THỰC HIỆN Ý CHÚA

Thứ bảy - 28/12/2024 09:45
tải xuống (1)
tải xuống (1)

Vào đêm Chúa Giê-su sinh hạ tại Bê-lem, những người mục đồng đơn sơ chất phác là những người đầu tiên được loan báo tin mừng vĩ đại này. Sứ thần nói với họ: “Này tôi báo cho các anh một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân. Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít”. Đây quả là một tin mừng trọng đại, vì sự kiện Đấng Cứu Thế sinh hạ được dân Do Thái mong đợi từ nhiều thế hệ. Vậy mà, sự kiện trọng đại ấy lại diễn ra vào đêm đông giá lạnh, và một nơi nghèo nàn đơn sơ, đó là hang đá, nơi cho bò lừa trú ngụ.

Chắc hẳn, khi được thiên thần loan báo, các mục đồng tưởng tượng một khung cảnh huy hoàng như trong các câu chuyện cổ tích. Trái lại, khi đến nơi, họ thấy một khung cảnh hết sức đơn sơ bình dị và quá đỗi quen thuộc. Thánh Lu-ca viết: “Họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se và Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ”. Một người mẹ, một người cha và một hài nhi, đó là khung cảnh GIA ĐÌNH, hết sức thân thương và quen thuộc. Điều mà các mục đồng được chiêm ngưỡng, xem ra không có gì đặc biệt, nhưng lại là THÁNH GIA. Đó là gia đình của Thánh Giu-se, Đức Trinh nữ và Chúa Giê-su Ngôi Lời nhập thể làm người để cứu độ trần gian. Con Thiên Chúa đã khởi đầu công cuộc cứu độ từ gia đình. Qua mầu nhiệm Nhập thể, Ngôi Hai Thiên Chúa hạ cố làm người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Người có một quê hương, một gia đình, mặc dù Thánh Giu-se chỉ là người cha nuôi hay người bảo hộ. Hài nhi Giê-su từng ngày lớn lên dưới sự chăm sóc yêu thương của Trinh nữ Ma-ri-a và Thánh Giu-se, để rồi “Người càng thêm tuổi, càng thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40).

Chúa Nhật sau lễ Giáng Sinh, Giáo hội chiêm ngưỡng Thánh Gia. Đây là gương mẫu cho mọi gia đình. Một gia đình nghèo khó, đơn sơ âm thầm trải qua năm tháng tại miền quê Na-da-rét, nhưng đã trở nên trường học cho mọi gia đình, nhất là gia đình các Ki-tô hữu. Việc Ngôi Hai nhập thể đã chọn một gia đình làm nơi khởi đầu cho cuộc sống nhân thế và công cuộc cứu chuộc trần gian, cho thấy gia đình có vai trò quan trọng trong việc đào tạo giáo dục con người, cũng như trong sứ mạng chuyển tải chất men Tin Mừng để giúp mọi người đạt tới ơn Cứu độ.

Đức Giê-su đã đến trần gian để thực thi ý Chúa Cha. Việc Người ở lại trong Đền thờ Giê-ru-sa-lem đã chứng minh điều ấy. Tuy sự kiện này gây phiền muộn cho Thánh Giu-se và Đức Mẹ, nhưng đây là dịp để Đức Giê-su khẳng định, Người hoàn toàn tùy thuộc ý muốn của Chúa Cha và chuyên tâm làm đẹp lòng Ngài. Trước đây chúng ta quen nói: Đức Giê-su “bị lạc” trong Đền Thờ, nhưng nay, nhiều tác giả thích diễn tả chính xác hơn: Đức Giê-su “ở lại” trong Đền Thờ. Có lẽ Thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a chưa thực sự hiểu điều ấy, nên hai ông bà sửng sốt ngỡ ngàng. Trước biến cố này, Đức Ma-ri-a vẫn ghi nhớ và luôn suy niệm trong lòng.

Bài đọc trích sách Sa-mu-en giới thiệu với chúng ta một người mẹ khác, đó là bà An-na. Bà đã sinh hạ Sa-mu-en cách lạ thường, vào lúc tuổi đã xế chiều và sau chuyến hành hương cầu nguyện. Sa-mu-en là một đứa trẻ “cầu tự”. Bà An-na đã tuân giữ lời hứa với Chúa, và đem dâng con tại Đền thờ Si-lô, nơi bà đã hành hương cầu nguyện trước đó. Nội dung Bài đọc I muốn nói với chúng ta: Thiên Chúa quyền năng có thể làm những gì mà nơi con người là điều bất khả thi. Tác giả mời gọi chúng ta tin tưởng phó thác nơi quyền năng cao cả của Thiên Chúa và luôn cậy trông vào Ngài. Đó cũng là nội dung của Bài đọc II, trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ. Người môn đệ được Chúa Giê-su yêu mến nhắc nhở chúng ta: “Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta”.

Chúa Nhật lễ Thánh Gia năm nay cũng là ngài khai mạc Năm Thánh thường lệ tại các Giáo phận trên toàn thế giới. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã long trọng mở Cửa Thánh tại Rô-ma lúc 19h00 (giờ Rô-ma) ngày 24/12. Năm Thánh là thời điểm Hồng Phúc, giúp chúng ta hoán cải nội tâm, canh tân đời sống và thực thi giáo huấn của Tin Mừng. Đức Thánh Cha đã chọn chủ đề cho Năm Thánh 2025 là “Những người hành hương của niềm hy vọng“. Sống trên đời, mỗi chúng ta đều là những người hành hương. Đích điểm của chúng ta được Thánh Phao-lô nói rõ: “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20). Trong cuộc hành hương trần thế, mỗi chúng ta đều mang trên đôi vai biết bao trăn trở ưu tư của cuộc sống. Tuy vậy, Ki-tô hữu là người luôn hướng về Đức Ki-tô, như niềm hy vọng duy nhất và đích thực của đời mình. Ki-tô hữu cũng là những sứ giả đem niềm hy vọng cho thế giới. Trong Năm Thánh, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy lên đường để khẳng định với thế giới đang bị tổn thương hôm nay: Đức Giê-su là niềm hy vọng của chúng ta. Ai tin vào Người sẽ không phải thất vọng.

Xin cho mỗi gia đình trở nên một thánh gia, nơi có Thiên Chúa hiện diện, nơi tràn ngập yêu thương trong tình tương thân tương ái, để mọi người cùng thực thi giới răn yêu thương của Chúa, và làm cho Thánh ý Chúa Cha được thể hiện. 

 

Nguồn tin: + ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập59
  • Hôm nay12,277
  • Tháng hiện tại399,011
  • Tổng lượt truy cập36,045,356
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây