CÂU HỎI TÌM HIỂU
1. Đọc Lc 2, 41-42. Bạn nghĩ gì về lòng đạo đức của cha mẹ Đức Giêsu qua đoạn Tin Mừng này? Đọc Xh 23,14-17.
2. Đọc Lc 2,43-45. Bạn nghĩ gì về cuộc tìm kiếm con của cha mẹ Đức Giêsu.
3. Đọc Lc 2,46-47. Bạn nghĩ Đức Giêsu năm 12 tuổi có phải là một thần đồng hay một bậc thầy không? Ngài có cần học tập như các trẻ em khác không? Đọc thêm Lc 2,52.
4. Đọc Lc 2,48. Bạn nghĩ gì về câu nói của Đức Maria?
5. Đọc Lc 2,49-50. Câu trả lời của Đức Giêsu vén mở cho ta thấy điều gì về con người Ngài? Tại sao cha mẹ Đức Giêsu lại không hiểu?
6. Đức Giêsu có bị giằng co giữa sự vâng phục cha mẹ và sự vâng phục Thiên Chúa không? Rốt cuộc Đức Giêsu đã chọn ai? Ngài có phải trả giá không? Đọc Lc 2,49.51.
7. Đọc Lc 2,52. Cậu Giêsu lớn lên về những mặt nào? Cậu có lớn lên một cách quân bình không?
8. Đọc Lc 2,19 và Lc 2,51. Mẹ Maria thường có thái độ nào khi gặp một biến cố khó hiểu?
GỢI Ý SUY NIỆM
Qua đoạn Tin Mừng này, bạn học được gì nơi Thánh Gia? Đâu là những đau khổ của các bậc cha mẹ thời nay khi nuôi dạy con cái? Bài Tin Mừng này giúp gì cho các bậc cha mẹ khi gặp xung khắc với con cái?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Theo sách Xuất hành 23,14-17, “mỗi năm ba lần, tất cả đàn ông con trai phải đến trước nhan Chúa Tể là ĐỨC CHÚA.” Đó là vào các lễ Bánh Không Men, lễ Mùa gặt và lễ Thu hoạch. Ba lễ này còn được gọi là lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần và lễ Lều. Cứ theo luật thì Mẹ Maria không phải lên Đền thờ Giêrusalem vào ba lễ này. Cậu Giêsu trên nguyên tắc cũng không buộc phải giữ luật lên Đền thờ nếu Cậu chưa được coi là con trai trưởng thành (bar mitzvah), thường vào khoảng mười ba tuổi. Bởi đó việc cả gia đình cùng nhau hàng năm lên Đền thờ để mừng lễ Vượt Qua là một dấu hiệu cho thấy lòng đạo đức của họ.
2. Cuộc tìm kiếm này hẳn đã diễn ra trong lo sợ và nước mắt. Ông bà đi từ Đền thờ về nhà một ngày đường mới khám phá là con mình không đi chung với các nhóm bà con thân thuộc. Tìm kiếm và không thấy nên mới trở lại Đền thờ để tìm con. Sau ba ngày mới thấy con trong Đền thờ (Lc 2,46). Đời người tín hữu cũng có những kinh nghiệm tương tự: thấy mất Chúa và đi tìm Chúa.
3. Có những thần học gia dùng đoạn Tin Mừng hôm nay để chứng minh về thần tính của Đức Giêsu. Theo họ, Đức Giêsu ngay từ khi còn là một cậu bé đã có sự khôn ngoan vượt trội, thậm chí siêu đẳng. Cậu đã trò chuyện với các bậc thầy trong Đền thờ và khiến họ phải kinh ngạc về sự hiểu biết của Cậu. Bởi đó có người đã dựa vào đây để kết luận rằng Đức Giêsu là người biết hết mọi sự như Thiên Chúa. Thật ra, nếu đọc kỹ Lc 2,46-47, chúng ta có thể thấy Cậu Giêsu ở lại trong Đền thờ, không phải để dạy dỗ các bậc thầy, nhưng để học hỏi nơi họ. Chẳng rõ Cậu đã ngồi với các vị thầy từ khi nào, nhưng thái độ của Cậu là lắng nghe họ, và đặt những câu hỏi (vì không biết hơn là vì có ý thách đố). Nhưng Cậu cũng là người trả lời những câu hỏi do họ đặt ra. Đây là kiểu dạy học đặc trưng của các rabbi. Dưới mắt các vị thầy này, Cậu Giêsu là một cậu bé có hiểu biết khôn ngoan đáng phục, giống như cậu Đanien ngồi giữa các kỳ lão để phân xử chuyện bà Suzanna (Đn 13,50). Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ Cậu Giêsu là một thần đồng, vì Cậu cũng lớn lên về mọi mặt nhờ học tập và kinh nghiệm như các thiếu niên bình thường khác (Lc 2,40.52).
4. Sau ba ngày tìm kiếm, hai ông bà sửng sốt khi thấy Con mình ung dung ngồi giữa các vị thầy, đang học hỏi về đạo lý với họ. Mẹ Maria không thể không buông lời trách con: “Này con, sao con lại làm thế với cha mẹ? Này cha con và mẹ đã đau lòng tìm con” (Lc 3,48). Rõ ràng Mẹ không hiểu tại sao Con mình ở lại Đền thờ mà không báo cho cha mẹ biết trước. Mẹ biết Con mình đã lớn, đã có trí khôn để hiểu hậu quả việc mình làm. Mẹ Maria muốn nói cho Con biết ba ngày qua là ba ngày cha mẹ tìm kiếm trong âu lo và nước mắt, vì sợ lạc mất Con vào tay người xấu.
5. Luca 2,49 cho thấy câu trả lời bất ngờ và khó hiểu của Cậu Giêsu trước câu hỏi của Mẹ Maria. Cậu trả lời bằng cách hỏi ngược lại Mẹ của mình bằng hai câu hỏi: “Tại sao Mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết con phải ở nhà của Cha con sao?” Qua câu nói trên của Cậu Giêsu, ta thấy lần đầu tiên Cậu tỏ cho cha mẹ thấy mầu nhiệm của Cậu. Lần đầu tiên Cậu cho thấy sự độc lập của mình trước cha mẹ trần thế, đồng thời cho thấy tương quan thân thiết giữa mình với Thiên Chúa, Đấng mà Cậu gọi là Cha của Con. Chính tiếng gọi của Người Cha ấy đã khiến Cậu phải ở lại Đền thờ, là Nhà của Cha Cậu. Người Cha ấy quan trọng hơn cả cha mẹ trần thế. “Ông bà đã không hiểu lời Ngài nói với họ.” Đức Giêsu vẫn là một mầu nhiệm mà Mẹ Ngài phải suy ngẫm suốt đời.
6. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy một giai đoạn lớn lên của Đức Giêsu. Từ năm mười hai tuổi, Ngài từ từ nhận ra tiếng gọi bên trong của Thiên Chúa mà Ngài âu yếm gọi là Cha của con, Abba. Tiếng gọi ấy lớn dần và chi phối toàn bộ cuộc sống của Ngài. Không phải lúc nào Đức Maria và thánh Giuse cũng hiểu Ngài, hiểu con đường Ngài phải đi theo ý Cha. Chính vì thế cũng có lúc Ngài phải chọn sống theo ý Cha trên trời hơn theo ý cha mẹ trần thế. Đức Giêsu vẫn vâng phục cha mẹ (Lc 2,51), nhưng cũng có lúc Ngài làm cho họ buồn lòng (Lc 2,48). Không thể tránh được mọi giằng co…
7. Cậu Giêsu lớn lên hay tiến bộ về ba phương diện: về khôn ngoan, về vóc dạng và về ân nghĩa trước Thiên Chúa và người ta (Lc 2,52; xem thêm Lc 2,40). Lớn lên hay tiến bộ (prokóptô) là động từ cho thấy mầu nhiệm Nhập Thể. Con Thiên Chúa khi làm người, đã không lớn lên một cách thần kỳ, nhưng lớn lên như chúng ta. Ngài lớn lên quân bình về cả ba mặt. Càng lúc Ngài càng khôn ngoan hơn, cao lớn mạnh mẽ hơn, và có tương quan càng lúc càng sâu hơn với Thiên Chúa và tha nhân. Tất cả sự lớn lên ấy chuẩn bị cho sứ vụ tương lai Cha sẽ trao khi Ngài vào tuổi ba mươi.
8. Khi đọc Lc 2,19.51 ta thấy Đức Maria có thái độ ghi nhớ những chuyện xảy ra và suy đi nghĩ lại trong lòng. Khi gặp những điều mà Mẹ không sao hiểu được. Mẹ Maria thường không gạt đi, nhưng giữ kỹ nơi trái tim để suy nghĩ. Có những biến cố hay lời nói mà Mẹ không thể hiểu ngay, Mẹ cần thời gian để chiêm niệm. Đó là thói quen của Mẹ: cầu nguyện dựa trên những biến cố mỗi ngày.
Nguồn tin: Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn