Tình cha.

Chủ nhật - 08/03/2015 03:11

Tình cha.

Tránh cái nhìn của cả lớp, Tùng ngoảnh ra cửa sổ. Không thấy mặt Tùng nhưng có thể thấy rõ hai vòng tay và cổ của Tùng đỏ ửng. Giờ trả bài tập làm văn là giờ sôi động nhất, vì thầy giáo thường đọc cho cả lớp nghe hai bài, bài đươc điểm cao nhất và bài có điểm thấp nhất.
Tất nhiên, bài cao điểm được nghe những tràng pháo tay, và bài có điểm thấp là những trận cười, chưa kể sau đó còn hình thành nên nhiều giai thoại từ những câu mà thầy nhận xét là ” què cụt, thiếu sức thuyết phục…“. Và giai thoại này đôi khi còn lan truyền ra các lớp khác, mà tác giả của nó chỉ còn cách là lấy hai tay che mặt lại.
Vào giờ này cả lớp đứa nào cũng hồi hộp, khi xấp bài trên tay thầy đã vơi nhiều rồi, mà bài của mình vẫn chưa thấy đâu.
Hôm nay, như thường lệ, thầy mở cặp lấy xấp bài ra là cả lớp nhấp nhổm. Với đề ra là ” Hãy kể lại một kỷ niệm sâu sắc của em”, thầy đã nói rằng, lớp có bốn mươi học sinh, thì chắc sẽ có bốn mươi kỷ niệm khác nhau, không như khi chứng minh trích đoạn nào đó bị thầy chê là đơn điệu, chúng tôi thường chống chế ” Thầy ơi, học cùng nhau thì làm sao mà dẫn chứng không trùng lặp được “.
Điều khác thường là thầy đưa xấp bài cho lớp trưởng, chỉ giữ lại một bài. Chỉ một ! Đứa nào cũng nhón người nghểnh cổ cho cao lên một chút, để cố nhìn cho ra tên của ai, và được mấy điểm, nhưng không được. Bài hay nhất ? Dở nhất?
Giỏi văn nhất lớp là Tuyết Anh. Nhưng rồi dự đoán của chúng tôi tiêu tan khi Tuyết Anh với tay nhận bài từ lớp trưởng. Vậy là thầy giở lại bài dở nhất rồi ! Cả lớp chuyển ánh mắt nhìn về phía Long với tiếng cười khúc khích. Nhưng rồi Long cũng nhận được bài của mình.
Vậy thì của ai? Hay? Dở? Làm sao biết trước được bài sẽ đọc lên hôm nay là của ai? Trời, môn Văn… Có khi bài trước mới được sáu điểm với lời phê :“Lối hành văn trong sáng, nên đọc nhiều để dẫn chứng phong phú hơn” thì bài sau nhận được ngay điểm bốn với lời phê :“Quá lan man dông dài”! Điểm bảy môn văn của thầy là một ước mơ xa! Ngay cả Tuyết Anh cũng nói vậy.

Chúng tôi nhìn theo tay của lớp trưởng, cho đến khi bài cuối cùng được phát ra. Chỉ mình Tùng là chưa có. Không hẹn mà cả lớp đều ngạc nhiên nhìn về phía Tùng, tác giả của bài văn trên tay thầy.
Tránh cái nhìn của cả lớp, Tùng ngoảnh ra cửa sổ. Không thấy mặt Tùng, nhưng có thể thấy rõ hai vòng tai và cổ của Tùng đỏ ửng.
Tùng là học sinh trường huyện, mới chuyển về lớp tôi được một tháng nay. Không có gì nổi trội, nơi Tùng cái gì cũng bình thường, và chưa có gì tỏ vẻ ra là đặc biệt về môn Văn cả. Vậy mà điểm tám. Phải, điểm tám ! Chúng tôi nhìn rõ số tám đỏ chót trong ô điểm, khi thầy đưa tay sửa lại cặp kính trên sống mũi, cử chỉ quen thuộc mỗi khi thầy xúc động. Giọng thày trầm trầm:
Kỷ niệm sâu sắc nhất của em là khi nhận được thư của ba em. Nhà em nghèo lắm, nhưng ba má em cho ra ngoài phố học, để sau này em có thể làm điều gì đó tốt đẹp hơn. Cho em ra phố, ngoài việc phải kiếm việc làm thêm, để có tiền trang trải chuyện học hành của em, ba em còn phải làm những việc mà khi ở nhà, em có thể đỡ đần cho gia đình. Chưa bao giờ ba má viết gì cho em cả. Hồi em còn ở nhà, mỗi khi cần thư về quê đều do tay em viết…”
Thầy ngừng đọc, nhìn cả lớp:
Các em, thầy sẽ chép lại nguyên văn lá thư của ba bạn Tùng lên bảng cho chúng ta cùng đọc.
Một chuyện lạ! Tất cả chúng tôi hồi hộp tò mò, đọc từng chữ hiện ra dưới tay thầy:
“Con iu thươn của ba. Chìu hôm qua ba kiu người báng con heo để có tiềng gưởi cho con con nhớ nhà khôn ? Cả nhà nhớ con nhìu lắm cố họch nge con chừn nào mùa màn song ba má xẻ ra thăm con”.
Lá thư vỏn vẹn 45 chữ.
Khi thày quay lại thì Tùng đã úp mặt xuống bàn, hai vai run run. Mắt thầy cũng đỏ hoe.
Cả lớp im phăng phắc trước lá thư đầy lỗi chính tả trên bảng, lá thư yêu thương và gửi gắm của một người cha, vốn chỉ quen với cày cuốc, lần đầu tiên cầm bút viết thư cho con.

Tác giả bài viết: Thanh Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập14
  • Hôm nay9,403
  • Tháng hiện tại160,470
  • Tổng lượt truy cập35,426,751
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây