên nữa, nghĩa là còn ít chuyện liên quan đến linh hồn.  Những chuyện từng mang ý nghĩa thâm sâu, bây giờ lại liên quan đến những thứ bình thường hơn.  Như tình dục chẳng hạn.  Nền văn hóa này (trừ một vài giáo hội lẻ loi đứng ngoài xu thế) ngày càng tin rằng tình dục phải không liên quan đến linh hồn, trừ khi chúng ta muốn nó như thế và cho nó một ý nghĩa như thế.  Ví dụ gần đây, trong một tranh luận, tôi nghe có người giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng về luân lý trong việc một giáo sư ngủ với sinh viên của mình bằng lập luận: có gì khác nhau giữa chuyện này với chuyện một giáo sư chơi quần vợt với sinh viên của mình chứ?  Vậy quan điểm của người đó là gì?  Tình dục không cần phải đặc biệt trừ khi chúng ta muốn nó đặc biệt.  Có gì khiến làm tình khác với một trận quần vợt?
 
Chỉ có những người ngây thơ đến độ nguy hiểm mới không thấy sự khác biệt quá lớn về mặt linh hồn ở đây.  Một trận quần vợt không chạm đến chiều sâu của linh hồn.  Nhưng tình dục thì có, và nó là như thế không chỉ bởi một số giáo hội nói như thế.  Chúng ta thấy rõ chuyện này khi nó bị xâm phạm.  Freud từng nói, chúng ta hiểu rõ nhất cái gì đó khi nó vỡ.  Ông nói đúng, và trong chuyện này, không gì thể hiện rõ hơn tác hại của bạo lực và lạm dụng tình dục lên người khác.  Khi tình dục sai trái, thì có sự xâm phạm linh hồn quá lớn so với một trận quần vợt.  Thậm chí nếu các giáo hội không khẳng định như vậy, thì tình dục vẫn là chuyện của linh hồn.  Bởi vì nó liên kết với linh hồn theo những cách mà trận quần vợt không thể làm được.  Mỉa mai thay, khi nền văn hóa này đang tầm thường hóa quan điểm truyền thống của xã hội về tình dục vốn xem nó liên quan đến linh hồn, thì những chuyên gia chữa trị tổn thương về tình dục lại thấy rõ hơn bao giờ hết sự khác biệt không thể so sánh nổi về mặt linh hồn, giữa chuyện bị lạm dụng tình dục với một trận quần vợt.
 
Tuy nhiên, chúng ta không chỉ đang tầm thường hóa chuyện của linh hồn, mà còn chật vật trong việc lắng nghe linh hồn.  Một điều đáng chú ý là thời nay, lời cảnh báo này không phải đến từ các giáo hội cho bằng đến từ các triết gia theo thuyết bất khả tri, và những nhà phân tích tâm lý theo trường phái Jung.  Ví dụ như, nét chủ đạo trong những bài viết của James Hillman, triết gia theo thuyết bất khả tri về linh hồn, nói rằng nhiệm vụ của cuộc sống là sống trong cảm xúc sâu đậm của linh hồn và chúng ta chỉ có thể sống được khi lắng nghe linh hồn của mình.  Và ông thừa nhận, có rất nhiều thứ đang lâm nguy.  Trong quyển sách Tự tử và Linh hồn (Suicide and the Soul), ông cho rằng đôi khi trong chuyện tự tử, linh hồn không thể kêu thấu ai, nên cuối cùng đã giết đi thân xác.
 
Tâm lý chiều sâu cũng có những cái nhìn tương tự và cho rằng sự hiện diện của một số triệu chứng nhất định như trầm cảm, lo âu quá độ, rối loạn mặc cảm tội lỗi và nhu cầu cần tự chữa cho mình thường là tiếng kêu của linh hồn muốn được lắng nghe.  Tiến sĩ tâm lý theo trường phái Jung, James Hollis, cho rằng đôi khi chúng ta có những ác mộng là bởi linh hồn đang giận dữ với chúng ta, ông còn nói rằng, khi thấy những triệu chứng đó, chúng ta cần tự hỏi: “Linh hồn muốn gì nơi tôi?”
 
Thật sự, linh hồn muốn gì nơi chúng ta?  Linh hồn muốn nhiều thứ, dù về bản chất quy về ba điều này: được bảo vệ, được tôn kính, và được lắng nghe.
 
Trước hết, linh hồn cần được bảo vệ khỏi sự xâm phạm và tầm thường hóa.  Những gì nằm ở nơi thâm sâu nhất của chúng ta, ở trọng tâm linh hồn chúng ta, là điều mà Thomas Merton từng mô tả là điểm trinh nguyên.  Tất cả những gì thiêng liêng nhất, dịu dàng nhất, chân thật nhất và yếu đuối nhất nơi chúng ta trú ở đó, và dù linh hồn chúng ta liên tục xin bảo vệ, nhưng linh hồn không thể tự bảo vệ chính mình.  Linh hồn cần chúng ta bảo vệ điểm trinh nguyên đó.
 
Thứ hai, linh hồn cần được tôn kính, cần chúng ta tôn trọng sự thiêng liêng của nó và nhìn nhận chiều sâu của nó.  Linh hồn cứu rỗi là “bụi gai đang cháy” mà chúng ta cần cởi giày khi đến gần.  Đánh mất sự tôn kính đó chính là tầm thường hóa chiều sâu của chính mình.
 
Cuối cùng, linh hồn cần được lắng nghe.  Tiếng kêu, sự kháng cự của linh hồn và những giấc mơ mà linh hồn cho chúng ta trong giấc ngủ, là những điều mà chúng ta phải lắng nghe.  Hơn nữa, linh hồn cần được lắng nghe không chỉ trong những lúc hăng hái mà còn trong những lúc nặng nề, buồn sầu, giận dữ.  Cũng thế, chúng ta cần phải lắng nghe cả yêu cầu được bảo vệ của linh hồn và thách thức của linh hồn muốn chúng ta mạo hiểm.
 
Linh hồn là điều quý báu xứng đáng để chúng ta bảo vệ.  Linh hồn là tiếng nói thâm sâu nhất trong chúng ta, nói lên những gì quan trọng nhất và đánh động nhất trong đời chúng ta, và chúng ta cần luôn mãi để ý đến lời cảnh báo này: cẩn thận đừng để mất linh hồn mình.
 

 

Nguồn tin: Rev. Ron Rolheiser, OMI

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập53
  • Hôm nay11,639
  • Tháng hiện tại376,560
  • Tổng lượt truy cập36,022,905
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây